Cục Cảnh sát giao thông lý giải về việc bỏ quy định người dân được giám sát qua ghi âm, ghi hình
Khánh Huyền
Thứ năm, 10/10/2024 - 06:13
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Cục Cảnh sát giao thông cho rằng bỏ hình thức giám sát qua ghi âm, ghi hình do một số người dân thực hiện việc này chưa khách quan và còn lợi dụng đăng lên mạng xã hội gây khó khăn trong công vụ.
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 46/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình đưa lên mạng xã hội
Thông tư 46/2024 quy định nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
So với Thông tư số 67/2019, Thông tư số 46/2024 đã không quy định hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.
Trả lời về lý do không quy định hình thức giám sát này, theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), thời gian qua, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định.
"Thực tiễn quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT, nhiều người dân đã yêu cầu lực lượng CSGT xuất trình kế hoạch tuần tra, kiểm soát và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông.
Những hình ảnh đăng tải được gỡ bỏ và xử lý người vi phạm nhưng vẫn gây ra những ảnh hưởng, tác động xấu đến người xem, ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, chiến sỹ CSGT", đại diện Cục CSGT nêu rõ.
Bên cạnh đó, việc không quy định hình thức giám sát của nhân dân thông qua ghi âm, ghi hình phù hợp với quy định của Nghị định số 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bộ Công an sẽ đưa nội dung quy định Công an các đơn vị, địa phương sẽ bố trí khu vực làm việc, tổ chức ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của lực lượng CSGT vào thông tư quy định nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSGT đường bộ để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cũng theo đại diện Cục CSGT, trường hợp người dân vẫn sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của CSGT thì phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và không gây ảnh hưởng quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT.
Kế hoạch của Cảnh sát giao thông là tài liệu mật
Thông tư số 46/2024/TT-BCA cũng đã bãi bỏ điểm d khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư số 67/2019/TT-BCA liên quan đến các nội dung công khai của CAND trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Thông tư số 46/2024 cũng đã bãi bỏ việc công khai nội dung kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên (gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính).
Đồng thời bãi bỏ công khai trang phục, số hiệu công an nhân dân của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe trong công tác đăng ký, cấp biển số xe.
Bãi bỏ công khai trang phục, số hiệu công an nhân dân và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông.
Theo Cục CSGT, hoạt động của lực lượng CSGT ngoài việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn trực tiếp, hoặc phối hợp với lực lượng nghiệp vụ thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông.
"Vì vậy, kế hoạch công tác là tài liệu mật hoặc nội bộ trong lực lượng", đại diện Cục CSGT khẳng định.
Tại thông tư số 32/2023 ngày 1/8/2023 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông cũng đã bãi bỏ nội dung thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
Đồng thời thông tư số 36/2023 ngày 2/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của cảnh sát đường thủy cũng quy định: "Nội dung kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy được quản lý theo chế độ tài liệu mật".
Cục CSGT cho biết, trong thực tiễn, quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT, nhiều người dân đã yêu cầu lực lượng CSGT xuất trình kế hoạch tuần tra, kiểm soát và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông.
Thông tư mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11.
Thông tư số 46/2024 cũng sửa đổi, bổ sung nội dung "Dây căng là dây có nền màu đỏ, viền màu vàng, chiều rộng từ 5cm đến 10cm; trên dây có in dòng chữ "Hàng rào cảnh sát, cấm vượt qua - Police line, do not cross" màu vàng có phản quang.
Theo Cục CSGT, dòng chữ trên dây căng quy định tại Thông tư số 67/2019 là "Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông". Qua thực tiễn và nghiên cứu cho thấy dòng chữ in trên dây không phù hợp vì mục đích của dây căng dùng để giới hạn khu vực cho lực lượng thực thi công vụ làm nhiệm vụ, không phải giới hạn khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Việc sửa đổi thành "Hàng rào cảnh sát, cấm vượt qua - Police line, do not cross" để chính xác và phù hợp với tình hình thực tiễn.
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?
(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?