Đất đấu giá vùng ven Hà Nội giá cao bất thường: Thủ tướng chỉ đạo 'nóng'
Yến Nhi
Thứ năm, 22/08/2024 - 15:30
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ:
Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024, trong đó có quy định về việc đấu giá quyền sử dụng đất. Một số địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường được cơ quan thông tin đại chúng phản ánh) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý và đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng gây nhiễu loạn thị trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 8 năm 2024.
3. Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản, chủ động điều tiết, giải quyết theo thẩm quyền và có giải pháp xử lý hiệu quả hoặc đề xuất các giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhất là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi.
5. Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính khẩn trương hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho các địa phương về các chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13 tháng 8 ngày 2024.
6. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Công điện này.
7. Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi tình hình, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Giá trúng đấu giá đất cao bất thường tại một số huyện ngoại thành Hà Nội
Phiên đấu giá đất Hoài Đức (Hà Nội) kết thúc sáng ngày 20/8 với giá trúng đấu giá cao nhất là hơn 133 triệu đồng/m2, cao gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng/m2. Ngoài ra, 11 lô khác cũng được thiết lập mức giá trên 100 triệu đồng/m2. Hai lô đất có giá trúng thấp nhất tại phiên này là 91,3 triệu đồng/m2. Mức giá này vẫn cao gấp 12,5 lần giá khởi điểm.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, tính đến trước ngày đấu giá đất, đã có hơn 700 bộ hồ sơ và khoảng 400 khách hàng tham gia đấu giá. Từ dự kiến thực hiện tối thiểu 6 vòng trả giá, Ban tổ chức đã phải thực hiện tới 9 vòng trả giá. Những người tham gia đấu giá và Ban tổ chức đã phải thức xuyên đêm để hoàn tất việc đấu giá 19 lô đất.
Trong quá trình đấu giá 19 lô đất trên, nhiều người tham gia đấu giá đã bỏ cuộc vì cho rằng giá đất đã bị nâng lên quá cao, vượt quá dự tính ban đầu của họ.
Ngày 26/8/2024, huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá 20 lô đất còn lại ở khu Lòng Khúc, thuộc các lô LK01 và LK02. Giá khởi điểm vẫn là 7,3 triệu đồng/m2; diện tích dao động từ 89 - 145m2; đặt cọc trước từ 130 - 212 triệu đồng/thửa.
Trước phiên đấu giá đất Hoài Đức, một số phiên đấu giá đất vùng ngoại thành Hà Nội cũng ghi nhận mức giá trúng đấu giá cao kỷ lục. Tại huyện Đan Phượng, phiên đấu giá 85 thửa đất trong ngày 28/7 ghi nhận có lô đất trúng đấu giá chạm mốc 100 triệu đồng/m2.
Mới đây, ngày 10/8, gần 2.000 người đã tham gia buổi đấu giá để có 68 suất đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Kết quả, giá trúng đấu giá dao động khoảng 80-90 triệu đồng/m2, đặc biệt một lô góc có giá trúng cao nhất lên tới hơn 100,5 triệu đồng/m2. So với giá khởi điểm 8,6-12,5 triệu đồng/m2, mức giá trúng đã cao gấp 5-8 lần.
Đáng chú ý, ngay sau phiên đấu giá, nhiều nhà đầu tư trúng đấu giá đã lập tức rao bán chênh từ 300-500 triệu đồng/lô. Ví dụ, lô đất LK01-4 có diện tích 85 m2, giá trúng 7,2 tỷ đồng (84,7 triệu đồng/m2) đang được chào bán chênh 500 triệu đồng. Tương tự, lô đất LK02-8 có diện tích 85 m2, giá trúng 7,03 tỷ đồng (83 triệu đồng/m2) cũng đang được chào bán chênh 500 triệu đồng.
Trao đổi với báo điện tử VTV, anh Hùng - môi giới bất động sản ở Thanh Oai - nói: "Mức giá trúng trong buổi đấu giá 68 thửa đất là chưa từng có tại xã Thanh Cao. Thực tế, đất nền ở Thanh Cao giao dịch quanh mức 25-35 triệu đồng/m2, có một số lô đẹp có giá lên đến 40 triệu đồng/m2".
Ngay sau cuộc đấu giá, các hội nhóm về mua bán đất trên mạng xã hội xuất hiện nhiều "cò đất", rao bán với giá bằng giá trúng cộng với mức chênh từ 200-500 triệu đồng/lô, tùy diện tích và vị trí, theo Dân Việt.
Anh Lê Dũng, một nhà đầu tư chuyên phân khúc đất nền tại Thanh Oai, chia sẻ với tạp chí Tri thức trực tuyến rằng, mức giá trên 80 triệu đồng cho mỗi m2 đất Thanh Cao là bất thường. Theo anh, 3-4 năm trở lại đây, hạ tầng khu vực Thanh Cao được cải thiện đáng kể, thị trường nhà đất cũng ấm lên, song giá chỉ tăng khoảng 20-25%.
"Từ trước đến nay, đất Thanh Cao chủ yếu phục vụ nhu cầu ở, sản xuất theo mô hình làng nghề vải, hiện tượng đầu tư là có nhưng không nhiều. Năm 2023, 6 lô đất trúng đấu giá ở Thanh Cao cũng chỉ quanh mức 20 triệu đồng/m2", anh Dũng cho hay.
Kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại Thanh Oai, Hoài Đức
Liên quan đến kết quả trúng đấu giá đất cao bất thường tại một số huyện ngoại thành, ngày 22/8, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm (nếu có).
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, như tại huyện Thanh Oai cao gấp 7-8 lần, huyện Hoài Đức cao nhất gấp 18 lần. Việc trúng giá cao bất thường nêu trên có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, bảo đảm việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, UBND TP yêu cầu Sở TN&MT Hà Nội chủ trì phối hợp ngay với các sở, ngành: Tư pháp, Tài chính, Thanh tra TP, Công an TP kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức trong thời gian vừa qua, kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết đối với các vi phạm pháp luật (nếu có); báo cáo UBND TP trước ngày 25/8/2024.
Sở TN&MT Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ngành: Tư pháp, Tài chính, Thanh tra TP, Công an TP rà soát quy trình, thủ tục, quy chế… về đấu giá quyền sử dụng của các quận, huyện, thị xã; báo cáo UBND TP chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất chặt chẽ theo quy định pháp luật, hoàn thành trước ngày 27/8/2024.
Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định pháp luật; báo cáo UBND TP những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.