Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Nhà báo 'dỏm' lừa chạy án rồi chiếm đoạt 550 triệu đồng

Khánh Huyền Thứ sáu, 13/12/2024 - 13:02
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Đối tượng Trương Quang Hưng tự xưng là nhà báo, có quan hệ rộng, có thể “chạy án”, lừa đảo chiếm đoạt 550 triệu đồng của bị hại.

"Nổ" là nhà báo chiếm đoạt 550 triệu đồng tiền chạy án

Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) vừa bắt giữ Trương Quang Hưng (72 tuổi, thường trú tại Phường 8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau; tạm trú ở làng Đê Gơl, xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang) sau 2 năm lẩn trốn.[1]

Đối tượng Hưng bị cơ quan chức năng bắt giữ để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối tượng Trương Quang Hưng mạo danh là nhà báo để lừa đảo chạy án.

Theo kết quả điều tra, vào khoảng cuối năm 2022, biết con của bà T. (trú ở xã Ayun, huyện Mang Yang) bị Công an tỉnh Quảng Bình điều tra, xử lý về hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, Trương Quang Hưng đưa ra thông tin gian dối rằng mình là nhà báo, quen biết với nhiều lãnh đạo trên cả nước, có thể lo “chạy án” cho con bà T.

Tin tưởng Hưng và mong muốn con được nhẹ tội, bà T. đã giao cho Hưng 550 triệu đồng. Mặc dù không lo được cho con bà T. thoát tội nhưng Hưng không trả lại mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nhận.

Vào cuộc xác minh, Công an huyện Mang Yang xác định, Trương Quang Hưng đã rời khỏi nơi cư trú, liên tục thay đổi chỗ ở tại nhiều tỉnh thành. Sau gần 2 năm mất dấu vết, ngày 9/12/2024, Hưng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang lẩn trốn tại xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang.

Theo Công an tỉnh Gia Lai, vào năm 2001, đối tượng Trương Quang Hưng từng bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt 36 tháng tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hiện Công an huyện Mang Yang đang hoàn tất hồ sơ để xử lý theo quy định.

2 nhà báo "dỏm" cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp

Cuối tháng 10/2024, Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) làm rõ vụ việc Hoàng Công Trình (SN 1986, trú tại xã Ea Tóh) và Đặng Hữu Biểu (SN 1973, trú tại xã Phú Lộc, cùng ở huyện Krông Năng, Đắk Lắk) có hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".[2]

Theo điều tra, từ ngày 22/10 đến 25/10, Trình và Biểu giới thiệu là nhà báo của Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, đi ô tô biển kiểm soát 47C-068.71 đến các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương (Nghệ An).

2 đối tượng Hoàng Công Trình và Đặng Hữu Biểu tại cơ quan Công an. (Ảnh: CAND)

Quá trình làm việc, 2 người đàn ông này không xuất trình thẻ nhà báo mà chủ động quay tư liệu về hoạt động của công ty. Sau đó, các đối tượng biên soạn tin, bài có nội dung phản ánh sai phạm để gửi lại doanh nghiệp nhằm mục đích đe dọa, yêu cầu đưa tiền để được bỏ qua.

Sau một thời gian tiến hành điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 25/10, Công an huyện Đô Lương bắt quả tang Trình và Biểu đang nhận 25 triệu đồng của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đô Lương.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ số tiền 25 triệu đồng, một xe ô tô, 3 điện thoại di động, một máy ảnh, một máy camera, một laptop, 2 thẻ nhà báo (nghi thẻ nhà báo giả) và nhiều giấy tờ liên quan.

Quá trình điều tra công an xác định, khoảng tháng 5/2024, Biểu và Trình đã làm giả thẻ nhà báo để đi quay phim, chụp ảnh tại các doanh nghiệp nhằm đe dọa, tống tiền.

Đến ngày 9/10, Trình được Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh nhận thử việc ba tháng nên đã lợi dụng xin giấy giới thiệu của tạp chí này để cùng với Biểu đi quay phim, chụp ảnh, dựng "phóng sự" nhằm chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp.

