Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến bảo hiểm với người mắc bệnh hiểm nghèo
Phương Thúy
Thứ năm, 24/10/2024 - 15:49
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế đã bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình.
93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.
Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật.
Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; Điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận.
Trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Dự án Luật thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, dự thảo Luật sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phân bổ thẻ bảo hiểm y tế.
Bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, không để người bệnh phải tự mua và được bảo đảm quyền lợi.
Điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế từ 5% còn 4% để tăng chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh từ 90% lên 91% từ đầu năm, tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí...
Thông cấp khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và cho rằng, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật. Các điều khoản được sửa đổi bám sát với 04 chính sách đã được thông qua tại đề nghị xây dựng Luật.
Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí việc bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng và phương thức đóng bảo hiểm y tế quy định tại dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát để bảo đảm thể hiện đầy đủ đối tượng đang tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại các văn bản pháp luật khác; tiếp tục rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng để không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ bảo hiểm y tế so với quy định hiện hành...
Về nội dung Chính phủ xin ý kiến, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, khoản 3 Điều 22 sửa đổi quy định về “thông cấp khám bệnh, chữa bệnh” theo hướng mở rộng thêm một bước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Theo đó, quỹ bảo hiểm y tế chi trả như khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng quy định trong trường hợp người bệnh tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo; khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản trên toàn quốc và khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu với lộ trình phù hợp.
Tuy nhiên, cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện phù hợp.
Ngoài ra, Ủy ban Xã hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ khi bổ sung quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chi phí dịch vụ cận lâm sàng của người bệnh đã được chỉ định nhưng phải thực hiện ở nơi khác để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng như bảo đảm chất lượng và tính kịp thời trong khám bệnh, chữa bệnh.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.