Quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga
Thứ sáu, 13/09/2024 - 10:57
Nghe audio
0:00
Trả lời phỏng vấn báo chí sau Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hai bên quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của Ủy ban liên Chính phủ trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung, lĩnh vực kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật nói riêng.
Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết thúc chuyến thăm chính thức tới Nga, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng chủ trì khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga, xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và những kết quả quan trọng đã đạt được trong khóa họp lần này?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: Từ ngày 8-10/9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có chuyến thăm chính thức tới Liên bang Nga và đồng chủ trì phiên họp thứ ba Ủy ban hợp tác liên nghị viện Việt Nam-Nga. Ngay sau đó, ngày 11/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đã đồng chủ trì khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.
Như vậy, chỉ trong vài ngày, hai nước đã triển khai hai cơ chế hợp tác quan trọng, một giám sát và tạo điều kiện thuận lợi về mặt lập pháp, một đưa ra các biện pháp cụ thể triển khai các thỏa thuận đã đạt được và xử lý các vướng mắc còn tồn tại trong từng lĩnh vực. Đây đều là những hoạt động đối ngoại quan trọng, thiết thực triển khai những thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2024 và cuộc điện đàm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 8/2024. Cả hai hoạt động đều đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả quan trọng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Liên bang Nga.
Tại khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga, hai bên đã cùng nhau rà soát, tổng kết việc triển khai Biên bản khóa họp lần thứ 24, trao đổi ý kiến về kết quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực, và đưa ra các giải pháp cho các vướng mắc, khó khăn còn tồn đọng.
Hai bên đánh giá sau khóa họp lần thứ 24 tới nay, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Dmitry Nikolayevich Chernyshenko, các tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữ liên lạc, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo lãnh đạo phân ban những vướng mắc phát sinh. Thông qua đường dây nóng, hai đồng chủ tịch phân ban đã kịp thời trao đổi, phối hợp để đưa ra những chỉ đạo đồng nhất, nhanh chóng xử lý các khó khăn.
Hai bên ghi nhận, những nỗ lực của Ủy ban đã góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và tất cả các cấp, nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chuyến thăm Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn... Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng tích cực, nhất là về nông sản. Hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng, giao thông, khoa học, giáo dục, nhất là nhân văn gồm văn hóa, du lịch thể thao đều ghi nhận những bước tiến tiến bộ.
Về phương hướng thời gian tới, hai bên đã thông qua Biên bản khóa họp trong đó thống nhất hơn 100 hạng mục trong hơn 20 lĩnh vực hợp tác, quyết tâm thúc đẩy quan hệ trên nhiều lĩnh vực từ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng -dầu khí, thông tin-truyền thông, khoa học-giáo dục, văn hóa-thể thao; thúc đẩy du lịch, giao lưu nhân dân. Trong đó đáng chú ý, hai bên tiếp tục khẳng định và mong muốn củng cố tin cậy chính trị, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đạt được thương mại song phương cân bằng, bền vững, trong đó tạo điều kiện cho nông sản và dược phẩm tiếp cận thị trường của nhau; tăng cường dạy tiếng Việt và tiếng Nga ở hai nước, duy trì học bổng cho sinh viên Việt Nam cũng như thu hút sinh viên Nga sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực cho công dân Việt Nam lao động và du lịch tại Liên bang Nga. Phía Nga ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam tại Nga.
Đây đều là những kết quả hết sức thực chất, phản ánh quyết tâm của hai nước trong việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những biện pháp gì để triển khai các kết quả đã đạt được tại Khóa họp thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: Ngay trong phát biểu kết thúc khóa họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo phân ban Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Nga để triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác được thống nhất tại Khóa họp, quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của Ủy ban liên Chính phủ trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung, lĩnh vực kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật nói riêng.
Với tinh thần đó, cũng như trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tôi cho rằng chúng ta cần tập trung vào các trọng tâm như sau:
Một là, nghiêm túc, tích cực triển khai những thỏa thuận được nêu trong Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như những hoạt động tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra trong thời gian gần đây.
Hai là, các bộ, ngành hai bên phát huy hơn nữa vai trò, chủ động tăng cường hợp tác, trao đổi trực tiếp, thường xuyên, phối hợp triển khai các thoả thuận đã đạt được, đồng thời, phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tế. Với những khó khăn vượt thẩm quyền, cần báo cáo hai đồng chủ tịch phân ban và Lãnh đạo Cấp cao hai nước để kịp thời giải quyết khó khăn.
Ba là, cần chú trọng hợp tác trong lĩnh vực nhân văn như văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo, lao động-du lịch, giao lưu nhân dân. Hai bên cần chuẩn bị kết hoạch, tổ chức trọng thị, hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, giáo dục cho người dân về mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước; dạy tiếng Việt và tiếng Nga tại mỗi nước, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút sinh viên hai nước sang du học; đẩy mạnh đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, góp phần hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao cho Việt Nam, đáp ứng nhu cầu về lao động của Việt Nam; thu hút các nhà khoa học, chuyên gia trình độ cao của Nga sang làm việc tại Việt Nam trong các lĩnh vực Nga có thế mạnh; xem xét khả năng nâng thời hạn thị thực điện tử cho công dân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại của công dân hai nước; duy trì tổ chức Ngày văn hóa tại mỗi nước, thúc đẩy các hoạt động hợp tác phong phú, đa dạng giữa các cặp hợp tác địa phương hai nước, phù hợp thế mạnh và đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi bên.
Bốn là, phối hợp với phía Nga tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Liên bang Nga. Với khoảng 60.000 người, cộng đồng Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước và sở tại, góp phần củng cố quan hệ hữu nghi truyền thống Việt Nam - Liên bang Nga. Đây là tài sản quý giá và cần được phát huy hơn nữa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia, hai dân tộc.
Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga là mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, gắn bó lâu đời, là niềm tự hào của nhân dân hai nước và vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tôi mong rằng cùng với các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp dồn dập trong thời gian qua, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, các cơ quan chức năng của cả hai nước sẽ tích cực triển khai những thỏa thuận đã đạt được, phối hợp chặt chẽ, mang lại những kết quả thiết thực, cụ thể, góp phần làm sâu sắc hơn, toàn diện hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.