'Nổ' quen biết cơ quan chức năng, lừa đảo hơn 6,7 tỷ đồng thông qua thủ tục đất đai
Yến Nhi
Thứ sáu, 27/12/2024 - 08:02
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Tự nhận quen biết cơ quan chức năng và có khả năng làm các thủ tục liên quan đến đất đai, người đàn ông ở Thừa Thiên Huế đã lừa đảo chiếm đoạt 6,75 tỷ đồng từ 12 nạn nhân để trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Chiếm đoạt 6,75 tỷ đồng của 12 nạn nhân thông qua thủ tục về đất
Ngày 26/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ra quyết định tạm giữ hình sự Võ Nguyễn Hoàng Nguyên (SN 1990, trú 22/13 Phan Kế Bính, phường Thủy Xuân, TP Huế) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".[1]
Theo thông tin ban đầu, Nguyên đưa ra thông tin gian dối với nhiều người rằng, bản thân có mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên có khả năng giải quyết các thủ tục hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi những thông tin trên GCNQSDĐ, tách thửa và cấp GCNQSDĐ mới...
Đồng thời, Nguyên còn "nổ" rằng đang đầu tư, mua bán các thửa đất có lợi nhuận cao, khiến các bị hại tin tưởng đưa tiền và hồ sơ liên quan đến các thửa đất để nhờ Nguyên làm giúp.
Tuy nhiên, sau khi các bị hại đưa tiền thì Nguyên đã chiếm đoạt để trả nợ, tiêu xài cá nhân và lấy toàn bộ GCNQSDĐ của các bị hại đi cầm cố, gán nợ. Quá trình điều tra bước đầu, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh xác định, Võ Nguyễn Hoàng Nguyên đã chiếm đoạt tài sản của 12 nạn nhân với số tiền 6,75 tỷ đồng.
Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Lên mạng đặt làm giả sổ đỏ rồi đem đi cầm 400 triệu đồng
Vào hồi giữa tháng 10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng Đoàn Văn Tuyên (sinh năm 1996, thường trú xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) để điều tra về hành vi 'Làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức' và 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.[2]
Theo kết quả điều tra, Tuyên đứng tên quyền sử dụng đất 1 thửa đất tại TP Phú Quốc. Tháng 4/2023, Tuyên ký công chứng ủy quyền toàn quyền sử dụng thửa đất trên cho ông N.A.T. (thường trú ở Hà Nội), để ông này cho vay 2 tỷ đồng (sổ đỏ ông T. giữ). Sau đó, Tuyên mất khả năng thanh toán tiền cho ông T..
Đến tháng 8/2023, do nợ tiền nhiều người, Tuyên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách lên mạng đặt làm giả sổ đỏ thửa đất trên với số tiền 20 triệu đồng.
Làm sổ đỏ giả xong, ngày 8/9/2023, Tuyên liên hệ với ông T.H.Q. (ngụ ấp Gành Gió, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc) để cầm cố thửa đất trên cùng giấy CNQSDĐ giả, với số tiền là 400 triệu đồng.
Do trước đây biết Tuyên đứng tên sổ đỏ thửa đất trên, nên ông Q. đồng ý cầm cố, giữ sổ đỏ (giả) và không nghi ngờ. Nhận được tiền của ông Q., Tuyên lấy trả nợ, tiêu xài hết và bỏ trốn.
'Cò' đất lừa đảo chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng
Trước đó, vào ngày 12/12, TAND TP. Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Thu (SN 1983, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".[3]
Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2021 Nguyễn Văn Thu đã có hành vi gian dối thực hiện 3 vụ, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Cụ thể, khoảng tháng 1/2021, Nguyễn Văn Thu giới thiệu cho chị Lê Thị Kim Huệ (SN 1982, trú quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) mua hai lô đất số 545a, 545b tại khối phố Hà Tây, phường Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam của anh Nguyễn Hữu Quang với giá 540 triệu đồng.
Hai lô đất trên đang thuộc loại đất trồng cây và Thu cam kết sẽ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở. Chị Huệ đồng ý và đã mua 2 lô đất trên.
Ngày 26/01/2021, tại nhà của chị Huệ, Thu cùng với chị Huệ lập văn bản thỏa thuận về việc Thu sẽ giúp chị Huệ làm thủ tục chuyển đổi mục đích đất với giá 1,533 tỷ đồng và chị Huệ đã đưa trước cho Thu số tiền 765.500.000 đồng.
