Nghiên cứu lý luận

Đổi mới quản trị quốc gia trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Đinh Tấn Phong Chủ nhật, 28/07/2024 - 08:10
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về đổi mới quản trị quốc gia theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; phân tích thực trạng pháp luật và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các yêu cầu này ở Việt Nam trong thời gian qua.

Tóm tắt: Đổi mới quản trị quốc gia là một yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia, nhằm thích ứng với tình hình mới, thúc đẩy kinh tế phát triển, củng cố niềm tin của người dân và ổn định xã hội. Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 xác định những yêu cầu cụ thể về đổi mới quản trị quốc gia trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về đổi mới quản trị quốc gia theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; phân tích thực trạng pháp luật và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các yêu cầu này ở Việt Nam trong thời gian qua. Từ đó, đề xuất một số khuyến nghị tiếp tục đổi mới quản trị quốc gia trong giai đoạn mới.

Từ khóa: đổi mới, Nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa, quản trị quốc gia.

Abstract: Renovation of national governance is a mandatory requirement for each country, in order to adapt to the new situation, promote economic development, strengthen people's confidence and stabilize society. The document of the XIII Congress is the first document of the Party Congress that addresses the need for reform of national governance. Implementing the document of the 13th National Congress, Resolution No. 27-NQ/TW of the 6th Plenum of the Central Committee of the Communist Party of Vietnam, defining specific requirements for reforming national governance in building and perfecting a socialist rule of law state meaning in the new period. The article focuses on clarifying the requirements for national governance innovation under Resolution No. 27-NQ/TW, the current legal situation and implementation imitations in Vietnam in the recent years, hence proposes recommendations to continue innovating national governance in the new period.

Keywords: innovation; the Socialist Rule of Law State, national governance.

1. Đặt vấn đề

Đổi mới quản trị quốc gia là một xu thế phát triển của thời đại. Việc thúc đẩy đổi mới quản trị quốc gia ở một số nước trên thế giới hiện đã thu được những thành công nhất định, giúp các nước giải quyết được nhiều cuộc khủng hoảng, thách thức: suy thoái kinh tế, hỗn loạn xã hội, tham nhũng, tội phạm tràn lan,…[1] Nghị quyết Đại hội XIII, nội dung về “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả…” được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu phát triển được đặt ra trong thời gian tới, bao gồm “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”.

Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng tại Đại hội XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ngày 09/11/2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, xác định cụ thể những yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia: “Bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” và “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân”. Như vậy, những quan điểm, định hướng của Đảng về những nguyên tắc, yêu cầu trong đổi mới quản trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay đã được xác định cụ thể.

Cần khẳng định rằng hoạt động quản lý nhà nước ở Việt Nam đã từng bước có những thay đổi sâu rộng theo hướng quản trị quốc gia với pháp luật là công cụ quản trị chủ yếu. Theo đó, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện đã góp phần nâng cao năng lực quản trị quốc gia, giúp thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị, trong đó hệ thống pháp luật đã cơ bản bảo đảm một số yêu cầu như: sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, phát huy dân chủ, pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù đạt được một số thành tựu nhưng nhìn chung việc triển khai thực hiện các nguyên tắc, yêu cầu về đổi mới quản trị quốc gia còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân chưa nghiêm.

2. Tổng quan nghiên cứu

Từ khi thuật ngữ “quản trị quốc gia” và yêu cầu “đổi mới quản trị quốc gia” được thể hiện trong các văn kiện của Đại hội XIII, đã có khá nhiều nghiên cứu được công bố về đề tài này. Có thể chia các nghiên cứu này thành các nhóm sau:

Thứ nhất, nhóm các nghiên cứu về những vấn đề lý luận về quản trị quốc gia như: bài viết của tác giả Trần Thị Thanh Thủy về “Đổi mới quản trị quốc gia: Quan niệm, nguồn gốc, nội dung và điều kiện thành công” tiếp cận một cách hệ thống về quan niệm, bản chất về quản trị quốc gia, từ đó cho thấy rằng, đổi mới quản trị quốc gia vừa là áp lực nhưng cũng là động lực đối với Việt Nam trong quá trình phát triển. Bài viết “Bàn về các khái niệm quản trị nhà nước, quản trị quốc gia trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng” của tác giả Văn Tất Thu đã luận giải nội hàm của các khái niệm “quản trị nhà nước”, “quản trị quốc gia” dưới góc độ học thuật một cách khá toàn diện, phù hợp với bối cảnh chính trị, thực tiễn nền hành chính ở Việt Nam….

