Pháp luật quốc tế

Kinh nghiệm Singapore về quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) và bài học cho Việt Nam

Thứ sáu, 02/08/2024 - 11:30
Nghe audio
0:00

Singapore đã vươn lên trở thành một trong những nước có nền kinh tế số phát triển nhất thể giới nhờ tận dụng tối đa những lợi thế về trí tuệ nhân tạo.

Theo các bảng xếp hạng uy tín của Oxford Insights, GlobalData và PwC, Singapore luôn nằm trong nhóm quốc gia hàng đầu về sự sẵn sàng cho AI, hệ sinh thái AI phát triển và đầu tư cho AI. Chỉ trong năm 2022, quốc gia này đã có tới hơn 1.000 startup trong lĩnh vực AI.

Quy mô thị trường trong lĩnh vực AI dự kiến sẽ đạt 1,05 tỷ USD vào năm 2024, dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm (2024-2030) là 28,10%, đạt khối lượng thị trường 4,64 tỷ USD vào năm 2030[1]. Đằng sau những thành công đó là những bài học quý giá về tầm nhìn, quyết tâm và hành động của chính phủ cùng sự chung tay của doanh nghiệp, người dân Singapore.

Kinh nghiệm Singapore về quản trị trí tuệ nhân tạo (AI)

Tầm nhìn tiên phong trong việc phát triển AI

Từ rất sớm, Singapore đã nhận thức sâu sắc về vai trò then chốt của công nghệ số và AI đối với tương lai phát triển đất nước. Ngay từ những năm 2010, quốc gia này đã bắt đầu triển khai tầm nhìn xa về một "quốc gia thông minh", ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Singapore xác định 7 lĩnh vực trọng điểm sẽ ưu tiên phát triển bằng công nghệ, bao gồm y tế, giáo dục, tài chính, logistics, đô thị thông minh, chính phủ và an ninh. Cùng với đó, Singapore đã thành lập Cơ quan Trí tuệ nhân tạo quốc gia (AI Singapore), Hội đồng quốc tế về Đạo đức AI để thiết lập hành lang pháp lý và các nguyên tắc đạo đức nhằm quản trị AI.

Chiến lược quốc gia về AI (NAIS) lần đầu tiên của Singapore ra đời năm 2019 với tầm nhìn lớn là biến Singapore thành trung tâm toàn cầu về nghiên cứu, phát triển và triển khai AI vào năm 2030, tập trung vào 5 trụ cột: quan hệ đối tác ba bên giữa chính phủ, doanh nghiệp và học viện, phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc dữ liệu quốc gia, thu hút và bồi dưỡng nhân tài AI, xây dựng môi trường AI đáng tin cậy với người dân và thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế.

Đến năm 2023, chính phủ Singapore công bố Chiến lược mới về AI (NAIS 2.0), thể hiện tham vọng lớn hơn của Singapore với mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu trong nghiên cứu, phát triển và triển khai AI một cách có trách nhiệm và bền vững. NAIS 2.0 đặt trọng tâm vào việc ứng dụng AI giải quyết các thách thức toàn cầu, đầu tư vào các sáng kiến AI có thế mạnh cạnh tranh và tăng cường niềm tin của công chúng với những ứng dụng AI thân thiện, nhân văn[2].

Ứng dụng AI rộng khắp và toàn diện

Với tầm nhìn và quyết tâm chính trị cao, Singapore đã thúc đẩy phát triển AI một cách quyết liệt, trở thành quốc gia có mức độ ứng dụng AI sâu rộng và đa dạng bậc nhất. Hầu như mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đều được áp dụng AI với những sáng kiến, ứng dụng thiết thực. Một số lĩnh vực tiêu biểu bao gồm:

Về y tế, Singapore là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng AI để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân. Các công nghệ AI được sử dụng để dự báo lượng bệnh nhân, tối ưu hóa quản lý giường bệnh và cung cấp dịch vụ y tế cá nhân hóa thông qua nền tảng HealthHub[3].

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Singapore đã phát triển và triển khai nhanh chóng các ứng dụng AI như hệ thống chatbot tư vấn y tế, phần mềm dự báo tác dụng phụ của vaccine[4] hay robot chăm sóc bệnh nhân[5]...

Đặc biệt, hàng loạt robot AI được ra mắt như những "người bạn đồng hành ảo" như Mabu, ElliQ với các tính năng trò chuyện theo ngữ cảnh, truyền tải thông tin và động viên tinh thần cho người cao tuổi, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân[6].

