Nghiên cứu lý luận

Các quy định về hủy thầu theo Luật đấu thầu 2023 - nhìn từ góc độ căn cứ huỷ thầu và hậu quả pháp lý

TS. Đặng Hoàng Mai Thứ hai, 22/07/2024 - 14:58
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Hủy thầu là sự kiện pháp lý có thể dẫn đến những hậu quả bất lợi, thiệt hại cho nhà nước và các bên có liên quan. Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tăng cường trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu khi huỷ thầu thì quy định của pháp luật đấu thầu về vấn đề này vẫn cần được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hơn.

1. Dẫn đề:

Luật Đấu thầu 2023 có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng với kỳ vọng thiết lập nền tảng pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu 2013 nhằm đảm bảo môi trường đấu thầu cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả. Một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật Đấu thầu 2023 là nội dung liên quan đến việc huỷ thầu. Mặc dù là nội dung được sửa đổi, bổ sung so với Luật Đấu thầu 2013 nhưng có thể thấy việc sửa đổi, bổ sung nội dung này của Luật Đấu thầu 2023 không có sự thay đổi lớn trong quy định về căn cứ huỷ thầu (tuy có tách biệt thành hai trường hợp là đối với nhà thầu và đối với nhà đầu tư để quy định chi tiết hơn so với Luật Đấu thầu 2013) cũng như hậu quả pháp lý, trách nhiệm của các bên khi huỷ thầu. Đây là hai nội dung rất quan trọng, có thể coi là cốt lõi của quy định về huỷ thầu dẫn đến một số bất cập và thiếu đồng bộ khi áp dụng trên thực tế, cũng như thiếu cơ sở pháp lý chặt chẽ để ràng buộc và bảo vệ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan khi quản lý, tổ chức, tham dự đấu thầu. Vì vậy, tác giả bài viết sẽ phân tích làm rõ hơn về những nội dung này, trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện quy định về huỷ thầu, tạo sự minh bạch, chặt chẽ và đồng bộ hơn khi áp dụng quy định này trong thực tiễn.

2. Nội dung:

Huỷ thầu là việc người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu ban hành Quyết định huỷ thầu trong các trường hợp như hồ sơ mà nhà nhà thầu, nhà đầu tư nộp không đáp ứng được yêu cầu đặt ra; thay đổi mục tiêu, quy mô (phạm vi) đầu tư dẫn đến thay đổi về tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu/nhà đầu tư; hồ sơ do chủ đầu tư/bên mời thầu phát hành không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, quy định của pháp luật có liên quan khác, nhà thầu/nhà đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà thầu/nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm theo Luật Đấu thầu dẫn đến nhà thầu/nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu hoặc làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư và các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

Ảnh minh hoạ

Về thẩm quyền và căn cứ huỷ thầu được quy định như sau:

Người có thẩm quyền được huỷ thầu trong các trường hợp sau (quy định tại Điều 17, Khoản 5 – Điều 77 – Luật Đấu thầu 2023, Khoản 1 – Điều 57 – Nghị định số 23/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực):

Đối với đấu thầu lựa chọn nhà thầu, người có thẩm quyền được huỷ thầu trong các trường hợp: i) Thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư tại quyết định đầu tư đã được phê duyệt dẫn đến làm thay đổi về khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã được ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và hồ sơ yêu cầu; ii) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định tại Luật đầu tư và quy định khác của pháp luật liên quan dẫn đến việc nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu; iii) Nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định ở Điều 16 Luật Đấu thầu 2023; iv) Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu hiện hành dẫn đến làm sai lệch về kết quả lựa chọn nhà thầu.

Đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, người có thẩm quyền được huỷ thầu trong các trường hợp: i) Thay đổi mục tiêu, địa điểm, quy mô, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh mà có lý do bất khả kháng mà làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã được phát hành; ii) Hồ sơ mời thầu có một hoặc một số nội dung không tuân thủ quy định Luật Đấu thầu hiện hành, quy định khác của pháp luật liên quan dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn không còn đáp ứng được yêu cầu để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh; iii) Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định ở Điều 16 Luật Đấu thầu 2023; iv) Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư; v) tại thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu.

