Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Cảnh giác thủ đoạn giả danh shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Yến Nhi Thứ hai, 30/09/2024 - 10:00

(PLPT) - Ngày nay, với sự gia tăng của thói quen mua sắm trực tuyến, việc giao nhận hàng qua các shipper đã trở thành điều quen thuộc. Tuy nhiên, song hành với sự tiện lợi này, một chiêu trò lừa đảo mới đã xuất hiện và ngày càng phổ biến là việc giả danh shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Cục an toàn thông tin)

Nhận diện các thủ đoạn giả danh shipper để lừa đảo

Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới là giả danh shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người mua hàng.

Các đối tượng lợi dụng các buổi livestream bán hàng để thu thập thông tin qua các bình luận công khai của khách hàng hoặc tìm kiếm mua bán thông tin khách từ các nguồn không chính thống.

Khi có được thông tin khách hàng, các đối tượng giả danh shipper của các công ty vận chuyển uy tín để gọi điện thoại cho nạn nhân và thông báo có đơn hàng cần giao, yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng.

Trường hợp nạn nhân ở nhà và nói để ra nhận hàng thì đối tượng hẹn 5-10 phút sẽ đến, sau đó cắt liên lạc, chặn số điện thoại. Nếu nạn nhân không có nhà thì đối tượng nói đã gửi hàng cho bảo vệ, người quen, hàng xóm và yêu cầu nạn nhân nhanh chóng chuyển tiền thanh toán đơn hàng.

Khi nạn nhân chuyển tiền thành công thì đối tượng liền thông báo rằng mình đã gửi nhầm số tài khoản của hội viên shipper hoặc thông báo món hàng của nạn nhân đã bị thu hồi. Để lấy được số tiền nạn nhân đã chuyển mua hàng trước đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân nhập vào đường link do đối tượng cung cấp.

Khi nạn nhân click vào đường link sẽ có 1 đối tượng khác hướng dẫn nạn nhân cách thao tác đăng nhập qua app ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân.

"Các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào những nạn nhân có thói quen mua hàng online, nhưng không hay nhận hàng trực tiếp" - chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội nhìn nhận.

Chị V.N.T., trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ câu chuyện chính mình bị mắc bẫy đối tượng lừa đảo thông qua thủ đoạn mạo danh shipper trong khi chị là người rất cẩn thận khi nhận hàng đặt mua online.

Theo chia sẻ của chị T., chị có thói quen mua hàng online và thường nhận hàng tại địa chỉ nhà. Cuối ngày, khi chị về nhận hàng, kiểm hàng rồi mới thanh toán cho cơ sở. Ngày 23/9 vừa qua, chị nhận được điện thoại của một shipper nói mình giao hàng và yêu cầu chị T. chuyển khoản. Thông thường chị T. vẫn giữ thói quen tối về kiểm hàng mới trả tiền nhưng hôm đó, người shipper gọi điện liên tục yêu cầu chị chuyển khoản số tiền 230.000 đồng.

Dù chưa biết món hàng là gì nhưng thấy shipper gọi điện liên tục nên chị đành chuyển khoản số tiền nói trên. Nhưng chỉ 5 phút sau khi chị T. chuyển tiền, shipper gọi điện thoại lại nói giao bị nhầm đơn, liên hệ tổng đài để lấy lại tiền.

Khi chị T. liên hệ với tổng đài, nhân viên ở đây nói chị đã gửi thanh toán vào tài khoản đăng ký làm shipper, hàng tháng tài khoản của nạn nhân sẽ bị trừ một khoản tiền nhất định. Nếu chị T. không làm theo hướng dẫn thì hàng tháng sẽ bị trừ 4,5 triệu đồng. Nghi ngờ gặp đối tượng lừa đảo, chị T. cắt liên lạc, chấp nhận bị mất số tiền 230.000 đồng.

Theo chị T., số tiền chị bị mất chỉ có 230.000 đồng nhưng nhiều người xung quanh, có người bị mất tới hàng chục triệu đồng vì chiêu lừa này.

Cơ quan công an đề nghị người dân không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua; không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận; tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link nào do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo của kẻ gian.

Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường phải dừng ngay giao dịch và báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời giải quyết theo quy định của pháp luật.

Giả mạo Facebook của thương hiệu lớn để lừa đảo khuyến mãi

Thời gian vừa qua, trên Facebook, nhiều người dùng mạng xã hội này tại Việt Nam đã tiếp cận với quảng cáo giả mạo thương hiệu Samsung của fanpage "SamCenter Việt Nam", đăng tải nội dung khai trương cơ sở mới và thông tin chương trình ưu đãi - bán 5.000 tai nghe Buds 2 Pro với giá giảm tới 70% so với giá gốc.

