Nghiên cứu lý luận

Đánh giá sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật một số quốc gia Châu Á trong điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh

PGS.TS Bùi Hữu Toàn Thứ năm, 01/08/2024 - 11:25
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết tập trung xem xét, đánh giá sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật một số quốc gia Châu Á trong điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh, từ đó đưa ra một số gợi mở nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực điều chỉnh đối với thị trường.

Tóm tắt: Với vai trò là một công cụ phòng ngừa và quản trị rủi ro, đồng thời vẫn có khả năng đầu tư sinh lời, chứng khoán phái sinh đang dần trở thành một sản phẩm chứng khoán được quan tâm rộng rãi tại các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Châu Á. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, các sản phẩm phái sinh bắt đầu được giới thiệu đến các nhà đầu tư từ năm 2017 và nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của thị trường tuy nhiên sau 6 năm triển khai số lượng nhà đầu tư tham gia mà đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào chứng khoán phái sinh là chưa cao. Điều này xuất phát từ tính chất phức tạp, sự giới hạn của các sản phẩm chứng khoán phái sinh và đặc biệt là từ những hạn chế trong quy định pháp luật điều chỉnh thị trường này. Bài viết tập trung xem xét, đánh giá sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật một số quốc gia Châu Á trong điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh, từ đó đưa ra một số gợi mở nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực điều chỉnh đối với thị trường.

Từ khóa: Phái sinh; chứng khoán; tương thích pháp luật

Abstract: Derivatives, a tool for risk prevention and management as well as a profitable investment, have been gradually becoming a widespread interested product in stock markets all over the world, especially in Asia. In the Vietnamese stock market, derivative products have been introduced to investors since 2017 and have attracted the attention of the market. However, after 6 years of implementation, the number of investors participating in derivative securities, especially institutional investors and foreign investors, has not been high. This comes from the complex nature, limitations of derivative securities products and especially from the limitations in the legal regulations governing this market. The article focuses on reviewing and evaluating the compatibility of Vietnamese law with the laws of some Asian countries in regulating the derivatives market, thereby offering a number of suggestions to improve the law and the regulatory effectiveness of the market.

Key words: derivatives, securities, compatibility of law

1. Tổng quan về chứng khoán phái sinh và sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam

Với 23 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc giúp lưu chuyển nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống của thị trường chứng khoán, như cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…, kể từ năm 2015 theo Nghị định số 42/2015/NĐ-CP, thị trường chứng khoán Việt Nam bổ sung thêm danh mục hàng hóa là chứng khoán phái sinh. Đến năm 2017, thị trường chứng khoán phái sinh chính thức được khai trương và vận hành tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Chứng khoán phái sinh được hiểu là một loại hợp đồng tài chính, thiết lập giữa bên mua và bên bán, về một giao dịch sẽ được thực hiện vào một khoảng thời gian xác định trong tương lai. Trong đó, 4 dạng hợp đồng của chứng khoán phái sinh bao gồm: (1) hợp đồng kỳ hạn (với thời gian và mức giá xác định ngay thời điểm ký kết hợp đồng), (2) hợp đồng tương lai (tương tự hợp đồng kỳ hạn nhưng được chuẩn hóa và giao dịch tại các Sở giao dịch), (3) hợp đồng quyền chọn (cho phép bên mua có quyền lựa chọn thực hiện giao dịch hoặc không), và (4) hợp đồng hoán đổi (hai bên tham gia cam kết hoán đổi dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính của mình cho bên còn lại). Chứng khoán phái sinh thường liên quan tới việc đến việc mua/bán một tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh đó, tài sản cơ sở có thể là tài sản tài chính (cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, công cụ nợ…), tài sản phi tài chính (hàng hóa cơ bản, nông sản, kim loại…), sự kiện (thời tiết, sự kiện tín dụng…) và các chứng khoán phái sinh khác.

Tại Việt Nam, kể từ năm 2017, thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh sản phẩm đầu tiên và cũng là sản phẩm được giao dịch nhiều nhất là hợp đồng tương lai chỉ số VN30, các sản phẩm mới lần lược được triển khai như hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm và kỳ hạn 10 năm đã thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư tham dự. Trung bình từ 2017, mức tăng bình quân của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 27,46 %/năm, tăng từ mức 8 nghìn hợp đồng năm 2017 lên mức 62 nghìn hợp đồng vào cuối tháng 7/2023 (M.P, 2023). Trong nửa đầu năm 2023, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai đạt 225 nghìn hợp đồng/phiên. Về số lượng nhà đầu tư tham gia, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tính đến 7/2023 vượt 1,3 triệu tài khoản, tăng 546 lần so với thời điểm bắt đầu thị trường.

Hình 1. Quy mô giao dịch thị trường phái sinh tại Việt Nam

Sự ra đời của TTCK phái sinh đã tạo ra kênh phòng tránh rủi ro cho các nhà đầu tư. Về bản chất, hợp đồng chứng khoán phái sinh cho phép người tham gia xác định mức giá của hợp đồng cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro do sự biến động không lường trước được của giá hợp đồng cơ sở. Theo thời gian phát triển, hợp đồng chứng khoán phái sinh không những là nơi phòng tránh rủi ro, mà còn tạo ra cơ hội đầu tư sinh lời cho các nhà đầu tư thông qua việc mua, bán lại các hợp đồng phái sinh này. Với những tác động tích cực kể trên, sự phát triển của TTCK phái sinh đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia. Tuy nhiên, không thể không kể đến những hệ lụy tiêu cực của TTCK phái sinh khi làm gia tăng tỷ lệ đầu cơ, thao túng giá trên thị trường; bên cạnh đó, sự sụp đổ trên TTCK phái sinh nếu xảy ra luôn thường kéo theo những tác động tiêu cực đến thị trường cơ sở. Do đó, TTCK phái sinh cần phải được quản lý chặt chẽ.

Phần dưới đây sẽ phân tích các quy định pháp luật điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh tại một số quốc gia Châu Á, so sánh, đối chiếu với pháp luật hiện hành tại Việt Nam, từ đó, gợi ý các khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.

2. Hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh tại một số quốc gia Châu Á

2.1. Quy định pháp luật điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh tại Singapore

2.1.1. Tổng quan về thị trường chứng khoán phái sinh Singapore

Năm 1984, thị trường chứng khoán phái sinh Singapore được hình thành cùng với việc thành lập thị trường trao đổi tiền tệ quốc tế Singapore (SIMEX). Sản phẩm chủ yếu là hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225. Đến tháng 12/1999, ba thị trường phái sinh hàng hóa (SICOM), phái sinh chứng khoán (SIMEX) và phái sinh tiền tệ (SES) đã hợp lại thành một Sở Giao dịch chứng khoán chung là Singapore Exchange (SGX) để nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đồng thời tiết kiệm được nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và tập trung được nguồn nhân lực có chất lượng cao.