Chủ đầu tư được huỷ thầu đối với đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong các trường hợp sau (quy định tại Điều 17, Khoản 10 – Điều 78 – Luật Đấu thầu 2023, Khoản 4 và Khoản 19 – Điều 131 – Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về Lựa chọn nhà thầu): Tất cả hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; ii) Nhà thầu trúng thầu không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhà thầu trúng thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật Đấu thầu 2023; iii) tại thời điểm đóng thầu không có nhà thầu tham dự thầu.

Bên mời thầu được huỷ thầu đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (quy định tại điểm e – Khoản 2 – Điều 79 – Luật Đấu thầu 2023) trong trường hợp tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Như vậy, các căn cứ dẫn đến việc huỷ thầu rất đa dạng – có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Với quy định này có thể thấy Luật Đấu thầu 2023 đã quy định chi tiết và cụ thể về thẩm quyền và các căn cứ huỷ thầu, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và minh bạch cho các quyết định huỷ thầu. Việc đưa một số trường hợp có thể huỷ thầu vào mục Xử lý tình huống trong đấu thầu (đó là trường hợp người có thẩm quyền huỷ thầu đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi tại thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu; chủ đầu tư huỷ thầu đối với đấu thầu lựa chọn nhà thầu khi nhà thầu trúng thầu không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhà thầu trúng thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật Đấu thầu 2023 hoặc tại thời điểm đóng thầu không có nhà thầu tham dự thầu) là phù hợp vì trong các trường hợp này huỷ thầu chỉ là một trong các biện pháp mà người có thẩm quyền/chủ đầu tư có thể thực hiện (ví dụ như đối với trường hợp tại thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu thì người có thẩm quyền có thể cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu tối đa 30 ngày trước khi quyết định huỷ thầu, quy định tại Điểm a- Khoản 1 – Điều 57 – Nghị định số 23/2024/NĐ-CP).

Tuy nhiên, với cách quy định đóng khung về các căn cứ huỷ thầu mà không có điều khoản mở có tính chất dự liệu các trường hợp huỷ thầu khác theo quy định của pháp luật như quy định hiện nay của Điều 17 – Luật Đấu thầu 2023 đã cho thấy sự không phù hợp khi phát sinh trong thực tế một số trường hợp ngoài các căn cứ trên dẫn đến phải huỷ thầu. Thực tế, ngoài quy định phát sinh về căn cứ huỷ thầu trong các Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu nêu trên, thì còn có thể phát sinh các trường hợp huỷ thầu theo quy định của các Luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công – tư ... do những đặc thù của các lĩnh vực này trong việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đã có tác giả đưa ra đề xuất về việc việc bổ sung căn cứ huỷ thầu trong Luật Đấu thầu để đảm bảo sự đồng bộ với quy định của Luật Đất đai năm 2024 đối với trường hợp doanh nghiệp trúng thầu chậm ứng vốn để thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư (Khoản 8 – Điều 126 – Luật Đất đai năm 2024). Mặt khác, nếu tham khảo quy định về huỷ thầu của một số quốc gia chúng ta cũng sẽ thấy, về mặt căn cứ huỷ thầu, họ cũng quy định theo hướng mở.

Về hậu quả pháp lý, trách nhiệm của các bên khi huỷ thầu, theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, xét từ góc độ căn cứ huỷ thầu thì hậu quả pháp lý của việc huỷ thầu có thể chia làm 3 trường hợp:

Thứ nhất là trường hợp hủy thầu do tại thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu (đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư), tại thời điểm đóng thầu không có nhà thầu tham dự thầu (đối với đấu thầu lựa chọn nhà thầu). Trong trường hợp này, theo quy định, người có thẩm quyền yêu cầu bên mời quan tâm, bên mời thầu điều chỉnh hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu và tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư (Điểm b – Khoản 1 – Điều 57 – Nghị định số 23/2024/NĐ-CP); chủ đầu tư phải rà soát, sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu (nếu cần thiết) để bảo đảm trong hồ sơ không có điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, trên cơ sở đó tiến hành mời thầu lại (Điểm a – Khoản 4 – Điều 131 – Nghị định số 24/2024/NĐ-CP). Trong trường hợp này, việc không có nhà thầu/nhà đầu tư nào nộp hồ sơ (kể cả sau khi gia hạn) dẫn đến phải huỷ thầu thì việc kiểm tra, xét lại hồ sơ mời quan tâm/mời sơ tuyển/mời thầu là cần thiết và bắt buộc. Đối với trường hợp nếu sau khi rà soát, kiểm tra mà phát hiện thấy sự tắc trách, bất cẩn trong việc chuẩn bị, phát hành các hồ sơ của chủ đầu tư/bên mời thầu hoặc trong hồ sơ có quy định “điều kiện nhằm hạn chế sự tham dự thầu của các nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng” trái pháp luật dẫn đến việc huỷ thầu thì chủ đầu tư/bên mời thầu phải chịu trách nhiệm tuỳ theo mức độ vi phạm. Luật Đấu thầu hiện nay đã quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư (“Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu”- Khoản 12- Điều 78 – Luật Đấu thầu 2023)/bên mời thầu (“Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền trong phạm vi công việc được giao” – Khoản 2 – Điều 79 – Luật Đấu thầu 2023). Tuy nhiên, có thể thấy những quy định này chỉ mang tính nguyên tắc, trong khi quy định tại Điều 17 của Luật Đấu thầu 2023 lại không đề cập đến hậu quả pháp lý cụ thể cho từng trường hợp hủy thầu và Điều 87 – Luật Đấu thầu 2023 về Xử lý vi phạm cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc. Trong khi đó, trong thực tế, nhiều vụ việc huỷ thầu trong trường hợp này chủ đầu tư/bên mời thầu gần như “vô can”.

Thứ hai là các trường hợp huỷ thầu không liên quan đến việc có hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu và pháp luật có liên quan. Bao gồm các trường hợp: i) Tất cả hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, ii) Thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, iii) Nhà thầu trúng thầu không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhà thầu trúng thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật Đấu thầu 2023 (đối với đấu thầu lựa chọn nhà thầu) và các trường hợp: i) Tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, ii) Thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh vì lý do bất khả kháng, làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành (đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).

Theo quy định tại Khoản 4 – Điều 17 – Luật Đấu thầu 2023 thì đây là các trường hợp không có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến huỷ thầu nên không phát sinh việc đền bù chi phí cho các bên liên quan. Có thể thấy, đối với việc huỷ thầu do hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và không do lỗi của chủ đầu/bên mời thầu trong việc phát hành các hồ sơ thì việc không phát sinh việc đền bù chi phí như quy định là hợp lý. Đối với trường hợp huỷ thầu do thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh vì lý do bất khả kháng, làm thay đổi tiêu chuẩn tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành mà nhà thầu/nhà đầu tư không được đền bù chi phí liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, tham dự thầu/chi phí liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu, tham dự thầu thì chưa phù hợp và thiếu công bằng với nhà thầu/nhà đầu tư vì họ không có lỗi dẫn đến những thay đổi này.

Theo quy định tại Khoản 9 – Điều 14 – Luật Đấu thầu 2023, về việc hoàn trả bảo đảm dự thầu, nhà thầu/nhà đầu tư không được hoàn trả bảo đảm dự thầu trong trường hợp nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối ký kết hợp đồng, thỏa thuận khung trong thời hạn 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày hoàn thiện hợp đồng, thỏa thuận khung, trừ trường hợp bất khả kháng/ nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối ký kết hợp đồng trong thời hạn 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày hoàn thiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng. Cũng theo Điều này, các trường hợp còn lại nhà đầu tư/nhà thầu sẽ được hoàn trả bảo đảm dự thầu do không nằm trong các trường hợp không được hoàn trả. Tuy nhiên, thời hạn hoàn trả bảo đảm dự thầu đối với trường hợp huỷ thầu hiện không được quy định. Điều 14 – Luật Đấu thầu 2023 chỉ quy định: Bên mời thầu có trách nhiệm hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư không được lựa chọn theo thời hạn quy định trong hồ sơ mời thầu nhưng không quá 14 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt.

Thứ ba là các trường hợp huỷ thầu do có hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu và pháp luật có liên quan. Bao gồm các trường hợp: i) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu; ii) Nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 – Luật Đấu thầu2023; iii) Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 – Luật Đấu thầu 2023 dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu (đối với đấu thầu lựa chọn nhà thầu) và các trường hợp: i) Hồ sơ mời thầu có một hoặc một số nội dung không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn không còn đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh; ii) Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 – Luật Đấu thầu 2023; iii) Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 – Luật Đấu thầu 2023 dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư (đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).

Theo quy định tại Khoản 4 – Điều 17 – Luật Đấu thầu 2023, đây là những trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm phải đền bù chi phí cho các bên liên quan.

