Phó Thủ tướng: Đổi mới tư duy xây dựng thể chế từ quản lý sang khơi thông nguồn lực
Yến Nhi
Thứ tư, 09/10/2024 - 18:48
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh "đổi mới tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế", Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, cần chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực.
Tại diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp" sáng 9/10, nêu một số kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định, chúng ta đã cố gắng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chắc chắn trong thành tích này có sự đóng góp của thể chế.
Theo Phó Thủ tướng, qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua thảo luận tại Diễn đàn cho thấy quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật - một trong ba đột phá chiến lược của nước ta.
Nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về đổi mới tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Phó Thủ tướng cho rằng, Diễn đàn là hành động cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi tư duy quản lý sang tư duy khơi thông mọi nguồn lực.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề cập, các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ rất nhiều lần nhấn mạnh đến phân cấp, phân quyền và đảm bảo cho các tổ chức, người được phân cấp, phân quyền có đủ khả năng tổ chức, thực hiện được công việc. Vì vậy, sử dụng công cụ một luật sửa nhiều luật là một trong nhiều việc chúng ta phải làm.
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu của diễn đàn là chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý và tập trung lại hai nhóm vấn đề mà ban tổ chức đã chọn để giải quyết. Ông Long lưu ý, vấn đề không nằm ở chỗ văn bản quy phạm không đúng hay vướng mắc trong tổ chức thi hành mà có rất nhiều vấn đề cần xử lý về quan điểm, cách tiếp cận, cách giải quyết còn khác nhau. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải căn chỉnh cho phù hợp.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận những ý kiến đóng góp tại diễn đàn. Ông Long yêu cầu Bộ Tư pháp tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị để tham mưu văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan chủ trì trình dự án luật cần xem xét xử lý ngay những vấn đề được nêu tại diễn đàn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại diễn đàn, giải trình thỏa đáng những vấn đề chưa thể thực hiện.
Chung tay tháo gỡ các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp
Phát biểu kết thúc Diễn đàn, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và cảm ơn, ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng tại diễn đàn.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, một số kiến nghị đã được xử lý, giải đáp ngay, còn một số kiến nghị, đề xuất khác đã được Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành địa phương tổng hợp nghiêm túc và gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan để nghiên cứu, xử lý, cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền có phương án, cách thức giải quyết trong thời gian tới.
Về chủ trương của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đổi mới, xây dựng, hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp là rất rõ ràng.
Từ những chủ trương này, bằng những hành động cụ thể đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước ta phát triển trong thời gian qua. Nhưng trong bối cảnh mới, kỷ nguyên mới của đất nước, nhu cầu thực tiễn thôi thúc phải hành động, cùng chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
"Trong một buổi sáng, Diễn đàn không thể giải quyết hết các nhu cầu của doanh nghiệp, hiệp hội, cũng như các địa phương, Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp Phổ biến, Giáo dục pháp luật Trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến hình thức tiếp nhận ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của chính sách.
Khi chúng ta cùng lắng nghe, cùng thấu hiểu, cùng chia sẻ, cùng chung tay tháo gỡ các vấn đề pháp lý, chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh sẽ ngày càng thuận lợi hơn. Vừa thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Và ý nghĩa hơn, diễn đàn cũng là một trong những hành động cụ thể để thực hiện hóa việc chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật có phần thiên về quản lý như hiện nay sang khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển", ông Nguyễn Hải Ninh bày tỏ.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.