Thứ hai, nhóm các nghiên cứu kinh nghiệm đổi mới quản trị quốc gia trên thế giới. Điển hình như bài viết “Nhận diện về quản trị quốc gia: Kinh nghiệm quốc tế và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam” của tác giả Đoàn Văn Dũng đã nghiên cứu một số quan niệm, xu hướng về đổi mới quản trị quốc gia cơ bản trên thế giới và gợi mở một số giá trị tham khảo cho Việt Nam. Bên cạnh đó, bài viết “Xu thế đổi mới quản trị công trên thế giới và vấn đề hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng” của tác giả Nguyên Văn Thôi, mặc dù cũng tiếp cận vấn đề ở góc độ kinh nghiệm quốc tế nhưng có sự phân nhóm rõ ràng hơn về quá trình đổi mới quản trị quốc gia ở nhóm các nước xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa và quá trình chuyển đổi từ thể chế độc tài sang mô thức quản trị quốc gia…

Thứ ba, các nghiên cứu về những tiêu chí, chỉ số đánh giá quản trị quốc gia. Có thể kể đến như: bài viết “Quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả thông qua hệ thống các chỉ số đánh giá” của tác giả Lê Văn Mão đã gợi mở một số cách tiếp cận, khai thác một số chí số chỉ số đánh giá về quản trị quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Ngân hàng Thế giới và Ngân hành Phát triển Châu Á, cũng như một số chỉ số đang áp dụng ở Việt Nam như: chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (Par Index),… để đánh giá mức độ, hiệu quả quản trị quốc gia ở Việt Nam. Trong bài viết “Xây dựng và hoàn thiện bộ chỉ số quản trị quốc gia”, tác giả Nguyễn Văn Thành và Đặng Thành Lê đã đề xuất một khung đánh giá quản trị quốc gia dựa trên 05 trụ cột với 23 nhóm chỉ số, 144 chỉ số thành phần gắn với những yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, nhằm đáp ứng yêu cầu đo lường hiệu quả của hệ thống quản trị quốc gia với hệ thống chỉ tiêu đầu vào, đầu ra cụ thể, tác giả Đỗ Phú Hải trong bài viết “Nghiên cứu đo lường quản trị quốc gia” đã gợi mở một mô hình đo lường quản trị quốc gia dựa trên hệ thống thống kê cơ sở dữ liệu nội bộ các bộ ngành, các chỉ số đánh giá do VCCI và các tổ chức quốc tế độc lập xây dựng…

Như vậy, có thể thấy, các nghiên cứu về quản trị quốc gia và đổi mới quản trị quốc gia ở Việt Nam hiện nay khá phong phú, đa dạng, với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Qua đó, giúp xác định và làm rõ nội hàm, đặc điểm của quản trị quốc gia và những yêu cầu đặt ra trong quá trình đổi mới quản trị quốc gia Việt Nam. Đồng thời, các kiến nghị, đề xuất cũng mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, phục vụ công cuộc chuyển đổi từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, trong hầu hết các nghiên cứu chỉ chủ yếu phân tích về quản trị quốc gia và đổi mới quản trị ở khía cạnh lý luận và thực tiễn, chưa thật sự tập trung làm rõ những yêu cầu đã được Văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định, gắn với đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật hiện hành ở Việt Nam. Trong khi đó, pháp luật lại là công cụ quản trị chủ yếu và quan trọng nhất trong quản trị quốc gia, nên việc thiếu sự đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật khiến cho việc nghiên cứu về đổi mới quản trị quốc gia chưa toàn diện. Vì vậy, trong phạm vi bài viết, bên cạnh phân tích và làm rõ những yêu cầu mà Đại hội XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra, tác giả còn lồng ghép phân tích thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi đối với những yêu cầu này trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất những khuyến nghị, gởi mở nhằm thúc đẩy hiệu quả đổi mới quản trị quốc gia ở nước ta trong giai đoạn phát triển mới.

3. Khái niệm về quản trị quốc gia và đổi mới quản trị quốc gia

Quản trị quốc gia hay “quản trị công”, “quản trị nhà nước” chủ yếu được chuyển ngữ từ thuật ngữ “governance” trong tiếng Anh. Có quan điểm cho rằng, “quản trị quốc gia” khác với quản trị công và quản trị nhà nước. Tuy nhiên, xét từ nội hàm và các sử dụng các khái niệm “governance”, “public governance” (quản trị công) và “national governance” (quản trị quốc gia) trong các tài liệu học thuật tiếng Anh thì các thuật ngữ này có nghĩa tương tự và có thể sử dụng thay thế cho nhau.[2]

Quản trị quốc gia (national governance) được hiểu là phương thức quản lý nhà nước và xã hội thông qua các thể chế chính thức hoặc phi chính thức để kiểm soát, quản trị các nguồn lực của đất nước[3]. Cũng có quan điểm cho rằng: “Quản trị quốc gia là phương thức vận hành, quản lý xã hội bằng thể chế trên cở sở tương tác, phối hợp dân chủ giữa các chủ thể gồm nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi chính sách, pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích của các chủ thể và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực quốc gia”[4].

Theo Ngân hàng thế giới (WB), quản trị quốc gia là một tiến trình (process) mà từ đó quyền lực được trao cho những người cai trị, từ đó họ đưa ra các quy tắc và nhờ đó các quy tắc được thực thi và sửa đổi; hoặc là cách thức mà các quan chức và thiết chế công thực thi quyền hoạch định chính sách công và cung cấp dịch vụ công[5]. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng: “Quản trị quốc gia là việc sử dụng quyền lực chính trị và thực hiện việc điều hành xã hội nhằm quản lý nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội”[6]. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đề xuất một định nghĩa cụ thể hơn, quản trị quốc gia là “… việc thực hiện thẩm quyền kinh tế, chính trị và hành chính để quản lý các công việc của một quốc gia ở tất cả các cấp. Nó bao gồm các cơ chế, quy trình và thể chế mà qua đó các công dân và các nhóm thể hiện rõ lợi ích của họ, thực hiện các quyền hợp pháp của họ, đáp ứng các nghĩa vụ của họ và làm trung gian hòa giải những khác biệt của họ”[7].

Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tựu trung lại có thể hiểu quản trị quốc gia là >phương thức mà Nhà nước quản lý và điều hành xã hội dựa trên pháp luật; đồng thời, tạo điều kiện để các chủ thể ngoài nhà nước như người dân, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình quản lý, xây dựng thể chế, cung ứng dịch vụ công và điều tiết, phân bổ các nguồn lực phát triển. Như vậy, đặc trưng của quản trị quốc gia thể hiện qua vai trò và cách thức tác động của Nhà nước với xã hội, hay nói cách khác là sự định hướng, dẫn dắt, điều chỉnh các quan hệ xã hội của nhà nước[8]. Do đó, đổi mới quản trị quốc gia được hiểu là >việc đổi mới cách tiếp cận, phương thức và vai trò quản lý của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động vận hành các quan hệ xã hội, góp phần phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

4. Những yêu cầu về đổi mới quản trị quốc gia trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết số 27-NQ/TW

Trên thế giới hiện nay, tùy thuộc vào trình độ phát triển, đặc điểm, bối cảnh, tình hình cụ thể mà từng quốc gia theo đuổi những triết lý và mô hình quản trị quốc gia khác nhau[9]. Ở Việt Nam, những tiêu chí, tiêu chuẩn trong đổi mới quản trị quốc gia trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay được Văn kiện Đại hội XIII xác định: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, nhất là quản lý phát triển”[10]. Theo các quan điểm tại Văn kiện Đại hội XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW các yêu cầu về quản trị quốc gia được hiểu như sau:

Thứ nhất, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa, hiện đại là “thuộc về thời đại ngày nay; có áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật ngày nay”[11]. Như vậy, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại là việc đổi mới phương thức quản lý nhà nước và xã hội dựa trên việc áp dụng những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật ngày nay. Quan điểm này ít nhất được hiểu theo hai hướng: (i) Vận dụng những thành tựu về các lý thuyết, mô hình, triết lý quản trị nhà nước hiện đại trên thế giới hiện nay vào đổi mới quản lý nhà nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng thể chế trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. (ii) Ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quá trình quản trị nhà nước, bao gồm những tiến bộ về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng thông minh,… phục vụ công tác quản lý xã hội, lưu trữ thông tin của hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp,…

Thứ hai, về đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiệu lực, hiệu quả. Hiệu lực là tác dụng thực tế, đúng như yêu cầu đề ra, là kết quả của một hành động hoặc cái sinh ra từ một nguyên nhân[12]. Bên cạnh đó, hiệu quả là “kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại”[13]. Như vậy, có thể hiểu, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiệu lực, hiệu quả là hướng tới nền quản trị quốc gia có chất lượng hoạt động thực sự đáp ứng yêu cầu của người dân và xã hội, việc ban hành và triển khai các quyết định, chính sách bảo đảm sử dụng tối ưu các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu này đặt ra một số yêu cầu về cải cách mạnh mẽ cấu trúc bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước; thực hiện phân cấp, phân quyền rõ ràng, cụ thể; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công.

Thứ ba, về đổi mới quản trị quốc gia theo hướng tập trung quản lý phát triển. Trong bối cảnh đời sống xã hội ngày càng phát triển và biến đổi nhanh chóng, Nhà nước với nguồn lực hữu hạn không thể đáp ứng tốt yêu cầu và chức năng quản lý trên tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Do đó, mặc dù có nhiều triết lý và mô hình khác nhau trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại nhưng đa số các quốc gia và tổ chức quốc tế hiện nay đều đồng tình rằng, Nhà nước cần thu hẹp phạm vi hoạt động để tập trung vào nhiệm vụ quản lý, điều tiết vĩ mô, xây dựng thể chế và kiến tạo phát triển. Những nhiệm vụ khác mà xã hội (người dân và tổ chức xã hội) và thị trường (doanh nghiệp) có thể làm tốt hơn thì nên chuyển giao cho những chủ thể này thực hiện thông qua hình thức xã hội hóa. Nhà nước hạn chế những can thiệp trực tiếp, mang tính hành chính đối với thị trường.

Thứ tư, bảo đảm thượng tôn Hiếp pháp và pháp luật trong quản trị quốc gia. Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, nguyên tắc thượng tôn Hiếp pháp và pháp luật hay nguyên tắc pháp quyền được xem là nguyên tắc cốt lõi. Đồng thời, Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng xác định, Hiến pháp và pháp luật là công cụ chủ yếu trong hoạt động quản trị của Nhà nước. Điều này đặt ra yêu cầu về việc tuyệt đối tôn trọng hiệu lực điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật. Do đó, đổi mới quản trị quốc gia trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần tuyệt đối đảm bảo tính thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính tối thượng của mình, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền cần phải hướng đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo đảm công lý, công bằng và lẽ phải; đặc biệt, phải được xây dựng và ban hành theo hình thức dân chủ và phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế[14]. Theo đó, đội ngũ cán bộ, công chức hành chính trong quá trình thực thi công vụ cần tuân thủ triệt để quy định của pháp luật, kiểm soát việc thực hiện các hành vi hành chính và ban hành các quyết định hành chính không trái quy định, bảo đảm không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân.