SGX là một tổ chức độc lập, đồng thời chịu sự giám sát của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS). Theo đó, các nhà quản lý thị trường đã đưa ra một quyết định hợp lý ngay từ khi mới thành lập, đó là cho phép thị trường chứng khoán phái sinh Singapore được liên thông với thị trường Chicago (là thị trường chứng khoán phái sinh có lịch sử lâu đời nhất và phát triển nhất trên thế giới). Điều này đã giúp cho các nhà đầu tư có thể giao dịch giữa 2 thị trường mà không tốn chi phí.

Năm 2018, những thay đổi về luật pháp của Singapore có hiệu lực, MAS được trao quyền để ủy quyền giao dịch các hợp đồng phái sinh tại quầy (OTC) trên các thị trường có tổ chức. Tiếp theo đó là tài liệu tham vấn do MAS ban hành, tư vấn về các dự thảo quy định được đề xuất nhằm triển khai các nghĩa vụ giao dịch bắt buộc, gọi là “Tài liệu tham vấn”. Vào ngày 13/03/2019, các quy định cuối cùng đã được công bố trong Quy định về Hợp đồng phái sinh giao dịch chứng khoán và tương lai năm 2019 và MAS cũng đã đưa ra phản hồi đối với những thắc mắc nhận được trong Tài liệu tham vấn. Các quy định về Hợp đồng phái sinh giao dịch chứng khoán và tương lai năm 2019 của MAS được xây dựng dựa trên nền tảng các quy định của Đạo Luật Chứng khoán và phái sinh năm 2001 sửa đổi bổ sung năm 2017 (Securities and Futures Act).

Thị trường chứng khoán phái sinh Singapore đã và đang phát triển với hơn 140 sản phẩm đa dạng, đem lại cho SGX doanh thu lớn nhất trong toàn bộ các mảng dịch vụ cung cấp. Đến nay, khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh được thực hiện qua giao dịch trực tuyến trên thị trường chứng khoán phái sinh Singapore đạt 92%. Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, thị trường chứng khoán Singapore nói chung và thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành “mảnh đất hứa” của nhiều doanh nghiệp.

2.1.2. Mô hình tổ chức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh Singapore

SGX được giám sát bởi MAS trong việc thực hiện vai trò là cơ quan quản lý và điều hành tuyến đầu của thị trường chứng khoán và phái sinh. SGX là một tổ chức tự điều hành vì ngoài các mục tiêu thương mại vì lợi nhuận với tư cách là một công ty niêm yết, SGX còn có các nghĩa vụ pháp lý và nghĩa vụ lợi ích công cộng với tư cách là chủ thể có vai trò tổ chức và vận hành thị trường. Các tiêu chuẩn quản lý nghiêm ngặt đảm bảo SGX đáp ứng các nghĩa vụ theo luật định của mình để vận hành thị trường công bằng, trật tự và minh bạch cũng như các trung tâm thanh toán bù trừ an toàn và hiệu quả. Các thị trường và cơ quan thanh toán bù trừ có chất lượng quản lý cao cũng có giá trị thương mại nội tại. Căng thẳng tự nhiên có thể nảy sinh trong SGX khi vừa là công ty niêm yết vừa là cơ quan quản lý thị trường. Xung đột lợi ích này được gọi là “Xung đột quy định”.

Cơ quan quản lý Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX RegCo) là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của SGX, đảm nhận tất cả các chức năng quản lý tuyến đầu thay mặt cho SGX và các công ty con được quản lý của SGX. SGX đảm bảo rằng SGX RegCo được cung cấp đủ ngân sách, nguồn lực và hỗ trợ khi cần thiết để thực hiện các chức năng của mình. Khi thực hiện các hoạt động của mình, SGX RegCo cam kết thúc đẩy niềm tin và hỗ trợ sự phát triển liên tục của thị trường SGX. SGX RegCo cũng có trách nhiệm sắp xếp và xử lý các xung đột về quy định. Ngoài ra, MAS cũng duy trì việc giám sát các trách nhiệm pháp lý do SGX RegCo thực hiện.

Hình 2. Các chức năng điều hành thị trường chứng khoán của MAS và SGX

2.1.3. Một số quy định cụ thể trên thị trường chứng khoán phái sinh Singapore

Đối với các sản phẩm chứng khoán phái sinh trên thị trường, theo Quy định về Hợp đồng phái sinh giao dịch chứng khoán và tương lai năm 2019 do MAS ban hành, các sản phẩm trên đề cập đến các hợp đồng hoán đổi lãi suất (IRS) đáp ứng tất cả các tiêu chí sau:

- Là IRS từ cố định đến thả nổi có mệnh giá bằng USD, Euro hoặc Bảng Anh, với các thông số kỹ thuật của hợp đồng được nêu trong Phụ lục của Quy định. Nói rộng ra, các thông số kỹ thuật của hợp đồng bao gồm các loại IRS thả nổi cố định bằng USD, EUR hoặc GBP, kỳ hạn 2/3/5/7/10 năm, không có tùy chọn, số tiền danh nghĩa không đổi (Lim và cộng sự, 2019);

- Được giao dịch không trao đổi;

- Các bên không phải là các công ty liên quan đến nhau;

- Mỗi bên thực hiện hợp đồng phái sinh thông qua văn phòng của bên đó đặt tại Singapore (có thể là trụ sở chính hoặc văn phòng chi nhánh);

- Các bên là những người được chỉ định không được miễn các nghĩa vụ giao dịch.

Hiện nay, các sản phẩm phái sinh tài chính phổ biến hiện có trên thị trường Singapore bao gồm: Hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei; Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu MSCI Đài Loan; Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu MSCI Singapore; Hợp đồng quyền chọn cổ phiếu (Structured Warrant).

Đối với quy định về thành viên tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, SGX đã đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện và áp dụng đối với từng nhóm đối tượng như sau:

- Đối với thành viên giao dịch là cá nhân: Không yêu cầu vốn tối thiểu, tuy nhiên thành viên giao dịch là cá nhân phải là một nhà kinh doanh phái sinh chuyên nghiệp, có đầy đủ kiến thức, hiểu biết về chứng khoán phái sinh;

- Đối với thành viên thanh toán: Phải có giấy phép cung cấp dịch vụ thị trường vốn và đáp ứng những chuẩn mực tài chính cao nhất và phải có mức vốn tối thiểu 5 triệu đô la Singapore.

Đối với quy định về kiểm soát rủi ro và xử lý rủi ro đối với chứng khoán phái sinh, nhìn chung, hiện nay, Singapore thực hiện quản lý và giám sát các sản phẩm trên thị trường chứng khoán phái sinh đối với 2 nhóm niêm yết tại SGX như sau:

- Niêm yết trên SGX Mainboard (Sàn chính): Một công ty khi niêm yết trên SGX Mainboard phải đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết và tiêu chí về giá trị vốn hóa giá trị thị trường, lợi nhuận trước thuế và năng lực kinh doanh. Tại đây, các doanh nghiệp niêm yết phải chịu sự giám sát, bảo trợ của các tổ chức bảo trợ được SGX chấp thuận.