Hai người này đã cưỡng đoạt của 5 doanh nghiệp tại Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn (Nghệ An) số tiền 57,2 triệu đồng và một điện thoại di động trị giá 21 triệu đồng.

Ngoài bị điều tra về về hành vi cưỡng đoạt tài sản, Trình và Biểu cũng đang bị điều tra và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

7 đối tượng giả danh nhà báo chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng

Vào hồi đầu tháng 5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 7 đối tượng để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản".[3]

Các bị can gồm: Phạm Ngọc Hùng là chủ mưu (tên gọi khác là Hùng Cường, SN 1986, trú tại phường Diên Hồng, TP Pleiku), Lê Ngô Vĩnh Phát (tên gọi khác là Gà), Võ Văn An, Hồ Công Vũ, Trần Đình Hậu, Nguyễn Văn Thiều, Lê Nguyễn Tấn Sinh.

Đối tượng Phạm Ngọc Hùng. (Nguồn: Công an tỉnh Gia Lai)

Theo kết quả điều tra, trong thời gian từ 4/2022 - 4/2023, Phạm Ngọc Hùng đến địa bàn huyện Chư Sê và huyện Chư Prông tìm gặp chủ các bãi khai thác đá nhỏ lẻ, tự phát, trái phép. Hùng tự xưng là nhà báo của Tạp chí Môi trường và Đô thị khu vực Tây Nguyên.

Hùng khoe có nhiều mối quan hệ quen biết với các phóng viên trên địa bàn cũng như các cán bộ huyện, tỉnh để có thể bảo kê cho những bãi khai thác đá trái phép tiếp tục hoạt động.

Nếu các chủ bãi muốn tiếp tục khai thác thì phải bán hết số đá đã làm ra cho Hùng với giá hiện tại. Khi có người đến mua, chủ bãi phải bán với giá do Hùng quy định, cao hơn giá thị trường từ 15% trở lên.

Chủ các bãi đá được hưởng số tiền đã thỏa thuận, tiền chênh lệch phải chuyển cho Hùng. Nếu không đồng ý, Hùng sẽ trực tiếp hoặc cho đồng bọn ghi lại việc khai thác đá trái phép rồi đăng lên mạng xã hội, gửi cho chính quyền địa phương hoặc cung cấp cho báo chí viết bài.

Lo sợ bị bắt, xử lý nên nhiều chủ bãi khai thác đá trái phép tại địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Prông đã đồng ý làm theo yêu cầu của Hùng.

Hàng ngày, Hùng cho các đối tượng: Lê Ngô Vĩnh Phát, Võ Văn An, Hồ Công Vũ, Trần Đình Hậu, Nguyễn Văn Thiều, Lê Nguyễn Tấn Sinh trực tiếp đến các bãi đá theo dõi việc khai thác, bán đá để báo về cho Hùng. Kế toán của Hùng là Nguyễn Thị Hằng, Võ Thị Kim Ngân thực hiện thống kê.

Định kỳ hàng tuần, chủ các bãi khai thác đá trái phép phải chuyển, giao tiền cho Hùng. Bằng thủ đoạn trên, Phạm Ngọc Hùng đã chiếm đoạt của nhiều người với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.

Thế nào là lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt.

Các yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Khách thể của tội phạm

Là quyền sở hữu tài sản, cụ thể là các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản đối với tài sản bị chiếm đoạt. Đối tượng tác động là tài sản bao gồm tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền về tài sản.

Mặt khách quan của tội phạm

Là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà ngay lúc đó người bị chiếm đoạt không nhận ra hành vi gian dối. Dùng thủ đoạn gian dối là việc đưa thông tin giả nhưng người khác tin đó là thật. Thủ đoạn gian dối này phải có biểu hiện ra thực tế và phải có trước hành vi chiếm đoạt, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin tưởng mà giao tài sản cho người phạm tội.

