Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng
Đấu thầu qua mạng là một yêu cầu hết sức bức thiết đối với việc đổi mới quy trình đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam với tiêu chí đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Với tiêu chí đó, Luật Đấu thầu năm 2023 và các văn bản hướng dẫn đã cụ thể hóa bằng các quy định về yêu cầu công khai các thông tin tại Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Để hướng dẫn Luật Đấu thầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, và tiếp sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, và Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT thay thế cho Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 26 tháng 4 năm 2024.
Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT có thể nói là sự bổ sung cần thiết nhằm cụ thể hóa quy trình lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu qua mạng với tiêu chí đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế cho hoạt động mua sắm công ở nước ta. Nội dung dưới đây lần lượt trình bày và phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan đến quy định về đấu thầu qua mạng theo Luật Đầu thầu năm 2023.
Thứ nhất, mở rộng phạm vi đối tượng đăng kí trên Hệ thống đấu thầu qua mạng đối với cá nhân
Luật Đấu thầu năm 2023 và các văn bản hướng dẫn đã mở rộng phạm vi các đối tượng có thể tham gia trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo đó, tại khoản 8 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT quy định:
“Tổ chức tham gia Hệ thống là các cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Hệ thống với một hoặc một số vai trò như sau: (i) Chủ đầu tư; (ii) Bên mời thầu; (iii) Nhà thầu (cá nhân, nhóm cá nhân tham gia gói thầu tư vấn cá nhân; cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp sáng tạo tham gia gói thầu mua sắm hàng hóa; tổ chức; hộ kinh doanh); (iv) Đơn vị quản lý về đấu thầu; (v) Cơ sở đào tạo về đấu thầu và (vi) Khối nhà sản xuất (nhà sản xuất, văn phòng đại diện, đại lý của nhà sản xuất) đăng ký tham gia Hệ thống để phản hồi về thông tin mà nhà thầu phản ánh.”
Như vậy, Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT đã làm rõ những đối tượng có thể tham gia Hệ thống đấu thầu qua mạng và qua đó, trong đó ghi nhận “cá nhân” có thể tham gia hệ thống đấu thầu qua mạng với tư cách là nhà thầu. Đây là quy định nhằm tạo sự thống nhất với khái niệm nhà thầu được quy định tại khoản 26 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2023. Đồng thời, Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT cũng đã bổ sung Mẫu số 6C được sử dụng để lập các biểu mẫu dành cho tư vấn cá nhân. Tiếp đó, khoản 9 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT cũng làm rõ về khái niệm tài khoản tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là tài khoản do Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cấp cho Tổ chức tham gia Hệ thống để thực hiện một hoặc một số vai trò quy định tại khoản 8 Điều 4 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT.
Với quy định trên, Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT đã có những bổ sung cần thiết nhằm tạo điều kiện cho cá nhân tham gia vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, qua đó nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch và thúc đẩy hiệu quả kinh tế của hoạt động mua sắm thông qua đấu thầu.
Thứ hai, nâng cao tính công khai, minh bạch trong đấu thầu qua mạng
Nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu qua mạng, Luật Đầu thầu năm 2023 và các văn bản hướng dẫn đã thắt chặt các yêu cầu liên quan đến vấn đề công bố thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo đó, Luật Đấu thầu yêu cầu đối với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải đảm bảo: Công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận đối với thông tin được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định tại khoản 1 Điều 17 về thông tin đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu gồm: (i) Thông tin về tình trạng pháp lý của nhà thầu; (ii) Thông tin về vi phạm của nhà thầu; (ii) Thông tin về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, bao gồm: báo cáo tài chính hoặc tài liệu về doanh thu, tài sản ròng; tình hình thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế và nộp thuế; nguồn lực tài chính; nhân sự chủ chốt; máy móc, thiết bị chủ yếu; hợp đồng đã và đang thực hiện, năng lực sản xuất, trong đó hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu được công khai các nội dung chính; (iii) Thông tin về uy tín của nhà thầu trong việc tham dự thầu bao gồm thông tin về các hành vi vi phạm trong quá trình tham dự thầu quy định tại khoản 1 Điều 18 của Nghị định này; (iv) Thông tin về kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu, bao gồm các thông tin quy định tại khoản 3 Điều 18 của Nghị định này và thông tin về quá trình thực hiện hợp đồng và (v) Các thông tin khác về nhà thầu.
