Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại
phần livestream của Hoa hậu quý bà Phương Lê chế lời Quốc ca Việt Nam
(Tiến quân ca). Theo đó, hoa hậu này hát Quốc ca với lời chế là "Đoàn quân
Việt Nam đi trong lòng của má", cùng giọng điệu đùa cợt trong lúc
livestream, khiến cư dân mạng xôn xao.
Sự việc gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn, hội nhóm mạng
xã hội. Nhiều người thể hiện sự bức xúc, lên tiếng chỉ trích Hoa hậu Quý bà Hòa
bình Thế giới 2017 vì cho rằng cô đang có hành vi xúc phạm Quốc ca và mong cơ
quan chức năng sớm vào cuộc xử lý.
Hoa hậu Quý bà Phương Lê bị chỉ trích vì cho rằng chế lời Quốc ca. (Ảnh: MXH)
Cơ quan chức năng lên tiếng
Hôm qua (22/8), bà Võ Thị Thu Sương - Chánh Thanh tra Sở
Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM - cho biết đã bước đầu nắm được thông
tin liên quan đến vụ việc của bà Lê Thị Hậu Phương (hoa hậu Phương Lê) về việc
hát chế lời Quốc ca.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, việc sử dụng Quốc
ca đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tại văn bản hướng dẫn số
3420/HD-BVHTTDL ngày 2/10/2012 về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca,
chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Võ Thị Thu Sương, Chánh Thanh tra, Sở Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng).
Theo đó, Quốc ca được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ
tại các công sở nhà nước, trường học, các nghi lễ sinh hoạt chính trị của đất
nước, các đoàn thể, các lễ hội quốc gia, các sự kiện thể thao cấp nhà nước và
quốc tế…
Do đó, việc sử dụng Quốc ca không đúng hướng dẫn trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 351 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc
ca": Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thì bị phạt cảnh
cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính, hiện
nay chưa có quy định cụ thể để xử phạt các hành vi vi phạm có tính chất xúc phạm
Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Về hướng xử lý vụ việc, Sở Thông tin và Truyền thông
TPHCM đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để mời bà Lê Thị Hậu
Phương (hoa hậu Phương Lê) làm việc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định
pháp luật đối với các vụ việc liên quan đến bà Lê Thị Hậu Phương trong thời
gian qua.
Hoa hậu Phương Lê nói gì về việc chế lời Quốc ca?
Tối 16/8, trên trang cá
nhân, Hoa hậu quý bà Phương Lê giải thích về việc chế lời Quốc ca, xin lỗi khán giả vì
phát ngôn gây hiểu lầm. Cô cho biết bản thân không chế lời hay xúc phạm
"Quốc ca".
Phương Lê viết trên trang cá nhân: "Trước tiên
cho Phương Lê được gửi lời xin lỗi đến tất cả mọi người nếu câu nói của Phương
Lê đã gây ra hiểu lầm, làm phiền lòng và gây khó chịu".
Cô khẳng định: "Bản thân tôi không chế
lời hay xúc phạm Quốc ca. Từ bao lâu nay, Phương Lê cũng như mỗi người dân Việt
Nam đều tự hào và xúc động khi cất tiếng hát bài Quốc ca thiêng liêng, cũng như
ý thức việc thay đổi, sửa lời bài hát là hành động không thể chấp nhận. Thế
nhưng mới đây, trong một livestream, Phương Lê nói câu bị cắt ghép nhạc để hiểu
sai khiến cho dư luận bức xúc. Trong hoàn cảnh thường xuyên bị các anti fan
công kích tấn công, Phương Lê dùng từ 'đoàn quân' để chỉ đối tượng
này, không phải là hành động cố ý chế lời Quốc ca”.
Để khẳng định sự thượng tôn pháp luật của mình, Phương Lê cũng đã livestream kể rõ chi tiết này giúp cho mọi người hiểu rõ bối cảnh đầy
đủ của sự việc.
“Một lần nữa Phương Lê xin được gửi lời xin lỗi đến mọi
người vì đã gây ra sự khó chịu này, đồng thời xin rút kinh nghiệm để không dùng
những từ có thể gây ra hiểu lầm về sau", Hoa hậu Phương Lê chia sẻ.
Phương Lê cho biết cô sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức
năng để làm rõ vấn đề và xin lỗi khán giả về sự vô ý của mình. Cô khẳng định luôn sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, hoạt động
từ thiện với tình yêu quê hương yêu nước lên hàng đầu.
Cần xử lý nghiêm việc chế lời Quốc ca
Báo Công Thương dẫn lời luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ
tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông, việc sử dụng Quốc ca đã được Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tại Văn bản Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL.
Vì vậy, bất kỳ ai chế lời bài hát hoặc sử dụng không
đúng hướng dẫn trên thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều
351 về tội Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca với khung hình phạt là bị
phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3
năm.
Luật sư Huế cho rằng, mọi hành vi chế lời bài hát Quốc
ca thì đều có thể xem là hành vi xúc phạm Quốc ca.
"Chế lời hoặc hát lung
tung, trong trường hợp này là trên livestream có nhiều người theo dõi sẽ làm một
số người xem bắt chước hát theo. Số lượng người xem càng nhiều thì mức độ ảnh
hưởng càng lớn. Cơ quan chức năng sẽ đánh giá, nếu có vi phạm chắc chắn sẽ xử
lý nghiêm minh" - luật sư Huế phân tích.