- Niêm yết trên sàn Catalist (Sàn thứ cấp): Sàn Catalist với các quy định linh động, đơn giản, phục vụ cho mục đích huy động vốn bổ trợ hoặc đóng vai trò là sàn giao dịch cho các “công ty nhỏ phát triển nhanh”. Thông thường, các doanh nghiệp niêm yết ở sàn Catalist đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, khi tham gia vào thị trường chứng khoán Singapore, nhà đầu tư sẽ không bị quản chặt về trách nhiệm thanh toán bởi trách nhiệm này thuộc về công ty môi giới chứng khoán. Tuy nhiên, đối với người môi giới, luật pháp của Singapore lại chỉ cho phép họ được mở một tài khoản tại chính công ty mình và họ phải báo cáo với bộ phận kiểm soát trước khi giao dịch để nhằm đảm bảo rằng, giao dịch của nhà môi giới là hoàn toàn minh bạch.

Cùng với đó, để giảm thiểu các rủi ro bảo mật thông tin, sổ sách liên quan đến các hợp đồng phái sinh, MAS cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể như sau trong Quy định về Hợp đồng phái sinh giao dịch chứng khoán và tương lai 2019:

- Người được chỉ định phải đảm bảo rằng mọi sổ sách liên quan đến hợp đồng phái sinh cụ thể hoặc giao dịch trong hợp đồng phái sinh cụ thể được lưu giữ ít nhất 05 năm sau ngày hết hạn hoặc chấm dứt hợp đồng hoặc giao dịch phái sinh kể trên.

- Người được chỉ định phải đảm bảo rằng mọi thông tin mà Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu vì mục đích của Đạo luật phải được lưu giữ ít nhất 05 năm sau ngày hết hạn hoặc chấm dứt hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch.

2.2. Quy định pháp luật điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh tại Thái Lan

2.2.1. Tổng quát về thị trường phái sinh tại Thái Lan

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng được đánh giá là một quốc gia có thị trường chứng khoán phái sinh phát triển từ khá sớm. Các công cụ phái sinh bắt đầu được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thái Lan khi Sàn giao dịch tương lai Thái Lan (TFEX) được thành lập vào năm 2004. Các chứng khoán phái sinh chính sản phẩm giao dịch trên TFEX là hợp đồng tương lai và quyền chọn đối với các tài sản cơ sở bao gồm: như chỉ số chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, kim loại quý sản phẩm nông nghiệp và tỷ giá hối đoái. Một số sản phẩm phái sinh có tính thanh khoản cao trên TFEX có thể kế đến bao gồm: hợp đồng tương lai trên các cổ phiếu đơn lẻ (Hợp đồng tương lai chứng khoán đơn lẻ là một công cụ phòng ngừa rủi ro hữu ích để quản lý rủi ro thị trường chứng khoán và cung cấp cho các nhà đầu tư một khoản đầu tư thay thế như một phương tiện khác để kiếm lợi từ biến động giá cổ phiếu. Với đặc điểm của hợp đồng tương lai, nhà đầu tư có thể thu lợi từ cả thị trường tăng giá và thị trường giảm giá. Hợp đồng tương lai chứng khoán đơn lẻ được ra mắt lần đầu tiên vào ngày 24 tháng 11 năm 2008. Tính đến 27/4/2022, có khoảng 127 cổ phiếu cơ sở cho các hợp đồng tương lai chứng khoán đơn lẻ ). Ngoài ra giống như trường hợp của các thị trường phái sinh phát triển, Hợp đồng tương lai chỉ số SET50 trên TFEX là sản phẩm được ưa chuộng và giao dịch rộng rãi nhất (Hợp đồng tương lai chỉ số SET50 là hợp đồng tương lai dựa trên Chỉ số SET50 cơ bản. Hợp đồng tương lai chỉ số SET50 là sản phẩm đầu tiên được giao dịch trên TFEX. Chỉ số SET50 được ra mắt vào năm 1995 và đây là chỉ số vốn hóa lớn đầu tiên của Thái Lan cung cấp tiêu chuẩn đầu tư tại Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan. Chỉ số này được tính từ giá cổ phiếu của 50 công ty niêm yết hàng đầu trên SET xét về mức vốn hóa thị trường lớn, tính thanh khoản cao ). Loại chứng khoán phái sinh này được giao dịch lần đầu tiên vào năm 2006 kể từ đó, sự phổ biến của hợp đồng tương lai chỉ số SET50 đã có sự tăng trưởng đáng kể . Khối lượng giao dịch hàng ngày của Sàn giao dịch tương lai Thái Lan (TFEX) là khá lớn, trong tháng 9/2023 đạt trung bình 583.283 hợp đồng, tăng 10,4% so với tháng trước. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của TFEX giảm 2,8% so với 2022 xuống còn 548.766 hợp đồng. Việc tăng, giảm khối lượng giao dịch trên TFEX chủ yếu bị chi phối bởi khối lượng giao dịch của Hợp đồng tương lai chứng khoán đơn lẻ và Hợp đồng tương lai chỉ số SET50 .

2.2.2. Mô hình tổ chức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh Thái Lan

Khác với Singapore theo mô hình hợp nhất giữa SGDCK cơ sở và SGDCK phái sinh, tại Thái Lan việc tổ chức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh được thực hiện bởi chủ thể độc lập là Sở giao dịch tương lai Thái Lan (TFEX). Đây là một công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET), được thành lập vào ngày 17 tháng 5 năm 2004. TFEX được điều chỉnh bởi Đạo luật phái sinh BE 2546 (2003) và chịu sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan (SEC). TFEX nhận được giấy phép và cho phép kinh doanh các sản phẩm phái sinh từ SEC vào ngày 11 tháng 2 năm 2005.

Hiện nay, các giao dịch tại TFEX được thực hiện trên nền công nghệ hiện đại từ Cinnober từ Thụy Điển nhằm đảm bảo cho các giao dịch diễn ra thuận tiện và cạnh tranh về chi phí. Tất cả các sản phẩm phái sinh trên TFEX được thực hiện, thanh toán và thanh toán điện tử thông qua hệ thống tích hợp nền tảng giao dịch và thanh toán bù trừ. Nền tảng này cung cấp một loạt các giao dịch trao đổi hợp đồng phái sinh cho hợp đồng tương lai và quyền chọn, cũng như cho các loại lệnh khác nhau, chẳng hạn như các lệnh kết hợp hoặc chênh lệch. TFEX cung cấp hai phương thức giao dịch để tạo điều kiện thuận lợi các loại giao dịch khác nhau, đó là khớp lệnh tự động và giao dịch khối . Ngoài ra, từ tháng 5/2023, Sở giao dịch chứng khoán (SET) và Sở giao dịch tương lai Thái Lan (TFEX) hợp tác với Nasdaq để phát triển Hệ thống giao dịch với công nghệ mới nhất phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng toàn cầu. Hệ thống giao dịch mới có thể đáp ứng số lượng giao dịch ngày càng tăng và hỗ trợ các sản phẩm đầu tư toàn cầu như những lựa chọn thay thế mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước .

2.2.3. Một số quy định cụ thể trên thị trường chứng khoán phái sinh Thái Lan

Hiện nay các hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh Thái Lan chịu sự điều chỉnh chủ yếu từ Đạo luật phái sinh BE 2546 (Derivatives Act B.E. 2546) được ban hành năm 2003, một số các văn bản pháp luật của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan (SEC) ngoài ra các sản phẩm chứng khoán phái sinh tại Thái Lan còn phải tuân thủ các quy định của Ban Giám sát thị trường vốn Thái Lan (Capital Market Supervisory Board - CMSB).

* Quy định về các sản phẩm chứng khoán phái sinh trên thị trường

Theo quy định tại Đạo luật phái sinh BE 2546 (2003) chứng khoán phái sinh được hiểu là hợp đồng có một hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của các đặc điểm sau:

(1) hợp đồng trong đó một bên có nghĩa vụ giao hàng theo quy định trong hợp đồng cho bên kia tại một thời điểm nhất định trong tương lai và bên kia có nghĩa vụ thanh toán cho hàng hóa đó theo mức giá quy định;

(2) hợp đồng trong đó một bên có nghĩa vụ thanh toán cho bên kia hoặc ngược lại với số tiền tương đương với chênh lệch giữa giá hoặc giá trị hàng hóa hoặc biến số quy định trong hợp đồng và giá hoặc giá trị của hàng hóa hoặc biến số đó tại một thời điểm hoặc một khoảng thời gian nhất định trong tương lai được quy định trong hợp đồng;

(3) hợp đồng trong đó một bên có quyền yêu cầu bên kia giao hàng, thanh toán tiền hàng hoặc thanh toán số tiền tương đương với chênh lệch giữa giá hoặc giá trị của hàng hóa hoặc biến số quy định tại hợp đồng. Hợp đồng và giá hoặc giá trị của hàng hóa hoặc biến số đó tại thời điểm hoặc khoảng thời gian nhất định trong tương lai theo quy định trong hợp đồng hoặc để yêu cầu bên kia ký kết hợp đồng theo tiểu mục (1) hoặc (2).

Về hàng hóa cơ sở của các chứng khoán phái sinh theo quy định của Đạo luật phái sinh BE 2546 (2003) tương đối đa dạng bao gồm “chứng khoán, vàng, dầu thô hoặc bất kỳ tài sản nào khác như được nêu trong thông báo của SEC với sự chấp thuận của Nội các, ngoại trừ tiền tệ” .

Từ các quy định này của Đạo luật phái sinh BE 2546 (2003) có khoản 15 sản phẩm chứng khoán phái sinh đã được triển khai trên Sở giao dịch tương lai Thái Lan (TFEX) bao gồm: Hợp đồng tương lai chỉ số SET50; Tùy chọn chỉ mục SET50, Hợp đồng tương lai chứng khoán đơn lẻ; Hợp đồng tương lai vàng 50 Baht, Hợp đồng tương lai vàng 10 Baht, Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, Hợp đồng tương lai BIBOR 3M, Hợp đồng tương lai THBFIX, Dầu thô Brent tương lai, Hợp đồng tương lai USD, Chỉ số tương lai ngành, Hợp đồng Tương lai RSS3, Hợp đồng Tương lai RSS3D, Hợp đồng Tương lai Vàng-D, Hợp đồng tương lai vàng trực tuyến .

* Quy định về thành viên tham gia thị trường chứng khoán phái sinh

Thành viên kinh doanh doanh chứng khoán phái sinh: là người tham gia trên thị trường với tư cách đại lý trong hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh. Chủ thể này cần phải được SEC cấp phép và phải thỏa mãn các điều kiện về vốn, về trình độ chuyên môn, về cơ sở vật chất kỹ thuật… đồng thời phải là thành viên của Công ty TNHH Clearing House Thái Lan (TCH) - công ty thanh toán bù trừ Thái Lan và thành viên của Quỹ bảo vệ nhà đầu tư phái sinh (DIPF). Hiện nay có 2 loại thành viên kinh doanh các sản phẩm chứng khoán phái sinh :

- Thành viên có giấy phép đầy đủ: Thành viên có giấy phép đầy đủ có thể giao dịch tất cả các sản phẩm được liệt kê trên Sàn giao dịch tương lai Thái Lan (TFEX). Họ có thể giao dịch cho tài khoản của chính mình và cũng có thể giao dịch cho khách hàng của mình. Các thành viên này phải có giấy phép đại lý phái sinh từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) trước khi đăng ký trở thành thành viên của TFEX.

- Thành viên có giấy phép hạn chế: Thành viên có giấy phép giới hạn có thể giao dịch hợp đồng phái sinh trên TFEX bằng tài khoản của mình và cũng có thể giao dịch cho khách hàng của mình tuy nhiên bị giới hạn bởi giấy phép do SEC cấp (chẳng hạn như thành viên chỉ được phép giao dịch hợp đồng phái sinh liên quan đến kim loại quý, lãi suất, … hoặc hạn chế theo giấy phép hoạt động kinh doanh kinh doanh chứng khoán phái sinh).

Thành viên giao dịch: Thành viên giao dịch chỉ có thể giao dịch hợp đồng phái sinh trên TFEX cho tài khoản của họ. Thành viên giao dịch phải cung cấp thanh khoản cho hợp đồng, đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường TFEX. Thành viên giao dịch phải có chuyên môn về giao dịch Hợp đồng tương lai hoặc hoạt động kinh doanh chứng khoán cơ bản. Nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh có thể là cá nhân, tổ chức và phải tiến hành giao dịch thông qua một tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh.