Có thể thấy, mức độ công khai thông tin thông qua hệ thống đấu thầu qua mạng đã ở một mức độ rất cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia.
Thứ ba, triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng với tất cả các gói thầu kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025
Theo Luật Đấu thầu năm 2023, từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, tất cả các gói thầu sẽ được áp dụng đấu thầu qua mạng. Như vậy, với việc buộc triển khai đấu thầu qua mạng với tất cả các gói thầu sẽ đòi hỏi một nỗ lực rất lớn đến từ các bên liên quan. Theo đó, các nội dung lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được thực hiện trên Hệ thống đấu thầu quốc gia gồm: (i) Đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; (ii) Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; (iii) Lập, nộp hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; (iv) Mở thầu; (v) Đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, mời thương thảo hợp đồng, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; (vi) Thỏa thuận liên danh, bảo lãnh dự thầu điện tử, bảo lãnh thực hiện hợp đồng điện tử; (vii) Làm rõ các nội dung trong đấu thầu; (viii) Gửi và nhận đơn kiến nghị; (ix) Hợp đồng điện tử và (x) Thanh toán điện tử. Đây có thể xem là một mục tiêu đầy tham vọng của các cơ quan lập pháp trong việc hướng đến xây dựng một quy trình mua sắm công khai, minh bạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để đạt được tất cả những mục tiêu này, tác giả cho rằng, cần có nhiều giải pháp và nỗ lực đến từ các bên liên quan nhằm đưa đấu thầu qua mạng trở thành một phương thức phổ biến đối với nhà thầu trong trong quá trình tham gia quy trình mua sắm.
Thứ nhất, cơ chế đảm bảo thực thi việc công bố thông tin liên quan đến gói thầu.
Thông tin về gói thầu chỉ có thể xem là có giá trị đối với nhà thầu khi thông tin đó được cung cấp một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời. Do đó, để đảm bảo hiệu quả mua sắm, tác giả cho rằng, cần xây dựng một cách kĩ lưỡng các quy định về việc bảo đảm cơ chế công bố thông tin một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là những yếu tố quan trọng và cần được áp dụng đồng thời nhằm giúp cho nhà thầu có thể có được những yêu cầu chính xác từ phía mời thầu, chủ đầu tư dự án. Thực trạng hiện nay có thể thấy, một số bên mời thầu đã không cung cấp thông tin một cách kịp thời, đặc biệt trong trường hợp làm rõ hồ sơ mời thầu, thực trạng hiện nay cho thấy một số bên mời thầu đã không có phản hồi kịp thời hoặc đầy đủ về đề nghị làm rõ hồ sơ của bên mời thầu, dẫn đến tình trạng bên mời thầu không đáp đứng yêu cầu đối với hồ sơ mời thầu .
Thực trạng là vậy, tuy nhiên, cơ chế công bố thông tin và phản hồi thông tin liên quan đến hồ sơ mởi thầu của bên mời thầu cũng như chủ đầu tư vẫn chưa thực sự đầy đủ tại Luật Đầu thấu và các văn bản hướng dẫn. Khoản 1 Điều 82 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định, trách nhiệm của nhà thầu là yêu cầu bên mời thầu làm rõ hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa đưa ra được hướng xử lý cho việc trong trường hợp nhà thầu thực hiện trách nhiệm của mình, nhưng bên mời thầu lại không thực hiện yêu cầu làm rõ thì sẽ xử lý như thế nào. Tác giả cho rằng, cần bổ sung các quy định liên quan để bảo đảm việc công bố thông tin một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời đối với hồ sơ mời thầu và đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu trong quá trình tham gia đầu thầu qua mạng.
Thứ hai, chế tài xử lý vi phạm hành chính trong đấu thầu qua mạng
Nhằm nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan đến quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng, tác giả cho rằng, các quy định liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu nói chung và đấu thầu qua mạng nói riêng cần được xây dựng một cách chi tiết và kịp thời. Tuy vậy, hiện nay quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu vẫn thực hiện theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Do đó, về mặt lý thuyết, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do chưa có cở sở pháp lý để thực thi.
