Pháp luật quốc tế

Ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ

Thứ ba, 21/01/2025 - 09:59
Nghe audio
0:00

Vào lúc 12h02 ngày 20/1 theo giờ bờ Đông nước Mỹ (0 giờ 2 phút ngày 21/1 theo giờ Việt Nam), ông Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của "xứ cờ hoa".

Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Cùng thời điểm này, nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cũng chính thức kết thúc theo quy định của Tu chính án thứ 20 trong Hiến pháp Mỹ. Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ thứ 47 được tổ chức bên trong Tòa nhà Quốc hội thay vì ở ngoài trời như truyền thống do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trước đó, buổi biểu diễn âm nhạc chào mừng đã diễn ra lúc 9h30 (21h30 giờ Việt Nam).

Nhiều nhà lập pháp và quan chức Mỹ có mặt trong lễ nhậm chức của ông Trump bên cạnh ba cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, cùng Tổng thống Joe Biden. Phó Tổng thống Kamala Harris, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 cũng xuất hiện tại sự kiện.

Một loạt Giám đốc điều hành (CEO) của các hãng công nghệ như ông Mark Zuckerberg (Meta), ông Jeff Bezos (Amazon), ông Elon Musk (Tesla), ông Tim Cook (Apple) và ông Sundar Pichai (Google) cũng có mặt tại lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử.

Ông Trump là Tổng thống thứ hai trong lịch sử chính trường Mỹ làm hai nhiệm kỳ không liên tiếp sau ông Grover Cleveland, người từng được bầu vào năm 1884 và 1892.

Ông Trump phát biểu trong lễ nhậm chức tại Đồi Capitol ngày 20/1. (Ảnh: AP)

"Kỷ nguyên vàng cho nước Mỹ"

Theo TTXVN, trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức trưa ngày 20/1 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng "Kỷ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu ngay bây giờ".

Và từ bây giờ, theo ông, nước Mỹ sẽ lại phát triển và được tôn trọng trên toàn thế giới. Nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ nhấn mạnh: "Nước Mỹ sẽ sớm trở nên vĩ đại như đã từng, vững mạnh hơn và ưu việt chưa từng thấy".

"Tôi trở lại cương vị Tổng thống với sự tự tin và lạc quan rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một kỷ nguyên mới đầy khích lệ với sự thành công của quốc gia. Một làn sóng thay đổi đang lan rộng khắp đất nước…", ông Trump phát biểu.

Theo ông Trump, Chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lòng tin, khi sự cấp tiến và tham nhũng đã tàn phá nước Mỹ trong nhiều năm. Ông bày tỏ hy vọng sẽ trả lại cho người dân Mỹ niềm tin, sự giàu có, nền dân chủ và tự do. Ông Trump cho biết mục tiêu hàng đầu của ông là "xây dựng một đất nước đáng tự hào, thịnh vượng và tự do".

Tổng thống Trump ký một loạt văn bản ngay sau khi kết thúc lễ nhậm chức tại Đồi Capitol. (Ảnh: Pool)

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp

Sau khi tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã ký gần 100 sắc lệnh hành pháp liên quan tới hàng loạt lĩnh vực, qua đó hiện thực hóa các cam kết tranh cử.

Các sắc lệnh tập trung vào những vấn đề “nóng” trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống vừa qua của ông Trump như nhập cư, thuế quan, công nghệ và khai thác dầu mỏ.

Cụ thể, tân Tổng thống Mỹ đã ký tới 10 sắc lệnh hành pháp liên quan tới vấn đề an ninh biên giới phía nam và chống nhập cư trái phép ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên. Đáng chú ý là sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới, tạo điều kiện cho quân đội Mỹ hoàn thành việc xây dựng bức tường biên giới giáp Mexico và cho phép Lầu Năm Góc triển khai lực lượng quân thường trực vùng các thành viên Vệ binh Quốc gia tới khu vực này. Ngoài ra, Washington còn đình chỉ chương trình tái định cư người tị nạn trong ít nhất 4 tháng.

Tổng thống Trump cũng ký sắc lệnh chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh, vốn được ghi trong Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ, theo đó sẽ không cấp quyền công dân cho những trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ nhưng cha mẹ không có tư cách công dân Mỹ. Tuy nhiên, động thái này chắc chắn sẽ gây tranh cãi và đối mặt với những thách thức pháp lý từ các cơ quan lập pháp.

Tổng thống Trump cũng ký hàng chục sắc lệnh hành pháp liên quan tới việc gia hạn thời gian hoạt động của mạng xã hội Tik Tok tại Mỹ để tạo điều kiện cho công ty mẹ ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng này; sắc lệnh nới lỏng hệ thống quy định trước đây của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden áp đặt các hạn chế nhằm vào các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch, ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng để trao thêm quyền hạn và đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các dự án đường ống dẫn và nhà máy điện.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump một lần nữa sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu, đưa quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới ra khỏi nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu lần thứ 2 trong vòng 1 thập kỷ.