Hậu quả của tội phạm là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Giữa hành vi lừa đảo và hậu quả về vật chất bắt buộc phải có mối quan hệ nhân quả.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" phải thỏa mãn cả hai điều kiện là đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, khi thực hiện hành vi họ ý thức được hậu quả của mình và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Mục đích và động cơ phạm tội không được xem là dấu hiệu định tội của tội này.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

Căn cứ pháp lý: Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)[4]

Khung 1: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Khung 2: Phạt tù từ 02-07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Phạm tội có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Khung 3: Phạt tù từ 07-15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: Phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lưu ý:

Nếu xảy ra thiệt hại, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải đền bù cho nạn nhân theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:[5]

- Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Như vậy, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.

Hành vi chạy án là gì?

Pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm "chạy án", tuy nhiên có thể hiểu chạy án là việc dùng mọi thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội. Lúc này, lợi dụng tâm lý lo sợ của người phạm tội hoặc người thân của họ, nhiều đối tượng đã "gợi ý" việc chạy án.

Theo đó, nhận chạy án là hành vi các đối tượng nhận tiền của người phạm tội tìm cách, dùng thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội. [6]

Ở những vụ chạy án, có một mô-tip quen thuộc là bị hại có người quen làm việc trong cơ quan tiến hành tố tụng, khi chạy đến nhờ vả thì được giới thiệu gặp người này, người khác để rồi bị chính những người này lừa đảo chiếm đoạt, trong khi kẻ môi giới thì vô can, dẫu bị phát hiện hay không. Bị hại thì tin tưởng, phần nữa "có bệnh thì vái tứ phương" rất dễ rơi vào tròng của những người tỏ ra có quyền lực và hết lòng giúp đỡ.

Quy định về mức xử phạt đối với hành vi nhận chạy án

Tùy vào tính chất, mục đích của hành vi mà người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

Trường hợp 1

Nếu người thực hiện hành vi chạy án không có chức vụ, quyền hạn thì người này có thể bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.[7]

Bởi người này không có chức vụ, quyền hạn, không thể can thiệp và thực hiện được việc thay đổi tội danh, khung hình phạt, …. có lợi cho người phạm tội nhưng vẫn nhận tiền hòng chiếm đoạt tài sản của người khác.

Theo đó, mức xử phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản căn cứ tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể như sau:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Khung 1: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Khung 2: Phạt tù từ 02-07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Phạm tội có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Khung 3: Phạt tù từ 07-15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: Phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, theo quy định trên thì mức phạt cao nhất trong trường hợp này có thể là chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp 2

Nếu người này có chức vụ, quyền hạn thì có thể bị khép vào tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Theo đó, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

"1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."[8]

Tội nhận hối lộ

Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội nhận hối lộ như sau:

"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này."[9]

Người đưa tiền nhờ chạy án bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì?

Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội "Đưa hối lộ" như sau:

"1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ."[10]

Thế nào là cưỡng đoạt tài sản?

Theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cưỡng đoạt tài sản được hiểu là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.[11]

Tội cưỡng đoạt tài sản bị xử lý như thế nào theo Bộ luật Hình sự?

Căn cứ theo Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi. bổ sung năm 2017) quy định người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý như sau:

- Khung 1:

Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Khung 2:

Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Khung 3:

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với trường hợp:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

- Khung 4:

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với trường hợp:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.[11]

Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.

[1] Trần Hoàn, Bắt giữ nhà báo rởm lừa chạy án rồi chiếm đoạt 550 triệu đồng, Báo VietNamNet, (21h38 ngày 12/12/2024), https://vietnamnet.vn/bat-giu-nha-bao-rom-lua-chay-an-roi-chiem-doat-550-trieu-dong-2351812.html

[2] Phạm Tâm, Bắt 2 người đàn ông giả danh nhà báo để cưỡng đoạt tài sản, Báo Giáo dục và Thời đại, (20h23 ngày 28/10/2024), https://giaoducthoidai.vn/bat-2-nguoi-dan-ong-gia-danh-nha-bao-de-cuong-doat-tai-san-post706380.html

[3] Nguyễn Dinh, Bắt đối tượng giả danh nhà báo, cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp, Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam, (21h35 ngày 05/05/2024), https://dangcongsan.vn/phap-luat/bat-doi-tuong-gia-danh-nha-bao-cuong-doat-tien-cua-doanh-nghiep-664437.html,

[4] Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

[5] Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra.