Ngoài ra, luật sư Huế cũng cho biết, hiện nay chưa có
quy định cụ thể trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm
có tính chất xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Hành vi này mới được bổ sung, quy định trong Dự
thảo Nghị định quy định xử phạt Vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.
Cụ thể, Điều 7 dự thảo Nghị định quy định:
- Phạt tiền từ
10-20 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi phát tán thông tin có nội dung xúc
phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng
dân tộc.
- Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với cá nhân có hành
vi làm ra thông tin có nội dung xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca,
vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
- Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối
với cá nhân có hành vi làm ra và phát tán thông tin có nội dung xúc phạm dân tộc,
quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
“Quốc ca là quốc thể”
Trước đó, sự việc quốc thiều và tiếng hát Quốc ca của Việt Nam
bị tắt âm thanh tại lễ cử quốc thiều trước trận đấu với đội tuyển Lào ở AFF Cup
2020 ngày 6/12/2021 đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Sự cố đã chỉ ra thiếu
sót trong việc xác lập các quyền liên quan Quốc ca và từ đó cảnh báo sâu sắc về
các hiện tượng thiếu tôn trọng đối với Quốc ca.
Năm 2021, Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên một số kênh YouTube trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào.
Việc tắt âm thanh Quốc ca dù với lý do gì cũng là một
trong số những hành vi, thái độ ứng xử chưa phù hợp với bài hát thiêng liêng và
mang tính đại diện của dân tộc.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chính Next Sports đã tự tắt tiếng để “đề phòng rủi ro”. Trên thực tế, video những trận đấu của các quốc gia khác trên kênh YouTube của Next Media cũng bị tắt tiếng để không bị xác nhận bản quyền âm nhạc.
Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có ý kiến chính thức nêu rõ, ca khúc "Tiến quân ca" là Quốc ca của Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.
Một sự việc cũng gây phẫn nộ trong nhân dân từng xảy
ra vào năm 2015 khi lãnh đạo một doanh nghiệp lĩnh xướng cho hơn 500 nhân viên
hát lời chế từ Quốc ca. Việc chế lời đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thiêng
liêng của bài hát.
Bên cạnh đó, thái độ hời hợt khi Quốc ca vang lên
trong mỗi dịp chào cờ cũng là những hành vi ứng xử chưa phù hợp với Quốc ca. Bởi,
Quốc ca là bài hát được xác định sử dụng trong các nghi lễ quan trọng của đất
nước.
Khoản 3, Điều 13 Hiến pháp năm 2013 xác định: Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca. (Ảnh tư liệu).
Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày
2/10/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sử dụng Quốc
kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ cũng nêu rõ: Quốc
ca được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ tại các công sở nhà nước, trường học,
các nghi lễ sinh hoạt chính trị của đất nước, các đoàn thể, các lễ hội quốc
gia, các sự kiện thể thao cấp Nhà nước và quốc tế… Còn Quốc thiều được sử dụng
trong các buổi lễ thượng cờ, lễ đón các nguyên thủ quốc gia, các nghi lễ cấp
Nhà nước…
Quốc ca là tài sản của đất nước, là niềm tự hào của
dân tộc. Xét về lòng tự tôn dân tộc, các hành vi thiếu tôn trọng Quốc ca Việt
Nam đều không được phép xảy ra, dù với bất kỳ lý do gì. Xét về góc độ pháp lý,
người nào cố ý xúc phạm Quốc ca thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến
3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại Điều 351 Bộ luật Hình
sự năm 2015.
Theo đó, không riêng Quốc ca, với bất kỳ bài hát nào,
việc chế lời khi chưa được sự đồng ý của tác giả (chủ sở hữu tác phẩm) thì đều
là hành vi vi phạm pháp luật. Mọi hình thức xuyên tạc, chế lại tác phẩm sẽ vi
phạm Khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009,
2019 về “hành vi xâm phạm quyền tác giả”.
(PLPT) - Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư” sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 5/4/2025.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm thiểu phổ biến vũ khí hạt nhân và quản lý nguy cơ xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này đang có dấu hiệu đảo ngược. Giới quan sát cho rằng, môi trường an ninh quốc tế ngày càng bất ổn với việc các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược và sự nổi lên của những thách thức an ninh toàn cầu khiến xu thế chính trị cường quyền và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế gia tăng
(PLPT) - Đồ chơi Baby Three đang đối mặt với làn sóng tẩy chay tại Việt Nam do nghi vấn in hình “đường lưỡi bò”. Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, nhà sản xuất Baby Three đã hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Vậy việc mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' có bị xử phạt?
(PLPT) - Trong vụ án 'rửa tiền' gần 2.000 tỷ đồng tại Lâm Đồng, các đối tượng sử dụng hàng chục tài khoản ngân hàng để luân chuyển tiền bất hợp pháp, hợp thức hóa qua nhiều lớp giao dịch trước khi chuyển ra nước ngoài. Vậy, trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền được quy định ra sao?
(PLPT) - Chiêu trò lừa đảo "cộng tác viên online" tiếp tục nở rộ, khiến nhiều người mất tiền oan vì những lời mời gọi hấp dẫn. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, kiểm tra kỹ nguồn thông tin chính thống để tránh sập bẫy.
(PLPT) - Gần đây, nhiều thông tin sai sự thật về các vụ "bắt cóc trẻ em" lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng trước những tin đồn thất thiệt.
(PLPT) - Hàng loạt các cá nhân, đội nhóm bị xử phạt vì đăng tải thông tin 'báo chốt' cảnh sát giao thông lên mạng xã hội. Vậy chế tài xử lý hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội ra sao?