Thứ năm, về nâng cao tính minh bạch trong quản trị quốc gia. Trong hoạt động của bộ máy nhà nước, minh bạch gắn liền với công khai. Theo đó, “công khai” nghĩa là mọi hoạt động của cơ quan nhà nước phải được phổ biến, tuyên truyền, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân có thể tiếp cận dễ dàng. Trong khi đó, “minh bạch” nghĩa là không những phải công khai mà còn phải trong sáng, không khuất tất, không gây khó khăn cho người dân trong tiếp cận thông tin.[15]Công khai, minh bạch trong quản trị nhà nước đặt ra yêu cầu cho các cơ quan nhà nước phải thực hiện công bố công khai và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân xuyên suốt quá trình quản lý và hoạch định chính sách. Trong hoạch định chính sách, sự công khai, minh bạch cần thực hiện trong toàn bộ quy trình từ xây dựng cho đến tổ chức thực thi chính sách. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước là tiền đề quan trọng và điều kiện cần thiết để người dân và xã hội tham gia hiệu quả hơn vào quản trị nhà nước, giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền. Nói cách khác, khi các cơ quan nhà nước thực hiện tốt công khai, minh bạch những thông tin trong quá trình quản lý, người dân và xã hội tiếp cận được những nguồn thông tin xác thực từ chính quyền, việc tham gia ý kiến và giám sát hoạt động của chính quyền sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn, góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bản thân trước những quyết định, chính sách sai lầm của chính quyền.

Thứ sáu, về trách nhiệm giải trình trong quản trị quốc gia. Trong quản trị nhà nước, việc thực hiện giải trình giúp người dân và xã hội biết được “Nhà nước đang làm gì và đang làm như thế nào?”. Theo đó, trách nhiệm giải trình trong quản lý nhà nước được hiểu là nghĩa vụ cung cấp, lý giải những thông tin, dữ liệu của hoạt động quản lý nhà nước một cách đầy đủ, rõ ràng và các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về hoạt động đó.[16] Tóm lại, trách nhiệm giải trình bao gồm 02 yếu tố: khả năng giải đáp những thắc mắc của người dân và việc chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra trong hoạt động công vụ. Như vậy, trong quản trị nhà nước, ngoài nghĩa vụ bảo đảm tính công khai, minh bạch về thông tin, các cơ quan nhà nước còn có trách nhiệm đối thoại và giải thích những kiến nghị, yêu cầu và khúc mắc của người dân đối với hoạt động của mình. Qua đó, trách nhiệm giải trình giúp tăng cường tính công khai, minh bạch và giúp người dân có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước giải đáp và làm rõ những vấn đề liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của bản thân. Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình còn đặt ra vấn đề về hậu quả mà cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phải gánh chịu nếu xảy ra những sai phạm trong quá trình thi hành nhiệm vụ, gây thiệt hại hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thứ bảy, về sự tham gia của người dân trong quản trị quốc gia. Sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý của nhà nước không chỉ là yêu cầu cơ bản của nền chính trị dân chủ mà còn là một yếu tố, một phương diện không thể thiếu của nền quản trị quốc gia hiện đại[17]. Do đó, việc hoàn thiện cơ chế đảm bảo sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước và xã hội không chỉ giúp phát huy dân chủ mà còn góp phần nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Trên thế giới hiện nay, mặc dù có nhiều triết lý và mô hình khác nhau trong việc xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại nhưng tất cả đều thống nhất rằng, cần lấy người dân là trung tâm của nền quản trị quốc gia[18]. Ở Việt Nam, tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị nhà nước xuất phát từ bản chất của một “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, “tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân”, Nhà nước gắn bó mật thiết với Nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân[19].

5. Đánh giá thực trạng quản trị quốc gia ở Việt Nam đối với những yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW

Thứ nhất, về đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại

Một là, đổi mới quản lý nhà nước theo những lý thuyết, mô hình, triết lý quản trị nhà nước hiện đại. Ở Việt Nam hiện nay, đứng trước xu thể đổi mới phương thức quản lý nhà nước, cải cách nền hành chính quốc gia trên thế giới, một số mô hình, triết lý quản trị nhà nước hiện đại đã được xác định, vận dụng và thúc đẩy thực thi hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền. Trong đó, có thể kể đến như: triết lý xây dựng “Chính phủ kiến tạo” của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 với phương châm “xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”[20]; hay mô hình “Nhà nước nhỏ, Xã hội lớn” được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ, với mục tiêu giảm thiểu vai trò, sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường, tăng cường phân cấp, phân quyền và phát huy vai trò của xã hội và người dân trong quản trị nhà nước[21]… “Chính phủ kiến tạo” của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 không chỉ dừng lại ở những diễn ngôn chính trị mà thực sự đã trở thành mục tiêu và định hướng hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, thực sự trở thành một Chính phủ kiến tạo cho sự phát triển. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, những nỗ lực thúc đẩy cải cách, đổi mới quản lý nhà nước dựa trên những lý thuyết hiện đại ở Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là cục bộ, Nhà nước vẫn chưa xác định được một chủ thuyết quản trị nhà nước chủ đạo, toàn diện trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc hội nhập với những triết lý, trào lưu quản trị nhà nước hiện đại là yêu cầu khách quan, tất yếu. Mặc dù trong giới hàn lâm khoa học xã hội, nhiều công trình nghiên cứu về những lý thuyết quản trị nhà nước hiện đại và khả năng ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam đã được thực hiện nhưng đến nay việc ghi nhận những lý thuyết này trong những văn bản chính thức vẫn còn hạn chế, chưa được áp dụng rộng rãi.