Về thuế quan, ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng đã ký các sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ Canada và Mexico và áp thêm 10% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc; chỉ đạo các cơ quan liên bang khởi động điều tra các hoạt động thương mại như thâm hụt thương mại, các hoạt động tiền tệ bất bình đẳng, hàng giả và quy định đặc biệt cho phép các mặt hàng có giá trị thấp xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới mà không bị đánh thuế.

Ngoài ra, tân Tổng thống Trump còn ký hàng loạt sắc lệnh liên quan tới việc đổi tên Vịnh Mexico, quyền của người chuyển giới với quan điểm nước Mỹ sẽ chỉ công nhận hai giới tính là nam và nữ; chấm dứt những chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực xe điện.

Cùng chuyên mục

TikTok và Chính phủ Hoa Kỳ: Cuộc đối đầu pháp lý xoay quanh Tu chính án thứ nhất

TikTok và Chính phủ Hoa Kỳ: Cuộc đối đầu pháp lý xoay quanh Tu chính án thứ nhất

Pháp luật quốc tế -  2 ngày trước

(PLPT) - Trong những năm gần đây, TikTok - nền tảng mạng xã hội nổi tiếng thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc) - đã trở thành tâm điểm của các tranh cãi chính trị và pháp lý tại Hoa Kỳ. Một trong những vấn đề nổi bật nhất liên quan đến lệnh cấm TikTok do Chính phủ Mỹ đề xuất chính là lập luận pháp lý dựa trên Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Phản ứng mạnh trước quyết định “né trách nhiệm” của Meta

Phản ứng mạnh trước quyết định “né trách nhiệm” của Meta

Pháp luật quốc tế -  6 ngày trước

Tập đoàn Meta, công ty mẹ của Facebook, vừa qua thông báo chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba (phát hiện tin giả) có từ năm 2016, đối với các nội dung trên các nền tảng thuộc sở hữu của Meta, trước mắt tại Mỹ. Quyết định của Meta đã bị chỉ trích mạnh mẽ.

Israel thông qua dự luật hạn chế hoạt động của UNRWA tại Dải Gaza

Israel thông qua dự luật hạn chế hoạt động của UNRWA tại Dải Gaza

Pháp luật quốc tế -  1 tuần trước

(PLPT) - Vào cuối tháng 10 năm 2024, quốc hội Israel, Knesset, đã bỏ phiếu ủng hộ luật nhắm vào cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA). Luật này có hiệu lực có thể khiến các hoạt động của cơ quan này trên lãnh thổ Israel phải dừng lại. Luật này chưa có hiệu lực ngay lập tức nhưng có nguy cơ làm sụp đổ tiến trình phân phối viện trợ vốn đã mong manh vào thời điểm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Quy định về các tội xâm phạm quyền của chủ nợ theo Bộ luật hình sự Thụy Điển

Quy định về các tội xâm phạm quyền của chủ nợ theo Bộ luật hình sự Thụy Điển

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Bộ luật Hình sự Thụy Điển quy định về các tội xâm phạm quyền sở hữu, trong đó, các quyền của chủ nợ được quy định khá chặt chẽ nhằm bảo vệ triệt để quyền của chủ nợ đối với con nợ. Tác giả so sánh quy định của Bộ luật Hình sự Thụy Điển với quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Bộ luật Hình sự Việt Nam và đưa ra khuyến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam.

Thế giới 2025 và những dự báo

Thế giới 2025 và những dự báo

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Khi năm 2024 sắp kết thúc, dự báo thế giới năm 2025 đã được đưa ra từ giới chuyên gia, các nhà quan sát, phân tích và bình luận quốc tế; bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là dự báo về kinh tế toàn cầu, rủi ro địa chính trị, thiên tai, trí tuệ nhân tạo, các tiến bộ về điều trị căn bệnh ung thư, vị trí của tiền kĩ thuật số (tiền ảo)...

Đằng sau lệnh xóa sổ 'nền kinh tế thuốc phiện' của Taliban

Đằng sau lệnh xóa sổ 'nền kinh tế thuốc phiện' của Taliban

Pháp luật quốc tế -  4 tuần trước

Từng là nơi sản xuất heroin và thuốc phiện lớn nhất thế giới, Afghanistan đang dần loại bỏ "cái chết trắng" dưới lệnh cấm cứng rắn từ chính quyền Taliban.

Châu Âu tìm cách chống tin tặc

Châu Âu tìm cách chống tin tặc

Pháp luật quốc tế -  1 tháng trước

Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện một bước đi mới trong chiến lược nhằm bảo vệ không gian mạng.

Hành trình 'dọn rác' mạng xã hội: Kinh nghiệm từ các quốc gia

Hành trình "dọn rác" mạng xã hội: Kinh nghiệm từ các quốc gia

Pháp luật quốc tế -  1 tháng trước

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối mà còn trở thành trung tâm phát tán thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, không gian này cũng trở thành "bãi rác" khổng lồ với những nội dung độc hại, tin giả và lời nói căm thù. Việc kiểm soát và "dọn rác" mạng xã hội đã trở thành thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trên thế giới.