* Quy định về kiểm soát, xử lý rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh

Hiện nay các quy định về kiểm soát rủi ro và bảo vệ nhà đầu trên thị trường chứng khoán phái sinh Thái Lan được quy định trong Đạo luật phái sinh BE 2546 năm 2003, trong quy định của SEC và quy chế của các sở giao dịch. Theo đó để kiểm soát và xử lý rủi ro từ các sản phẩm phái sinh làm Luật Đạo luật phái sinh BE 2546 đưa ra quy định cụ thể về thẩm quyền của SEC trong việc giám sát các vấn đề liên quan đến sản phẩm phái sinh, các chủ thể cung cấp dịch vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh, sàn giao dịch phái sinh, trung tâm thanh toán bù trừ phái sinh, hiệp hội các nhà điều hành, quản lý kinh doanh chứng khoán phái sinh và ngăn chặn các hành vi kinh doanh chứng khoán phái sinh không lành mạnh . Ngoài thẩm quyền của SEC trong việc giám sát thị trường chứng khoán phái sinh, Đạo luật phái sinh BE 2546 còn quy định thẩm quyền giám sát các tổ chức kinh doanh phái sinh cho Hiệp hội quản lý phái sinh (DERIVATIVES REGULATORY ASSOCIATION). Hiệp hội được thành lập với mục tiêu xây dựng hệ thống xử lý khiếu nại của thành viên, của khách hàng; xây dựng hệ thống giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh giữa thành viên với nhau hoặc giữa thành viên với khách hàng có hiệu quả; giám sát và thực thi việc tuân thủ của các thành viên với quy tắc của hiệp hội và quy tắc đạo đức trong kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Đạo luật phái sinh BE 2546 cũng đưa ra các quy định cụ thể về nghĩa vụ bảo vệ tài sản của khách hàng của tổ chức kinh doanh chứng khoán, về các yêu cầu, quyền, nghĩa vụ đối với sở giao dịch, tổ chức cung ứng dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh, tổ chức phát hành chứng khoán phái sinh nhằm đảm bảo kịp thời phòng ngừa và xử lý các rủi ro và đảm bảo cho việc giao dịch chứng khoán phái sinh an toàn và hiệu quả. Đặc biệt tại Chương 6 của Đạo luật phái sinh BE 2546 đã đưa ra cụ thể các trường hợp hành động không công bằng trong giao dịch chứng khoán phái sinh, đây là quy định cần thiết để nhận diện và xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Ngoài ra, để bảo vệ các nhà đầu tư chứng khoán phái sinh, Thái Lan còn thiết lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư phái sinh (DIPF) để bồi thường cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức (không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp) khi tham gia đầu tư các hợp đồng phái sinh gặp phải những thiệt hại đến từ các thành viên của quỹ (là các tổ chức cung cấp dịch vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh) .

2.3. Quy định pháp luật điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh tại Trung Quốc

2.3.1. Tổng quát về thị trường phái sinh tại Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những thị trường chứng khoán phái sinh có lịch sử phát triển từ khá sớm ở Châu Á. Thị trường hợp đồng tương lai ở Trung Quốc bắt đầu vào đầu những năm 1990 khi tốc độ cải cách kinh tế đã tăng lên. Vào tháng 10 năm 1990, Chợ bán buôn ngũ cốc Trịnh Châu được thành lập, và hợp đồng kỳ hạn với hàng hóa đã được giới thiệu. Vào tháng 10 năm 1992, Sàn giao dịch tương lai kim loại màu Thâm Quyến giới thiệu hợp đồng tương lai tiêu chuẩn đầu tiên ở Trung Quốc, “Hợp đồng tiêu chuẩn dành cho hạng đặc biệt - Hợp đồng tương lai nhôm”, dẫn đến sự chuyển đổi từ hợp đồng kỳ hạn sang giao dịch tương lai . Tháng 12/1992, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ được Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Stock Exchange - SSE) giới thiệu. Các sản phẩm tương lai đã được thị trường đón nhận nồng nhiệt và có mức tăng trưởng đáng kể trong vòng một năm. Được hỗ trợ bởi những cải cách tích cực khác của Chính phủ, thị trường chứng khoán phái sinh của Trung Quốc đã trải qua quá trình cải cách và chu kỳ mở rộng, sau đó là một thời kỳ tăng trưởng ổn định và vững chắc. Đến cuối năm 2006, Sở giao dịch Hợp đồng Tương lai Tài chính Trung Quốc (CFFEX) được thành lập tại Thượng Hải dựa trên sự hợp nhất của Sở giao dịch tương lai Thượng Hải, Sở giao dịch hàng hóa Zhengzhou, Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến . Trải qua chu kỳ tương tự, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ chỉ được phục hồi vào năm 2013, khi một Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm được ra mắt trên CFFEX. Hiện nay có 03 trái phiếu Chính phủ tương lai ở Trung Quốc: hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 5 năm (2013), hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 10 năm (2015), hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 30 năm (2023) cung cấp các công cụ quản lý rủi ro lãi suất bao gồm sản phẩm giao ngay trái phiếu Chính phủ trong ngắn hạn, trung hạn và trung và dài hạn. Sự phát triển của hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu xuất hiện muộn hơn so với hợp đồng tương lai hàng hóa và trái phiếu. Trong giai đoạn 2010 - 2015, các sản phẩm chứng khoán phái sinh trên chỉ số cổ phiếu lần lượt được triển khai bao gồm Hợp đồng tương lai chỉ số CSI 300, Hợp đồng tương lai chỉ số CSI 500 và Hợp đồng tương lai chỉ số SSE 50 . Ngoài ra tại thị trường Trung Quốc còn xuất hiện sản phẩm chứng khoán phái sinh đặc biệt là sản phẩm phái sinh tín dụng (giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến năm 2020 và Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải 2018). Sự ra đời của sản phẩm phái sinh tín dụng đánh dấu sự phát triển tiếp theo của các loại chứng khoán phái sinh tài chính. Đây được coi là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ tài chính trực tiếp thông qua thị trường trái phiếu cho doanh nghiệp đồng thời tăng cường các công cụ quản lý rủi ro trong bối cảnh số vụ vỡ nợ trái phiếu ngày càng tăng kể từ 2017 .

2.3.2. Mô hình tổ chức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh Trung Quốc

Cũng giống như Thái Lan, Trung Quốc đi theo mô hình Sở giao dịch chứng khoán phái sinh độc lập với Sở giao dịch chứng khoán cơ sở. Hiện nay chủ thể tổ chức, vận hành thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh tại Trung Quốc là Công ty TNHH Giao dịch Hợp đồng Tương lai Tài chính Trung Quốc (CFFEX), được thành lập với sự chấp thuận của Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Đây là Sở giao dịch hợp nhất chuyên cung cấp dịch vụ giao dịch và thanh toán bù trừ cho hợp đồng tài chính tương lai, quyền chọn và các công cụ phái sinh khác. Vào ngày 8 tháng 9 năm 2006, CFFEX được thành lập tại Thượng Hải bởi Sở giao dịch tương lai Thượng Hải, Sở giao dịch hàng hóa Zhengzhou, Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến . Sở giao dịch Hợp đồng tương lai tài chính Trung Quốc (CFFEX) chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC).

