Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc
Thứ ba, 01/10/2024 - 07:59
Nghe audio
0:00
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/9/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc.
Đây là lần thứ 2 Kỳ họp được tổ chức dưới sự chủ trì của hai Bộ trưởng kể từ sau Kỳ họp lần thứ 12 tại Hà Nội vào tháng 11 năm 2023. Tham dự kỳ họp, về phía Việt Nam gồm có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Đại sứ Phạm Sao Mai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam và đại diện Lãnh đạo nhiều đơn vị của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành như:Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Về phía Trung Quốc tham dự Kỳ họp gồm Bộ trưởng Vương Văn Đào, Thứ trưởng Lý Phi, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Thương mại Trung Quốc như: Vụ Châu Á, Vụ Thương mại điện tử, Vụ Quản lý đầu tư nước ngoài, Vụ Ngoại vụ…
Phát biểu tại Kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Kỳ họp lần này được tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức kịp thời nhằm quán triệt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào trung tuần tháng 8 vừa qua. Việc hai bên thường xuyên phát huy có hiệu quả vai trò của các cơ chế hợp tác song phương, thường xuyên trao đổi các đoàn công tác đã góp phần tăng tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai Bộ và thúc đẩy kinh tế thương mại, hợp tác đầu tư hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh một số nội dung trọng điểm nhằm tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại hai nước như: (i) Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, đảm bảo thông quan thông suốt tại các cửa khẩu; phối hợp phân luồng thông quan hiệu quả tại các cửa khẩu biên giới; (ii) Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới, không ngừng nâng cấp, cải thiện hạ tầng cửa khẩu biên giới; (iii) Thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam; (iv) Thúc đẩy khai thác các tuyến công-ten-nơ đường sắt; (v) Cùng nghiên cứu mô hình mới để triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới; (vi) Thúc đẩy việc thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.
Phản hồi ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Vương Văn Đào chia sẻ trong suốt những năm qua hai Bộ trưởng đã nỗ lực thúc đẩy và có các biện pháp sáng tạo tháo gỡ khó khăn về thông quan trong giai đoạn Covid 19; đồng thời, thống nhất cao với các nhận định, đánh giá cũng như các nội dung được Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu ra; khẳng định rất coi trọng và sẵn sàng phối hợp triển khai các biện pháp nhằm duy trì và bảo đảm hoạt động thông quan, thông suốt tại các cửa khẩu.
Về việc nghiên cứu mô hình mới để triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết phía Trung Quốc sẵn sàng cùng phía Việt Nam nghiên cứu mô hình mới, hai bên có thể thành lập Nhóm công tác về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới để thúc đẩy triển khai hợp tác.
Bộ trưởng Đào bày tỏ tiếp tục ủng hộ việc thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại (XTTM) Việt Nam tại Trung Quốc, đề nghị 2 bên cùng trao đổi, thúc đẩy Bộ Ngoại giao (cơ quan chủ trì) đẩy nhanh các thủ tục liên quan để có thể thành lập Văn phòng XTTM Việt Nam tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, tạo thành quả cho chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao thời gian tới; đề nghị phía Việt Nam tăng cường trao đổi, đạt được thống nhất với các địa phương dự kiến thành lập Văn phòng XTTM trong tương lai như Giang Tô, Tứ Xuyên.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng đưa ra một số nội dung nhằm mở rộng và tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại song phương như: (i) Tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng (hợp tác kinh tế số, phát triển xanh, hợp tác khu công nghiệp, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, chính sách hỗ trợ tiêu thụ xe điện; (ii) Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại (thương mại điện tử xuyên biên giới, hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, phòng vệ thương mại…) và (iii) Tăng cường hợp tác đa phương, khu vực.
Phản hồi về các đề xuất của phía Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ hoan nghênh và ủng hộ đối với những sáng kiến của Bộ Thương mại Trung Quốc. Hợp tác kinh tế số, phát triển xanh là xu hướng chung và là một trong những động lực của phát triển trong tương lai. Về hợp tác khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng, là phương thức không thể thiếu, được ví như tuyến “huyết mạch” của kinh tế thế giới, giúp kết nối các nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối và người tiêu dùng với nhau, giúp tạo ra dòng chảy hàng hóa và dịch vụ hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Bộ Công Thương ủng hộ các doanh nghiệp hai bên tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn, cùng ứng phó với tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu.
Về hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử qua biên giới, đề nghị Bộ Thương mại nghiên cứu xem xét ủng hộ, tạo thuận lợi và dành ưu đãi để doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường hiện diện, thuê kho bãi và xuất khẩu thông qua các Khu thí điểm thương mại điện tử tổng hợp xuyên biên giới, Khu thí điểm thương mại tự do của Trung Quốc.
Trong lĩnh vực thương mại nông sản, hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam bao gồm bơ, bưởi, na, roi, thảo quả, đồng thời sớm hoàn tất việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với một số trái cây đã được xuất khẩu theo diện truyền thống.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên “đề nghị Bộ Thương mại Trung Quốc thúc đẩy Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc xem xét bỏ mặt hàng tôm hùm bông khỏi danh mục quy định cấm săn bắt, vận chuyển, buôn bán tại Trung Quốc” - Bộ trưởng Vương Văn Đào đánh giá cao chất lượng tôm hùm bông Việt Nam, cho biết sẽ thúc đẩy các cơ quan liên quan của Trung Quốc xem xét tích cực việc này.
Nhân dịp này, hai bên cũng trao đổi một số nội dung về tình hình hợp tác, đàm phán gia nhập, nâng cấp và thực thi các cam kết trong khuôn khổ đa phương như ACFTA, RCEP,…
Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã diễn ra trên tinh thần hữu nghị, chân thành và cởi mở. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn các vấn đề mà mỗi bên quan tâm và đã đạt được nhiều đồng thuận quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong thời kỳ mới và đã thống nhất kế hoạch tổ chức kỳ họp lần thứ 14 tại Việt Nam. Những kết quả của kỳ họp cũng sẽ được hai bên báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai nước và đóng góp kết quả cho các hoạt động đối ngoại quan trọng sắp tới của lãnh đạo cấp cao hai nước.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.