Cục Đăng kiểm liên tục nhận được các khoản tiền 'lạ': Cảnh báo chiêu trò mạo danh các Cơ quan nhà nước để lừa đảo
Yến Nhi
Thứ sáu, 01/11/2024 - 08:32
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Một nhóm người mượn danh nghĩa Cục Đăng kiểm gọi điện cho các chủ xe yêu cầu truy cập vào đường link lạ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền. Cơ quan chức năng liên tục thông tin cảnh báo về các chiêu trò mạo danh Cơ quan nhà nước để lừa đảo song nhiều người dân vẫn 'sập bẫy'.
Cảnh báo hành vi mạo danh Cục đăng kiểm để lừa đảo
Ngày 31/10, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về việc có đối tượng mượn danh nghĩa của Cục để lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng.
Cụ thể, thời gian vừa qua, tài khoản ngân hàng của cơ quan này nhận được các khoản tiền từ 10.000 - 23.000 đồng được chuyển khoản từ các tài khoản cá nhân. Hầu hết không ghi rõ nội dung chuyển tiền.
Căn cứ thông tin về biển số xe được ghi tại nội dung chuyển tiền, Cục Đăng kiểm đã liên hệ được với một số chủ xe và được biết: xuất hiện nhóm người gọi điện cho chủ xe thông báo từ 1/10/2024, Cục Đăng kiểm sẽ thay đổi mẫu tem kiểm định và đề nghị chủ xe muốn được đổi tem mới thì thanh toán khoản tiền là 10.000 đồng/tem cùng tiền cước vận chuyển là 23.000 đồng về tài khoản của Cục Đăng kiểm.
Đồng thời, những người này hướng dẫn chủ xe truy cập vào một đường link giả mạo Cục Đăng kiểm để khai báo thông tin cá nhân phục vụ cho việc đổi tem kiểm định.
Khi chủ xe truy cập vào đường link giả mạo thì sẽ có nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục Đăng kiểm đã có công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về việc mạo danh Cục Đăng kiểm để lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng.
Cục Đăng kiểm cũng có văn bản thông báo tới các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới cảnh báo tới các chủ xe trên địa bàn quản lý.
Theo đó, Cục Đăng kiểm khẳng định, không có yêu cầu về đổi tem kiểm định, không có yêu cầu hay thông báo gì đối với các chủ xe về việc chuyển tiền để thực hiện dịch vụ đổi tem kiểm định.
Cục Đăng kiểm khuyến cáo mọi yêu cầu, thông báo chuyển tiền từ các cuộc gọi hay tin nhắn của những số điện thoại lạ (không do Cục Đăng kiểm niêm yết công khai) thì chủ xe tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền.
Đồng thời, không truy cập vào các đường link mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tự xưng là cán bộ của Cục Đăng kiểm yêu cầu đổi tem kiểm định
Vào cuối tháng 8, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã phát đi thông báo khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác, tránh bị lợi dụng và lừa đảo từ một số đối tượng mạo danh cán bộ của cơ quan này, như yêu cầu đổi tem kiểm định, cài đặt app đăng kiểm…
Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của người dân và các đơn vị đăng kiểm về việc có nhiều cuộc điện thoại gọi đến từ các số điện thoại như: 098236xxx, 0916712xxx, 0911312xxx, 0916600xxx,… tự xưng là cán bộ của Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Qua điện thoại, các đối tượng mời chào và yêu cầu người dân, doanh nghiệp với nội dung như: "Đề nghị các đơn vị mua bộ sách về quản lý các đơn vị đăng kiểm" hoặc "Yêu cầu người dân và doanh nghiệp đổi tem kiểm định theo quy định của Thông tư mới" hoặc yêu cầu cài đặt ứng dụng (App) có logo Cục Đăng kiểm Việt Nam...
Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, không có chuyện cán bộ của Cục này yêu cầu người dân, doanh nghiệp và đơn vị mua sách hay đổi tem kiểm định như phản ánh. Tất cả những đối tượng gọi điện với nội dung nêu trên là mạo danh, lừa đảo.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị các đơn vị đăng kiểm nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến các nhân viên của đơn vị và chủ phương tiện đến kiểm định xe được biết.
Đồng thời, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khuyến cáo người dân và doanh nghiệp đề cao cảnh giác những đối tượng gọi điện mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam, tránh bị các đối tượng lợi dụng và lừa đảo.
Trước đó, cuối năm 2023, dư luận xã hội cũng phản ánh tình trạng tại một số địa phương, người dân nhận được nhiều số điện thoại lạ mạo danh cán bộ trung tâm đăng kiểm gọi điện "tư vấn" dịch vụ gia hạn đăng kiểm, bán bảo hiểm "đưa đến tận nhà" với số tiền 300-500 nghìn đồng.
Do các đối tượng hoạt động rất tinh vi, tự xưng là cán bộ đăng kiểm, nắm rõ họ tên chủ phương tiện, biển số xe, địa chỉ, thời gian xe hết hạn đăng kiểm nên người dân không nghi ngờ và làm theo hướng dẫn. Không những vậy, nhiều người còn bị lừa mua bảo hiểm bắt buộc cho ô tô hoặc nhờ đóng phí đường bộ.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã rà soát và khẳng định các trung tâm đăng kiểm không thực hiện dịch vụ nêu trên.
Do đó, trường hợp nhân danh cán bộ trung tâm đăng kiểm gọi điện để tư vấn dịch vụ thực hiện việc thu các khoản phí ngoài quy định của đăng kiểm là hành vi mạo danh có dấu hiệu trục lợi cá nhân.
Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo người dân và chủ phương tiện nếu có thông tin, nên thông báo tới cơ quan hữu quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Giả mạo website Kho bạc Nhà nước để chiếm đoạt tài sản
Vừa qua, Kho bạc Nhà nước đã phát đi cảnh báo cơ quan này đã bị kẻ gian lập trang thông tin điện tử giả mạo để lừa đảo. Hiện trên mạng có website giả mạo "kbthuhoivontreo.com" sử dụng logo, giao diện trang chủ, hình ảnh giống như Cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước. Điều này có thể gây hiểu lầm cho người truy cập đây là cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước.
Đối tượng lừa đảo có thể tạo ra các trang web giả mạo trông giống như trang web chính thức của cơ quan nhà nước. Ngoài ra đối tượng còn gửi email từ địa chỉ giả mạo, yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân hoặc nhấp vào liên kết dẫn đến các trang web giả mạo.
Tại đây, đối tượng yêu cầu người dùng đăng nhập để cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán các khoản phí giả. Từ đó, đối tượng sẽ đánh cắp quyền truy cập vào tài khoản, số điện thoại hoặc thông tin người dùng và tiến hành các chiêu trò lừa đảo.
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng trước các cuộc gọi, tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc.
Luôn kiểm tra địa chỉ email của người gửi và không nhấp vào liên kết trong email từ các nguồn không xác định, chỉ truy cập các trang web chính thức qua liên kết từ các nguồn đáng tin cậy.
Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các khoản thanh toán nếu không xác minh qua kênh chính thức của cơ quan nhà nước. Cần thực hiện kiểm tra và xác minh thông tin qua các kênh chính thức của cơ quan liên quan.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Mạo danh cơ quan Nhà nước yêu cầu người dân tích hợp sổ đỏ vào ứng dụng VNeID
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới bằng cách mạo danh cơ quan Nhà nước gọi điện yêu cầu người dân tích hợp sổ đỏ vào ứng dụng VneID.
Các đối tượng gọi điện thoại hoặc liên hệ qua mạng xã hội tới người dân và tự xưng là cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu người dân thực hiện khai báo, tích hợp thông tin sổ đỏ vào ứng dụng VNeID.
Sau đó các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp các thông tin cá nhân với lý do phục vụ việc tích hợp và yêu cầu đóng các khoản phí, lệ phí không xác định nhằm thu thập trái phép thông tin cá nhân và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việc các đối tượng thu thập thông tin cá nhân của người dân có thể sử dụng để tiếp tục thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, rửa tiền, vay tiền... và các hoạt động phạm tội khác.
Thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng để gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuy không mới, nhưng thời gian gần đây lợi dụng việc cơ quan chức năng đang đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên phạm vi toàn quốc, các đối tượng liên tục sử dụng nhiều hình thức tiếp cận nạn nhân mới như gần đây là mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội hay mạo danh cơ quan Công an để hướng dẫn cài ứng dụng chứa mã độc.
Trước tình hình trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân cảnh giác trước các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hướng dẫn cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, yêu cầu đóng các khoản phí, lệ phí không xác định …
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người khác khi chưa biết rõ mục đích, không cài đặt các ứng dụng lạ và không đóng các khoản tiền chưa xác định theo yêu cầu của đối tượng.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Hiện nay, nhiều đối tượng sử dụng logo, tên của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon Global Selling Việt Nam để giả mạo Chương trình thương mại điện tử xuyên quốc gia nhằm mục đích lừa đảo. Vậy, hành vi sử dụng trái phép logo, tên thương mại có bản quyền bị xử phạt ra sao?
(PLPT) - Các đối tượng quảng bá công dụng của 'năng lượng gốc', sau đó tổ chức các khóa học chuyên biệt để lôi kéo hàng chục nghìn người tham gia với mục đích lan truyền các thông tin mê tín dị đoan, xuyên tạc lịch sử, truyền bá tư tưởng phản động... Pháp luật hiện hành quy định mức xử phạt về tội đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông ra sao?
(PLPT) - Các đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội, kênh 'truyền thông' để móc nối, lôi kéo người tham gia tổ chức, thành lập các hội nhóm trong nước để tiến hành hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam. Pháp luật hiện hành quy định về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân như thế nào?
Ngày 10/11, Trường Đại học Luật Hà Nội đã long trọng tổ chức buổi lễ Gặp mặt truyền thống 45 năm Ngày thành lập Trường (10/11/1979 - 10/11/2024). Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
(PLPT) - Từ 11/11/2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ vận hành thêm trang web có tên miền thithucdientu.gov.vn; vận hành cùng lúc trang evisa.xuatnhapcanh.gov.vn để thuận lợi hơn cho công dân xin cấp e-visa.
(PLPT) - Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện và xử lý một cơ sở kinh doanh thịt heo bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc để đưa ra thị trường tiêu thụ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Vậy hành vi trên sẽ bị xử lý ra sao?
(PLPT) - Một công ty ở Quảng Ninh đã bán trái phép số lượng lớn hóa đơn giá trị gia tăng điện tử, áp dụng thủ đoạn "xăng dầu đi một nơi, hóa đơn đi một nẻo". Hiện nay, việc mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi. Pháp luật hiện hành quy định mua bán trái phép hóa đơn bị xử lý thế nào?
(PLPT) - Thời gian vừa qua, tình trạng các cuộc gọi, tin nhắn rác mời chào hay lừa đảo đang ngày càng phức tạp, khi các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân của người dùng hoặc thực hiện cuộc gọi rác với mục đích bôi nhọ, quấy rối, đòi nợ. Pháp luật hiện hành quy định về mức xử phạt với tin nhắn rác, cuộc gọi rác ra sao?