(PLPT) - Đại biểu Quốc hội đề xuất ưu tiên về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư, trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại, kể cả máy bay nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn, cứu tài sản dập tắt đám cháy.
Ngày 28/8, tại Nhà Quốc hội, thực hiện Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, các đại biểu đề xuất Nhà nước ưu tiên việc xây dựng lực lượng và trang bị phòng cháy, chữa cháy.
Cần tập trung đầu tư phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy
Đề cập về chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Điều 4), đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết: Tại Khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật quy định: “bố trí phù hợp lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bám sát địa bàn cơ sở...”
Với quy định trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật nên xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ “bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bám sát địa bàn cơ sở...”. Bởi nếu chỉ quy định riêng về lực lượng mà không có phương tiện, thiết bị để phục vụ, thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ không thể thực hiện được.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: quochoi.vn)
Yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ, dập tắt đám cháy phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phải hành động dũng cảm, quyết đoán trong điều kiện môi trường rất khắc nghiệt, có mức độ nguy hiểm, rủi ro rất cao với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và tài sản của Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở gặp nhiều khó khăn, nhất là cấp huyện và cấp xã. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã cháy xong nên rất khó khăn. Mặt khác, thực tế phương tiện thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được trang bị còn thiếu, lạc hậu và kém chất lượng, chưa đáp ứng với yêu cầu và tình hình thực tế. Chính vì vậy, cần tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy đến các huyện, nếu ở những nơi có điều kiện có thể đầu tư đến cấp xã những loại phương tiện thiết yếu.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị bổ sung quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư, trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại, kể cả việc trang bị phương tiện là máy bay nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn, cứu tài sản dập tắt đám cháy. Có như vậy, mới giải quyết được những khó khăn hiện nay và sẽ giúp cho công tác phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả hơn, tạo sự yên tâm trong Nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu quan điểm: Khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng mới, thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình và bảo đảm các yêu cầu từ điểm a đến điểm g của Điều 15.
Việc trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố cũng cần được bố trí, thiết kế từ ban đầu để đảm bảo thông tin báo sự cố (cháy, tai nạn; báo lỗi của hệ thống thiết bị báo cháy) của các cơ sở được thực hiện thông qua thiết bị truyền tin báo sự cố đến hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Công an kịp thời.
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Chính phủ cần sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật, để đáp ứng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng, phát huy công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi trong việc thoát nạn, cứu người trong nhà cao tầng.
Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường biện pháp chế tài đối với các công trình vi phạm, các yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là trong việc thực hiện những quy định; trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định và nghiệm thu công trình. Mặc dù, Điều 14 đã quy định về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng nhưng cần được nghiên cứu bổ sung đề hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng quân đội trong luật
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. (Ảnh: Quochoi.vn)
Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết: Về phạm vi điều chỉnh của Luật, có ý kiến đề nghị chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để bảo đảm bao quát, tương thích với các nội dung trong dự thảo Luật; rà soát nội dung dự thảo Luật để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành; bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung nội dung quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành; nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa phạm vi điều chỉnh với nội dung trong dự thảo Luật; bổ sung các quy định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cộng đồng tại Điều 4 về chính sách của Nhà nước; Điều 8 về trách nhiệm tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Điều 56 về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các cấp...
Có ý kiến đề nghị quy định phạm vi cứu nạn, cứu hộ trong Luật này chỉ trong hoạt động chữa cháy; làm rõ việc không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của quân đội tại dự thảo Luật; bổ sung đầy đủ các hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hàng ngày.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo như sau: Đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ giao cho lực lượng quân đội đảm nhiệm đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống thiên tai... Còn cứu nạn, cứu hộ do Luật này điều chỉnh chỉ bao gồm các tình huống như cháy và các tai nạn, sự cố diễn ra thường ngày chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự, cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định của pháp luật có liên quan và giao cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chủ trì phối hợp với các lực lượng khác có liên quan thực hiện. Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc dự thảo Luật này không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng quân đội là phù hợp.
Ngày 25/5/2025, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Cẩm Tú ký ban hành Kết luận số 157-KL/TW của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.
Sáng 18/5 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư Tô Lâm có phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tiếp tục kỳ họp thứ 9, cuối giờ sáng ngày 15/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
(PLPT) - Chính phủ vừa ban hành các Nghị quyết thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 và Nghị quyết thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025.
Nhân dịp Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Lễ Duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại từ ngày 8-11/5, Việt Nam và Liên bang Nga đã ra Tuyên bố chung.
(PLPT) - Ngày 30/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.