Thứ ba, giao diện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Với việc áp dụng đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ trở thành kênh thông tin, liên lạc, kết nối duy nhất của các bên tham gia đấu thầu qua mạng. Do đó, tác giả cho rằng, việc xây dựng giao diện Hệ thống mạng thấu thầu quốc gia với giao diện thuận tiện, dễ thao tác và có chất lượng xử lý thông tin, tài liệu cao chính là yêu cầu cần được đảm bảo. Tuy vậy, có thể thấy, một số vấn đề liên quan đến giao diện của hệ thống đấu thầu quốc gia vẫn chưa đáp ứng.
Cụ thể, nhà thầu rất khó tìm kiếm hồ sơ mời thầu theo từng lĩnh vực trong khi hàng ngày có đến hàng trăm hồ sơ mời thầu được đăng tải trên hệ thống. Do đó, việc tích hợp thêm công cụ lọc sẽ giúp cho nhà thầu có cơ hội tiếp cận với bên mời thầu một cách nhanh chóng thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, trong trường hợp nhà thầu bị xử phạt vi phạm hành chính và bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu nhưng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa chưa bổ sung tiện ích ngăn chặn các chủ thể tham gia đấu thầu trong thời hạn bị cấm như trên. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng là nhà thầu dù bị cấm đấu thầu vẫn có thể nộp hồ sơ để tham gia đấu thầu mua sắm. Do đó, chưa đảm bảo được tính công bằng, khách quan mặc dù quy định pháp luật đã rất minh thị về vấn đề này.
Thứ nhất, về cơ chế đảm bảo thực thi việc công bố thông tin liên quan đến gói thầu. Nhằm bảo đảm cơ chế công bố thông tin của bên mời thầu và chủ đầu tư cũng như nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình hỗ trợ nhà thầu trong quá trình mua sắm, tác giả cho rằng, cần bổ sung chế tài trong trường hợp bên mời thầu và chủ đầu tư không phản hồi hoặc phản hồi chậm trễ hoặc nội dung phản hồi chưa đảm bảo yêu cầu thông tin đối với nhà thầu. Đây là một sự bổ sung cần thiết, trong bối cảnh Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP chưa làm rõ vấn đề này.
Thứ hai, chế tài xử lý vi phạm hành chính trong đấu thầu qua mạng. Bổ sung kịp thời các quy định liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong đấu thầu qua mạng theo tác giả chính là yêu cầu bức thiết hiện nay. Đây là biện pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của bên tham gia đấu thầu và cũng nhằm xử lý tình trạng vi phạm trong đấu thầu hiện nay. Ở thời điểm Luật Đấu thầu năm 2023 chỉ mới có hiệu lực trong một thời gian ngắn, hành động của Chính phủ lúc này là rất cần thiết, nhằm gia tăng cơ chế thực thi hiệu quả các quy định về đấu thầu qua mạng hiện nay.
Thứ ba, giao diện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cải tiến Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là một trong những biện pháp có tính khả thi cao trong việc thúc đẩy hiệu quả của hoạt đông đấu thầu, mua sắm hiện nay. Theo đó, tác giả cho rằng, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cần tích hợp thêm tiện ích phân loại hồ sơ theo ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh, qua đó tạo thuận lợi cho nhà thầu trong việc tìm kiếm thông tin mời thầu và tham gia đấu thầu hiệu quả. Bên cạnh đó, Hệ thống cũng cần bổ sung công cụ nhằm ngăn chặn nhà thầu vi phạm bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu có thể nộp hồ sơ dự thầu chứ không chỉ dừng ở việc cung cấp danh sách nhà thầu vi phạm như hiện nay.
1. Luật Đấu thầu năm 2023
2. Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
3. Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
4. Chuyện lệch chuẩn làm rõ hồ sơ mời thầu qua mạng, https://phongquantrithietbi.neu.edu.vn/vi/tin-tuc-703/chuyen-lech-chuan-lam-ro-ho-so-moi-thau-qua-mang, truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2024.