Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là một biện pháp pháp
lý quan trọng được sử dụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự. Trong
pháp luật Việt Nam, các vấn đề pháp lý về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được
quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Thông thường, việc đình chỉ có
thể xuất phát từ yêu cầu của một bên trong vụ án hoặc do quyết định của Tòa án
dựa trên quy định của pháp luật. Quy định về đình chỉ có thể có những điểm khác
biệt tùy thuộc vào hệ thống pháp luật và văn hóa pháp lý của từng quốc gia. Một
số quốc gia có thể áp dụng tiêu chí khắt khe hơn trong việc đình chỉ vụ án,
trong khi các quốc gia khác có thể có quy định linh hoạt hơn để đảm bảo tính
công bằng và hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp.
1. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo pháp luật một số nước
1.1. Pháp luật Liên bang Nga
Pháp luật tố tụng dân sự Liên bang Nga nói riêng và
các nước nói chung đều thừa nhận nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự trong
quá trình giải quyết tranh chấp dân sự. Cho nên, ở bất kỳ giai đoạn nào mà các
đương sự không muốn tiếp tục theo đuổi vụ kiện nữa thì họ có quyền rút đơn khởi
kiện, hoặc họ đã tự thương lượng, hòa giải được với nhau thì Tòa án chấp nhận
và ra phán quyết đình chỉ vụ án.
Trong BLTTDS Liên bang Nga, đình chỉ giải quyết vụ án
dân sự được quy định tại Chương XVIII (Điều 220 và Điều 221), bao gồm các nội
dung chính sau:
Căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án
Điều 220 BLTTDS Liên bang Nga quy định vụ án được đình
chỉ trong các trường hợp sau: (i) Vụ án không được xem xét và giải quyết ở Tòa
án theo thủ tục tố tụng dân sự trong trường hợp quy định tại điểm 1 khoản 1 Điều
134 Bộ luật này; (ii) Đã có bản án có hiệu lực pháp luật đối với chính vụ án đó
hoặc đã có quyết định của Tòa án về đình chỉ giải quyết vụ án do nguyên đơn rút
đơn khởi kiện hoặc do hòa giải giữa các bên đã được Tòa án công nhận; (iii)
Nguyên đơn rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận; (iv) Các bên hòa giải với
nhau và được Tòa án chấp nhận; (v) Đã có phán quyết của Trọng tài có hiệu lực bắt
buộc đối với các bên về chính vụ án đó, trừ trường hợp Tòa án từ chối đưa phán
quyết của Trọng tài ra cưỡng chế thi hành; (vi) Sau khi công dân là nguyên đơn
hoặc bị đơn bị chết mà quan hệ pháp luật tranh chấp không cho phép được kế thừa
quyền, nghĩa vụ hoặc việc giải thể tổ chức đã được hoàn thành nếu tổ chức đó là
nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ án.
Việc nghiên cứu các căn cứ đình chỉ nêu trên cho thấy,
BLTTDS Liên bang Nga quy định việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự dựa trên 02
tiêu chí:
Thứ nhất, dựa vào ý chí của các đương sự (bao gồm trường
hợp nêu tại mục ii; iii và iv). Mặc dù việc đình chỉ giải quyết vụ án trong những
trường hợp này xuất phát từ ý chí của đương sự, nhưng phải được Tòa án chấp nhận.
Quy định này là hợp lý, bởi nếu không có sự kiểm soát từ phía Tòa án, các bên
có thể lợi dụng việc tự quyết định để đạt được thoả thuận hoặc rút lại đơn khởi
kiện một cách trái pháp luật. Điều này có thể dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi
ích hợp pháp của người khác, vi phạm các nguyên tắc đạo đức và giá trị văn hóa
truyền thống. Do đó, việc Tòa án có thẩm quyền từ chối các yêu cầu không hợp lý
là cần thiết để bảo vệ sự công bằng và tính đúng đắn trong quá trình giải quyết
vụ án.
