'Chạy án' cho vợ, người đàn ông bị chiếm đoạt gần 700 triệu đồng: Mức xử phạt đối với hành vi nhận chạy án ra sao?
Yến Nhi
Thứ năm, 05/12/2024 - 10:16
(PLPT) - Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM khởi tố và bắt tạm giam hai đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 700 triệu đồng từ một người đàn ông bằng chiêu trò "chạy án". Pháp luật hiện hành quy định mức xử phạt đối với hành vi nhận chạy án ra sao?
Bắt hai đối tượng lừa 'chạy án', chiếm đoạt gần 700 triệu đồng.
Cơ quan CSĐT - Công an TPHCM vừa tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Nguyễn Nhật Tùng (44 tuổi, quê Đồng Nai) và Nguyễn Gia Lộc (36 tuổi, quê Hà Nội) can tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".[1]
Theo điều tra, bà K. (quốc tịch Campuchia) và ông Y. quen biết, chung sống như vợ chồng. Tháng 6/2024, bà K. bị khởi tố, bắt tạm giam trong một vụ án. Ông Y. tìm mọi cách xoay xở và thông qua quan hệ xã hội gặp được Tùng và Lộc.
Cơ quan điều tra cáo buộc Tùng và Nhật đưa ra thông tin gian dối về việc có thể xin cho bà K. được tại ngoại và sau đó sẽ "chạy" để được hưởng án treo. Từ đó, ông Y. tin tưởng, nhiều lần chuyển cho Lộc và Tùng với tổng số 670 triệu đồng.
Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM đang điều tra mở rộng vụ án.
Thủ đoạn lừa đảo 'chạy án' bằng tiền điện tử USDT
Vào hồi cuối tháng 11, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, xuất hiện tình trạng lừa đảo mạo danh cơ quan tư pháp, yêu cầu người nhà bị can chuyển tiền "chạy án" qua tiền điện tử USDT.[2]
Theo cơ quan công an, các đối tượng tìm kiếm thông tin về các vụ án hình sự, kinh tế trên báo chí, mạng xã hội và nghiên cứu mối quan hệ gia đình của bị can.
Chúng tạo giả các tài liệu tố tụng như lý lịch, quyết định khởi tố, và gửi tới người thân của bị can qua ứng dụng Telegram, Facebook... để tăng tính thuyết phục.
Sau đó, đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản 100.000 USDT (khoảng 2,6 tỷ đồng) vào ví tiền điện tử chỉ định để "giảm nhẹ tội" cho bị can. Nạn nhân nếu tin tưởng sẽ bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân không tham gia các giao dịch tiền để "chạy án", bởi hành vi này vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý về tội danh "đưa hối lộ" hoặc "môi giới hối lộ" theo Điều 364, 365 Bộ luật Hình sự 2015.
Giả danh công an nhận gần 130 triệu đồng để 'chạy án'
Một vụ việc tương tự vào cuối tháng 9, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lưu Văn Hạnh (34 tuổi, trú tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 2, Điều 174 Bộ luật Hình sự.[3]
Theo cơ quan điều tra, bản thân Hạnh làm công nhân nhưng do bản tính thích thể hiện nên Hạnh giới thiệu với những người Hạnh mới quen biết là Hạnh là cán bộ công an.
Đến khoảng 3/2022, do nghĩ Hạnh là cán bộ công an nên ông L. - một người dân trên địa bàn thị trấn Bá Hiến (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) có con trai thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã nhờ Hạnh xin cho con trai được hưởng án treo.
Do thiếu tiền tiêu xài cá nhân nên Hạnh đã yêu cầu ông L. đưa cho Hạnh tổng cộng 127 triệu đồng để Hạnh xin cho con của người này được hưởng án treo. Sau đó, Hạnh đã tiêu xài cá nhân hết toàn bộ số tiền kể trên.
Đến khi con của ông L. bị TAND tuyên án phạt tù, ông L. đã đến đòi tiền Hạnh nhiều lần nhưng Hạnh trốn tránh không trả. Do đó, ông L. đã làm đơn trình báo cơ quan Công an.
Nhận được đơn trình báo, lực lượng chức năng tiến hành điều tra xác định Hạnh đã bỏ trốn khỏi địa phương, xuất cảnh trái phép đến Myanmar. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan CSĐT đã phối hợp với cơ quan chức năng để đưa Lưu Văn Hạnh về nước để xác minh, điều tra làm rõ hành vi của Hạnh.
Ngày 26/09/2024, Công an huyện Bình Xuyên đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lưu Văn Hạnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hành vi chạy án là gì?
Pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm "chạy án", tuy nhiên có thể hiểu chạy án là việc dùng mọi thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội. Lúc này, lợi dụng tâm lý lo sợ của người phạm tội hoặc người thân của họ, nhiều đối tượng đã "gợi ý" việc chạy án.
Theo đó, nhận chạy án là hành vi các đối tượng nhận tiền của người phạm tội tìm cách, dùng thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội.[4]
Ở những vụ chạy án, có một mô-tip quen thuộc là bị hại có người quen làm việc trong cơ quan tiến hành tố tụng, khi chạy đến nhờ vả thì được giới thiệu gặp người này, người khác để rồi bị chính những người này lừa đảo chiếm đoạt, trong khi kẻ môi giới thì vô can, dẫu bị phát hiện hay không. Bị hại thì tin tưởng, phần nữa "có bệnh thì vái tứ phương" rất dễ rơi vào tròng của những người tỏ ra có quyền lực và hết lòng giúp đỡ.
Quy định về mức xử phạt đối với hành vi nhận chạy án
Tùy vào tính chất, mục đích của hành vi mà người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
Trường hợp 1
Nếu người thực hiện hành vi chạy án không có chức vụ, quyền hạn thì người này có thể bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.[5]
Bởi người này không có chức vụ, quyền hạn, không thể can thiệp và thực hiện được việc thay đổi tội danh, khung hình phạt, …. có lợi cho người phạm tội nhưng vẫn nhận tiền hòng chiếm đoạt tài sản của người khác.
Theo đó, mức xử phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản căn cứ tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể như sau:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Khung 1: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Khung 2: Phạt tù từ 02-07 năm khi phạm tội thuộc một
trong các trường hợp sau đây:
- Phạm tội có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới
200 triệu đồng;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa
cơ quan, tổ chức;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Khung 3: Phạt tù từ 07-15 năm khi phạm tội thuộc một
trong các trường hợp:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới
500 triệu đồng;
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung 4: Phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân khi lừa
đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh
chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm
đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc
tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, theo quy định trên thì mức phạt cao nhất trong trường hợp này có thể là chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp 2
Nếu người này có chức vụ, quyền hạn thì có thể bị khép vào tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Theo đó, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
"1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."[6]
Tội nhận hối lộ
Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội nhận hối lộ như sau:
"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này."[7]
Người đưa tiền nhờ chạy án bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì?
Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội "Đưa hối lộ" như sau:
"1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ."[8]
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
[1] Bùi Yên, Bắt hai đối tượng lừa 'chạy án', chiếm đoạt gần 700 triệu đồng, Báo Pháp luật Việt Nam, (10h50 ngày 04/12/2024), https://baophapluat.vn/bat-hai-doi-tuong-lua-chay-an-chiem-doat-gan-700-trieu-dong-post533784.html
[2] Phú Lữ, Mạo danh cơ quan tư pháp, yêu cầu người nhà nạn nhân “chạy án” bằng tiền điện tử rồi chiếm đoạt, Báo Công an nhân dân (19h22 ngày 13/11/2024), https://cand.com.vn/tai-chinh-40/mao-danh-co-quan-tu-phap-yeu-cau-nguoi-nha-nan-nhan-chay-an-bang-tien-dien-tu-roi-chiem-doat-i750198
[3] V.Bắc - Q.Chiến, Giả danh Công an nhận gần 130 triệu đồng để 'chạy án', Báo Pháp luật Việt Nam, (14h43 ngày 30/09/2024),https://baophapluat.vn/gia-danh-cong-an-nhan-gan-130-trieu-dong-de-chay-an-post527040.html
[4] Le Uyn, Nhận chạy án là gì? Mức phạt cho tội này như thế nào?, Thư viện pháp luật,(17/09/2022), https://thuvienphapluat.vn/cong-dong-dan-luat/nhan-chay-an-la-gi-muc-phat-cho-toi-nay-nhu-the-nao-200745.aspx
[5] Điều 174 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
[6] Điều 175 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
[7] Điều 354 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Nhận hối lộ".
[8] Điều 364 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Đưa hối lộ".
(PLPT) - Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư” sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 5/4/2025.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm thiểu phổ biến vũ khí hạt nhân và quản lý nguy cơ xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này đang có dấu hiệu đảo ngược. Giới quan sát cho rằng, môi trường an ninh quốc tế ngày càng bất ổn với việc các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược và sự nổi lên của những thách thức an ninh toàn cầu khiến xu thế chính trị cường quyền và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế gia tăng, nhất là việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, việc các nước tăng cường nâng cao ý thức, phối hợp chặt chẽ để góp phần giải quyết tình trạng này có ý nghĩa hết sức quan trọng.
(PLPT) - Đồ chơi Baby Three đang đối mặt với làn sóng tẩy chay tại Việt Nam do nghi vấn in hình “đường lưỡi bò”. Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, nhà sản xuất Baby Three đã hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Vậy việc mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' có bị xử phạt?
(PLPT) - Trong vụ án 'rửa tiền' gần 2.000 tỷ đồng tại Lâm Đồng, các đối tượng sử dụng hàng chục tài khoản ngân hàng để luân chuyển tiền bất hợp pháp, hợp thức hóa qua nhiều lớp giao dịch trước khi chuyển ra nước ngoài. Vậy, trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền được quy định ra sao?
(PLPT) - Chiêu trò lừa đảo "cộng tác viên online" tiếp tục nở rộ, khiến nhiều người mất tiền oan vì những lời mời gọi hấp dẫn. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, kiểm tra kỹ nguồn thông tin chính thống để tránh sập bẫy.
(PLPT) - Gần đây, nhiều thông tin sai sự thật về các vụ "bắt cóc trẻ em" lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng trước những tin đồn thất thiệt.
(PLPT) - Hàng loạt các cá nhân, đội nhóm bị xử phạt vì đăng tải thông tin 'báo chốt' cảnh sát giao thông lên mạng xã hội. Vậy chế tài xử lý hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội ra sao?