Hai là, ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào quản trị nhà nước. Thời gian qua, vấn đề ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Theo đó, Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy xây dựng nền hành chính số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của các cơ quan hành chính hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản xác định những mục tiêu, nội dung phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, bao gồm: Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; và đặc biệt là Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Nghị quyết số 76/NQ-CP xác định 06 nội dung cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, bao gồm nội dung xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số,…”. Tuy nhiên, những nỗ lực của các cơ quan hành chính nhà nước, hệ thống cơ quan lập pháp và tư pháp mới chỉ là “những bước đầu”, mang tính thử nghiệm, thí điểm, mà chưa áp dụng rộng rãi, thường xuyên. Đồng thời, việc chuyển đổi số toàn diện trong các cơ quan nhà nước cũng đặt ra vấn đề về việc bảo mật và an toàn dữ liệu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chuyển đối số. Đây là những vấn đề dài hơi, yêu cầu sự nỗ lực và kiên trì theo đuổi từ các cấp, các ngành.

Quá trình chuyển đổi số quốc gia mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng tồn tại không ít hạn chế. Điển hình như trong xây dựng chính quyền điện tử hiện nay, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm được các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, một số địa phương mặc dù đã thực hiện việc cung ứng các dịch vụ công trực tuyến nhưng chủ yếu các dịch vụ công này ở mức đơn giản là cung cấp các biểu mẫu trên môi trường mạng, có rất ít dịch vụ công trực tuyến cho phép người dân gửi, thanh toán lệ phí và việc xử lý, trả hồ sơ qua môi trường mạng. Do đó, dịch vụ công của phần lớn địa phương chỉ mới là cung ứng ở mức 1 và 2, việc cung ứng ở mức độ cao (mức 3 và 4) còn khá ít.[22]

Thứ hai, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiệu lực, hiệu quả

Một là, về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nhà nước. Để cải cách mạnh mẽ cấu trúc bộ máy nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chính phủ đã thể chế thành nhiều văn bản thực thi, trong đó nổi bật như Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP quy định về chính sách tinh giản biên chế, tạo lập cơ sở pháp lý cụ thể cho việc thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn bộ máy. Hiện nay, kết quả tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước thu gọn tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cụ thể, theo Bộ Nội vụ, kết quả tinh gọn bộ máy đến năm 2022 đã giảm được nhiều đầu mối bên trong các bộ, ngành và địa phương (giảm trên 25% đơn vị sự nghiệp, ở các địa phương giảm 3.980 đơn vị sự nghiệp); sắp xếp và giảm 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 557 đơn vị hành chính cấp xã. Về tinh giản biên chế, đã giảm trên 27.500 biên chế công chức; giảm gần 243.000 biên chế viên chức so với năm 2015, và vượt so với mục tiêu giảm 10% mà Nghị quyết số 39-NQ/TW đề ra đến năm 2021[23]. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, ở không ít địa phương, bộ ngành công tác sắp xếp nhân sự bước đầu cũng chỉ dừng ở việc xem xét, bố trí lại con người, vị trí làm việc, chứ chưa chú trọng củng cố bộ máy tổ chức, tiết giảm mạnh nhân lực theo hướng tinh gọn[24].

Hai là, về đổi mới chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, bộ máy nhà nước. Đại hội XII yêu cầu, tiếp tục đổi mới tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các cơ quan, đơn vị; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ mới[25]. Tuy nhiên, qua quá trình thực thi, “nhận thức, triển khai đổi mới tổ chức bộ máy một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa đều, chưa thật đồng bộ”. Cụ thể, việc đổi mới tổ chức bộ máy trên thực tế ở một số bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối dẫn đến các đơn vị này chưa thực sự có sự thay đổi về cơ chế hoạt động và chất lượng cung ứng dịch vụ công[26]. PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cũng chỉ ra 7 nội dung gần gũi, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ liên quan đến 12 bộ và cơ quan ngang bộ thuộc cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.[27] Những tồn tại trên đòi hỏi, bộ máy nhà nước cần có sự đột phá trong đổi mới chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ một cách thực chất.

Ba là, về chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công. Nguồn nhân lực khu vực công là nhân tố quyết định hiệu quả vận hành của bộ máy nhà nước, là nhân tố quan trọng dẫn dắt quá trình đổi mới đất nước[28]. Do đó, vấn đề thu hút nhân tài cho khu vực công luôn là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Theo đó, ngày 31/7/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) … góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế…”. Bên cạnh đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cơ bản về thu hút nhân tài cho khu vực công.