Trong thời gian này, chị Huệ có đưa thêm cho Thu 30 triệu đồng để nhờ Thu san lấp mặt bằng và cho Thu mượn 30 triệu đồng giải quyết việc cá nhân. Sau khi nhận tiền từ chị Huệ, Thu không thực hiện các công việc như đã cam kết với Huệ mà sử dụng tiền vào việc cá nhân.
Vụ thứ hai, khoảng tháng 3/2021, Thu trao đổi với chị Huệ về việc góp tiền đầu tư đất đối với 9 lô đất thuộc thửa đất 591, tờ bản đồ số 14, diện tích hơn 2.800 m2, thuộc diện tích đất màu tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Thu nói với chị Huệ đã mua dược 2.000 m2 đất, đang cần tiền mua thêm đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở.
Việc góp tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ được chia đều làm 5 phần, mỗi phần góp 2,680 tỷ đồng, chị Huệ sẽ góp 2 phần. Chị Huệ đồng ý góp 2 phần và đã đưa trước cho Thu số tiền 2,7 tỷ đồng theo như Thu yêu cầu. Việc thỏa thuận được lập thành văn bản Hợp đồng góp vốn và Thu ký xác nhận.
Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2021, Thu nhận tiền của chị Huệ nhiều lần bằng hình thức tiền mặt, chuyển khoản với tổng số tiền đã nhận là 3.465.500.000 đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Thu sử dụng tiêu xài cá nhân.
Vụ thứ 3, quá trình điều tra xác định tại thửa đất 591, tờ bản đồ số 14, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng thể hiện, vào khoảng thời gian tháng 1/2021, ông Võ Ngọc Chiến (SN 1966, trú tỉnh Quảng Nam) cùng với Võ Thị Trường (em gái ông Chiến), Võ Ngọc Kháng (anh trai ông Chiến) góp tiền mua 8 lô đất thuộc thửa đất 591, tờ bản đồ số 14, phường Hòa Quý, diện tích đất mua được là khoảng hơn 2000 m2.
Ngày 5/2/2021, ông Chiến đại diện cho Trường, Kháng lập văn bản thỏa thuận với Thu về việc nhờ Thu làm giúp thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với thử đất 591, tờ bản đồ 14 thành đất ở với giá 7,8 tỷ đồng. Ông Chiến đã đưa tiền cho Thu tổng số tiền là 2,448 tỷ đồng theo như Thu yêu cầu (việc đưa tiền được chia thành nhiều đợt).
Sau đó Thu có nói ông Chiến về việc cho Thu góp tiền 2 phần trong thửa đất 591, ông Chiến đồng ý và Thu đã đưa lại cho ông Chiến số tiền 590 triệu đồng. Thu đã dùng thủ đoạn này để gian dối bán 2 phần góp vốn của Thu trong thửa đất 591 cho chị Huệ. Nguồn gốc số tiền 590 triệu đồng, Thu đưa lại cho ông Chiến để xin góp đất là tiền của ông Chiến đã đưa cho Thu trước đó để làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hiện tại 8 lô đất thuộc thửa 591, tờ bản đồ số 14, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng có diện tích 2247 m2, loại đất màu vẫn do ông Võ Ngọc Chiến quản lý và sử dụng.
Trong vụ án này, Thu chiếm đoạt bà Lê Thị Kim Huệ tổng số tiền là 3.525.500.000 đồng, chiếm đoạt của ông Võ Ngọc Chiến số tiền 2.448.000.000 đồng. Tổng số tiền Thu chiếm đoạt của các bị hại là 5.993.500.000 đồng.
Tại tòa, các bị hại yêu cầu Thu bồi thường toàn bộ số tiền Thu đã chiếm đoạt. Thu khai, bản thân vốn làm nghề xây dựng, đầu tư buôn bán và làm "cò" đất. Số tiền chiếm đoạt của các bị hại, Thu mang đi mua nhà, số dùng để trả nợ, còn lại tiêu xài cá nhân hết. Hiện nay, Thu không còn khả năng chi trả.
HĐXX TAND TP. Đà Nẵng đã tuyên phạt Nguyễn Văn Thu mức án 17 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", buộc bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
Hành vi làm giả sổ đỏ bị xử lý như thế nào?
