Nghiên cứu lý luận

Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức đấu thầu trong hoạt động xây dựng qua mạng

PGS. TS. Phạm Thị Huyền Sang, TS. Nguyễn Thị Thanh Chủ nhật, 21/07/2024 - 15:15
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng qua mạng được hiểu như một quy trình được áp dụng để thực hiện tìm kiếm, lựa chọn nhà thầu thực hiện hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công hoặc giám sát một công trình xây dựng thông qua hệ thống mạng điện tử. Các quy định pháp luật về hoạt động đấu thầu thực hiện qua mạng được đặt ra nhằm mục đích đảm bảo sự minh bạch, công bằng, đảm bảo chất lượng trong việc lựa chọn nhà thầu.

Đấu thầu qua mạng là xu thế tất yếu của thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính… Ở Việt Nam, đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 2016 theo lộ trình quy định tại Quyết định số 1402 ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025. Hiện nay, nhiều lĩnh vực chọn áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng, trong đó phổ biến là các dự án xây dựng đường xá, xây dựng công trình nhà ở, cầu cảng, dịch vụ đi lại tàu cao tốc…

Có thể khẳng định hình thức tổ chức lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là một trong những cách thức tổ chức hiện đại, tối đa hóa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đấu thầu. Sự thuận lợi của hình thức đấu thầu qua mạng thể hiện rõ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho bên mời thầu cũng như nhà thầu. Tất cả các bước phê duyệt hồ sơ mời thầu, công bố kết quả hồ sơ mời thầu trên hệ thống, ký hợp đồng điện tử, thanh toán hợp đồng, đánh giá thực hiện hợp đồng, đánh giá uy tín nhà thầu, giám sát đấu thầu trên hệ thống đều có thể thực hiện qua mạng.

Đặc biệt, việc đánh giá uy tín của nhà thầu trở nên minh bạch bởi sự kết nối thông tin giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các hệ thống thông tin khác như: Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã; Hệ thống thông tin quản lý thuế; Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và hệ thống ngân hàng (để thực hiện bảo lãnh). Sự công bằng và minh bạch là cơ sở để mối quan hệ giữa các đối tác phát triển mạnh mẽ và bền vững, đồng thời góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam minh bạch và chất lượng hơn.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật về vấn đề này, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng nói chung và nhiều hướng dẫn cụ thể trong các trường hợp dự án thầu là dự án thuộc đầu tư công. Cụ thể, gồm các văn bản pháp luật như: Luật Đấu thầu năm 2023; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020; Nghị định số 23/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực; Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu (có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2024).

Từ thực tiễn thực hiện pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có một số vấn đề cần được làm sáng tỏ thêm nhằm giúp cho doanh nghiệp thực hiện quy trình kỹ thuật này nhanh chóng hơn.

Thứ nhất, cần thống nhất cách tính thời gian thực hiện hợp đồng khi so sánh với thuật ngữ “thời gian thực hiện gói thầu” được quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023.

Điều 401 BLDS năm 2015 có quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, từ đó có thể hiểu: Thời gian thực hiện hợp đồng là khoảng thời gian tính từ ngày hợp đồng mua bán giữa các bên có hiệu lực đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu một bên trong hợp đồng vi phạm nghĩa vụ với bên còn lại thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu các chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm hợp đồng như: buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng, phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại theo hợp đồng.

Khoản 7 Điều 39 Luật Đấu thầu 2023 quy định thời gian thực hiện gói thầu như sau: “Thời gian thực hiện gói thầu được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày nghiệm thu hoàn thành công trình, hàng hóa (bao gồm cả dịch vụ liên quan, nếu có), dịch vụ phi tư vấn, tư vấn. Thời gian thực hiện gói thầu được tính theo số ngày, số tuần, số tháng hoặc số năm, không bao gồm thời gian hoàn thành nghĩa vụ bảo hành, thời gian giám sát tác giả đối với gói thầu tư vấn (nếu có)”.