Đối với trường hợp huỷ thầu do Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu/Hồ sơ mời thầu có một hoặc một số nội dung không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn không còn đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh thì nhà thầu/nhà đầu tư được nhận lại bảo đảm dự thầu và được đền bù các chi phí (các chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được quy định tại Điều 15- Luật Đấu thầu 2023). Về phía người có thẩm quyền/chủ đầu tư/bên mời thầu tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính (Theo quy định tại Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư xử phạt đối với các hành vi như: Vi phạm về lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu – Điều 33, vi phạm về tổ chức lựa chọn nhà thầu và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất – Điều 34, vi phạm về hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu – Điều 40, vi phạm về tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất – Điều 41); hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 222 – Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng gồm các hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, thông thầu; gian lận trong đấu thầu, cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu, chuyển nhượng thầu trái phép); trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp huỷ thầu do Nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 – Luật Đấu thầu 2023; tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 – Luật Đấu thầu 2023 dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu (đối với đấu thầu lựa chọn nhà thầu) và trường hợp Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 – Luật Đấu thầu 2023; tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 – Luật Đấu thầu 2023 dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư (đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư) thì nhà thầu/nhà đầu tư không được nhận lại bảo đảm dự thầu và phải đền bù chi phí cho các bên có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm tuỳ theo mức độ và tính chất vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm quy định của Luật Đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 05 năm.

Đối với trường hợp thứ ba này, hậu quả pháp lý, trách nhiệm của các bên được xác định rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp huỷ thầu do có hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu và pháp luật có liên quan thì có thể phát sinh vấn đề phức tạp hơn khi xử lý hậu quả pháp lý. Chẳng hạn, một trường hợp đã có tác giả đề cập đến đó là trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất có quy mô lớn, có phân kỳ tiến độ đầu tư theo các giai đoạn và nhà đầu tư đã tạm ứng một phần chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư thì việc xử lý hậu quả pháp lý của việc huỷ thầu sẽ rất phức tạp. Tác giả kiến nghị trường hợp này có thể xem xét huỷ một phần kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Về vấn đề này, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024 đã giải quyết theo hướng: Nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm hoàn trả cho nhà đầu tư đã bị hủy kết quả trúng thầu chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã ứng trước khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; trường hợp không đấu thầu lại do Nhà nước điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án thuộc nguồn vốn ngân sách thì chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã ứng trước được sử dụng vốn đầu tư của dự án để chi trả cho nhà đầu tư bị hủy kết quả đấu thầu; trường hợp không sử dụng vốn đầu tư của dự án thì người được giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm hoàn trả cho nhà đầu tư đã bị hủy kết quả trúng thầu chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã ứng trước khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Tuy nhiên, quy định như vậy cũng sẽ đem đến rủi ro nhất định cho nhà đầu tư bị huỷ thầu vì nguy cơ sẽ bị hoàn trả chậm trễ, hoàn trả không đầy đủ…

Bên cạnh đó, đối với trường hợp có thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh vì lý do bất khả kháng, làm thay đổi tiêu chuẩn tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành; hoặc trường hợp hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan (đối với đấu thầu lựa chọn nhà thầu), hồ sơ mời thầu có một hoặc một số nội dung không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan (đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư) nhưng không đến mức phải huỷ toàn bộ hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Nói cách khác là có thể huỷ một phần hồ sơ hoặc kết quả lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư thì sẽ phù hợp và ít tốn kém về mặt thời gian, tiền bạc hơn so với việc huỷ toàn bộ hồ sơ, toàn bộ kết quả lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư. Quy định huỷ một phần như vậy cũng phù hợp với thông lệ chung về vấn đề này.

Tuy nhiên, hiện nay Luật Đấu thầu chưa có quy định rõ ràng về việc huỷ phần một phần hồ sơ hoặc một phần kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Việc huỷ thầu được thể hiện bằng quyết định do người có thẩm quyền, chủ đầu tư hoặc bên mời thầu ban hành. Tuy nhiên, hiện nay trong quy định của Luật Đấu thầu 2023 chưa có quy định cụ thể về quyết định huỷ thầu trong đầu mục liệt kê các thông tin về đấu thầu (tại Điều 7) mà chỉ quy định chung là “thông tin khác có liên quan” cũng như trong quy định về việc cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu (tại Điều 8) cũng chưa quy định trách nhiệm đăng tải thông tin huỷ thầu. Bên cạnh đó, trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu 2023 cũng chưa quy định về nội dung của quyết định huỷ thầu. Theo đó, quyết định huỷ thầu cần nêu rõ lý do huỷ thầu và trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan nhằm đảo bảo tính công khai, minh bạch và là cơ sở pháp lý quan trọng trực tiếp ràng buộc, bảo vệ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.

Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về huỷ thầu

Thứ nhất, về căn cứ huỷ thầu, Luật Đấu thầu nên bổ sung điều khoản quy định theo hướng mở các trường hợp được huỷ thầu khác mà pháp luật có quy định để dự liệu phù hợp với sự đa dạng trong thực tiễn về các căn cứ huỷ thầu có thể phát sinh.

Thứ hai, để đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích của Nhà nước cũng như nhà thầu/nhà đầu tư, pháp luật đấu thầu cần quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp ban hành quyết định huỷ thầu trái pháp luật phù hợp với các căn cứ huỷ thầu; bổ sung quy định huỷ một phần hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc kết quả lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư; bổ sung quy định quyền được hoàn trả chi phí của nhà thầu/nhà đầu tư trong trường hợp huỷ thầu do thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh vì lý do bất khả kháng, làm thay đổi tiêu chuẩn tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành; bổ sung quy định về thời hạn hoàn trả bảo lãnh dự thầu cho nhà thầu/nhà đầu tư trong trường hợp huỷ thầu.

Thứ ba, để tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm của người có thẩm quyền/chủ đầu tư/bên mời thầu đối với việc huỷ thầu thì pháp luật đấu thầu cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về nội dung của quyết định huỷ thầu, đặc biệt về nội dung trách nhiệm khi huỷ thầu, trách nhiệm đăng tải thông tin huỷ thầu và quy định quyết định huỷ thầu là đối tượng của việc kiểm tra, giám sát, thẩm định.

3. Kết luận

Huỷ thầu là sự kiện pháp lý có thể dẫn đến những hậu quả bất lợi, thiệt hại cho nhà nước và các bên có liên quan. Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tăng cường trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu khi huỷ thầu thì quy định của pháp luật đấu thầu về vấn đề này vẫn cần được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hơn.

Danh mục tài liệu tham khảo

1. APMG International, Examples of project cancellation due to improper process management – Arising during Pre-tender and Tender phases

2. Robert B. Pattison, Over view of the law of bidding and tendering, The Canadian Bar Review

3. Chapter 1 – Fedral Acquisition Regulation – 14.404-1 – Cancellation of Invitations after opening, Cornell Law School

4. Thanh Tuấn, Nguyễn Thị Minh Hạnh, Hoàn thiện quy định về huỷ kết quả trúng thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đất đai, 27/4/2024, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, https://lsvn.vn/hoan-thien-quy-dinh-ve-huy-ket-qua-trung-thau-theo-luat-dau-tu-va-luat-dat-dai-1712502386.html

5. Trần Ngọc Đan Trâm, Hệ quả pháp lý khi bên mời thầu quyết định huỷ thầu, 7/5/2024, Kinh tế Sài Gòn Online – Tạp chí của UBND TP Hồ Chí Minh, https://thesaigontimes.vn/he-qua-phap-ly-khi-ben-moi-thau-quyet-dinh-huy-thau/

6. Phương Bình, Hệ luỵ không đáng có từ HSMT tiêu chuẩn cao, 16/3/2023, Tạp chí Đấu thầu điện tử

7. Phương Bình, Huỷ thầu do lỗi của chủ đầu tư, bên mời thầu: Trách nhiệm ra sao, 7/2/2023, Tạp chí Đấu thầu điện tử

8. Hoàng Nam, Vụ huỷ gói thầu hơn 220 tỷ áp tiêu chí “tào lao”: Chủ đầu tư nóng vội, nhà thầu trượt oan?, 13/7/2023, Tạp chí Tiền phong điện tử

9. Văn Thanh, Đấu thầu dự án hạ tầng khu xử lý rác thải tập trung ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) – Có hay không “lợi ích nhóm” bằng cách huỷ thầu để đấu thầu lại?, 9/1/2022, Tạp chí Thanh tra điện tử

Cùng chuyên mục

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  3 tháng trước

Đọc nhiều