Thứ hai, dựa vào các căn cứ do pháp luật quy định (bao
gồm trường hợp nêu tại mục i; v và vi). Việc đưa ra quyết định dựa trên căn cứ
pháp lý giúp đảm bảo rằng quyết định của Tòa án được đưa ra dựa trên nguyên tắc
và quy định của pháp luật, tránh lạm quyền và sử dụng hệ thống pháp luật một
cách bất hợp pháp. Do đó, việc quy định này là cần thiết để đảm bảo tính công bằng,
minh bạch và thống nhất trong quá trình giải quyết vụ án.
So với pháp luật Liên bang Nga, (Điều 217 và Điều 218
BLTTDS năm 2015) quy định về căn cứ và hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải
quyết vụ án dân sự bên cạnh những điểm tương đồng thì cũng có một số điểm khác
biệt như:
Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga quy định trường hợp
đã có phán quyết của Trọng tài có hiệu lực bắt buộc đối với các bên về chính vụ
án đó thì có căn cứ đình chỉ vụ án, nhưng pháp luật Việt Nam không quy định, mà
trường hợp này thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện.
Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga quy định chỉ đình
chỉ giải quyết vụ án đối với tổ chức giải thể trong trường hợp việc giải thể của
tổ chức đã hoàn thành, còn BLTTDS Việt Nam năm 2015 quy định là khi có quyết định
của Tòa án mở thủ tục phá sản thì Tòa án đang thụ lý giải quyết sẽ ra quyết định
đình chỉ giải quyết. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015, “cơ quan, tổ
chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa
quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó” là căn cứ để đình chỉ giải quyết
vụ án. Với nội dung này, tác giả cho rằng, quy định của pháp luật Việt Nam hợp
lý hơn, vì việc mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đã được
quyết định bởi Tòa án, cho thấy có sự can thiệp chính thức từ phía hệ thống
pháp luật vào vụ án. Điều này đảm bảo rằng việc giải quyết vụ án liên quan đến
nghĩa vụ và tài sản của doanh nghiệp sẽ được thực hiện trong một bối cảnh pháp
lý rõ ràng và chính xác. Trong khi đó, BLTTDS Liên bang Nga chỉ đề cập đến trường
hợp giải thể đã hoàn thành, không cung cấp thông tin cụ thể về quyết định của
Tòa án hoặc vấn đề pháp lý liên quan.
Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga quy định trường hợp
đương sự hòa giải được với nhau thì Tòa án có quyền chấp nhận hoặc không chấp
nhận việc hòa giải của các bên để xem xét đình chỉ vụ án hay không, còn pháp luật
Việt Nam quy định thành hai trường hợp: (i) Nếu đương sự tự thoả thuận được với
nhau và không yêu cầu Tòa án giải quyết nữa thì đây là căn cứ để Tòa án ban
hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; (ii) Đương sự tự thoả thuận được với
nhau và yêu cầu Tòa án công nhận thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận
của đương sự để giải quyết vụ án. Tác giả cho rằng, quy định như pháp luật Việt
Nam sẽ tạo sự chủ động cho các bên đương sự, bởi vì mỗi phương án đều có ưu điểm
và nhược điểm riêng, do vậy, tùy từng hoàn cảnh cụ thể, đương sự có thể lựa chọn
một trong hai phương án trên.
Hậu quả pháp lý
Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án được quy định
tại Điều 221 của BLTTDS Liên bang Nga. Theo đó, hậu quả của tất cả các căn cứ
đình chỉ là các đương sự không có quyền khởi kiện lại đối với vụ án này. Tiêu
chí để xác định là cùng một vụ án phải dựa vào quan hệ tranh chấp, tư cách tham
gia tố tụng của đương sự không có sự khác nhau so với vụ án bị đình chỉ. Điều
này cho thấy, pháp luật Liên bang Nga quy định khá khắt khe về việc đình chỉ giải
quyết vụ án dân sự.
Về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án
thì BLTTDS Liên bang Nga không cho phép khởi kiện lại vụ án trong mọi trường hợp.
Trong khi đó, BLTTDS năm 2015 cho phép khởi kiện lại đối với các trường hợp:
Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập
hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt
hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan và các trường hợp thuộc khoản
3 Điều 192 BLTTDS năm 2015.