[6] Le Uyn, Nhận chạy án là gì? Mức phạt cho tội này như thế nào?, Thư viện pháp luật, (17/09/2022), https://thuvienphapluat.vn/cong-dong-dan-luat/nhan-chay-an-la-gi-muc-phat-cho-toi-nay-nhu-the-nao-200745.aspx

[7] Điều 174 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

[8] Điều 175 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

[9] Điều 354 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Nhận hối lộ".

[10] Điều 364 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Đưa hối lộ".

[11] Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Cùng chuyên mục

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 giờ trước

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình số 503 của Chính phủ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sửa đổi bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) với các cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng.

Xây dựng chế định luật sư công: Cần thiết để đi “đường dài” trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Xây dựng chế định luật sư công: Cần thiết để đi “đường dài” trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

Những rủi ro, tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và đã có một số nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam. Việc Bộ Tư pháp được giao thực hiện nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện này là kịp thời nhưng để đi được đường dài, chúng ta cần tính đến việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế luật sư công, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại quốc tế.

Bé gái bị người tình của mẹ xâm hại: Vì sao người mẹ bị khởi tố tội ‘Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’

Bé gái bị người tình của mẹ xâm hại: Vì sao người mẹ bị khởi tố tội ‘Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam người đàn ông xâm hại tình dục bé gái 12 tuổi ở Bình Dương. Đáng chú ý, người mẹ của cháu bé cũng bị khởi tố về tội danh ‘Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’.

Lợi dụng hình xăm để trốn nghĩa vụ quân sự: Xử lý như thế nào?

Lợi dụng hình xăm để trốn nghĩa vụ quân sự: Xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Cử tri kiến nghị có biện pháp xử lý nghiêm việc lợi dụng hình xăm để trốn nghĩa vụ quân sự. Bộ Quốc phòng thông tin chi tiết về quy định liên quan đến hình xăm.

Triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi qua Lào để bóc lột tình dục

Triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi qua Lào để bóc lột tình dục

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

(PLPT) - Cặp vợ chồng tuyển mộ nhiều thiếu nữ chưa đủ 16 tuổi, dụ dỗ sang Lào bàn giao cho một người phụ nữ khác để tổ chức bán dâm cho người Trung Quốc. Hành vi mua bán người để bóc lột tình dục có phải là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm hay không?

Thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được bắt đầu lại khi phát sinh một trong ba căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015. Tuy nhiên, pháp luật dân sự không quy định thời điểm phát sinh các căn cứ này. Qua phân tích quy định pháp luật và thực tiễn xét xử, tác giả cho rằng khi áp dụng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu cần không phân biệt thời điểm phát sinh: (i) còn hay hết thời hiệu khởi kiện và (ii) trước hay trong quá trình tố tụng dân sự.

Xử phạt chủ Facebook đăng tin sai về sáp nhập tỉnh thành để 'câu view'

Xử phạt chủ Facebook đăng tin sai về sáp nhập tỉnh thành để 'câu view'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

(PLPT) - Đăng tải thông tin sai sự thật về việc sáp nhập tỉnh, thành, 2 người đàn ông ở Nghệ An bị xử phạt 5 triệu đồng/người. Mức xử phạt hành vi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội ra sao?

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo thông qua dịch vụ thanh toán quốc tế Paypal

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo thông qua dịch vụ thanh toán quốc tế Paypal

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

(PLPT) - Các đối tượng sử dụng tài khoản PayPal hợp lệ để tạo ra những hóa đơn giả mạo, sau đó gửi cho nhiều người với mục đích đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.

Đọc nhiều