Kinh nghiệm Singapore về quản trị trí tuệ nhân tạo (AI)

Về giáo dục, Singapore định hướng phát triển một nền giáo dục cá nhân hóa, thích ứng với từng học sinh dựa trên sức mạnh của AI. Bộ Giáo dục nước này đã phát hành những ứng dụng AI như AEIS, iLMS có khả năng phân tích sâu câu trả lời bài tập của học sinh để đánh giá mức độ nắm vững kiến thức và đề xuất nội dung, tiến độ học tập phù hợp cho từng em3. Giáo viên cũng được AI hỗ trợ trong việc xác định các mặt hạn chế của từng học sinh để có biện pháp kịp thời.

Ngành logistic của đảo quốc sư tử đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ những ứng dụng AI như Nextbillion.ai, Detrack... giúp doanh nghiệp tối ưu hóa mọi khâu từ vận chuyển, quản lý kho hàng, sắp xếp lộ trình cho đến giao hàng, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng[7].

Bên cạnh đó, AI trở thành trụ cột trong xây dựng các đô thị thông minh, bền vững ở Singapore. Chính quyền sử dụng các công cụ AI như Waterwise, OneService App, để lập quy hoạch đô thị dựa trên dữ liệu, giám sát việc sử dụng nước, năng lượng, quản lý chất thải nhằm tối ưu nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường3. Hệ thống giao thông thông minh với xe tự lái[8], đường cao tốc tự động, robot giao hàng đang từng bước trở thành hiện thực ở quốc gia này.

Về hành chính công, các ứng dụng AI đã cải thiện mạnh mẽ chất lượng dịch vụ hành chính công ở Singapore. Ứng dụng Life SG kết nối hàng loạt thủ tục hành chính như đăng ký hộ chiếu, đăng ký khai sinh, nhập học cho con hay các dịch vụ tài chính nạp tiền cho Quỹ Phòng xa trung ương... trên cùng một nền tảng, tiết kiệm thời gian cho người dân[9].

Xây dựng khuôn khổ quản trị AI

Để tạo điều kiện phát huy tiềm năng to lớn chưa thể khám phá hết của AI, vừa giảm thiểu những bất trắc, rủi ro của công nghệ mới, các nhà hoạch định chính sách Singapore đã xây dựng Khung mẫu quản trị AI (Model AI Governance Framework) theo định hướng quản trị dựa trên một số nguyên tắc cơ bản, không đi vào chi tiết.

Khung quản trị bao gồm hai thành phần chính: Tập hợp các nguyên tắc đạo đức cho triển khai AI có trách nhiệm và tập hợp các thông lệ quản trị để hiện thực hóa các nguyên tắc này. Cụ thể, Khung quản trị đề ra 4 nguyên tắc đạo đức cho AI là công bằng, minh bạch, lấy con người làm trung tâm, trách nhiệm giải trình[10].Các biện pháp quản trị được xác định trên 4 lĩnh vực then chốt:

Bảo đảm cấu trúc quản trị nội bộ minh bạch: Xây dựng một cơ cấu tổ chức rõ ràng, trong đó vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân và bộ phận trong từng khâu liên quan đến AI được xác định cụ thể. Thiết lập các quy trình chuẩn để giám sát việc phát triển, triển khai và vận hành AI. Không chỉ vậy, các tổ chức cần xây dựng cơ chế báo cáo và quản lý rủi ro liên quan đến AI, đồng thời đào tạo nhân viên về đạo đức AI và trách nhiệm của họ trong quá trình triển khai công nghệ này.

Vai trò trung tâm của con người trong quá trình phát triển và sử dụng AI: Đánh giá tác động tiềm ẩn của AI đối với con người và xã hội. Tiếp theo, cần xác định các điểm then chốt trong quá trình ra quyết định của AI cần có sự giám sát hoặc can thiệp của con người. Đồng thời, việc thiết lập quy trình để con người có thể can thiệp hoặc phủ quyết quyết định của AI khi cần thiết. Cần đảm bảo rằng quyết định cuối cùng về các vấn đề quan trọng vẫn thuộc về con người, khẳng định vai trò không thể thay thế của con người trong quá trình sử dụng AI.

Quản lý toàn bộ quy trình vận hành: Bao gồm việc quản lý dữ liệu để đảm bảo tính chính xác, đại diện và cập nhật của dữ liệu đầu vào cho AI. Bên cạnh đó, việc quản lý thuật toán để đảm bảo tính minh bạch và khả năng lặp lại cũng rất quan trọng. Việc lập tài liệu đầy đủ về thiết kế và mục đích của mô hình AI không chỉ giúp đảm bảo trách nhiệm giải trình mà còn tạo điều kiện cho việc cải tiến và phát triển trong tương lai. Cuối cùng, việc thiết lập quy trình kiểm tra và đánh giá liên tục hiệu suất của hệ thống AI giúp đảm bảo rằng công nghệ này luôn hoạt động một cách hiệu quả và đáng tin cậy.

