Chiếm đoạt hơn 24,5 tỷ đồng tiền được nhờ mua đất: Lưu ý 9 thủ đoạn lừa đảo nhà đất phổ biến hiện nay
Yến Nhi
Thứ bảy, 19/10/2024 - 12:56
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Một đối tượng bị truy nã do nhận gần 24,5 tỷ đồng từ người quen để nhờ mua đất. Người dân cần nâng cao cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo mua bán đất phổ biến hiện nay.
Chiếm đoạt gần 24,5 tỷ đồng tiền được nhờ mua đất rồi bỏ trốn
Ngày 19/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương thông tin về quyết định truy nã đối với Khổng Thị Thanh (SN 1972; HKTT: khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo điều tra, Khổng Thị Thanh và bà Kim (ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) có mối quan hệ quen biết. Bà Kim biết được ông Trung ở phường Bình Chuẩn (TP Thuận An) đang có nhu cầu chuyển nhượng khu đất có diện tích rộng hơn 2.400 m2 ở thị xã Bến Cát (Bình Dương) nên nhờ Thanh mua giúp. Lý do giữa bà Kim và ông Trung có làm ăn chung nhưng xảy ra mâu thuẫn nên bà Kim không muốn trực tiếp mua.
Khi có thông tin, Thanh liên hệ với ông Trung thì ông Trung đồng ý chuyển nhượng khu đất nên Thanh đặt cọc trước 300 triệu đồng. Sau khi có giấy đặt cọc, bà Kim thỏa thuận mua lại khu đất này với giá gần 24,5 tỷ đồng.
Thanh yêu cầu bà Kim chuyển khoản cho mình nhiều lần với tổng cộng gần 24,5 tỷ đồng để bà Thanh chuyển lại cho ông Trung.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Thanh không đưa ông Trung mà sử dụng vào mục đích cá nhân, làm ăn thua lỗ rồi bỏ trốn khỏi địa phương.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương thông báo, ai bắt hoặc tiếp nhận đối tượng bị truy nã Khổng Thị Thanh vui lòng báo ngay cho Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương (số 681, Cách Mạng Tháng 8, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Đầu Một, điện thoại 0274.3822.444) hoặc liên hệ Điều tra viên Nguyễn Văn Sơn, điện thoại 0968.902.466.
Mất cọc 200 triệu do tin lời 'cò đất'
Vừa qua, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thúy Hà (SN 1972, ngụ quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) để điều tra về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản', được quy định tại điều 174 Bộ Luật hình sự.
Theo điều tra, tháng 11/2022, Hà gọi điện, nhắn tin cho ông Nguyễn Văn Minh đang cần bán lô đất số 21, phân khu B2-08 Khu tái định cư Hòa Ninh 2.
Sau khi nói chuyện với bà Hà, ông Minh chuyển thông tin bán lô đất trên cho ông Đỗ Đình Trung.
Ngày 25/11/2022, ông Minh hẹn bà Hà gặp ông Trung, bà Hà nói lô đất nêu trên là của bà Hà đã có phiếu bố trí đất, còn toàn bộ hồ sơ giấy tờ nằm tại Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang.
Ông Trung tin tưởng, đồng ý mua lô đất với giá 1 tỷ đồng và đặt cọc trước cho bà Hà số tiền 200 triệu đồng. Hai bên hẹn nhau đến ngày 25/2/2023 khi có sổ hồng sẽ đi công chứng, ông Trung sẽ giao số tiền 800 triệu đồng còn lại.
Tuy nhiên, cho đến nay, bà Hà không thực hiện việc chuyển nhượng lô đất nói trên cho ông Trung và cũng không hoàn trả số tiền đã nhận đặt cọc cho ông Trung.
Qua xác minh, Cơ quan điều tra xác định, lô đất nói trên đã được Ban giải tỏa mặt bằng huyện Hòa Vang bố trí cho ông Lương Văn Vinh, trú tại xã Hòa Ninh vào ngày 25/12/2023.
Tại cơ quan điều tra, Thúy Hà cũng khai nhận, bản thân Hà không có bất kỳ thửa đất nào thuộc diện giải tỏa đền bù để phục vụ bất kỳ dự án nào trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Hà chỉ tình cờ biết được số lô, thửa đất giải tỏa 21, phân khu B2-08 rồi... "nổ" là của mình nhằm mục đích lừa đảo đặt cọc rồi chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.
Hiện vụ việc Công an huyện Hòa Vang đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Dụ mua đất, cán bộ địa chính lừa đảo chiếm đoạt gần 44 tỷ đồng
Trước đó, vào ngày 24/9, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hưởng (SN 1989, cựu cán bộ địa chính UBND phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội) án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, tháng 1/2013, bà Hưởng được tuyển làm nhân viên hợp đồng có thời hạn tại bộ phận Địa chính - xây dựng UBND phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội. Bị cáo được phân công thực hiện chức năng nhiệm vụ: quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn phường Phú Lương.
Do cần tiền tiêu và trả nợ, cán bộ địa chính này đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các bị hại bằng thủ đoạn đưa ra các thông tin gian dối. Bà Hưởng nói dối về khả năng có thể mua được các lô đất ở, đất dịch vụ thuộc địa bàn quận Hà Đông với giá rẻ rồi rủ các bị hại góp vốn để mua các lô đất, sau đó bán lại ngay để kiếm lời.
Vì bị cáo là cán bộ địa chính UBND phường Phú Lương nên các bị hại đã tin tưởng đưa tiền cho bà Hưởng. Sau khi nhận tiền, bị cáo không thực hiện như cam kết mà chiếm đoạt để sử dụng chi tiêu cá nhân.
Với thủ đoạn trên, từ ngày 26/8/2018 đến 23/02/2019, bà Nguyễn Thị Hưởng đã lừa đảo chiếm đoạt của 12 bị hại tổng số tiền gần 44 tỷ đồng.
Trong số các bị hại phải kể đến ông Dương Văn C. (SN 1966). Người này có mối quan hệ họ hàng với bị cáo nhưng đã bị bà Hưởng lừa đảo chiếm đoạt gần 18 tỷ đồng.
Cụ thể, vào cuối năm 2018, bà Hưởng nói dối ông C. về khả năng mua được các thửa đất tại khu đấu giá ở khu vực Phú Lương, phường Phú Lương. Bị cáo rủ ông C. góp tiền mua đất cùng với mình, hứa hẹn sau khi bán đất sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp.
Từ tháng 11- 12/2018, ông C. đã đưa cho bà Hưởng tổng số 17,95 tỷ đồng để góp mua đất để rồi bị chiếm đoạt.
Một bị hại khác là bà Nguyễn Thanh V. (SN 1972, ở phường La Khê, quận Hà Đông). Bà này làm nghề môi giới nhà đất nên có mối quan hệ quen biết với bà Hưởng từ năm 2016.
Cuối tháng 1/2019, bà V. đưa cho bị cáo tổng số 12 tỷ đồng để mua nhiều lô đất ở quận Hà Đông, sau đó mới phát hiện mình bị lừa. Bà Hưởng đã dùng tiền chiếm đoạt được của bà V. để chi tiêu cá nhân, trả nợ rồi sau đó bỏ trốn khỏi địa phương.
Đến ngày 15/9/2023, bà Nguyễn Thị Hưởng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội bắt theo lệnh truy nã tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM. Đến nay, bị cáo chưa khắc phục, bồi thường hậu quả cho các bị hại.
9 chiêu trò lừa đảo nhà đất phổ biến nhất hiện nay
Lừa đảo mua bán nhà đất qua vi bằng
Hình thức mua bán nhà đất này xuất hiện rất nhiều trong khoảng thời gian gần đây. Bằng cách lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về hình thức lập vi bằng, những đối tượng lừa đảo bán cho họ những mảnh đất xấu, không đủ pháp lý, phân lô trái phép khi làm hợp đồng mua bán bằng giấy viết tay với những lời cam kết đất này đã có vi bằng do cơ quan thừa phát cấp. Chính điều này đã mang đến những rủi ro lớn đối và có thể người dân sẽ bị lừa trắng tay.
Về bản chất, vi bằng không phải là một loại hợp đồng hay giao dịch mà là một văn bản do cơ quan thừa phát lại lập nên, ghi nhận hành vi, sự kiện được dùng làm chứng cứ trong khi xét xử và trong các mối quan hệ pháp lý khác chứ không phải là đại diện pháp lý có quyền trong việc mua bán nhà đất.
Chiếm dụng tiền đặt cọc
Thị trường gần đây xuất hiện không ít vụ việc vẽ dự án "ma" trên giấy nhằm lôi kéo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bỏ tiền vào dự án không có thật. Điển hình như các vụ việc Địa ốc Alibaba, Công ty Hoàng Kim Land nhằm chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng.
Họ thường cho môi giới gọi điện thoại mời khách đến địa điểm xem nền đất, nhưng thực tế là đất quy hoạch dành cho công trình công cộng chưa được phê duyệt cho dự án nào. Các dự án được vẽ phân lô, cảnh quan trên giấy khá bắt mắt, có vị trí đắc địa nhưng lại được giới thiệu với giá thấp hơn hẳn giá trị trường khiến nhiều người bị mắc bẫy.
Các đối tượng này thường cho cò đất tổ chức các sự kiện xem đất tại thực địa, rồi "bày binh bố trận" cảnh người người chen nhau mua bán, ký hợp đồng và thanh toán tiền ngay trước mặt người đi xem đất nhằm tạo độ "hot" cho dự án.
Một tài sản nhà đất nhưng bán nhiều người
Một ngôi nhà bán cho rất nhiều người có lẽ chính là một hình thức lừa đảo phổ biến. Cách thức trên khá đơn giản nhưng nếu người dân không chú ý sẽ rất dễ dàng bị rơi vào bẫy lừa đảo này. Đầu tiên, để có thể tạo được sự thu hút và niềm tin của bạn, những đối tượng này sẽ đăng tin rao bán nhà đất với mức giá thấp hơn nhiều so với thị trường, có đầy đủ giấy tờ xác thực, hình ảnh, sổ,... cùng với lời mời gọi hấp dẫn.
Sau khi tiếp cận được khách, kẻ lừa đảo sẽ đưa ra rất nhiều lý do cụ thể để dụ dỗ bạn đặt cọc tiền hoặc chồng tiền một phần mà chỉ viết cam kết bằng giấy viết tay. Cũng với hình thức đó, những kẻ lừa đảo lại tiếp tục lấy tiền của rất nhiều người khác một số tiền rất lớn và cao chạy xa bay.
Mua bán nhà đất bằng sổ giả, giấy tờ giả
Thông thường, việc mua bán bằng sổ giả hoặc giấy tờ giả sẽ nhằm vào cả 2 loại đối tượng là người mua và bán. Đối với người bán, những kẻ lừa đảo sẽ đóng vai trò là một người mua nhà và cần xem sổ, lấy thêm thông tin sổ để xác thực. Lúc này, kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng các thông tin đó để có thể làm một cuốn sổ và hồ sơ giả. Những lần gặp tiếp theo, đối tượng này không để ý đến và tráo đổi giữa sổ giả và sổ thật.
Đối với người mua, kẻ lừa đảo có thể chính là chủ đất hoặc chỉ là người ủy quyền. Họ sẽ làm nhiều bộ hồ sơ, giấy tờ giả để bán nhà đất này cho nhiều người khác nhau cùng lúc.
Đóng vai người mua bán nhà đất để đẩy giá lên cao
Khi người dân đang có ý định mua một mảnh đất hoặc căn nhà nhưng lưỡng lự vì mức quá cao thì đột nhiên có một người tự xưng là đại gia đến để hỏi mua chính mảnh đất đó với mức giá cao hơn nhiều. Và để tạo độ tin tưởng, đối tượng này còn cọc cho người này một số tiền lớn.
Vậy là họ lại sốt sắng chồng tiền ngay để mua mảnh đất, căn nhà đó mà không hề suy nghĩ nhiều với hy vọng có thể bán lại cho vị đại gia kia để kiếm lời. Và cuối cùng người dân bị rơi vào cái bẫy do vị đại gia cùng người bán tạo ra. Họ phải mua một mảnh đất cao giá hơn nhiều so với thị trường và thậm chí là còn bị vướng về pháp lý.
Lừa mua nhà đất đang bị kê biên
Đây là một trường hợp trớ trêu khi người dân mua một căn nhà của người đang phải thi hành án. Giữa lúc tòa tuyên án đến khi thi hành án, những người này sẽ tìm cách bán nhanh nhà với mức giá hấp dẫn để nhanh chóng lấy tiền mặt. Sau đó, họ sẽ tẩu tán khoản tiền này thay vì để thi hành án theo yêu cầu của tòa án.
Lừa đảo mua đất trồng cây, đất lúa sẽ lên được thổ cư
Nhiều trường hợp người dân tìm đất để xây nhà an cư nhưng bị người bán hướng dẫn mua phải đất trồng cây, đất lúa giá cao, với cam kết rằng sẽ công chứng sang tên, chuyển đổi lên thổ cư trong vòng 3 tháng kể từ khi ký hợp đồng mua bán.
Tuy nhiên sau hơn nửa năm thanh toán 98% giá trị lô đất nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng sổ thổ cư đâu, còn đất thì không được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư thì trốn mất khiến người mua ôm mãi miếng đất đó trong khi phải thuê trọ hàng tháng.
Lừa đảo bán nhà ở trong dự án chưa có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng
Theo quy định tại khoản 1, điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản: Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.
Tại khoản 2 điều 56 luật này có quy định thêm: "Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua, bên thuê mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua".
Tuy nhiên, nhiều khách hàng đi mua căn hộ chung cư, tài sản hình thành trong tương lai lại bỏ qua giấy tờ này, không biết lợi ích mang lại.
Theo Khoản 4, Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản: Khách hàng mua dự án được ngân hàng thương mại đủ năng lực bảo lãnh, khi chủ đầu tư mất năng lực tài chính hay chậm bàn giao nhà so với hợp đồng, ngân hàng bảo lãnh sẽ đứng ra hoàn trả số tiền khách hàng (nếu họ bắt buộc) đã đóng và các khoản tiền khác theo hợp đồng.
Mạo danh chủ đầu tư uy tín lừa bán đất
Đây là chiêu trò không hiếm trên thị trường, đã có hàng loạt chủ đầu tư lớn có uy tín phải lên tiếng về tình trạng bị mạo danh thương hiệu, tố cáo nhiều cá nhân, tổ chức lập website mạo danh công ty để thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng.
Họ sử dụng trái phép hình ảnh, tài liệu sai lệch về dự án và ghi số điện thoại giả mạo. Thậm chí còn đăng thông tin thay mặt chủ dự án nhận tiền cọc, tiền giữ chỗ và đưa ra giá bán thấp hơn nhiều so với giá chủ đầu tư dự kiến bán để giăng bẫy những người cả tin.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Công an tỉnh Hưng Yên vừa triệt phá thành công đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức mua bán số lô, số đề với số tiền giao dịch lên tới hơn 300 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc sẽ bị pháp luật xử lý ra sao?
(PLPT) - Một nhóm đối tượng ở Hà Nội đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi để môi giới hiến, ghép thận trái phép qua mạng xã hội, thu lợi hàng trăm triệu đồng.
(PLPT) - Hành vi chửi bới, lăng mạ người khác có được xem là vi phạm pháp luật không? Theo quy định pháp luật Việt Nam, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hay hình sự? Các mức phạt cụ thể cho hành vi chửi bới, lăng mạ là gì?
(PLPT) - Nam thanh niên ở Đà Nẵng sử dụng dữ liệu hình ảnh, video clip "nóng" từ camera bị hack của nhiều gia đình, sau đó lập tài khoản ảo đe dọa nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để giữ bí mật, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
(PLPT) - Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vừa triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.