Lợi dụng mạng xã hội để bán giấy phép lái xe giả: Sử dụng bằng lái xe giả bị xử lý ra sao?
Yến Nhi
Thứ năm, 07/11/2024 - 10:55
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội, tình trạng mua bán giấy phép lái xe giả diễn biến hết sức phức tạp. Việc mua, bán, sử dụng giấy phép lái xe giả là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về tai nạn giao thông. Vậy, sử dụng giấy phép lái xe giả bị xử lý ra sao?
Bắt giữ đối tượng mua bán giấy phép lái xe giả qua mạng xã hội
Thời gian gần đây, nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng cáo dịch vụ làm, bán giấy phép lái xe giả, thu hút người dân với hứa hẹn thủ tục nhanh gọn, không cần đi học, thi sát hạch.
Từ ngày 17/7 đến ngày 04/11/2024, Công an thành phố Cao Bằng đã triển khai các đợt tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên địa bàn, qua đó phát hiện và xử lý 06 vụ mua bán giấy phép lái xe giả.
Cụ thể, ngày 04/11/2024, lực lượng công an phát hiện đối tượng N. V. T (SN: 1984, trú tại phường Hoà Chung, thành phố Cao Bằng) sở hữu giấy phép lái xe hạng A1 và nhiều hồ sơ giả liên quan đến lái xe. Đối tượng T khai nhận mua các giấy tờ này với giá 1,2 triệu đồng nhằm thay thế cho giấy phép lái xe và hồ sơ gốc bị mất.
Trước đó, ngày 21/8/2024, Công an thành phố phát hiện đối tượng N.M.C (SN: 2002; Nơi thường trú: phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) tàng trữ 01 (một) Giấy phép lái xe hạng B2 và một số giấy tờ hoàn thiện hồ sơ cấp phép lái xe.
Qua đấu tranh đối tượng Cương khai nhận mua qua mạng xã hội Facebook với giá 3 triệu đồng nhằm mục đích sử dụng trong thời gian bị tước giấy phép lái xe ô tô.
Các vụ việc trên cho thấy những rủi ro tiềm ẩn khi người dân sử dụng giấy phép lái xe giả. Hầu hết các đối tượng mua giấy tờ này đều chưa qua đào tạo và không có kỹ năng xử lý tình huống giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng.
Công an TP. Cao Bằng đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo an toàn giao thông và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
"Nổ" có thể làm bằng lái xe ô tô rồi chiếm đoạt gần 20 triệu đồng
Đầu năm 2024, Công an tỉnh Bắc Kạn đã bắt giữ một đối tượng có hành vi nhận làm bằng lái xe ô tô rồi chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, đối tượng bị bắt là Lâm Thạnh Di (SN 1992, trú tại tổ 5, Khóm Vĩnh Phước 1, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Trước đó, vào khoảng tháng 9/2023, anh C.X.D (SN 1983, trú tại Tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) có nhu cầu học bằng lái ô tô hạng FC.
Trong quá trình tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook, thấy tài khoản mang tên "Trần Việt Hoài" đăng tải nhiều nội dung hỗ trợ đăng ký thi giấy phép lái xe, đăng ký thi nâng hạng giấy phép lái xe hạng D, E, FC nên anh D. đã liên hệ và kết bạn qua Zalo theo hướng dẫn của chủ tài khoản Facebook này.
Sau một thời gian trao đổi, hai bên thống nhất về việc cam kết nhận hồ sơ học nâng hạng bằng lái FC của anh D. với số tiền phải nộp là 15,5 triệu đồng.
Sau khi anh D. chuyển số tiền trên theo hướng dẫn của tài khoản Facebook "Trần Việt Hoài", đối tượng đưa ra nhiều lý do không đúng với thỏa thuận trước đó, đồng thời chặn mọi liên lạc với anh D. để chiếm đoạt số tiền trên.
Từ thông tin đó, Công an tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì xác lập chuyên án xác minh, truy xét và bắt giữ đối tượng Lâm Thạnh Di tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Tại cơ quan điều tra, Di đã khai nhận về hành vi phạm tội của mình.
Sử dụng bằng lái xe giả bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Do đó, trường hợp sử dụng bằng lái xe không phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (bằng lái xe giả) là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi vi phạm sau đây: Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh thực hiện hành vi vi phạm sau đây: Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm hành vi sau đây: Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tịch thu Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Sử dụng bằng lái xe giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Người có hành vi làm bằng lái xe giả có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt như sau:
- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm đối với người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Có tổ chức.
+ Phạm tội 02 lần trở lên.
+ Sử dụng giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
+ Thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
+ Tái phạm nguy hiểm
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Sử dụng giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+ Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Theo đó, người nào có hành vi sử dụng bằng lái xe giả nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Người có hành vi sử dụng bằng lái xe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.
Ngoài ra, người có hành vi sử dụng bằng lái xe giả còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Nhiều doanh nghiệp liên tục bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vì hành vi ‘Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật’. Quy định của pháp luật cụ thể ra sao? Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì để tránh bị kiểm tra, xử phạt?
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo đã đưa ra phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
(PLPT) - Hai nam thanh niên ở Thanh Hóa vừa bị khởi tố vì có hành vi xúc phạm Quốc kỳ và phá hoại tài sản người dân. Pháp luật hiện hành quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ như thế nào?
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?