2.3.3. Một số quy định cụ thể trên thị trường chứng khoán phái sinh Trung Quốc

Văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất điều chỉnh các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán nói chung tại của Trung Quốc là Luật Chứng khoán (Securities Law of the People’s Republic of China 1998 sửa đổi, bổ sung lần 2 năm 2019) và Luật Doanh nghiệp (Company Law of the People’s Republic of China năm 1993, sửa đổi bổ bổ sung lần thứ 4 năm 2018). Luật Chứng khoán không quy định chi tiết về chứng khoán phái sinh mà giao cho Hội đồng Nhà nước (State Council) ban hành và quy định tại Nghị định hướng dẫn chi tiết về giao dịch Hợp đồng tương lai (Regulations on the Administration of Futures Trading năm 2007 sửa đổi, bổ sung lần 2 năm 2012). Nghị định này được xây dựng nhằm mục đích điều chỉnh các giao dịch tương lai, tăng cường giám sát và quản lý đối với giao dịch tương lai, duy trì trật tự thị trường tương lai, ngăn chặn rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên trong tương lai cũng như lợi ích công cộng, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và giữ ổn định thị trường. Đến năm 2022, do sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán phái sinh tại Trung Quốc, Quốc Hội đã thông qua Luật tương lai và phái sinh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Futures and Derivatives Law of the People's Republic of China) có hiệu lực vào ngày 01 tháng 8 năm 2022. Đây được coi là một “sự đảm bảo pháp lý mạnh mẽ để xây dựng một thị trường vốn tiêu chuẩn hóa, minh bạch, cởi mở, năng động và linh hoạt” tại Trung Quốc .

Quy định về các sản phẩm chứng khoán phái sinh trên thị trường

Theo quy định tại Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022, các sản phẩm trên thị trường chứng khoán phái sinh có sự phân biệt rõ giữa các sản phẩm trên thị trường tập trung và thị trường phi tập trung (OTC) cụ thể như sau :

“Giao dịch tương lai” là hoạt động giao dịch với đối tượng giao dịch là hợp đồng tương lai hoặc hợp đồng quyền chọn tiêu chuẩn.

“Giao dịch phái sinh” là các hoạt động giao dịch không phải là giao dịch tương lai, với hợp đồng hoán đổi, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn không chuẩn hóa và sự kết hợp của chúng làm đối tượng giao dịch.

“Hợp đồng tương lai” là hợp đồng tiêu chuẩn được xây dựng thống nhất bởi một địa điểm giao dịch hợp đồng tương lai đồng ý giao một lượng đối tượng nhất định tại một thời điểm và địa điểm cụ thể trong tương lai.

“Hợp đồng quyền chọn” là hợp đồng được tiêu chuẩn hóa hoặc không được tiêu chuẩn hóa, quy định bên mua có quyền mua hoặc bán đối tượng đã thỏa thuận (bao gồm cả hợp đồng tương lai) ở một mức giá cụ thể tại một thời điểm nhất định trong tương lai.

“Hợp đồng hoán đổi” là hợp đồng tài chính thỏa thuận trao đổi các đối tượng cụ thể với nhau trong một thời gian cụ thể trong tương lai.

“Hợp đồng kỳ hạn” là các hợp đồng tài chính không phải là hợp đồng tương lai đồng ý giao một lượng hàng hóa nhất định vào một thời điểm và địa điểm cụ thể trong tương lai.

Cũng theo quy định tại Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022, các giao dịch hợp đồng tương lai phải được thực hiện tại các Sở giao dịch hợp đồng tương lai hoặc địa điểm được cơ quan quản lý hợp đồng tương lai của Hội đồng Nhà nước phê chuẩn và phải sử dụng phương thức giao dịch tập trung mở. Tất cả giao dịch tương lai bên ngoài địa điểm giao dịch tương lai đều bị cấm. Giao dịch phái sinh có thể được thực hiện thông qua giao dịch thỏa thuận hoặc các phương thức giao dịch khác do Hội đồng Nhà nước quy định .

Quy định về thành viên tham gia thị trường chứng khoán phái sinh

Quy định về chủ thể cung cấp dịch vụ kinh doanh trên trị trường: Do trong quy định của Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022 có sự phân biệt giữa các giao dịch trên thị trường tập trung (giao dịch tương lai) và giao dịch trên thị trường OTC (giao dịch phái sinh) nên quy định về các tổ chức cung cấp dịch vụ kinh doanh cũng được phân chia thành loại:

i) Tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh: là các tổ chức tài chính được thực hiện các giao dịch phái sinh với sự chấp thuận của các cơ quan được Hội đồng Nhà nước hoặc cơ quan quản lý tương lai của Hội đồng Nhà nước ủy quyền.

ii)Tổ chức kinh doanh hợp đồng tương lai: là các công ty được cấp phép để kinh doanh hợp đồng tương lai. Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022 cũng quy định cụ thể về các điều kiện, trình tự thủ tục cấp phép, theo đó các công ty này phải có mức vốn điều lệ tối thiểu 100 triệu RMB và các điều kiện khác liên quan đến nhân sự, cơ cấu tổ chức, quản trị điều hành, cơ sở vật chất.

Quy định về các chủ thể cung cấp dịch vụ thanh toán: Tổ chức bù trừ hợp đồng tương lai là pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển giao các giao dịch kỳ hạn. Các tổ chức thanh toán tương lai bao gồm các địa điểm giao dịch tương lai (có các bộ phận thanh toán nội bộ), các tổ chức thanh toán tương lai độc lập và các tổ chức thanh toán chứng khoán được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt để tham gia vào hoạt động thanh toán và giao dịch tương lai liên quan đến kinh doanh chứng khoán .

Quy định về các chủ thể khác: Ngoài các chủ thể cơ bản trên thị trường phái sinh, Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022 còn đưa ra quy định về các tổ chức dịch vụ trên thị trường (công ty kế toán, công ty luật, tổ chức định giá tài sản, tổ chức lưu ký ký quỹ tương lai, kho giao hàng, tổ chức dịch vụ công nghệ thông tin và các tổ chức dịch vụ tương lai khác) và Hiệp hội các nhà kinh doanh dịch vụ phái sinh và tương lai .

Quy định về nhà đầu tư: cá nhân, pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân đều có thể tham gia giao dịch hợp đồng tương lai tuy nhiên phải được thực hiện thông qua một tổ chức kinh doanh hợp đồng tương lai .

Quy định về kiểm soát rủi ro và xử lý rủi ro đối với chứng khoán phái sinh và bảo vệ nhà đầu tư

Quy định về kiểm soát rủi ro và xử lý rủi ro trên thị trường:

Để kiểm soát rủi ro trong các giao dịch trên thị trường phái sinh, Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022 tiếp tục đưa ra các quy định để duy trì hệ thống ký quỹ giao dịch tương lai tuân theo nguyên tắc “trả trước, giao dịch sau”. Nghĩa là, trước mỗi giao dịch, phải trả trước một khoản tiền ký quỹ đủ để mở một vị thế cho hợp đồng tương lai tương ứng, trong đó không được phép thấu chi. Theo hệ thống thanh toán theo giá thị trường hiện tại, chỉ có thể đặt lệnh nếu tiền ký quỹ đã được trả trước, trong khi việc thanh toán tiền ký quỹ là bắt buộc mỗi khi một vị thế tương lai mới được mở và khi giá trị tương ứng của hợp đồng tương lai giảm. Hình thức và tỷ lệ ký quỹ mà các tổ chức thanh toán hợp đồng tương lai và người tham gia thanh toán bù trừ thu được thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý hợp đồng tương lai thuộc Hội đồng Nhà nước . Ngoài ra, Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022 cũng đưa thêm một số quy định hạn chế rủi ro như: quy định về việc thực hiện hệ thống giới hạn vị thế để ngăn ngừa nguy cơ tập trung quá mức các vị thế hợp đồng (Điều 23), quy định về việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp Sở giao dịch thực hiện khi thị trường có diễn biến bất thường (Điều 87).

