Hơn 800.000 camera giám sát của Việt Nam bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh trên mạng
Yến Nhi
Thứ bảy, 05/10/2024 - 05:56
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Theo Cục An toàn thông tin, hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện hơn 800 nghìn camera giám sát của Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên mạng internet.
Theo Cục An toàn thông tin, hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phát hiện hơn 800 nghìn camera giám sát của Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên mạng Internet, trong số đó có 360 nghìn camera (chiếm 45%) có nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng dễ bị khai thác tấn công, chiếm quyền điều khiển.
Bên cạnh đó, trên mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm đã công khai rao bán hình ảnh và video lộ lọt từ camera giám sát, mỗi nhóm có hàng nghìn thành viên với các mức phí từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng.
Cũng theo thống kê của Bộ TT&TT, trong năm 2021, trung bình hàng tháng có khoảng 1 triệu địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng IP botnet, trong đó có 48.690 địa chỉ IP liên quan trực tiếp đến các mã độc từ camera giám sát (chiếm khoảng 5%).
Ngoài ra, nhóm nguy cơ thứ hai đến từ việc phần lớn các hệ thống thông tin sử dụng camera giám sát chưa được triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng theo cấp độ theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016.
Khoảng 90% các hệ thống này chưa được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi đưa vào vận hành khai thác cũng như đánh giá an toàn thông tin mạng định kỳ hàng năm.
Trong bối cảnh camera giám sát ngày càng phổ biến tại Việt Nam, không chỉ ở các hộ gia đình mà còn là thành phần quan trọng trong hệ thống Chính phủ điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh thì việc camera giám sát nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn, sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh quốc gia.
Hiện nay, ở Việt Nam cũng đã có các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật cơ bản như: Quyết định 736/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2021 về Danh mục yêu cầu cơ bản bảo đảm an toàn thông tin mạng cho thiết bị IoT tiêu dùng; Quyết định số 724/QĐ-BTTTT ngày 07/5/2024 ban hành Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho camera giám sát sử dụng giao thức Internet được xây dựng và ban hành nhằm mục đích quản lý, tăng cường bảo đảm an toàn cho hệ thống IP Camera. Các quy chuẩn là tất cả các loại hình IP Camera được nhập khẩu, sản xuất, phân phối, sử dụng tại Việt Nam.
Người dùng cần lưu ý mua các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn để hạn chế lộ lọt thông tin, dữ liệu nhạy cảm.
Trước đó, từ 2014 đã tồn tại một website cho phép truy cập vào hơn 700 nghìn camera giám sát khắp thế giới, trong đó có hàng nghìn chiếc tại Việt Nam. Dữ liệu hình ảnh thậm chí là món hàng được đem ra mua bán, nhất là các camera được lắp đặt ở những nơi nhạy cảm như phòng ngủ, thay đồ, cửa hàng spa.
Trên Facebook và Telegram, nhiều hội nhóm rao bán quyền truy cập vào những camera đang hoạt động với số tiền từ vài trăm nghìn đồng.
Ví dụ, một dịch vụ có giá 800.000 đồng, cho phép người mua được tiếp cận 15 camera tại các khu vực nhạy cảm như trên. Người cung cấp khẳng định "có hàng trăm nghìn lựa chọn cho người mua", cho thấy lượng camera bị kiểm soát không nhỏ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bị xâm phạm camera, trong đó phổ biến là do người dùng không đổi mật khẩu khi lắp đặt, dùng mật khẩu yếu hoặc đặt chung mật khẩu với tài khoản khác.
Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, nhiều camera có lỗ hổng bảo mật nhưng không được cập nhật, máy chủ của nhà sản xuất có lỗi khiến hacker có thể tấn công và xâm nhập. Một số đơn vị lắp đặt camera cho nhiều người cùng quản lý, nhưng không phân quyền chặt chẽ dẫn đến việc người ngoài có thể truy cập với đặc quyền cao.
Quy định về hành vi phát tán thông tin, hình ảnh của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội
Thông tin cá nhân là các thông tin góp phần định danh một cá nhân cụ thể, bao gồm tên, tuổi, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, thông tin y tế, số tài khoản, thông tin về các giao dịch thanh toán cá nhân và những thông tin khác mà cá nhân mong muốn giữ bí mật. (Khoản 13 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)
Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được pháp luật bảo vệ đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình quy định: "Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".
Luật An ninh mạng 2018 quy định về phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật quy định hành vi đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật (Điểm a Khoản 1 Điều 18).
Không ai có quyền đưa thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội dưới bất cứ hình thức nào trừ khi được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định.
Do đó, việc đưa thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội mà chưa có sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Hành vi đưa thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, mức xử phạt tối đa đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, người đưa thông tin cá nhân của người khác trên mạng xã hội buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đó (theo khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Trường hợp người thực hiện hành vi đưa thông tin cá nhân của người khác trên mạng xã hội nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác với khung hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù.
Người dân khi phát hiện bản thân hoặc người thân bị đăng tải, tán phát thông tin, hình ảnh trái phép cần nhanh chóng trình báo cũng như phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.
(PLPT) - Nhiều doanh nghiệp liên tục bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vì hành vi ‘Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật’. Quy định của pháp luật cụ thể ra sao? Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì để tránh bị kiểm tra, xử phạt?
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo đã đưa ra phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
(PLPT) - Hai nam thanh niên ở Thanh Hóa vừa bị khởi tố vì có hành vi xúc phạm Quốc kỳ và phá hoại tài sản người dân. Pháp luật hiện hành quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ như thế nào?
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?