Điều này cũng có nghĩa là thời gian thực hiện gói thầu không bao gồm thời gian bảo hành sản phẩm. Quy định này xác định chi tiết mốc tính thời gian bởi thời gian bảo hành công trình trong hoạt động xây lắp thường rất lâu.

Điều 11 Thông tư 06/2024 cũng quy định rõ thời gian thực hiện hợp đồng, thời gian thực hiện gói thầu là các thông tin được quy định chi tiết tại Hợp đồng. Cách tính thời gian được hiểu là các ngày liên tục trong tuần, trong tháng, trong năm hay là không tính các ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ. Thực tế, các nhà thầu thường vướng mắc bởi việc xác định thời gian thực hiện gói thầu theo mốc tính ngày liên tục trong năm không tính ngày thứ 7, chủ nhật và ngày nghỉ lễ bắt buộc dẫn tới triển khai trên thực tế công trường tại các dự án lớn khá khó khăn về nhân sư. Cần pháp lý hoá cách tính thời gian này theo quy định của Bộ luật lao động trong hồ sơ mời thầu để đảm bảo công bằng trong tiêu chí lựa chọn nhà thầu bởi lẽ các nhà thầu đáp ứng tốt quyền lợi nghỉ ngơi của người lao động thì sẽ gặp bất lợi khi xác định thời gian thực hiện này.

Thứ hai, đánh giá tiêu chí nhân sự chủ chốt trong lựa chọn nhà thầu. Trong Thông tư số 06/2024 có sự khác biệt so với TT01/2024, đối với gói thầu Tư vấn không cho phép nhiều nhân sự chủ chốt. Quy định này chưa phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp bởi có những nhà thầu có nguồn nhân lực dồi dào sẽ có các nhóm chuyên gia. Ví dụ như nhân sự chủ chốt cho nhiệm vụ thiết kế kết cấu yêu cầu là số lượng 01 nhân sự nhưng nếu nhà thầu kê khai 02 nhân sự chủ chốt thì khối lượng và tiến độ và chất lượng có thể tăng lên (nếu có). Hoặc trong trường hợp gọi thầu là gói tư vấn kiểm toán dự án hoàn thành. Hồ sơ yêu cầu vị trí Kiểm toán viên yêu cầu là 02 nhân sự nhưng thực tế nhà thầu kê khai là 10 nhân sự là Kiểm toán viên thì khối lượng công việc được phân bổ cho các nhân sự trong dự án, chất lượng dịch vụ có thể tốt hơn và tiến độ công việc kiểm toán có khi đáp ứng hoặc vượt so với yêu cầu của dự án. Quy định này khá cứng nhắc khi xác định điểm không đạt trong tiêu chí lựa chọn nhà thầu.

Thứ ba, hình thức xử lý đối với trường hợp nhà thầu không cập nhật thông tin hồ sơ dự thầu khi nội dung hồ sơ mời thầu có được chỉnh sửa cần quy định cụ thể hơn. Theo Khoản 3 Điều 25 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT thì “Nhà thầu có trách nhiệm theo dõi, cập nhật các thông tin trên Hệ thống đối với gói thầu mà nhà thầu quan tâm hoặc tham dự. Trường hợp xảy ra các sai sót do không theo dõi, cập nhật thông tin trên Hệ thống dẫn đến bất lợi cho nhà thầu trong quá trình tham dự thầu bao gồm: thay đổi, sửa đổi về E-HSMQT, E-HSMST, E-HSMT, thời gian nộp E-HSQT, E-HSDST, E-HSDT, thời gian làm rõ E-HSQT, E-HSDST, E-HSDT, thời gian thương thảo hợp đồng và các nội dung khác thì nhà thầu phải tự chịu trách nhiệm và chịu bất lợi trong quá trình tham dự thầu”.