Tương tác và truyền thông với các bên liên quan: Cung cấp thông tin minh bạch về việc sử dụng AI cho người dùng và các bên liên quan. Việc tổ chức các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức về AI cho công chúng giúp tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ này. Đồng thời, việc thiết lập các kênh tiếp nhận phản hồi từ người dùng và các bên liên quan về tác động của AI cũng rất quan trọng để cải tiến hệ thống AI và quy trình quản trị không chỉ giúp nâng cao chất lượng của công nghệ mà còn tăng cường sự tin tưởng của công chúng đối với AI.

Điểm đáng chú ý là Khung mẫu quản trị AI được thiết kế là một tài liệu mở (living document), sẵn sàng thay đổi và điều chỉnh một cách linh hoạt để bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI.

Kinh nghiệm Singapore về quản trị trí tuệ nhân tạo (AI)

Những điểm tham chiếu cho Việt Nam

Việt Nam cũng đang trong quá trình xây dựng chiến lược, chính sách và khuôn khổ pháp lý cho phát triển và quản trị AI. Gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ AI. Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định AI là một trong những công nghệ đột phá cần được ưu tiên trọng điểm[11].

Quyết định 127/QĐ-TTg 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN và 50 quốc gia hàng đầu thế giới về AI[12]. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những tham vọng lớn đó cần phải có lộ trình, giải pháp mang tính đồng bộ, căn cơ và đột phá.

Kinh nghiệm của Singapore cho thấy một số bài học quý báu mà Việt Nam có thể học tập, vận dụng một cách sáng tạo trong bối cảnh của mình:

Thứ nhất, cần xây dựng một tầm nhìn dài hạn, chiến lược quốc gia về phát triển và ứng dụng AI dựa trên thế mạnh và nhu cầu thực tiễn của Việt Nam. Chiến lược cần xác định các chương trình, dự án trọng điểm về nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái và ứng dụng AI, nhất là những lĩnh vực ưu tiên Việt Nam có tiềm năng và nhu cầu lớn như nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, y tế, giáo dục, giao thông...

Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực để khuyến khích doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, trường đại học đầu tư cho AI. Đặc biệt, cần tập trung phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng cho phát triển và ứng dụng AI đồng thời quan tâm bảo vệ an ninh, an toàn dữ liệu cá nhân.

Thứ hai, cần nhân rộng việc triển khai các ứng dụng, dịch vụ dựa trên AI trong nhiều lĩnh vực để tăng cường minh bạch hóa và hiệu quả của hành chính công. Chính phủ thí điểm những sản phẩm, dịch vụ công ứng dụng AI để cải thiện hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân như chatbot tư vấn pháp luật, trợ lý ảo hỗ trợ tìm kiếm thông tin, cấp giấy phép qua mạng, điều tiết giao thông thông minh...

Việc hiện thực hóa các dự án ứng dụng AI sẽ giúp người dân thấy được lợi ích thiết thực của công nghệ, từ đó gia tăng sự ủng hộ của xã hội cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Thứ ba, cần tham khảo cách tiếp cận quản trị AI mềm dẻo và linh hoạt của Singapore. Thay vì áp dụng các quy tắc mệnh lệnh đóng khung cứng nhắc, nên xây dựng khuôn khổ quản trị trên một số nguyên tắc cơ bản để vừa kiểm soát rủi ro, vừa không trói buộc đổi mới sáng tạo. Về cơ bản có thể tham khảo Khung mẫu của Singapore về các nguyên tắc trách nhiệm giải trình trên toàn bộ các khâu, quản lý rủi ro trong logic ra quyết định của AI, đảm bảo tính minh bạch, công bằng của AI, lấy lợi ích và sự an toàn của con người làm trọng tâm trong các ứng dụng AI.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động tham vấn ý kiến các bên liên quan như doanh nghiệp, chuyên gia, người dùng để đưa ra cách tiếp cận quản lý AI vừa sát thực tiễn vừa nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.

Thứ tư, cần tiếp tục tham gia tích cực trong các thảo luận quốc tế về phát triển và quản trị AI trong khuôn khổ ASEAN và Liên hợp quốc, góp phần xây dựng các chuẩn mực chung về đạo đức và quản trị AI khu vực và toàn cầu.

Việc này cần có sự song hành của Bộ Ngoại giao với các Bộ ngành chuyên môn để bảo đảm sự cân bằng giữa những định hướng chiến lược lớn của đối ngoại và xử lý hài hòa các vấn đề kỹ thuật, bảo vệ quyền lợi, phòng ngừa rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước.

Việc nghiên cứu, vận dụng phù hợp kinh nghiệm của Singapore không chỉ giúp Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng to lớn của AI trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn giải quyết tốt các thách thức đặt ra của AI, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm về đổi mới sáng tạo ở khu vực ASEAN như những định hướng lớn của Đảng và Chính phủ đã đề ra.