Những ngày sau đó, cũng chính fanpage giả mạo nêu trên lại tiếp tục đăng tải thông tin "Được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng, chỉ sau 2 giờ lượt bán đã chạm mốc 5.000 chiếc, chính thức phá kỷ lục của hãng từ trước đến nay", với mục đích dẫn dụ nhiều người dùng tham gia chương trình.

Chỉ rõ chương trình ưu đãi kể trên không có thật, do đối tượng mạo danh thương hiệu lớn tạo ra để lừa đảo người dùng, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng lưu ý thêm: Fanpage giả mạo được thiết kế chuyên nghiệp, thậm chí các đối tượng còn tạo hàng loạt bình luận với nội dung "đã nhận được hàng" cùng đánh giá chất lượng sản phẩm dưới các bài đăng trên fanpage giả mạo nhằm tăng mức độ tin cậy với người dùng.

Điều đáng nói là, trường hợp các đối tượng xây dựng fanpage, website giả mạo và mạo danh các thương hiệu lớn tạo khuyến mại giả để lừa đảo như vụ việc cụ thể nêu trên không phải là trường hợp cá biệt, thậm chí là xuất hiện khá thường xuyên trên không gian mạng Việt Nam thời gian qua.

Cũng trong tháng 9, một số người dùng mạng xã hội đã nhận được tin nhắn nội dung "nhận quà từ Adidas nhân kỷ niệm 70 năm thành lập công ty" kèm theo đường link để người dùng đăng nhập. Hay trong tháng 6, hàng loạt tin nhắn tương tự với nội dung mời tham gia "Quỹ phúc lợi Coca-Cola" để nhận quà, nhận thưởng từ đồng hồ Rolex nhân ngày thành lập... cũng được gửi tới nhiều người dùng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, qua ghi nhận của Cục An toàn thông tin, lợi dụng tình hình thiên tai xảy ra tại các tỉnh phía Bắc thời gian vừa qua, các đối tượng lừa đảo không chỉ tung ra những chương trình khuyến mãi giả mạo, mà còn kêu gọi mua hàng để quyên góp từ thiện, từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cụ thể, các đối tượng tạo các trang web tương tự như của các thương hiệu nổi tiếng hoặc tổ chức từ thiện, cung cấp thông tin về các sản phẩm khuyến mãi để kêu gọi từ thiện. Đối tượng còn sử dụng tài khoản mạng xã hội giả mạo, đăng bài quảng cáo các chương trình khuyến mãi, khuyến khích mọi người mua hàng và cam kết quyên góp một phần doanh thu cho người dân bị thiệt hại; song thực tế mục đích của các chương trình khuyến mãi này là để trục lợi.

5 dấu hiệu về những cuộc gọi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Cuộc gọi giả danh công an

Các đối tượng cung cấp những thông tin phù hợp với nhân thân tài sản của người bị hại và thực hiện đe dọa, thậm chí dàn dựng, kết nối cho bị hại nhìn thấy, nói chuyện qua điện thoại với người được cho là công an để bị hại tin tưởng. Sau đó, các đối tượng phạm tội yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản chúng chỉ định, đồng thời bắt bị hại giữ bí mật sự việc để phục vụ công tác điều tra.

Do đó, khi thấy bất cứ cuộc gọi nào tự xưng là công an điều tra vụ án, người dân cần đến ngay trụ sở cơ quan công an gần nhất để trình báo. Ngoài ra, người dân không nên công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử hoặc khi mua sắm tại các cửa hàng.

Đồng thời, khi nhận các cuộc gọi như trên, người dân không làm theo yêu cầu của người lạ như tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tránh việc lộ thông tin cá nhân, khiến tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

2. Cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng

Trên thực tế, đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin cá nhân và bị chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại. Thủ đoạn lừa đảo thường là: Thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp OTP hay cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn có thể giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ. Vì vậy, nên cẩn thận với yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ những cuộc điện thoại không rõ người gọi.

3. Số điện thoại không đăng ký hoặc không liên quan

Một số đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại không đăng ký hoặc không liên quan để thực hiện cuộc gọi. Nếu số điện thoại không phải là một số điện thoại cố định hay di động thông thường hoặc không liên quan đến một tổ chức hay đơn vị nào đó, đó có thể là một dấu hiệu lừa đảo.

Theo cảnh báo từ nhà mạng VNPT, người dùng điện thoại cần tăng cường đề phòng trước những cuộc gọi quốc tế không mong muốn. Những cuộc gọi hay tin nhắn đến từ nước ngoài sẽ xuất hiện ký hiệu cộng (+) hoặc 00 ở đầu số, và hai chữ số tiếp theo không phải là 84 - mã số quốc gia của Việt Nam. Ví dụ: đến từ Moldova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226)...

