Tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược Trung Quốc - Nga
Thứ hai, 22/07/2024 - 14:23
Nghe audio
0:00
Thời gian qua, mối quan hệ Trung Quốc - Nga được thúc đẩy mạnh mẽ, sâu rộng chưa từng có, lên mức “không giới hạn”, như tuyên bố của các nhà lãnh đạo 2 nước. Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp hiện nay, sự xích lại gần nhau giữa 2 cường quốc này không chỉ nhằm cùng chống lại áp lực từ Mỹ và phương Tây, mà còn chung mục tiêu thay đổi trật tự thế giới hiện hành, bảo đảm duy trì cân bằng chiến lược quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.
Thời gian qua, Nga từng bước có những điều chỉnh chiến lược mới, đẩy mạnh trọng tâm sang hướng Đông. Trong bối cảnh hiện nay phải đối mặt với sức ép từ Mỹ và các nước phương Tây thông qua các biện pháp cấm vận kinh tế, liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraina, Nga chủ động chuyển hướng chính sách sang khu vực, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhằm cân bằng thế chiến lược, tháo gỡ khó khăn.
Về phía Trung Quốc, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Mỹ gia tăng, việc củng cố, thắt chặt quan hệ với Nga được cho là giúp Trung Quốc ổn định chính trị và phát triển kinh tế, đối phó với những sức ép cạnh tranh từ phía Mỹ và các nước đồng minh.
Sự hợp tác giữa 2 nước Trung Quốc và Nga không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp mà còn tạo ra một sự liên kết chiến lược mạnh mẽ, giúp Trung Quốc có thêm đối trọng trong các vấn đề quốc tế.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), tổ chức ngày 10-6-2024, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, phát triển quan hệ Trung Quốc - Nga là lựa chọn chiến lược được hai bên đưa ra dựa trên lợi ích căn bản của mỗi nước, phù hợp với xu hướng chung của thế giới và trào lưu của thời đại. Mối quan hệ này “không nhằm vào bên thứ ba và sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cản trở từ bên ngoài”.
Là đối tác chiến lược lớn nhất và đáng tin cậy của nhau, trước tình hình quốc tế phức tạp và luôn biến động, Nga và Trung Quốc nhất trí cùng hợp tác xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới, phù hợp với lợi ích chung của 2 nước,được thể hiện qua sự hợp tác trên các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, kinh tế, quốc phòng - an ninh.
Về chính trị - đối ngoại, việc tăng cường các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên không chỉ tạo ra cơ hội để lãnh đạo hai bên thảo luận trực tiếp về các vấn đề quan trọng, mà còn thể hiện cam kết của 2 nước trong việc duy trì và phát triển quan hệ song phương.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin (tháng 5-2024) nhân dịp nhà lãnh đạo Nga vừa nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ năm, là minh chứng cho các ưu tiên đối ngoại của Nga. Chuyến thăm khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Trung Quốc - Nga, thể hiện sự cam kết của hai bên trong việc tăng cường hợp tác chiến lược, đồng thời làm rõ phương hướng phát triển của quan hệ 2 nước.
Trong chuyến thăm này, hai bên tái khẳng định mối quan hệ bền chặt và tuyên bố quan hệ hợp tác “không giới hạn”. Sự hợp tác không giới hạn này còn thể hiện quyết tâm của 2 nước trong việc đối phó với các thách thức chung và thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Nhân dịp này, 2 nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trung Quốc và Nga đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong các tổ chức quốc tế và các cơ chế đa phương, cũng như phối hợp thông qua các cơ chế hợp tác như BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Điều này cho thấy tin cậy chính trị giữa hai bên được tăng cường, đồng thời thông qua việc thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, Trung Quốc và Nga đã tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với các liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Không chỉ vậy, bên cạnh việc tăng cường sức mạnh tổng hợp, sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 nước còn tạo ra một trục liên kết mới giữa Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc và Chiến lược Đại Á - Âu của Nga, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế mới, tăng cường ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.
Trên cơ sở tin cậy chính trị được củng cố, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã đạt được những kết quả ấn tượng. Thương mại giữa 2 nước tăng gấp đôi trong những năm gần đây, với nhiều mô hình hợp tác kinh tế mới được triển khai.
Một trong những điểm nổi bật là việc phi đô la hóa trong trao đổi thương mại quốc tế. 90% các khoản thanh toán giữa 2 nước được thực hiện bằng đồng nội tệ. Bằng cách sử dụng các đồng tiền quốc gia thay vì đồng USD, sự hợp tác giữa 2 nước góp phần làm suy yếu sức mạnh của đồng USD, đồng thời tạo ra một hệ thống tài chính độc lập hơn. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động tỷ giá và tăng cường sự ổn định trong quan hệ thương mại.
Hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Nga còn mở rộng sang cả lĩnh vực đầu tư và công nghệ. Các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, đã giúp củng cố mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước. Nga cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho Trung Quốc, trong khi Trung Quốc mang đến cho Nga các nguồn lực đầu tư cần thiết để phát triển các dự án hạ tầng và công nghiệp.
Về quốc phòng - an ninh, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga đã được nâng lên tầm cao mới. Hai nước tiến hành nhiều cuộc tập trận chung và chia sẻ thông tin tình báo, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và đối phó với các mối đe dọa chung. Sự hợp tác này không chỉ giúp củng cố sức mạnh quân sự của cả 2 nước, mà còn tạo ra một lực lượng đối trọng với các liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng còn thể hiện ở việc chia sẻ thông tin tình báo và công nghệ quân sự, giúp nâng cao khả năng phòng thủ và an ninh của cả 2 nước. Điều này tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, góp phần tạo ra môi trường an ninh ổn định và bền vững hơn trong khu vực.
Sự phối hợp trong các vấn đề an ninh và quốc phòng cũng giúp Nga và Trung Quốc đối phó hiệu quả hơn với các thách thức an ninh phi truyền thống, như khủng bố và tội phạm mạng. Trung Quốc và Nga cũng đã thiết lập các cơ chế đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực an ninh, nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16-5-2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Trung Quốc luôn sẵn sàng là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt, tin cậy lẫn nhau với Nga. Chúng ta sẽ không ngừng củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước, theo đuổi sự phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời cùng nỗ lực để duy trì sự công bằng và công lý trên thế giới”. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Cả 2 nước đều thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, nhất quán, hướng tới trật tự thế giới đa cực với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, dựa trên luật pháp quốc tế. Chúng ta cần hướng tới một cấu trúc an ninh đầy đủ và đáng tin cậy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không có chỗ cho các liên minh quân sự - chính trị khép kín”. (nguồn: Truyền hình Công an nhân dân).
Năm 2019, Trung Quốc và Nga đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện - mức độ cao nhất trong hệ thống quan hệ ngoại giao của 2 nước.
Sự gia tăng hợp tác Trung Quốc - Nga không chỉ thể hiện sự phối hợp, hợp tác trong các vấn đề quốc tế, kinh tế hay quốc phòng, an ninh, mà còn nhằm thay đổi các quy tắc của trật tự quốc tế đơn cực hiện nay, hướng đến xác lập một hệ thống trật tự quốc tế mới đa cực, công bằng và dân chủ.
Trung Quốc và Nga đều có quan điểm gần nhau về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, phản đối trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do Mỹ dẫn dắt và áp đặt. Cả 2 nước chia sẻ nhận thức chung và đạt được sự đồng thuận trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực; đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của khuôn khổ luật pháp quốc tế dựa trên Liên hợp quốc.
Có thể thấy, mặc dù quan hệ 2 nước còn tồn tại một số hạn chế, song việc tăng cường hợp tác giữa hai bên góp phần tạo nên liên kết địa - chính trị mới, tác động đến cục diện khu vực và thế giới hiện nay, cũng như trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, sự hợp tác này không chỉ làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây mà còn tạo ra một hệ thống quốc tế công bằng và cân bằng hơn. Điều này mở ra cơ hội cho các nước vừa và nhỏ tham gia vào hệ thống mới này, đồng thời cũng đặt ra thách thức trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với 2 nước lớn Trung Quốc và Nga cũng như với Mỹ, phương Tây.
Do vậy, các nước cần có sự ứng biến linh hoạt trong chính sách đối ngoại để vừa tận dụng cơ hội, vừa hạn chế những khó khăn, thách thức nhằm tối ưu hóa lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ và phát triển ổn định./.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 21/11 đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại các vùng lãnh thổ Palestine, bao gồm cả Gaza.
BRICS - Nhóm các nền kinh tế mới nổi đang ngày càng phát triển, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Nghiên cứu cho thấy, khối BRICS chưa có cơ chế pháp lý đầu tư chung, tuy nhiên hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh của mỗi nước lại có nhiều điểm đặc sắc. Kỳ này chúng ta cùng tiếp tục tìm hiểu về Ấn Độ.
Với sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, BRICS đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc định hình tương lai toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động và thách thức lớn.
Việc Liên minh châu Âu và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) họp thượng đỉnh đầu tiên sau 35 năm thiết lập quan hệ có thể muộn, song là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.