Xuất phát từ những thực tế trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022 đưa ra các quy định rõ ràng về hành vi thao túng thị trường và giao dịch nội gián trên thị trường phái sinh và thị trường tương lai. Trong đó, đối với hành vi thao túng thị trường tại Điều 12 nhà làm luật liệt kê 10 hành vi bị coi là gây ảnh hưởng đến giá giao dịch tương lai hoặc khối lượng giao dịch tương lai: (1) Thông đồng, tập trung lợi thế về vốn, lợi thế về vị trí hoặc lợi dụng lợi thế về thông tin để cùng nhau hoặc liên tục thực hiện các hợp đồng mua bán; (2) Thông đồng với người khác để thực hiện các giao dịch tương lai với nhau theo thời gian, giá cả và phương thức đã thỏa thuận trước; (3) Thực hiện các giao dịch tương lai giữa các tài khoản do chính mình thực sự kiểm soát; (4) Sử dụng thông tin quan trọng sai lệch hoặc không chắc chắn để lôi kéo nhà giao dịch tham gia giao dịch hợp đồng tương lai; (5) Thường xuyên hoặc với số lượng lớn khai báo, hủy tờ khai không nhằm mục đích hoàn thành giao dịch….

Để hạn chế nguy cơ xuất hiện giao dịch nội gián chứng khoán phái sinh, Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022 cấm người nội bộ có thông tin nội bộ về giao dịch tương lai, giao dịch chứng khoán phái sinh và những người thu thập thông tin nội bộ một cách bất hợp pháp tham gia vào giao dịch tương lai hoặc giao dịch chứng khoán phái sinh có liên quan trước khi thông tin nội bộ được công khai . Ngoài ra, Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022 cũng quy định rõ về các thông tin được coi là thông tin nội bộ (tại Điều 14) và chủ thể bị coi là người nội bộ trong giao dịch (Điều 15).

Thẩm quyền điều tra của cơ quan quản lý nhà nước về hợp đồng tương lai đối với các vi phạm trên thị trường cũng được mở rộng hơn để đảm bảo các cơ quan này được trang bị đầy đủ công cụ phát hiện và xử lý các hành vi bất hợp pháp trên thị trường như: được quyền phong tỏa các tài khoản tiền gửi, tài khoản ngân hàng có nghi ngờ với thời hạn lên đến 6 tháng, Quyết định và thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ngăn chặn việc xuất cảnh của những người bị nghi ngờ….

Quy định về bảo vệ nhà đầu tư: Cũng giống như Thái Lan, Trung Quốc cũng đưa ra quy định về việc thiết lập quỹ bảo vệ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh đặc biệt là nhà đầu tư hợp đồng tương lai. Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022 quy định chung về vấn đề này và giao cơ quan quản lý hợp đồng tương lai của Hội đồng Nhà nước kết hợp với cơ quan tài chính của Hội đồng Nhà nước xây dựng .

3. Sự tương thích của pháp luật Việt Nam với một số quốc gia ở Châu Á trong điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh.

Mặc dù là một thị trường chứng khoán phái sinh còn non trẻ tại Châu Á (mới chỉ bắt đầu triển khai năm 2017) tuy nhiên về khung pháp lý cho hoạt động của thị trường đã sớm được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm xây dựng. Ngay từ Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010 mặc dù chưa chính thức đề cập đến khái niệm “chứng khoán phái sinh” tuy nhiên nhà làm luật đã đưa ra quy định về một loại chứng khoán phái sinh phổ biến là hợp đồng tương lai. Đến Luật Chứng khoán 2019, chứng khoán phái sinh được đưa ra định nghĩa cụ thể trong luật. Với các văn bản dưới luật, năm 2015, Nghị định 42/2015/NĐ-CP được ban hành chính thức đưa ra các quy định cụ thể về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Đến năm 2020, Nghị định 158/2020/NĐ-CP ban hành thay thế cho Nghị định 42/2015/NĐ-CP với nhiều thay đổi phù hợp với yêu cầu phát triển của thị trường. Nhìn chung, hệ thống các quy định điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam có sự tương thích tương đối với quy định nhiều quốc gia ở Châu Á. Điều này được thể hiện qua một số nội dung như sau:

Một là, sự tương thích về văn bản điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh

Như đã phân tích ở phần 2, ở cả 3 quốc gia châu Á được nghiên cứu vấn đề chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh đều được quy định trong các văn bản có cấp độ là Luật, đặc biệt như ở Thái Lan và Trung Quốc còn ban hành Luật riêng điều chỉnh về chứng khoán phái sinh (Đạo luật phái sinh BE 2546 (2003) của Thái Lan, Luật tương lai và phái sinh năm 2022 của Trung Quốc). Phạm vi điều chỉnh của các luật này cũng tương đối rộng khi không chỉ điều chỉnh với các chứng khoán phái sinh có tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán hay cổ phiếu, trái phiếu mà còn mở rộng đối với các tài sản cơ sở là dầu thô, kim loại quý, khoản nợ… Trong khi ở Việt Nam, quy định về chứng khoán phái sinh trong Luật Chứng khoán 2019 là tương đối hạn chế, chủ yếu nằm trong quy định tại Nghị định 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Nội dung của Nghị định 158/2020/NĐ-CP về cơ bản cũng chỉ điều chỉnh sản phẩm chứng khoán phái sinh trên chứng khoán, chỉ số chứng khoán mà thiếu đi những quy định đối với các sản phẩm phái sinh dựa trên các loại tài sản khác . Ngoài ra, trong quy định của Nghị định 158/2020/NĐ-CP chủ yếu điều chỉnh các giao dịch chứng khoán phái sinh trên thị trường tập trung (tại Sở giao dịch) mà thiếu đi quy định cụ thể đối với các giao dịch phi tập trung (OTC) trong khi tại Singapore và Trung Quốc các nhà làm luật đều đã quan tâm và đưa ra quy định về vấn đề này.

Ở thời điểm hiện tại khi thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam còn non trẻ, số lượng giao dịch và sản phẩm chưa nhiều, việc quy định các vấn đề về thị trường chứng khoán phái sinh trong văn bản có cấp độ Nghị định là phù hợp để đảm bảo sự linh hoạt và dễ dàng sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên trong tương lai cần xây dựng một văn bản cấp độ Luật và có phạm vi điều chỉnh đầy đủ và rộng mở hơn.

Hai là, sự tương thích trong quy định về chủ thể tổ chức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh.

