Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Thuốc lá điện tử chưa chịu sự điều chỉnh của Luật
Ninh Gia
Thứ ba, 12/11/2024 - 08:32
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Liên quan đến vấn nạn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là loại thuốc lá mới, chưa chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá do khi xây dựng luật cách đây 10 năm chưa xuất hiện.
Tại phiên chất vấn, đã có 82 đại biểu đăng ký nêu câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Trong đó, là người nêu chất vấn đầu tiên, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) đề cập vấn đề tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với sức khỏe con người, nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá thực trạng và giải pháp cho vấn đề này.
Trả lời chất vấn của đại biểu đoàn Đắk Nông, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang trong quá trình sửa đổi. Luật đã triển khai hơn 10 năm, khi xây dựng Luật chưa xuất hiện các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo Bộ trưởng, gần đây, đã có nhiều ý kiến về các sản phẩm thuốc lá mới và trên cơ sở đánh giá thực tế, tham khảo WHO, các tổ chức liên quan, Bộ Y tế khẳng định quan điểm, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, tính mạng người dân, nhất là giới trẻ.
Bộ Y tế đã có điều tra tình hình sử dụng các sản phẩm này ở người trưởng thành, điều tra theo từng nhóm tuổi cụ thể và nhu cầu sử dụng. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tập trung cao nhất ở độ tuổi 15-24 tuổi. Đặc biệt, việc sử dụng các sản phẩm này trong giới trẻ, nhất là ở trẻ em gái tăng lên. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh (13-15 tuổi) tăng từ 3,5% (năm 2022) lên 8% (năm 2023)…
Dựa trên việc tập hợp các bằng chứng, căn cứ khoa học trên thế giới về việc thuốc lá mới có chứa nhiều chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Bộ Y tế đã có báo cáo đánh giá tác động của các loại thuốc lá mới, trình Chính phủ. Mang theo các sản phẩm thuốc lá điện tử đến nghị trường để làm bằng chứng cho thấy hình dạng các sản phẩm thuốc lá điện tử trông giống như những món đồ chơi, rất khó phát hiện, dễ hấp dẫn giới trẻ, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định đây là điều rất khó kiểm soát.
"Có ai cho rằng đây là một sản phẩm thuốc lá điện tử không? Hình dạng thuốc lá điện tử như đồ chơi, rất bắt mắt với trẻ em. Khi những sản phẩm này tung vào thị trường sẽ có sức hút và tính hấp dẫn lớn với giới trẻ. Bộ Y tế mong muốn có nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật về sửa đổi Phòng chống tác hại thuốc lá được trình Quốc hội trong thời gian tới", Bộ trưởng đề nghị.
Bộ Y tế đã đưa ra các nguyên nhân khiến các sản phẩm thuốc lá mới vẫn trôi nổi trên thị trường dù không có quy định nào cho phép. Tuy nhiên, vì lợi nhuận của ngành công nghiệp thuốc lá, các sản phẩm này vẫn tồn tại trên thị trường.
"Trên quan điểm là cơ quan bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế đề xuất thời gian tới sẽ có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Bộ Y tế đã có báo cáo Quốc hội liên quan đến việc cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (sửa đổi) xem xét, thông qua", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, tại Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" mới đây, 100% các em đã đồng ý việc xin cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bộ trưởng mong muốn đề xuất này được xem xét tại kỳ họp. Quốc hội đưa ra được quyết định cấm các sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Mỗi người chỉ có một giấy phép hành nghề
Liên quan đến vấn đề cấp phép hoạt động hành nghề y, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn ĐBQH Đà Nẵng chất vấn: Thời gian qua, cử tri ngành y tế rất bức xúc về vấn đề cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Quy định người hành nghề có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề tại bất kỳ địa phương nào, đã dẫn đến một người có nhiều giấy phép hành nghề và có thể phụ trách chuyên môn kỹ thuật nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành khác nhau. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, giải pháp quản lý để đảm bảo mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề và đứng tên một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cũng như Nghị định 96 liên quan tới việc cấp giấy phép hành nghề đối với người hành nghề, đã có quy định về việc một người chỉ có một giấy phép hành nghề.
Hiện ngành y tế đang tiến tới quản lý trên toàn quốc việc sử dụng giấy phép hành nghề. Từ năm 2015, Bộ Y tế đã có phần mềm quản lý người hành nghề khám chữa bệnh trên toàn quốc. Đến thời điểm này, đã có khoảng 430.000/600.000 người hành nghề đã được đưa vào quản lý trên toàn quốc. Tuy nhiên, hệ thống này được xây dựng, trên cơ sở hệ thống đóng; việc cập nhật, quản lý, sử dụng đang được nâng cấp trên cơ sở kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của các địa phương, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của quốc gia và sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Bộ Y tế cũng đang triển khai các giải pháp để có hệ thống thống nhất trên toàn quốc.
“Khi được nâng cấp, lãnh đạo các cấp và y tế của các địa phương đều có thể tham khảo và nắm được những thông tin về người hành nghề, để quản lý theo đúng quy định", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Cũng liên quan đến việc hành nghề của cán bộ y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn ĐBQH Thái Bình, chất vấn: Bộ Y tế đã ban hành chuẩn năng lực nghề nghiệp của bao nhiêu chức danh để làm cơ sở kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề? Nhất là khi việc đánh giá năng lực hành nghề được thực hiện bắt đầu từ ngày 1/1/2027. Riêng cấp cứu ngoại viện là chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề; tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nghề này chưa được đào tạo chính quy, tức là chưa có mã đào tạo, chưa được quy định về trách nhiệm, phạm vi chuyên môn, cũng như mô tả công việc cụ thể cho lực lượng cấp cứu ngoại viện
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện Bộ Y tế đã xây dựng cơ bản các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để phục vụ cho việc đánh giá năng lực vào năm 2027 và đang tiếp tục xây dựng cho các chức doanh khác như vấn đề cấp cứu ngoại viện, dinh dưỡng, lâm sàng… theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Thủ tướng cũng vừa ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia vào tháng 8/2024 và hiện nay Bộ Y tế đã trình quy chế tổ chức của Hội đồng Y khoa quốc gia. Đến khi thời điểm 1/1/2027, nội dung này liên quan tới đánh giá năng lực có hiệu lực thì sẽ có đủ các điều kiện và căn cứ để triển khai thực hiện.
(PLPT) - Trước câu hỏi chất vấn về hoạt động mua bán vàng chỉ được tổ chức tại các thành phố lớn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép kinh doanh mua bán vàng chứ không quy định bắt buộc ở địa điểm nào.
(PLPT) - Tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, phiên chất vấn diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/11 sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Ngân hàng, Y tế, Thông tin và Truyền thông.
(PLPT) - Luật Điện lực sửa đổi được xem là “chìa khoá” tháo gỡ khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
(PLPT) - Thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư khẳng định giáo dục giữ vị trí chiến lược trong công tác cán bộ; thầy cô giáo chính là nhân tố cốt lõi của quá trình giáo dục.
(PLPT) - Dự án Luật Dữ liệu được đặt ra trong bối cảnh vi phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng và cần có các quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
(PLPT) - Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp và có phát biểu quan trọng. Tạp Chí Pháp luật và Phát triển trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư.
(PLPT) - Liên quan đến dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng việc phân cấp, phân quyền mạnh là rất cần thiết, qua đó giúp cho việc đầu tư công “thuận buồm xuôi gió”.
(PLPT) - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, sau 13 năm áp dụng, các quy định về “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng đã phát huy tác dụng hạn chế tình trạng đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng hay sàng lọc nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính.