Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Cảnh giác trang mạng giả mạo khách sạn để lừa đảo tiền đặt phòng

Yến Nhi Thứ hai, 30/09/2024 - 21:32
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát đi cảnh báo về việc xuất hiện các hình thức lừa đảo đặt phòng khách sạn du lịch.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Cục An toàn thông tin)

Nhiều khách du lịch bị lừa đảo tiền đặt phòng ở Nha Trang

Ngày 30/9, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa - cho biết đã thông tin đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình trạng giả mạo trang mạng cho mục đích lừa đảo, xảy ra nhiều ở các resort, khách sạn phân khúc 4-5 sao.

Qua phản ánh của du khách, hiện có một số đối tượng giả mạo tư vấn về phòng khách sạn và các dịch vụ khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Thủ đoạn lừa đảo của đối tượng là thường xuyên đăng bài trên các hội nhóm mạng xã hội, tư vấn, hỗ trợ đặt phòng. Sau đó, người này đốc thúc khách hàng chuyển tiền đặt cọc phòng, rồi đưa ra một số lý do để yêu cầu khách chuyển khoản thêm, khi đạt được mục đích thì chặn cuộc gọi, tin nhắn.

"Khách hàng nhiều lần liên hệ cho các đối tượng này yêu cầu giải quyết, tuy nhiên các đối tượng này không nghe máy, chặn liên lạc" - bà Thanh nói.

Đây là những thủ đoạn và hành vi có tính hệ thống, diễn ra rất nhiều lần với nhiều cá nhân khác nhau, lợi dụng niềm tin với mục đích chiếm đoạt tài sản. Du khách khi phát hiện các hành vi tương tự cần kịp thời báo cáo, thông tin đến các cơ quan liên quan để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Là một trong nhiều khách sạn ở Nha Trang bị kẻ xấu lập trang mạng giả mạo, đại diện khách sạn Havana Nha Trang nhìn nhận các bài viết, hình ảnh và nội dung của trang mạng giả mạo khách sạn "được sao chép hết sức tinh vi", khó phát hiện sự khác biệt, thậm chí kẻ xấu còn chạy quảng cáo để thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Theo vị này, trang giả mạo thường sao chép bài đăng của khách sạn và thay đổi số điện thoại ở cuối bài, yêu cầu khách đặt cọc 50% giá trị thuê phòng để tạo sự uy tín.

"Chúng tôi đã phát đi cảnh báo đến khách hàng trên trang web chính thức, báo cáo cơ quan chức năng để có phương án xử lý", đại diện khách sạn thông tin.

Ông Võ Quang Hoàng - Chủ tịch Chi hội khách sạn Khánh Hòa (thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) - bày tỏ tình trạng trang mạng giả mạo nêu trên ảnh hưởng rất xấu tới môi trường, hình ảnh du lịch, tình hình kinh doanh của các khách sạn tại địa phương.

Chi hội khách sạn Khánh Hòa cũng như Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã có kiến nghị tới cơ quan chức năng can thiệp, hỗ trợ; đồng thời yêu cầu các đơn vị tăng cường trách nhiệm, công khai số điện thoại, địa chỉ, tài khoản ngân hàng... và kịp thời có những khuyến cáo, cảnh báo tới khách hàng.

Ông Hoàng cũng khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn dịch vụ; nên lựa chọn công ty du lịch lữ hành được cơ quan chức năng công nhận; ưu tiên đặt phòng trực tuyến qua các ứng dụng uy tín; cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với giá chung của thị trường.

Đồng thời, người dân cùng chia sẻ rộng rãi thông tin đến người thân, bạn bè có nhu cầu đi du lịch để nâng cao tinh thần cảnh giác cho nhiều người trước thủ đoạn lừa tiền cọc, phòng tránh mất tài sản.

Trước đó, vào tháng 8/2024, một du khách ở Hà Nội bị tài khoản mạng xã hội tên "Thảo Cherry" lừa đảo tiền đặt phòng khách sạn ở Nha Trang tổng cộng hơn 13 triệu đồng. Tài khoản mạng xã hội này cũng chiếm đoạt số tiền gần 48 triệu đồng của một du khách ở Đồng Nai.

Theo phân tích của chuyên gia, trong hình thức lừa đảo trên, các đối tượng thường tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo, tự xưng là nhân viên của một khách sạn uy tín, liên hệ với nạn nhân qua điện thoại hoặc thư điện tử (email).

Kẻ lừa đảo thường yêu cầu nạn nhân xác nhận thông tin đặt phòng hoặc thông báo về các gói khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá lớn, phòng miễn phí hoặc nâng cấp hạng phòng miễn phí.

Đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản đặt cọc để giữ chỗ, giữ khuyến mại. Để lừa được nhiều nạn nhân, kẻ lừa đảo tạo ra các website hoặc trang mạng xã hội giả mạo có giao diện giống hệt với các khách sạn nổi tiếng.

Những trang này thường cung cấp các ưu đãi quá hấp dẫn như phòng nghỉ giá rẻ, thẻ giảm giá (voucher), khuyến mại... Khi nạn nhân xác định đặt phòng hoặc mua voucher, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định và chiếm đoạt số tiền này.

Trước tình huống lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại các khu vực du lịch cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo. Khách sạn uy tín thường không yêu cầu thanh toán toàn bộ hoặc thông tin thẻ tín dụng qua các kênh không chính thức như email hoặc điện thoại mà không có xác minh.

Khi nhận được đường dẫn (link) từ người lạ, mọi người cần kiểm tra kỹ đường link và so sánh với trang thông tin chính thức của các khách sạn (website).

Để không bị lừa đảo, mọi người chỉ đặt phòng thông qua các kênh uy tín hoặc từ trang website chính thức của khách sạn; thực hiện xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng; không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai.

Đồng thời, mọi người nên thiết lập xác thực hai lớp cho các tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên.

Cảnh báo những hình thức lừa đảo trực tuyến

Lừa đảo tuyển dụng ngành hàng không

Theo Cục An toàn thông tin, nhân viên quầy thông tin sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, hàng ngày, chị và các đồng nghiệp nhận được nhiều cuộc gọi, email hỏi về các nội dung tuyển dụng của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, của sân bay... đăng trên các nền tảng website và mạng xã hội Facebook.

Thủ đoạn của các đối tượng đó là tạo lập trang mạng xã hội, mạo danh thông tin tuyển dụng, sử dụng tên, logo, địa chỉ website, hình ảnh của doanh nghiệp/tổ chức tạo lập Fanpage giả mạo, sao chép lại các bài viết, hình ảnh đã được đăng tải công khai trên website chính thống hoặc các báo điện tử nhằm tạo sự quen mắt, khiến nhiều người bỏ qua việc kiểm chứng, xác thực thông tin, làm theo lời dẫn dụ của các đối tượng lừa đảo và có thể trở thành nạn nhân của chiêu trò "lừa đảo tuyển dụng".

Thủ đoạn nhờ shipper mua hàng hộ rồi chiếm đoạt tài sản

Theo thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) vừa tiếp nhận thông tin về một vụ lừa đảo tinh vi.

Nạn nhân là anh T.T.L., trú tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, làm nghề shipper. Anh T.T.L. khai báo, trước đó, anh nhận được yêu cầu từ một khách hàng lạ mặt nhờ mua giúp một thùng rượu vang tại một cửa hàng trên địa bàn phường Bãi Cháy.

Khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về loại rượu và hứa sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền, kèm theo một khoản hoa hồng 200.000 đồng sau khi công việc hoàn thành. Tin tưởng vào lời hứa, anh T.T.L. đã đến cửa hàng và mua thùng rượu với giá 5 triệu đồng. Sau đó, anh mang thùng rượu đến địa điểm giao hàng theo chỉ dẫn, nhưng khi đến nơi, anh không thể liên lạc được với khách hàng.

Đối tượng lừa đảo hình thức trên thường tạo ra đơn hàng giả và yêu cầu shipper giao hàng đến địa chỉ không có thật hoặc không tồn tại. Bên cạnh đó, đối tượng thường xuyên yêu cầu shipper phải thanh toán một khoản tiền trước khi nhận đơn hàng hoặc yêu cầu thanh toán tiền mặt từ khách hàng khi không có lý do rõ ràng.

Để tạo lòng tin, đối tượng còn cung cấp thông tin cá nhân giả mạo, đưa ra lời hứa sẽ thanh toán thêm tiền hoa hồng với nhân viên giao hàng. Sau khi nạn nhân đồng ý và thực hiện theo yêu cầu, nạn nhân giao đến địa chỉ được đối tượng cung cấp nhưng lại bị chặn liên lạc và chiếm đoạt tài sản.

Cùng chuyên mục

Quy định pháp luật về việc góp vốn sau khi thành lập công ty cổ phần

Quy định pháp luật về việc góp vốn sau khi thành lập công ty cổ phần

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  17 giờ trước

(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.

Từ vụ 8 người trong gia đình dùng bom xăng tấn công lực lượng chức năng: Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Từ vụ 8 người trong gia đình dùng bom xăng tấn công lực lượng chức năng: Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  19 giờ trước

(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  19 giờ trước

(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Người đàn ông bị khởi tố vì đăng tải thông tin xuyên tạc: Quy định của pháp luật về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội

Người đàn ông bị khởi tố vì đăng tải thông tin xuyên tạc: Quy định của pháp luật về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?

Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc bán trên Tiktok Shop: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử lý ra sao?

Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc bán trên Tiktok Shop: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử lý ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?

Giả mạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá: Buôn lậu thuốc lá bị xử lý như thế nào?

Giả mạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá: Buôn lậu thuốc lá bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?

Triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh 2.000 tỷ đồng: Quy định của pháp luật với hành vi đánh bạc qua không gian mạng

Triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh 2.000 tỷ đồng: Quy định của pháp luật với hành vi đánh bạc qua không gian mạng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Giả danh cán bộ lừa đảo 'chạy án' bằng tiền điện tử USDT: Hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý như thế nào?

Giả danh cán bộ lừa đảo 'chạy án' bằng tiền điện tử USDT: Hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?

Đọc nhiều