(PLPT) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Điểm cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương có: Đại diện Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ công tác Đề án 06 của UBND cấp tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan; Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố - Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06; Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp huyện và các thành viên liên quan.
Chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06; ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn Ngành.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn Ngành tiếp tục đạt được các kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, mang lại lợi ích lớn, thiết thực không chỉ đối với người dân, doanh nghiệp mà còn cả với các cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Những kết quả đó được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Theo báo cáo, trong công tác chuyển đổi số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục làm tốt việc phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; cung cấp dịch vụ công trên môi trường số. Hiện nay, các thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các dịch vụ công này được cung cấp trên nhiều nền tảng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 6,8 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (tương đương 49,9 triệu hồ sơ gắn với từng người lao động, chiếm 88% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý).
Trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai kỹ thuật bảo đảm từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân), với hơn 104,2 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có khoảng 74% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 10% so với năm 2023).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai: Sổ sức khỏe điện tử; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử; tích hợp thông tin sổ Bảo hiểm xã hội trên ứng dụng VneID; tích hợp tài khoản VneID với VssID; triển khai Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Tại hội nghị, thông qua các tham luận của đại diện một số đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố cho thấy, các đơn vị, địa phương đã luôn nỗ lực, quyết tâm trong triển khai nhiệm vụ, qua đó đóng góp tích cực vào kết quả chung của toàn ngành với đích hướng tới là phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tốt hơn.
Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đánh giá, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không chỉ là đơn vị tiên phong đi đầu trong công tác chuyển đổi số mà còn có được những sản phẩm thật; người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật. Kết quả công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 là rất tích cực.
Trong đó nổi bật là việc thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân đạt tỷ lệ cao. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp rất nhiều tiện ích trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với lượt sử dụng rất lớn của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dù còn những khó khăn nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quan tâm xây dựng, phát triển rất tốt hạ tầng số, dữ liệu số, đồng thời chia sẻ mạnh mẽ với các Bộ, ngành, địa phương mang lại những lợi ích thiết thực, phục vụ người dân.
Ông Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cũng nhận định, các kết quả Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt được trong triển khai Đề án 06 là rất tích cực. Việc 100% cơ sở y tế triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử mức độ 2 là một nỗ lực lớn của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công an các địa phương trong việc chia sẻ, đồng bộ dữ liệu. Việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân cũng là kết quả ấn tượng, vượt qua rất nhiều khó khăn ban đầu khi thực hiện.
Phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, hiện nay, công tác Chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam mà trọng tâm là Đề án 06 tiếp tục đạt bước tiến vững chắc. Điều này đã và đang mang lại những thay đổi mang tính "bước ngoặt" trong mọi hoạt động nghiệp vụ, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, vì sự hài lòng của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
6 tháng đầu năm 2024, toàn Ngành đã có cố gắng, nỗ lực rất lớn trong triển khai Đề án 06. Với 30 nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành 13 nhiệm vụ, 17 nhiệm vụ đang triển khai và nhất định hoàn thành trước 31/12/2024. Tổ Công tác Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai Đề án 06 đã tham mưu ban hành 52 văn bản; Tổ công tác tại Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cũng có rất nhiều văn bản tham mưu với UBND cấp tỉnh về công tác này, góp phần tích cực vào các kết quả chung của toàn Ngành cũng như của cả nước trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận, đánh giá cao kết quả toàn Ngành đạt được trong công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06; đồng thời trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương với Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong thực hiện công tác này.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định, thời gian qua trong công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 các kết quả nổi bật của Ngành là xây dựng, phát triển được Cơ sở dữ liệu lớn, cơ bản hoàn thiện, bao phủ hầu hết người dân, doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu được đồng bộ, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tiền đề quan trọng để cải cách thủ tục hành chính.
Theo đó, công tác cải cách thủ tục hành chính của Ngành được triển khai mạnh mẽ, ngày càng thuận tiện, nhanh chóng đơn cử như việc sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân. Việc chia sẻ dữ liệu giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương ngày cảng kịp thời, cởi mở tạo nên cơ sở dữ liệu dùng chung, mang lại những tiện ích ngày càng lớn cho người dân, doanh nghiệp. 100% quy trình nghiệp vụ, quản lý của Ngành cũng được thực hiện trên môi trường số, giúp nâng cao năng suất lao động, minh bạch thông tin…
Bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của Ngành trong công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 như: Một vài người đứng đầu chưa ý thức được trách nhiệm, một số cán bộ chưa có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số. Công tác đảm bảo an toàn thông tin tại một số đơn vị chưa thực sự được quan tâm, vẫn còn tình trạng nhận thức chưa đầy đủ, chủ quan trong việc đảm bảo an toàn thông tin. Cán bộ công nghệ thông tin thiếu cả về số lượng, chất lượng; chế độ đãi ngộ cho cán bộ chuyển đổi số, công nghệ thông tin còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng của ngân hàng tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, liên thông dữ liệu với Bảo hiểm xã hội Việt Nam…
Vì vậy, thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, các đơn vị trực thuộc, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch đã được phê duyệt trong triển khai công tác chuyển đổi số và Đề án 06, quyết tâm hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao đến 31/12/2024. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai công tác này, đảm bảo 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thời gian.
Tiếp tục nâng cao nhận thức của công chức viên chức, người lao động về công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, phải coi đây là nhiệm vụ song hành cùng các nhiệm vụ chuyên môn. Tiếp tục xây dựng, làm giàu Cơ sở dữ liệu của Ngành, đồng thời sẵn sàng chia sẻ, đồng bộ, liên thông với các bộ, ngành, địa phương, từ đó tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, xây dựng và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số, giới thiệu, nhân rộng những thành tựu, kết quả chuyển đổi số của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến toàn xã hội, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ.
Tại Hội nghị, ghi nhận, biểu dương các đơn vị, cá nhân có thành tích, đóng góp lớn vào kết quả chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Vụ Thi đua khen thưởng đã công bố Quyết định của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc khen thưởng 13 cá nhân ngoài Ngành và 19 tập thể, 39 cá nhân trong Ngành vì có thành tích xuất sắc trong triển khai các nhiệm vụ thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao tại Đề án 06 của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2023./.
(PLPT) - Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các y, bác sĩ, các giáo sư đầu ngành Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai và gia đình hết lòng chăm sóc, cứu chữa, nhưng do tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, đồng chí Phạm Quốc Anh đã từ trần hồi 17h05 ngày 18/11/2024 tại nhà riêng.
(PLPT) - Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội nghỉ công tác.
(PLPT) - Bộ Quốc phòng đang dự thảo Thông tư quy định thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong Bộ Quốc phòng, dự kiến sẽ thay thế Thông tư số 169/2017/TT-BQP ngày 17/7/2017.
(PLPT) - Bị cảnh sát giao thông dừng xe máy khi đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nam thanh niên trình bày, do đi theo chỉ dẫn của phần mềm Google Maps nên đi nhầm vào đường cao tốc.
(PLPT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất 4 chính sách mới để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản nhằm xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
(PLPT) - Ngày 15/11/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015-2020 và các ông Nguyễn Xuân Ký, Bùi Văn Cường.
(PLPT) - Bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ.