Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Từ vụ 'rửa tiền' 2.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng: Trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền ra sao?

Yến Nhi Thứ bảy, 15/03/2025 - 08:37

(PLPT) - Trong vụ án 'rửa tiền' gần 2.000 tỷ đồng tại Lâm Đồng, các đối tượng sử dụng hàng chục tài khoản ngân hàng để luân chuyển tiền bất hợp pháp, hợp thức hóa qua nhiều lớp giao dịch trước khi chuyển ra nước ngoài. Vậy, trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền được quy định ra sao?

Triệt phá đường dây 'rửa tiền' 2.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng

Mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa triệt phá đường dây hoạt động rửa tiền quy mô lớn trên địa bàn TP Đà Lạt, bắt giữ 23 đối tượng với tổng số tiền giao dịch khoảng 2.000 tỷ đồng.[1]

Đối tượng đóng vai trò mấu chốt được xác định là Phan Thị Bé (29 tuổi) và Lê Văn Điệp (27 tuổi, cùng quê Hà Tĩnh).

Hai đối tượng đóng vai trò mấu chốt trong đường dây rửa tiền.

Trước đó, từ đầu năm 2025, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng xác định nghi vấn về một nhóm khoảng 20 đối tượng có dấu hiệu hoạt động liên quan với các đối tượng ở Campuchia.

Rạng sáng ngày 12/3, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát hình sự đột kích vào bên trong căn hộ 2 tầng trên đường Tự Tạo (phường 11, TP Đà Lạt) và bắt quả tang 23 đối tượng đang thực hiện các giao dịch tài chính bất hợp pháp.

Tại hiện trường, cơ quan Công an xác định có 2 máy tính xách tay, gần 30 điện thoại thông minh, hàng chục thẻ ngân hàng và sim điện thoại các loại. Đặc biệt, lực lượng công an còn phát hiện nhiều ghi chép về quá trình giao dịch, phân công nhiệm vụ và trả công liên quan đến các dòng tiền giao dịch trị giá gần 2000 tỷ đồng.

Qua đấu tranh ban đầu, cơ quan điều tra xác định nhóm đối tượng này là một phần của đường dây tội phạm, hoạt động dưới sự chỉ đạo từ nước ngoài. Chúng đăng ký hàng chục tài khoản ngân hàng để luân chuyển tiền bất hợp pháp, chủ yếu phục vụ các hoạt động lừa đảo trực tuyến, đánh bạc qua mạng và buôn bán hàng cấm.

Tiền từ các hoạt động này sau đó được "rửa" qua nhiều lớp giao dịch để hợp thức hóa trước khi chuyển ra nước ngoài.

Phan Thị Bé và Lê Văn Điệp khai nhận đã đến Đà Lạt từ cuối năm 2024 để thiết lập "trạm trung chuyển" cho đường dây. Với vỏ bọc là khách du lịch, Bé và Điệp đã tuyển thêm nhiều thanh niên đến từ nhiều tỉnh, rồi thuê nhiều căn hộ tại Đà Lạt nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng.

Nhóm đối tượng bị Cơ quan công an bắt giữ.

Sau khi bắt giữ 23 đối tượng, Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để làm rõ toàn bộ mạng lưới tội phạm.

Các đối tượng bị tạm giữ để điều tra về hành vi "Rửa tiền" theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Rửa tiền là gì?

Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền 2012, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.[2]

Căn cứ quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền 2012 và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), các hành vi được quy định là rửa tiền bao gồm:

- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

- Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

- Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Trong đó:

- Tiền sử dụng trong hoạt động rửa tiền bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ; có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản.

- Tài sản trong hoạt động rửa tiền bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.[3]

(Khoản 1, 2 Điều 1 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP)

Xử lý trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền

Đối với cá nhân

Cá nhân phạm tội rửa tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể:

- Người nào thực hiện một trong các hành vi được xem là rửa tiền nêu trên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Người phạm tội rửa tiền bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi thêm một trong những dấu hiệu sau:

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

+ Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

+ Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

Đối với tội rửa tiền, người chuẩn bị phạm tội cũng sẽ có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội rửa tiền như sau: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với pháp nhân

Mức phạt đối với pháp nhân phạm tội rửa tiền được quy định tại Khoản 6 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể:

- Đối với pháp nhân phạm tội rửa tiền, mức phạt cao nhất có thể áp dụng là bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.

- Đối với pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.[4]

Một số vụ việc liên quan đến hành vi 'rửa tiền'

Triệt phá đường dây mua bán trái phép tài khoản ngân hàng, rửa tiền hàng nghìn tỷ đồng

Vào hồi cuối tháng 2/2025, Cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đã triệt phá thành công một đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng và rửa tiền với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng.[5]

Các đối tượng trong đường dây này chủ yếu ngụ tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, hoạt động chuyển tiền cho các đường dây đánh bạc và lừa đảo qua không gian mạng có liên quan đến các nhóm tội phạm tại Campuchia.

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện hoạt động của nhóm tội phạm này, với hình thức mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc và thực hiện hành vi rửa tiền.

Những giao dịch trái phép này đã diễn ra tại nhiều địa bàn lớn, bao gồm TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, với tổng giá trị giao dịch ước tính lên đến 2.000 tỷ đồng.

Ngày 12/2/2025, Công an Đồng Nai đã phối hợp với Công an TP Hà Nội và Đà Nẵng, đã bắt giữ 18 đối tượng liên quan. Đồng thời, lực lượng chức năng đã tiến hành khống chế, khám xét nơi ở và nơi làm việc của các đối tượng, thu giữ 8 máy tính, 9 đầu CPU, 87 điện thoại di động cùng các thiết bị phát sóng Wi-Fi.

Tại nơi ở của đối tượng K - một trong những kẻ cầm đầu, lực lượng chức năng còn thu được 2 bộ máy tính, 2 CPU, 13 điện thoại di động, 26 dấu mộc và hàng trăm thẻ sim...

Qua đấu tranh, đối tượng K đã khai nhận về mối quan hệ với một đối tượng tên J, người Trung Quốc, hiện đang hoạt động tại Campuchia. K là cầm đầu trong nhóm rửa tiền tại Việt Nam, thực hiện các giao dịch với các đối tượng nước ngoài và nhận tiền công từ J từ 450 đến 500 triệu đồng mỗi tháng.

Từ tháng 7/2024 đến nay, nhóm của K đã thực hiện chuyển và nhận tiền cho các đối tượng nước ngoài với tổng giá trị lên đến 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, K còn tổ chức đăng ký và thành lập hơn 30 doanh nghiệp "ma", cùng với hơn 150 tài khoản ngân hàng doanh nghiệp, nhằm phục vụ cho các hoạt động rửa tiền.

Mở rộng điều tra, Ban chuyên án đã tiếp tục bắt giữ thêm 3 đối tượng tại các địa phương như TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và tỉnh Hưng Yên. Trong quá trình khám xét, cơ quan điều tra cũng thu giữ 8 sim điện thoại đã đăng ký tài khoản ngân hàng, 1 khẩu súng và 27 viên đạn.

Lừa đảo 'rửa tiền' bằng việc bán xe máy không giấy tờ giá rẻ

Cuối tháng 12/2024, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã điều tra vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trên không gian mạng, xảy ra các năm 2023, 2024 tại địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, các đối tượng trong vụ án này chủ yếu là thanh thiếu niên, đã lừa đảo hơn 1.000 bị hại trên khắp cả nước.[6]

Qua điều tra, L.Q.N. (SN 2008, trú tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) cùng một số đối tượng có hộ khẩu trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã sử dụng trang mạng xã hội Telegram, Facebook mua hoặc lập các nick Facebook giả và sử dụng các tài khoản "rửa tiền" được cung cấp trên ứng dụng Telegram.

Sau khi lập hoặc mua tài khoản Facebook, các đối tượng thực hiện việc "cày" tương tác, tham gia các hội, nhóm và đăng bài bán xe máy không giấy tờ, bán xe máy không giấy tờ giá rẻ trên các nhóm như: "Nhóm mua bán trao đổi xe máy kgt Hà Nội; Hà Giang; Vĩnh Phúc; Bắc Ninh; Bắc Giang..."; "Chợ xe máy không giấy tờ"...

Khi người mua có nhu cầu, các đối tượng yêu cầu người mua đặt cọc từ 300.000 đồng đến 7 triệu đồng, tùy theo giá trị phương tiện định mua bán; chuyển tiền vào số tài khoản "rửa tiền" lấy được trên nền tảng mạng xã hội Telegram (số tài khoản này không cố định, do "người rửa tiền" quy định), rồi mới chuyển xe đến người nhận.

Tuy nhiên, sau đó, các đối tượng không giao xe mà chiếm đoạt số tiền đặt cọc và chặn liên lạc với người mua. Sau khi người mua chuyển tiền đến tài khoản "rửa tiền", tài khoản này giữ lại 10-15% số tiền đã chuyển và chuyển khoản số tiền còn lại vào tài khoản cá nhân của đối tượng lừa đảo.

Cơ quan CSĐT - Công an huyện Chợ Đồn bước đầu xác định được 16 tài khoản ngân hàng mà các đối tượng sử dụng để lừa bị hại chuyển tiền vào.

Cơ quan Công an khuyến cáo, khi có ý định mua hàng trên mạng, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo; cần có sự kiểm tra, đối chiếu khi thấy có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bán và giá trị hàng hóa, hoặc có sự khác biệt quá lớn giữa giá bán được giới thiệu so với giá bán trên thị trường của cùng loại hàng hóa.

Đồng thời, thỏa thuận trước với bên bán về phương thức thanh toán, chỉ thanh toán sau khi đã nhận hàng và kiểm tra hàng để tránh rủi ro bị lừa đảo, mất tiền đặt cọc, phí vận chuyển. Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xuyên quốc gia trên không gian mạng

Một vụ việc liên quan, Công an huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đã triệt phá đường dây sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo và rửa tiền xuyên quốc gia. Với thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng mở tài khoản tín dụng, các đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt và rửa tiền với tổng số tiền trên 70 tỷ đồng.[7]

Theo đó, Công an huyện Như Xuân đã khởi tố, bắt tạm giam Ngụy Phan Kiên (SN 1987, trú huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) về tội "Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản"; khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Lan Anh (SN 1999, trú huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Trần Hoàng Minh (SN 1991) và Hoàng Trọng Cường (SN 1989, đều trú huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) về tội "Rửa tiền".

Ngoài ra, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội của hơn 20 đối tượng khác trong đường dây sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo và rửa tiền xuyên quốc gia.

Theo cơ quan công an, vào khoảng tháng 6/2024, Công an huyện Như Xuân tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của một công dân bị các đối tượng không rõ lai lịch trên không gian mạng mạo danh nhân viên ngân hàng mời chào, hướng dẫn mở thẻ tín dụng, sau đó chiếm đoạt số tiền 30 triệu đồng trong tài khoản vừa mở.

Vào cuộc điều tra, Công an huyện Như Xuân xác định đây là một đường dây tội phạm chuyên nghiệp trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa, sự phối hợp chặt chẽ của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, Ban chuyên án đã xác định được các đối tượng có liên quan.

Trong đó, một nhóm đối tượng tại Campuchia do Ngụy Phan Kiên làm trưởng nhóm đã thuê các căn hộ chung cư để cư trú và hoạt động. Tại đây, các đối tượng trang bị máy móc, thuê đường truyền Internet tốc độ cao để thu thập các tài khoản ngân hàng rác.

Tinh vi hơn, các đối tượng đã thuê lại phần mềm gọi điện qua Internet với 12 đầu số khác nhau; thuê phần mềm giả địa chỉ IP để phục vụ hoạt động phạm tội. Nhóm đối tượng này có nhiệm vụ giả mạo là nhân viên các ngân hàng để đăng thông tin quảng cáo trên các mạng xã hội như Telegram, Facebook, Zalo để thu thập thông tin khách hàng muốn mở thẻ với hạn mức từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Khi có thông tin khách hàng, chúng liền chuyển sang cho một nhóm khác (cũng hoạt động tại Campuchia) do Trần Hoàng Minh cầm đầu để nhóm này hướng dẫn khách hàng mở thẻ rồi dẫn dụ và đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, thông tin cá nhân của khách hàng.

Tiếp đến, các đối tượng chuyển về cho một nhóm đối tượng khác ở Việt Nam giả mạo bộ phận thẩm định của ngân hàng gọi điện lấy mã OTP và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Với các thủ đoạn trên, từ tháng 4 đến cuối tháng 6/2024, các đối tượng trong đường dây đã chiếm đoạt và rửa tiền hơn 70 tỷ đồng. Công an huyện Như Xuân đã thu giữ 35 điện thoại di động, 1 máy tính, 2 ô tô, toàn bộ phần mềm gọi điện lừa đảo của các đối tượng với 12 đầu số điện thoại ảo, hơn 7.847 cuộc gọi lừa lấy thông tin để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

[1] Khắc Lịch, Nhóm rửa tiền ở Đà Lạt đã thực hiện giao dịch khoảng 2.000 tỷ đồng, Công an nhân dân, ngày 13/3/2024, https://cand.com.vn/Ban-tin-113/nhom-rua-tien-o-da-lat-da-thuc-hien-giao-dich-khoang-2-000-ty-dong-i761787/

[2] Luật Phòng chống rửa tiền số: 07/2012/QH13 ngày 18/6/2013

[3] Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2029

[4] Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

[5] Thiên Vương, Triệt phá đường dây mua bán thông tin tài khoản ngân hàng, rửa tiền hơn 2.000 tỷ đồng, Báo Nhân dân, ngày 24/02/2025, https://nhandan.vn/triet-pha-duong-day-mua-ban-thong-tin-tai-khoan-ngan-hang-rua-tien-hon-2000-ty-dong-post861386.html

[6] Bảo Quân, Làm rõ 16 tài khoản ngân hàng nhận cọc mua xe máy không giấy tờ rồi "bùng", Công an nhân dân, ngày 29/11/2024, https://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/lam-ro-16-tai-khoan-ngan-hang-nhan-coc-mua-xe-may-khong-giay-to-roi-bung-i751777/

[7] Đoàn Minh, Triệt phá đường dây rửa tiền xuyên quốc gia gần 2.000 tỷ đồng, Báo tuổi trẻ Thủ đô, ngày 14/03/2025, https://tuoitrethudo.vn/triet-pha-duong-day-rua-tien-xuyen-quoc-gia-gan-2000-ty-dong-273188.html

Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.

Cùng chuyên mục

Chuẩn bị diễn ra Hội thảo Quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư”

Chuẩn bị diễn ra Hội thảo Quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư”

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư” sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 5/4/2025.

3 nhóm vấn đề trong Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi)

3 nhóm vấn đề trong Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi)

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  19 giờ trước

Tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi) đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Nội vụ đề xuất tập trung sửa đổi, bổ sung 3 nhóm vấn đề.

Vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân: Thực trạng và một số khuyến nghị

Vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân: Thực trạng và một số khuyến nghị

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  19 giờ trước

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm thiểu phổ biến vũ khí hạt nhân và quản lý nguy cơ xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này đang có dấu hiệu đảo ngược. Giới quan sát cho rằng, môi trường an ninh quốc tế ngày càng bất ổn với việc các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược và sự nổi lên của những thách thức an ninh toàn cầu khiến xu thế chính trị cường quyền và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế gia tăng, nhất là việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, việc các nước tăng cường nâng cao ý thức, phối hợp chặt chẽ để góp phần giải quyết tình trạng này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Vụ Baby Three bị nghi in hình 'đường lưỡi bò': Mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' bị xử phạt như thế nào?

Vụ Baby Three bị nghi in hình 'đường lưỡi bò': Mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' bị xử phạt như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Đồ chơi Baby Three đang đối mặt với làn sóng tẩy chay tại Việt Nam do nghi vấn in hình “đường lưỡi bò”. Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, nhà sản xuất Baby Three đã hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Vậy việc mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' có bị xử phạt?

Chiêu lừa 'cộng tác viên online' tiếp tục khiến nhiều người mắc bẫy

Chiêu lừa 'cộng tác viên online' tiếp tục khiến nhiều người mắc bẫy

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Chiêu trò lừa đảo "cộng tác viên online" tiếp tục nở rộ, khiến nhiều người mất tiền oan vì những lời mời gọi hấp dẫn. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, kiểm tra kỹ nguồn thông tin chính thống để tránh sập bẫy.

Chế tài xử lý đối với tội bắt cóc trẻ em

Chế tài xử lý đối với tội bắt cóc trẻ em

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Gần đây, nhiều thông tin sai sự thật về các vụ "bắt cóc trẻ em" lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng trước những tin đồn thất thiệt.

Hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Hàng loạt các cá nhân, đội nhóm bị xử phạt vì đăng tải thông tin 'báo chốt' cảnh sát giao thông lên mạng xã hội. Vậy chế tài xử lý hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội ra sao?

Thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe được quy định như thế nào?

Thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe được quy định như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe (đăng ký sang tên xe) được quy định tại Quyết định số 1383/QĐ-BCA ngày 28/02/2025 của Bộ Công an.