1.2. Pháp luật Pháp
Trong BLTTDS Pháp, đình chỉ vụ án dân sự được quy định
tại Thiên XI Chương II (từ Điều 369 đến Điều 376), bao gồm các nội dung chính
sau:
Căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án
Căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được BLTTDS
Pháp quy định tại Điều 369 BLTTDS gồm: (i) Một bên đương sự đã thành niên; (ii)
Luật sư bào chữa hoặc đại diện của một trong các bên không còn hành nghề luật
sư nếu Luật sư đại diện là bắt buộc; (iii) Hiệu lực của bản án tuyên bố phá sản
hoặc thanh toán tài sản trong những vụ kiện bắt buộc phải có sự tham gia tố tụng
hoặc không tham gia tố tụng của con nợ. Ngoài ra, việc bị đình chỉ giải quyết vụ
án còn được thực hiện theo các căn cứ quy định tại Điều 370 BLTTDS Pháp, gồm:
(i) Một bên đương sự chết trong trường hợp quyền tham gia tố tụng có thể chuyển
nhượng được cho người khác; (ii) Người đại diện hợp pháp của người mất năng lực
hành vi chấm dứt việc đại diện; (iii) Một bên đương sự được khôi phục lại hoặc
mất năng lực tham gia tố tụng.
Như vậy, BLTTDS Pháp quy định việc đình chỉ giải quyết
vụ án hoàn toàn dựa trên cơ sở các căn cứ do luật định. Lợi thế của việc quy định
này là ngăn chặn được sự lạm quyền, nhưng lại hạn chế trong việc áp dụng pháp
luật một cách linh hoạt và phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Điều này có thể
dẫn đến việc bỏ qua các tình huống đặc biệt mà luật pháp không thể bao quát hoặc
đánh giá được.
Bên cạnh đó, Điều 371 BLTTDS Pháp còn quy định: Không
trường hợp nào được đình chỉ vụ án, nếu sự kiện phát sinh hoặc được thông báo
sau khi đã bắt đầu giai đoạn tranh luận tại Tòa. Quy định này cho thấy tính chặt
chẽ và nghiêm khắc trong việc áp dụng các căn cứ đình chỉ vụ án trong pháp luật
tố tụng Pháp.
So với BLTTDS Pháp, BLTTDS năm 2015 cũng quy định
tương đồng là ghi nhận các căn cứ như một bên đương sự chết. Tuy nhiên, cũng có
điểm khác về căn cứ đình chỉ vụ án:
Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp quy định một số căn cứ
đình chỉ giải quyết vụ án mà BLTTDS Việt Nam năm 2015 không quy định, như: Luật
sư bào chữa hoặc đại diện của một trong các bên không còn hành nghề luật sư nếu
Luật sư đại diện là bắt buộc; người đại diện hợp pháp của người mất năng lực
hành vi chấm dứt việc đại diện.
Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp có các quy định rõ ràng
hơn về các trường hợp căn cứ chủ yếu làm chấm dứt tố tụng, trong khi đó, BLTTDS
năm 2015 có những điều khoản không quy định chi tiết về căn cứ đình chỉ giải
quyết vụ án dân sự mà được hướng dẫn trong Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao. Chẳng hạn như, khoản 4 Điều 217 BLTTDS năm 2015 có quy
định: Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 1 và khoản 3 Điều này.
Về hậu quả pháp lý
Pháp luật Cộng hòa Pháp quy định hậu quả pháp lý của
việc đình chỉ vụ án dân sự như sau: Theo Điều 372 BLTTDS Pháp, các hành vi tố tụng
đã được thực hiện và các bản án cho dù đã có hiệu lực pháp luật, nhận được sau
khi đình chỉ vụ án, được coi như không có, trừ khi bên đương sự được lợi do việc
đình chỉ vụ án đã rõ ràng hoặc mặc nhiên công nhận các hành vi tố tụng hoặc bản
án đó. Bên cạnh đó, BLTTDS Pháp còn quy định các hậu quả khác của việc Tòa án
đình chỉ giải quyết vụ án là:
Việc đình chỉ vụ án không làm chấm dứt thẩm quyền của
Thẩm phán và vụ án có thể được khôi phục lại nguyên trạng tại thời điểm bị đình
chỉ. Thẩm phán có thể triệu tập các đương sự để yêu cầu họ cho biết kiến nghị về
việc khôi phục vụ án và xóa sổ thụ lý vụ án trong trường hợp không hành động
trong thời hạn do Thẩm phán ấn định. Thẩm phán cũng có thể yêu cầu Viện công tố
thu thập những thông tin cần thiết cho việc khôi phục vụ án;
Việc khôi phục vụ án có thể được các bên đương sự tự
nguyện tiến hành: Do các bên tự nguyện khôi phục theo thể thức quy định đối với
việc xuất trình các căn cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong trường hợp vụ án
không được các bên tự nguyện khôi phục thì vụ án có thể được khôi phục theo
phương thức gửi giấy triệu tập ra Tòa; Nếu đương sự được triệu tập ra Tòa khi vụ
án được khôi phục không có mặt, thì Tòa án áp dụng các quy định tại Điều 471 và
các điều tiếp theo của Bộ luật Dân sự;
Nếu vụ án được khôi phục thì khôi phục lại nguyên trạng
tại thời điểm bị đình chỉ.