Thứ ba, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng tập trung quản lý phát triển. Nhằm thúc đẩy cải cách bộ máy tập trung vào quản lý phát triển, Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước xác định, việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương cần dựa trên nguyên tắc: Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước và không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm đã được phân công và trong phạm vi đã được phân cấp, phân quyền. Tuy nhiên, thực tiễn phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương còn có những hạn chế nhất định. Đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành vẫn còn quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải quyết định nhiều vấn đề cụ thể; đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội[29].

Thứ tư, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong đổi mới quản trị quốc gia

Một là, đối với bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật. Thời gian qua, công tác xây dựng thể chế đã đạt nhiều nhiều thành tựu quan trọng, đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo chuyển biến tích cực, góp phần hoàn thiện thể chế, giúp nền kinh tế ổn định và phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác xây dựng chính sách, pháp luật nói chung vẫn còn tồn tại hạn chế, bất cập như tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản luật và các văn bản dưới luật dẫn đến tình trạng “làm theo luật này thì đúng, luật khác thì sai”. Đồng thời, thực tiễn quản lý nhà nước còn cho thấy, vẫn còn phổ biến trình trạng ban hành những công văn có chứa quy phạm pháp luật. Ví dụ như: Công văn 8909/BKHĐT-PC ngày 31-12-2020 của Bộ Kế hoạch Đầu tư về hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020; hay các công văn của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quy định của Luật Dược… Việc ban hành các công văn có tính quy phạm pháp luật dẫn đến những rủi ro pháp lý luôn thường trực đối với người dân và doanh nghiệp do văn bản này được ban hành mà không dựa trên quy trình lấy ý kiến công khai các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, chỉ dựa trên ý chỉ chủ quan của cơ quan ban hành[30]. Kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 cũng cho thấy, trên cả nước có 101 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật[31]. Những tồn tại, hạn chế trên cho thấy, công tác quản trị nhà nước bằng pháp luật chưa được tuân thủ và thực hiện đầy đủ.

Hai là, đối với bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong đổi mới quản trị quốc gia. Thời gian qua, vấn đề bảo đảm thượng tôn pháp luật trong cả công tác xây dựng thể chế và quản lý điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước đều tồn tại những hạn chế nhất định: (i) Đối với công tác xây dựng pháp luật, năm 2022, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã thực hiện kiểm tra và phát hiện 376 văn bản quy phạm pháp luật có quy định trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (trong đó có 135 văn bản ban hành trong năm 2022), tăng 172 văn bản so với năm 2021; (ii) Đối với công tác quản lý, điều hành, thực tế thời gian quan cho thấy, nhằm giải quyết những vấn đề mang tính nhất thời, cục bộ mà một số địa phương đã ban ban hành những quyết định hành chính trái quy định pháp luật. Ví dụ như trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội… đã ban hành các văn bản, chỉ đạo trái luật về việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến phân lô, tách thửa đất nông nghiệp trên địa bàn một số quận, huyện trực thuộc. Theo đó, các văn bản, chỉ đạo nêu trên đều được kết luận là trái quy định của Luật Đất đai năm 2013 và quy định pháp luật hiện hành, hạn chế các quyền hợp pháp của người sử dụng đất. Đồng thời, một số ý kiến còn cho rằng, thực trạng này đã thể hiện sự coi thường pháp luật của chính quyền địa phương[32].

Bên cạnh những việc ban hành những văn bản trái luật, tình trạng các cơ quan quản lý không tuân thủ, thi hành bản án, quyết định của Tòa án cũng là một trong những ví dụ điển hình cho thấy tính thượng tôn Hiếp pháp và pháp luật ở Việt Nam còn chưa được nhận thức đầy đủ. Điển hình như, trường hợp Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành không thi hành bản án hành chính của Tòa án[33]; hay đặc biệt là trường hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang không thi hành bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vì cho rằng bản án không đúng quy định pháp luật[34]. Trong khi đó, Điều 106 Hiến pháp năm 2023 quy định rất rõ: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Tóm lại, từ những thực tế trên cho thấy, tinh thần và thái độ bất tuân thủ pháp luật của một số cơ quan và chính quyền địa phương hiện nay đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, làm xói mòn tính tối thượng của Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị quốc gia bằng pháp luật.

Thứ năm, về nâng cao tính minh bạch trong quản trị quốc gia. Thực trạng thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay theo Báo cáo về Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 đã cho thấy nhiều hạn chế. Cụ thể, kết quả điều tra thể hiện: chưa có tỉnh/thành phố nào thực hiện tốt việc phổ biến và thực thi đầy đủ Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, chỉ có khoảng 20% số người cần thông tin về chính sách, pháp luật cho biết đã nhận được thông tin họ cần. Ở tất cả các tỉnh/thành phố cũng chưa có sự cải thiện rõ rệt nào trong công khai, minh bạch một số loại thông tin như: danh sách hộ nghèo, thu, chi ngân sách cấp xã và thông tin đất đai.[35] Tương tự, Báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 cũng cho thấy: Việc tiếp cận một số loại tài liệu ở địa phương đối với doanh nghiệp vẫn còn tương đối khó khăn. Những tài liệu khó tiếp cận nhất với doanh nghiệp lần lượt là bản đồ, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương và kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Mặc dù đây đều là các loại thông tin, tài liệu phải công khai theo quy định nhưng hầu như các địa phương chưa cung cấp một cách đầy đủ, rõ ràng.[36]

Thứ sáu, về trách nhiệm giải trình trong quản trị quốc gia. Từ năm 2018, Báo cáo PAPI điều tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động của chính quyền địa phương các cấp trên ba trục nội dung chính gồm: (i) Mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương; (ii) Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân; (iii) Tiếp cận dịch vụ tư pháp. Có thể thấy, Báo cáo PAPI đã cơ bản tiếp cận được với nội hàm của trách nhiệm giải trình trong hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trục nội dung này chỉ mới dừng lại ở đánh giá mức độ tin tưởng vào cơ quan tư pháp địa phương hoặc các cơ chế phi tòa án khi người dân cần giải quyết các tranh chấp dân sự, chưa xem xét đến nhận thức và tinh thần dám chịu trách nhiệm đối với những sai sót, sai phạm và những hậu quả phát sinh của cán bộ, công chức địa phương. Mặc dù vậy, kết quả điều tra năm 2022 vẫn cho thấy một số tồn tại trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình ở các địa phương hiện nay. Cụ thể như, nội dung về xử lý khiếu nại, tố cáo và giải đáp khúc mắc của người dân ở các tỉnh, thành đều đạt điểm thấp nhất trong ba nội dung thành phần; trung bình chưa đến 50% người trả lời trên toàn quốc cho biết họ đã gửi đề xuất, khuyến nghị, tố giác tới chính quyền địa phương, song không phải ai cũng hài lòng với kết quả nhận được[37].

Thứ bảy, về bảo đảm sự tham gia của người dân trong quản trị quốc gia. Trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước đã thể chế thành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo lập hành lang pháp lý cụ thể cho sự tham gia của người dân trong quản trị quốc gia. Điển hình như Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định, “công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”. Thực hiện quy định của Hiến pháp, một số văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước và xã hội đã được ban hành như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Luật Trưng cầu ý dân năm 2015; các quy định về lấy ý kiến nhân dân trong pháp luật quy hoạch, đất đai và xây dựng và trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015…

Kết quả điều tra PAPI năm 2022 lại cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế trong bảo đảm quyền tham gia của người dân trong quản lý nhà nước và xã hội như: (i) Người dân chưa thực hiện đầy đủ quyền bầu cử của mình, chưa tới 50% số người trả lời cho biết họ được mời tham gia bầu chọn trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố ở 16 địa phương; (ii) Ở tất cả các tỉnh, thành phố mức độ tham gia của người dân vào các dự án cơ sở hạ tầng tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế; (iii) tỷ lệ tham gia góp ý của người dân vào quy hoạch đất đai tại địa phương hiện nay còn quá thấp; từ năm 2011 đến nay, năm có tỷ lệ người có ý kiến góp ý vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương cao nhất cũng chỉ có 7% (năm 2013), trong khi đó năm thấp nhất là 2,8% (năm 2015), năm 2022 cũng chỉ có 4,67%[38]…

6. Kết luận và khuyến nghị

Đổi mới quản trị quốc gia là một yêu cầu tất yếu, khách quan của thời đại, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện thành công mục tiêu “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, hướng đến sớm đưa nước ta thành nước phát triển. Việc thực hiện các yêu cầu, nguyên tắc trong đổi mới quản trị quốc gia đã được nền tảng thể chế pháp lý. Trên cơ sở phân tích thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi đối với những yêu cầu về đổi mới quản trị quốc gia mà Đại hội XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra, tác giả đề xuất một số khuyến nghị, gợi mở nhằm tiếp tục đổi mới quản trị quốc gia trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng đặc trưng của những mô hình và triết lý quản trị quốc gia hiện đại trên thế giới hiện nay vào thực tiễn quản lý nhà nước ở Việt Nam, hướng xây dựng một chủ thuyết về quản trị quốc gia cụ thể cho Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cần tổ chức xây dựng một chiến lược, kế hoạch quốc gia cụ thể, chi tiết về đổi mới quản trị quốc gia làm nền tảng triển khai thực hiện hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 76/NQ-CP, trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị công, cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy gắn đổi mới chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, bộ máy của các cơ quan nhà nước hoạt động hướng đến nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cần triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Chiến lược quốc về thu hút và trọng dụng nhân tài; trong đó, chú trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về thu hút và trọng dụng nhân tài. Đặc biệt, cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP đảm bảo việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ tài năng vào làm việc trong khu vực công một cách hiệu quả và thực chất hơn, phù hợp với tinh thần Kết luận số 86-KL/TW.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật trong toàn bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Trọng tâm là nâng cao tinh thần tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thi hành công vụ, đảm bảo tính thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật trong công tác xây dựng thể chế, quá trình quản lý điều hành của các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, địa phương.

Thứ tư, các cơ quan nhà nước cần thực hiện nghiêm túc công tác công khai, minh bạch thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách, pháp luật và thực hiện đa dạng các hình thức công khai thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước đến cấp cơ sở gắn với nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong công bố, công khai và cung cấp thông tin đến với người dân theo đúng quy định pháp luật.

Thứ năm, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải đáp những khúc mắc, kiến nghị của người dân theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018. Hoàn thiện quy định cụ thể hóa về trách nhiệm cá nhân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể, gắn với nâng cao tinh thần đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, công chức đối với vấn đề chịu trách nhiệm đối với những sai phạm, hậu quả xảy ra trong quá trình thực thi công vụ.

Thứ sáu, nhằm tiếp tục tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị quốc gia, cần thực hiện rà soát và hoàn thiện chính sách, pháp luật về lấy ý kiến, tham vấn nhân dân, cộng đồng dân cư đối với những vấn đề có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đồng thời, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện tốt việc đối thoại, tiếp thu và giải đáp những phản ánh, kiến nghị và khúc mắc của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Có Hoàn thiện cơ chế bảo đảm và thu hút sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội./.

Tài liệu tham khảo

1. CECODES, VFF-CRT, RTA & UNDP, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2022: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, 57 (12/4/2023)

2. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 86 (2011).

3. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 204 (2016).

4. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII (TẬP I), NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 81 (2021).

5. Development Committee, Strengthening World Bank Group Engagement on Governance and Anticorruption, (2007), https://documents1.worldbank.org/curated/en/973911468162549917/pdf/390550additional0volume0R20071003613.pdf

6. Đinh Dũng Sỹ, Bàn về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Nghiên cứu lập pháp, số 06, 3, 5-12 (2020)

7. Đỗ Phú Hải, Chính sách phát triển nguồn nhân lực khu vực công tại Việt Nam, Khoa học Chính trị, số 01, 45, 46 (2017).

8. Lê Hải Bình, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quản trị quốc gia trong phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, Lý luận chính trị, số 06, 11, 12-13 (2020).

9. Lê Hiệp, 'Chủ tịch UBND không đến tòa, không thi hành bản án hành chính là vô cảm', Thanh niên (8h23 11/9/2022), https://thanhnien.vn/chu-tich-ubnd-khong-den-toa-khong-thi-hanh-ban-an-hanh-chinh-la-vo-cam-1851498660.htm

10. Mai Tiến Dũng, Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, Chính phủ (9h46 22/10/2020), https://baochinhphu.vn/xay-dung-chinh-phu-kien-tao-liem-chinh-hieu-luc-hieu-qua-tan-tam-tan-luc-phuc-vu-nhan-dan-102281188.htm

11. Minh Chiến, Văn Duẩn, Hơn 4 năm tuyển được 258 sinh viên xuất sắc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu điểm “nghẽn”, Người lao động (9h39 05/11/2022), https://nld.com.vn/thoi-su/hon-4-nam-tuyen-duoc-258-sinh-vien-xuat-sac-bo-truong-bo-noi-vu-neu-diem-nghen-20221105091244133.htm

12. Nguyễn Đặng Phương Truyền, Nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay, Nghiên cứu lập pháp, số 15, 52, 54 (2021).

13. NGUYỄN TRỌNG BÌNH, HÀNH CHÍNH CÔNG VÀ QUẢN TRỊ CÔNG: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 193 (2018).

14. Nguyễn Trường, Chi cục Kiểm lâm “bác bỏ” bản án phúc thẩm có hiệu lực của TAND Cấp cao, Dân trí (15h37 25/10/2018), https://dantri.com.vn/xa-hoi/chi-cuc-kiem-lam-bac-bo-ban-an-phuc-tham-co-hieu-luc-cua-tand-cap-cao-tai-ha-noi-20181025110305748.htm

15. Nguyễn Văn Đáng, Xây dựng nền quản trị quốc gia theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương, (07/5/2021), http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/xay-dung-nen-quan-tri-quoc-gia-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.html

16. Nguyễn Văn Thôi, Những vấn đề cơ bản về đổi mới quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay, Cộng sản, (0h13 15/12/2021), https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/ nghien-cu/-/2018/824506/nhung-van-de-co-ban-ve-doi-moi-quan-tri-quoc-gia-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx

17. OECD, Open Government: The global context and the way forward, (2016), https://www.oecd.org/gov/open-gov-way-forward-highlights.pdf

18. Phạm Thị Thanh Trà, Tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Nội vụ (2022) https://www.moha.gov.vn/kstthc/baocao/tiep-tuc-xay-dung-bo-may-hanh-chinh-nha-nuoc-tinh-gon-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua-theo-tinh-than-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-46091.html

19. Phan Trung Lý, Nguyễn Trung Thành, Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, Nghiên cứu lập pháp, số 15, 03, 04 (2020).

20. Security Council – United Nations, Report of the Secretary-General on the rule of law an transitional justice in conflict and post - conflict societies, United Nations (2004), https://digitallibrary.un.org/record/527647

21. Sỹ Đông, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: ‘Tinh thần là nhà nước nhỏ và xã hội lớn’, Thanh niên (20h49 13/12/2022), https://thanhnien.vn/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-tinh-than-la-nha-nuoc-nho-va-xa-hoi-lon-1851510184.htm

22. Tiến Long, TP.HCM và các địa phương ra văn bản trái luật, lỗ hổng ở đâu?, Tuổi trẻ (14h46 28/4/2023), https://tuoitre.vn/tp-hcm-va-cac-dia-phuong-ra-van-ban-trai-luat-lo-hong-o-dau-2023042813011813.htm

23. Trần Ngọc Đường, Các nguyên tắc pháp quyền và việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, T

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Đọc nhiều