Việc tự chịu trách nhiệm và chịu bất lợi trong quá trình tham gia dự thầu không được quy định cụ thể dẫn tới trường hợp xử lý trên thực tế, có các nhà thầu không thực hiện cập nhật bản hồ sơ dự thầu do nhận thấy thông tin chỉnh sửa hồ sơ mời thầu không phải là các thông tin cơ bản, ảnh hưởng đến hồ sơ dự thầu nên không thực hiện cập nhật lại hồ sơ. Do đó, hệ quả là bị loại ra khỏi danh sách nhà thầu được xét duyệt hồ sơ thầu.

Thứ tư, tính an toàn và bảo mật của Hệ thống đấu thầu qua mạng là một trong những yếu tố cần quan tâm để giúp các doanh nghiệp an tâm, tin tưởng thực hiện tham gia đấu thầu qua mạng. Các công trình xây dựng thường là các dự án có giá trị lớn, chiếm vai trò quan trọng và hiệu quả sử dụng lâu dài, tác động xã hội lớn. Do đó, có nhiều nguy cơ như bị bị tấn công từ hacker và mất mát dữ liệu. Điều này tạo ra một thách thức đối diện với sự bảo mật của thông tin, khi mà hacker có khả năng xâm nhập và chiếm đoạt thông tin một cách đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính bảo mật của dữ liệu đấu thầu mà còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn khi các thông tin của hồ sơ mời thầu bị phát tán rộng rãi. Một trong những rủi ro hiện hữu nhất của tính an toàn và bảo mật của Hệ thống đấu thầu qua mạng đó là nguy cơ của Nhà thầu nộp sớm Hồ sơ đấu thầu có thể bị lộ thông tin về giá đấu thầu.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu qua mạng trong lĩnh vực xây dựng, cần đồng bộ triển khai một số giải pháp sau:

Cần hướng dẫn cụ thể về các vấn đề như hạn chế đã phân tích của bài viết đồng thời có trang thông tin điện tử của Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch đầu tư để hướng dẫn đồng thời giải đáp thắc mắc các tình huống phát sinh cho các đơn vị quản lí nhà nước, doanh nghiệp mở thầu cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh là bên nhà thầu. Mặt khác, cần đưa nội dung về đấu thầu qua mạng trở thành một nội dung quan trọng trong Chương trình hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và nhân sự công nghệ thông tin hỗ trợ bảo mật tại mạng Hệ thống đấu thầu quốc gia là yêu cầu cấp thiết bởi dữ liệu lưu trữ của Hồ sơ kỹ thuật trong Hồ sơ mời thầu ngành xây dựng có dung lượng cực kỳ lớn và cần độ bảo mật cao.

Để thu hút và phát huy nhiều hơn nữa hiệu quả của hoạt động đấu thầu qua mạng, cần sớm quan tâm khắc phục các tồn tại hiện nay. Hệ thống pháp luật về đấu thầu qua mạng đã được xây dựng khá chi tiết, tạo nên khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ cho công tác đấu thầu của các doanh nghiệp. Những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện được khắc phục sẽ hoàn thiện hơn hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng cơ bản cũng như phát triển kiến trúc đô thị, hiện đại hoá khu vực nông thôn ở Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

1. Nam Anh, Lợi ích nhiều mặt của đấu thầu qua mạng, Vnexpress, https://vnexpress.net/loi-ich-nhieu-mat-cua-dau-thau-qua-mang-3792884.html, truy cập ngày 17/5/2024.

2. Nguyễn Trọng Bảy, Pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, Tạp chí Toà án điện tử, https://tapchitoaan.vn/phap-luat-ve-dau-thau-trong-linh-vuc-xay-dung-co-ban8630.html, truy cập ngày 18/5/2024 (2023)

3. Thuý Hiền, Đấu thầu qua mạng - cần quyết tâm của người có trách nhiệm, Tạp chí Tuyên giáo Ban tuyên giáo Trung ương bản điện tử, https://tuyengiao.vn/dau-thau-qua-mang-can-quyet-tam-cua-nguoi-co-trach-nhiem-126004, truy cập ngày 14/5/2024.

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Đọc nhiều