(*) Viện Nghiên cứu Chiến lược và chính sách ngoại giao - Học viện Ngoại giao

[1] “Artificial Intelligence - Singapore | Market Forecast.” n.d. Statista. https://www.statista.com/outlook/tmo/artificial intelligence/singapore.

[2] Tham khảo từ các nguồn: Singapore National Artificial Intelligence Strategy, https://www.smartnation.gov.sg/files/publications/national-ai-strategy.pdf; AI Singapore (Cơ quan Trí tuệ Nhân tạo Quốc gia Singapore): https://aisingapore.org/; Infocomm Media Development Authority (Singapore) - Artificial Intelligence: https://www.imda.gov.sg/AI .

[3] https://www.linkedin.com/pulse/ai-government-services-optimization-singapore-smart-nation-babin-ad7re

[4] https://opengovasia.com/2023/09/06/singapores-asar-transforming-vaccine-safety/

[5] https://www.straitstimes.com/singapore/health/robotic-nursing-assistant-can-take-patients-vital-signs-freeing-up-nurses-for-other-tasks

[6] https://theindependent.sg/robot-companion-for-elderly-in-2019-all-set/#google_vignette

[7] https://vnextglobal.com/category/blog/best-logistics-software-Singapore

[8] https://www.channelnewsasia.com/commentary/singapore-driverless-cars-autonomous-vehicles-transport-road-traffic-safety-3233236

[9] https://www.straitstimes.com/singapore/lifesg-app-replaces-moments-of-life-offers-more-than-40-government-e-services

[10] Model AI Governance Framework - Second Edition (Singapore): https://www.pdpc.gov.sg/model-ai-gov

[11] Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-52-nqtw-ngay-2709-2019-cua-bo-chinh-tri-ve-mot-so-chu-truong-chinh-sach-chu-dong-tham-gia-cuoc-2909

[12] Quyết định 127/QĐ-TTg 2021 phê duyệt "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030": https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Quyet-dinh-127-QD-TTg-2021-Chien-luoc-quoc-gia-nghien-cuu-phat-trien-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-460789.aspx


Theo: baoquocte.vn

Cùng chuyên mục

Lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu và hệ quả pháp lý

Lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu và hệ quả pháp lý

Pháp luật quốc tế -  3 giờ trước

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 21/11 đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại các vùng lãnh thổ Palestine, bao gồm cả Gaza.

Các mối đe dọa đánh bom máy bay được xử lý ra sao?

Các mối đe dọa đánh bom máy bay được xử lý ra sao?

Pháp luật quốc tế -  5 giờ trước

Trong hai tuần cuối tháng 10, các chuyến bay và sân bay của Ấn Độ đã nhận hơn 500 lời đe dọa đánh bom, nhiều hơn so với phần còn lại của năm cộng lại.

Châu Á chống lừa đảo trên mạng

Châu Á chống lừa đảo trên mạng

Pháp luật quốc tế -  1 tuần trước

Một số quốc gia châu Á đã trở thành "điểm nóng" của các chiêu trò đóng giả thanh tra, cảnh sát, phẩm thán... để lừa đảo trực tuyến.

Những gì cần biết về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024

Những gì cần biết về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 60 sẽ quyết định Tổng thống thứ 47 và Phó Tổng thống thứ 50.

Nghiên cứu, tìm hiểu hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh của một số nước thuộc Khối BRICS (bài 2)

Nghiên cứu, tìm hiểu hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh của một số nước thuộc Khối BRICS (bài 2)

Pháp luật quốc tế -  4 tuần trước

BRICS - Nhóm các nền kinh tế mới nổi đang ngày càng phát triển, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Nghiên cứu cho thấy, khối BRICS chưa có cơ chế pháp lý đầu tư chung, tuy nhiên hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh của mỗi nước lại có nhiều điểm đặc sắc. Kỳ này chúng ta cùng tiếp tục tìm hiểu về Ấn Độ.

Những vấn đề đáng lưu ý về hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga

Những vấn đề đáng lưu ý về hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga

Pháp luật quốc tế -  4 tuần trước

Với sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, BRICS đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc định hình tương lai toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động và thách thức lớn.

Nghiên cứu, tìm hiểu hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh của một số nước thuộc Khối BRICS

Nghiên cứu, tìm hiểu hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh của một số nước thuộc Khối BRICS

Pháp luật quốc tế -  1 tháng trước

Hội nghị thượng đỉnh EU-GCC: Muộn còn hơn không

Hội nghị thượng đỉnh EU-GCC: Muộn còn hơn không

Pháp luật quốc tế -  1 tháng trước

Việc Liên minh châu Âu và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) họp thượng đỉnh đầu tiên sau 35 năm thiết lập quan hệ có thể muộn, song là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Đọc nhiều