Mức xử phạt vi phạm hành chính hành vi làm giả sổ đỏ
Căn cứ theo Khoản 3 và khoản 5 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định liên quan đến giấy tờ và chứng từ trong việc sử dụng đất, cụ thể như sau:
- Xử phạt tiền: Đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong việc thực hiện các thủ tục hành chính hoặc các công việc liên quan đến đất đai mà chưa đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền được quy định từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này: Buộc phải nộp lại Giấy chứng nhận đã cấp và thực hiện lại thủ tục hành chính về đất đai theo quy định. Đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này: Hủy bỏ kết quả của các thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện theo quy định.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về áp dụng mức phạt tiền, quy định cụ thể như sau:
- Đối tượng áp dụng mức phạt tiền: Mức phạt tiền quy định trong Chương II của Nghị định này áp dụng cho các cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm, mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền áp dụng cho cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm hành chính.
- Các quy định cụ thể: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định này áp dụng cho các tổ chức.
Như vậy, đối với hành vi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả mà chưa đủ điều kiện để bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và giấy chứng nhận giả sẽ bị hủy bỏ.
Đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự, mức phạt tiền sẽ gấp đôi so với mức phạt áp dụng cho cá nhân.[4]
Làm giả sổ đỏ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a; điểm c khoản 3 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
"Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
…"[5]
Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015quy định Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:
"Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
…"[6]
Theo quy định trên, người nào có hành vi làm sổ đỏ giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự các tội sau:
Trường hợp 1: Làm sổ đỏ giả nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Người nào có hành vi làm giả sổ đỏ nhằm mục đích gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc một trong các tội sau nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:
- Tội cướp tài sản (Quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015)
- Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015)
- Tội cưỡng đoạt tài sản (Quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015)
- Tội cướp giật tài sản (Quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015)
- Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Quy định tại Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015)
- Tội trộm cắp tài sản (Quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015)
- Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015)
- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015)
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp 2: Làm sổ đỏ giả nhằm mục đích làm giả giấy tờ
Người nào làm sổ đỏ giả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Người phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể như sau:
Khung 1:Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Khung 2: Phạt tù từ 02-07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Phạm tội có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Khung 3: Phạt tù từ 07-15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung 4: Phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
[1] Hải Lan, Lừa giúp làm thủ tục cấp sổ đỏ, chiếm đoạt hơn 6,7 tỷ đồng, Công an nhân dân, (09h52 ngày 26/12/2024), https://cand.com.vn/Ban-tin-113/lua-giup-lam-thu-tuc-cap-so-do-chiem-doat-hon-6-7-ty-dong-i754576/
[2] Trần Lĩnh, Làm giả giấy đất ở Phú Quốc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an nhân dân, (08h34 ngày 18/10/2024), https://cand.com.vn/ban-tin-113/lam-gia-giay-dat-o-phu-quoc-de-lua-dao-chiem-doat-tai-san-i747526/
[3] Thanh Hoa, "Cò đất" lừa chiếm đoạt gần 6 tỷ bằng thủ đoạn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Công an thành phố Đà Nẵng, (07h49 ngày 17/12/2024), https://cadn.com.vn/co-dat-lua-chiem-doat-gan-6-ty-bang-thu-doan-chuyen-doi-muc-dich-su-dung-dat-post306049.html
[4] Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
[5] Điều 174 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
[6] Điều 341 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh áo quần trên địa bàn, phát hiện và tạm giữ 2.250 sản phẩm là áo quần nhập lậu, có trị giá gần 170 triệu đồng. Kinh doanh hàng hóa nhập lậu bị xử phạt như thế nào?
(PLPT) - Mặc dù không có chuyên môn về y dược, hai vợ chồng ở TP.HCM thành lập hai công ty làm bình phong để che giấu hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc đông y kết hợp tân dược các loại.
(PLPT) - Tin tưởng lời mời chào làm cộng tác viên online tại nhà của các đối tượng, người đàn ông ở Quảng Ninh bị lừa 1,7 tỷ đồng vì mắc bẫy chiêu trò 'việc nhẹ lương cao'.
(PLPT) - Nhóm đối tượng ở Đà Nẵng lập 35 công ty "ma" để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép với tổng giá trị hóa đơn lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 50 tỷ đồng.
(PLPT) - Hành vi quay lén clip nhạy cảm có vi phạm pháp luật không? Quay lén clip nhạy cảm có thể bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự? Pháp luật quy định như thế nào về hành vi quay lén clip nhạy cảm?
(PLPT) - Hành vi ngăn cản vợ về nhà mẹ đẻ có được coi là vi phạm pháp luật không? Ngăn cản vợ về nhà mẹ đẻ có bị xem là hành vi bạo lực gia đình không? Trong trường hợp vợ muốn ly hôn vì lý do này, đây có được coi là căn cứ hợp pháp không?