Hiện nay từ các quy định của Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 158/2020/NĐ-CP có thể thấy Việt Nam đang lựa chọn mô hình tương tự như Singapore là hợp nhất giữa Sở giao dịch chứng khoán cơ sở và Sở giao dịch chứng khoán phái sinh. Hiện nay, ở Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán đóng vai trò tổ chức thị trường giao dịch cho chứng khoán phái sinh . Xét về mô hình tổ chức thị trường, dù theo mô hình hợp nhất hay mô hình phân tách giữa Sở giao dịch chứng khoán cơ sở và Sở giao dịch chứng khoán phái sinh giữa thì điều quan trọng là việc hình thành thị trường phái sinh không gây ra những biến động lớn trên thị trường cơ sở. Điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào việc thiết kế các sản phẩm phái sinh đạt tiêu chuẩn hơn là vấn đề về cơ cấu tổ chức sở giao dịch . Tuy nhiên ở một góc độ khác, khi nghiên cứu mô hình Sở giao dịch chứng khoán phái sinh của Thái Lan, Trung Quốc có thể thấy việc phân tách thành 2 Sở giao dịch và có sự tham gia của các Sở giao dịch hàng hóa trong việc thiết lập Sở giao dịch chứng khoán phái sinh (như ở Trung Quốc) lại tạo cơ hội để đa dạng hóa các sản phẩm phái sinh được giao dịch trên thị trường và thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia.

Ba là, sự tương thích trong quy định về sản phẩm trên thị trường

Nhìn chung cách thức định nghĩa về chứng khoán phái sinh của Việt Nam là tương thích với quy định của các quốc gia được nghiên cứu. Theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019, “chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai” . Các thức tiếp cận này cũng được nhìn nhận thấy trong quy định về chứng khoán phái sinh của Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022 và Đạo luật phái sinh BE 2546 (2003) của Thái Lan (đã được đề cập đến tại phần 2). Đối với Luật Chứng khoán và hợp đồng tương lai của Singapore khi định nghĩa về chứng khoán phái sinh được định nghĩa theo hướng mở rộng hơn: “(a) bất kỳ hợp đồng hoặc thỏa thuận nào theo đó (i) một bên trong hợp đồng hoặc thỏa thuận được yêu cầu hoặc có thể được yêu cầu thực hiện tất cả hoặc bất kỳ nghĩa vụ nào của mình theo hợp đồng hoặc thỏa thuận vào một thời điểm nào đó trong tương lai; Và (ii) giá trị của hợp đồng hoặc thỏa thuận được xác định (trực tiếp hay gián tiếp, toàn bộ hay một phần) bằng cách tham chiếu đến, được bắt nguồn từ hoặc thay đổi bằng cách tham chiếu đến một trong những điều sau: (A) giá trị hoặc số lượng của một hoặc nhiều thứ cơ bản; (B) sự biến động về giá trị hoặc số lượng của một hoặc nhiều thứ cơ bản; hoặc (b) bất kỳ hợp đồng hoặc thỏa thuận nào thuộc về một nhóm hợp đồng hoặc thỏa thuận được quy định là hợp đồng phái sinh” .

Đối với tài sản được coi là hàng hóa cơ sở của chứng khoán phái sinh, Luật Chứng khoán 2019 quy định “Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh (sau đây gọi là tài sản cơ sở) là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng làm cơ sở để xác định giá trị chứng khoán phái sinh”. Tuy nhiên hiện nay trong cả Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 158/2020/NĐ-CP và các Nghị định của Chính phủ không đề cập đến bất kỳ một loại tài sản cơ sở nào khác ngoài chứng khoán (cụ thể là trái phiếu Chính phủ) và chỉ số chứng khoán. Trong khi tại các quốc gia châu Á đã nghiên cứu, tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh được mở rộng ngoài chứng khoán và chỉ số chứng khoán: tại Singapore bao gồm cả lãi suất; tại Thái Lan bao gồm vàng, dầu thô, tại Trung Quốc bao gồm cả nông sản, khoản nợ…..

Bốn là, sự tương thích về quy định đối với các thành viên tham gia thị trường chứng khoán phái sinh

Tại Việt Nam các thành viêc tham gia thị trường phái sinh bao gồm: các chủ thể kinh doanh chứng khoán phái sinh (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại), nhà đầu tư, và các tổ chức tự quản theo quy định của pháp luật. Cũng giống như ở các quốc gia châu Á đã nghiên cứu, chủ thể muốn thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh buộc phải thỏa mãn nhiều điều kiện về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu; về kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, nhân sự… và phải thông qua thủ tục cấp phép của cơ quản quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán. Điều này giúp đảm bảo việc cung cấp dịch vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh được an toàn, hiệu quả, phòng ngừa được rủi ro cho nhà đầu tư.

Năm là, sự tương thích về quy định phòng ngừa, xử lý rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư

Đối với quy định về phòng ngừa và xử lý rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh, pháp luật của Việt Nam cũng có những quy định tương tự như ở 3 thị trường đã nghiên cứu bao gồm các quy định về ký quỹ giao dịch, quy định về các biện pháp ổn định thị trường, quy định về hoạt động giám sát, quy định về thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước… Tuy nhiên riêng đối với vấn đề vi phạm và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán phái sinh có thể thấy các quy định của Việt Nam còn khá hạn chế. Hiện nay trong quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP và Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có đề cập đến các vi phạm liên quan đến chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên, chỉ là các vi phạm đơn giản liên quan đến quy trình cung cấp dịch vụ mà không có các quy định cụ thể về các hành vi vi phạm nghiêm trọng như thao túng thị trường hay giao dịch bằng thông tin nội bộ. Nhìn sang quy định của Thái Lan trong Đạo luật phái sinh BE 2546 (2003) đưa ra quy định cụ thể về các trường hợp hành động không công bằng trong giao dịch chứng khoán phái sinh , trong quy định của Luật Tương lai và phái sinh Trung Quốc 2022 còn đưa ra quy định cụ thể về hành vi thao túng thị trường và giao dịch nội gián trên thị trường phái sinh và thị trường tương lai (xem thêm tại phần 2). Việc quy định chi tiết về hành vi không công bằng, thao túng thị trường và giao dịch nội gián đối với chứng khoán phái sinh là hết sức cần thiết giúp cho không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà ngay chính các chủ thể trên thị trường cũng dễ dàng nhận diện vi phạm và từ đó kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các thiệt hại do vi phạm gây ra.

Về vấn đề bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán phái sinh, hiện nay trong quy định của Thái Lan và Trung Quốc đều đưa ra quy định về quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán phái sinh. Quỹ được hình thành từ nguồn đóng góp của các tổ chức cung cấp dịch vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh và được quản lý bởi các chủ thể độc lập. Quỹ được thiết lập với mục tiêu bồi thường cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức khi tham gia đầu tư các hợp đồng phái sinh gặp phải những thiệt hại đến từ các thành viên của quỹ. Ở Việt Nam hiện nay không có quy định về

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Đọc nhiều