4. Cuộc gọi từ người bán hàng trực tuyến giả

Nếu mua sắm trực tuyến, có người giả làm người bán và gọi điện thoại nói rằng có vấn đề với một sản phẩm mà chúng ta mua vào thời điểm này không thể được vận chuyển, hoặc vì lý do nào đó cần chuyển tiền. Họ có thể gửi một liên kết, một khi người sử dụng vô tình nhấp vào liên kết này, rất có thể thông tin trong điện thoại di động sẽ bị đánh cắp. Nếu vô tình nhập mật khẩu tài khoản thẻ ngân hàng, người dùng có thể sẽ bị lấy cắp tiền trong tài khoản.

5. Cuộc gọi thông báo trúng thưởng hoặc được tặng quà có giá trị

Một trong những chiêu thức mới nhất của các kẻ lừa đảo là giả danh các công ty, doanh nghiệp hoặc ngành nghề khác nhau, như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí và liên lạc với người dân thông qua điện thoại hoặc tin nhắn.

Những cuộc gọi hay tin nhắn này thường báo tin người dân đã trúng thưởng một phần quà hay chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về.

Tuy nhiên, để nhận được phần thưởng, người dân bị yêu cầu mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền. Điều này rất nguy hiểm vì khi người dân điền thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, tài khoản ngân hàng của họ có thể bị chiếm đoạt, tài sản bị lấy cắp.

Mạo danh, lừa đảo qua điện thoại bị xử lý như thế nào?

Lừa đảo qua điện thoại đã trở thành một vấn nạn lớn cho toàn xã hội. Các cơ quan chức năng ghi nhận, nhiều trường hợp bị lừa đảo bằng hình thức này đã bị chiếm đoạt tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ đồng. Dư luận băn khoăn, pháp luật hiện nay quy định về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại như thế nào?

Theo luật gia Phan Xuân Chiến - Phó trưởng phòng Pháp chế, Công ty Luật TNHH Sen Vàng - tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, đối tượng có hành vi lừa đảo qua điện thoại có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Xử phạt hành chính đối với hành vi đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản

Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi lừa đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:

"Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;"

"Địa điểm khác thuộc quản lý của người khác" theo điểm a Điều 15 nêu trên cần được hiểu bao gồm trên điện thoại của người sử dụng. Do vậy, khi các đối tượng có hành vi liên hệ để xâm nhập cách trái phép vào điện thoại của người dùng nhằm đánh cắp thông tin, thực hiện chiếm đoạt tài sản của người dùng thì sẽ thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, xét theo thực tế các hành vi lừa đảo nêu trên, các đối tượng thường sử dụng phương thức lừa đảo qua điện thoại với quy mô lớn, không chỉ lừa một người mà lừa rất nhiều người và chiếm đoạt tài sản với giá trị lớn. Bởi vậy, khi phát hiện các đối tượng lừa đảo và xét theo tính chất, mức độ của sự việc thì các đối tượng lừa đảo đa phần bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lừa đảo qua điện thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật gia Phan Xuân Chiến phân tích, hành vi lừa đảo thông qua điện thoại là sử dụng các thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, người thực hiện hành vi này có thể chịu trách nhiệm hình sự với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 của Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Cụ thể, hành vi lừa đảo qua điện thoại chiếm đoạt tài sản bị xử lý theo bốn khung hình phạt như sau:

Khung 1: Trường hợp không có tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự: Phạt cải tạo không giam giữ trong khoảng thời gian không quá 3 năm hoặc phạt tù trong khoảng thời gian từ 6 tháng - 3 năm.

Khung 2: Nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, sẽ bị phạt tù từ 2 - 7 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Khung 3: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh sẽ bị phạt tù từ 07 – 15 năm.

Khung 4: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc án tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 100.000.000 đồng;

- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 01 - 05 năm;

- Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, hành vi gọi điện thoại dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác với số tiền từ 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cùng chuyên mục

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Thể chế rõ ‘cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch’ theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thể chế rõ ‘cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch’ theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam được xây dựng nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi thực hiện thủ tục nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam.

Giữ nguyên thời hiệu xử phạt vi phạm trong tố tụng và trật tự, an toàn giao thông đường bộ như hiện hành

Giữ nguyên thời hiệu xử phạt vi phạm trong tố tụng và trật tự, an toàn giao thông đường bộ như hiện hành

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

Sáng 28/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ về 5 dự án luật quan trọng

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ về 5 dự án luật quan trọng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

Sáng 18/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần thứ 2 trong tháng 4/2025, thảo luận nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị trình Quốc hội.

Các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 phục vụ hiệu quả cho công cuộc sắp xếp bộ máy

Các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 phục vụ hiệu quả cho công cuộc sắp xếp bộ máy

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra vào sáng nay (16/4), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã truyền đạt Chuyên đề "Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031".

Nắm chắc tình hình tội phạm ma túy từ sớm, từ xa, từ cơ sở

Nắm chắc tình hình tội phạm ma túy từ sớm, từ xa, từ cơ sở

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

Sáng 17/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt Kết luận số 132 năm 2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Khẩn trương hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL

Khẩn trương hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 16/4/2025 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế

Bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

Chiều 15/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 dự án Luật: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.