Nếu như quy định về căn cứ đình chỉ trong BLTTDS Pháp
rất nghiêm ngặt thì quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ vụ án lại rất
linh động. Điều này có thể giúp tạo ra một quy trình pháp lý linh hoạt và phản
ánh được nhu cầu và mong muốn của các bên đương sự.
Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp quy định các vụ án bị đình
chỉ vẫn có khả năng khôi phục lại nguyên trạng tại thời điểm đình chỉ, nhưng
BLTTDS Việt Nam quy định việc đình chỉ vụ án sẽ chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động
tố tụng (ngừng hẳn việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý), trừ một số trường hợp
được phép khởi kiện lại, nhưng phải không khôi phục lại nguyên trạng tại thời
điểm đình chỉ.
1.3. Pháp luật Nhật Bản
Căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án
Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản quy định việc đình chỉ
giải quyết vụ án chỉ được thực hiện khi có 02 căn cứ sau:
Một là, đình chỉ do Tòa án không thể thực hiện các chức
năng của mình: Nếu Tòa án không thể thực hiện các chức năng do thiên tai hoặc
lý do khác, thì vụ kiện sẽ bị đình chỉ cho đến khi những cản trở nói trên không
còn nữa;
Hai là, đình chỉ do khó khăn của một bên đương sự: Nếu
một bên không thể tiếp tục vụ kiện do khó khăn trong một khoảng thời gian không
xác định, thì Tòa án có thể ra quyết định đình chỉ vụ kiện.
Việc quy định đình chỉ vụ án dựa trên hai tiêu chí nêu
trong BLTTDS Nhật Bản hướng đến sự tôn trọng đối với tình hình khó khăn cụ thể
mà một trong các bên đương sự hoặc Tòa án đang đối mặt. Điều này thể hiện sự
quan tâm và nhân đạo của pháp luật đối với tình huống riêng biệt của từng vụ
án, đồng thời, tạo điều kiện cho việc xem xét và giải quyết các tranh chấp một
cách công bằng và linh hoạt. Với quy định này, pháp luật Nhật Bản thể hiện cam
kết của mình đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng,
đồng thời, giữ vững nguyên tắc công bằng và minh bạch trong quá trình giải quyết
vụ án.
Hậu quả pháp lý
Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản không quy định hậu quả
pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thành một điều luật riêng biệt,
mà quy định luôn trong các căn cứ đình chỉ vụ án tại Điều 130 và Điều 131 Bộ luật
này. Theo đó, việc đình chỉ giải quyết vụ án không làm ngừng hẳn việc giải quyết
vụ án, mà chỉ làm gián đoạn tạm thời. Khi những trở ngại, vướng mắc đó không
còn tồn tại nữa, vụ án sẽ được đưa ra để tiếp tục xét xử.
Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản phân biệt rõ việc
đương sự rút đơn khởi kiện và đương sự gặp khó khăn khi tiếp tục vụ kiện. Nếu
như đương sự tiếp tục vụ kiện sẽ gặp khó khăn trong một khoảng thời gian không
xác định, thì Tòa án có thể ra quyết định đình chỉ vụ kiện, nhưng việc đương sự
rút đơn kiện là một trường hợp đương nhiên làm chấm dứt hoàn toàn quá trình khởi
kiện. Điều 262 BLTTDS Nhật Bản quy định hậu quả pháp lý của việc rút đơn khởi
kiện như sau: (1) Vụ kiện được coi là chưa bao giờ được Tòa án giải quyết đối với
phần vụ kiện liên quan bị rút; (2) Người rút vụ kiện sau khi đã có phán quyết
cuối cùng về nội dung vụ việc không bao giờ được khởi kiện lại vụ kiện đó.
So với BLTTDS Nhật Bản, BLTTDS Việt Nam không có bất kỳ
quy định nào tương đồng về việc ghi nhận các căn cứ đình chỉ vụ án, cũng như hậu
quả pháp lý của việc đình chỉ. Trong một số trường hợp còn có sự khác biệt hoàn
toàn, chẳng hạn như: Nếu pháp luật Việt Nam quy định việc đương sự rút đơn khởi
kiện là một căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án, thì pháp luật Nhật Bản không
quy định căn cứ rút đơn kiện là một trường hợp đương nhiên làm chấm dứt hoàn
toàn quá trình khởi kiện.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện
Trên cơ sở phân tích quy định của pháp luật một số quốc
gia trên thế giới về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, tác giả đưa ra một số đề
xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam như sau:
Thứ nhất, BLTTDS Liên bang Nga quy định không được khởi
kiện lại đối với mọi trường hợp. Tuy nhiên, quy định này có thể áp dụng cho Việt
Nam đối với trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án do nguyên đơn đã được triệu tập
hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Nếu có quyền khởi kiện lại vụ án, nguyên
đơn có thể chủ quan và không đảm bảo sự tham gia tích cực trong quá trình tố tụng.
Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng quyền lợi và sử dụng hoạt động pháp lý
như một công cụ để trì hoãn, làm chậm tiến độ tố tụng, hoặc đào sâu thêm vào
mâu thuẫn giữa các bên. Việc này không chỉ làm mất thời gian và tăng chi phí
cho tất cả các bên tham gia mà còn ảnh hưởng đến sự công bằng và hiệu quả của hệ
thống tư pháp.
Hơn nữa, việc cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án
có thể tạo ra một môi trường pháp lý không ổn định, khi các bên có thể dễ dàng
quyết định khi nào họ muốn tiếp tục hoặc rút lui khỏi quá trình tố tụng, mà
không cần chịu trách nhiệm về sự tham gia của mình. Điều này gây ra sự không chắc
chắn và không đáng tin cậy trong hệ thống pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín và
công bằng của quá trình tư pháp.
Thứ hai, BLTTDS Pháp quy định chi tiết, rõ ràng các
căn cứ áp dụng để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Như vậy, sẽ tránh được sự
hiểu lầm và tranh cãi về việc áp dụng luật pháp, đảm bảo tính nhất quán và minh
bạch trong quá trình giải quyết vụ án. Điều này góp phần nâng cao sự tin cậy của
hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia vụ án trong
việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Vì vậy, tác giả cho rằng, pháp luật Việt
Nam cần tiếp cận theo hướng này, nhằm minh định các căn cứ áp dụng về đình chỉ
giải quyết vụ án dân sự.
Thứ ba, BLTTDS Liên bang Nga quy định đối với trường hợp
đình chỉ giải quyết vụ án do ý chí của đương sự thì lệ phí đã nộp không được
hoàn trả lại cho đương sự. Thiết nghĩ, quy định này cũng có thể áp dụng cho Việt
Nam đối với trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án do người khởi kiện rút toàn bộ
yêu cầu khởi kiện và trường hợp nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai vẫn
vắng mặt. Như vậy, sẽ đảm bảo sự nghiêm túc và cân nhắc khi quyết định khởi kiện.
Nếu lệ phí có thể được hoàn trả lại, có thể xuất hiện tình trạng đưa ra yêu cầu
khởi kiện một cách không cân nhắc, gây lãng phí thời gian của Tòa án và các bên
tham gia. Đồng thời, việc không hoàn trả lệ phí cũng thể hiện trách nhiệm của
đương sự trong việc đưa ra quyết định khởi kiện, nâng cao tính chủ động và ý thức
pháp luật của họ.