Đề nghị xây dựng Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú
Nguyễn Triệu
Thứ sáu, 19/07/2024 - 04:47
Nghe audio
0:00
Bộ Công an đang đề nghị xây dựng dự Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là dự luật được sửa đổi từ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam hiện hành.
Bộ Công an cho biết, quá trình triển khai thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tạm giữ, tạm giam được quan tâm chỉ đạo quyết liệt tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, chặt chẽ trong công tác tạm giữ, tạm giam; (2) Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật được tiến hành kịp thời đồng bộ với nội dung và hình thức đa dạng, sinh động; (3) Hệ thống tổ chức của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam được kiện toàn từ cấp bộ, cấp tỉnh đến cấp huyện đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, hiện nay, cả nước có 78 trại tạm giam, 720 nhà tạm giữ, 247 buồng tạm giữ (Bộ Công an đang quản lý 69 trại tạm giam, 703 nhà tạm giữ, Bộ Quốc phòng quản lý 09 trại tạm giam, 17 nhà tạm giữ và 247 buồng tạm giữ của đồn biên phòng); (4) Việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ từ khâu tiếp nhận, phân loại, bố trí giam giữ, điều chuyển trích xuất, xử lý kỷ luật và giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn, chết, phạm tội mới từng bước đi vào nền nếp, thống nhất; việc thực hiện chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, thực hiện chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam được thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; (5) Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý giam giữ đã và đang được Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng. Biên chế cán bộ, chiến sĩ ngày càng tăng về chất lượng; cán bộ, chiến sĩ công tác ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ nên đã hạn chế nhiều sai phạm xảy ra; (6) Việc thực hiện cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam bước đầu đã đạt được hiệu quả; công tác kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam đạt hiệu quả tốt, khắc phục, xử lý ngay những vi phạm trong công tác quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam; (7) Công tác phối hợp giữa cơ sở giam giữ với các cơ quan có thẩm quyền tố tụng, các cơ quan có liên quan đến công tác thi hành tạm giữ, tạm giam được duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 06 năm triển khai thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm triển khai thi hành Luật và phát sinh từ các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu công tác tạm giữ, tạm giam đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác này, cụ thể như sau: (1) Các quy định về chế độ quản lý giam giữ và chế độ giam giữ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa thực sự hoàn thiện, còn nhiều vướng mắc (chưa có quy định về: Chuyển giao người bị bắt theo quyết định truy nã cho cơ quan đã ra quyết định truy nã; về chế độ gửi, nhận thư, sách, báo và tài liệu của người chờ chấp hành án phạt tù…); (2) Luật chưa có các quy định mang tính nguyên tắc về điều kiện đảm bảo đối với công tác thi hành tạm giữ, tạm giam như: Về bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam; về thiết kế, thi công xây dựng các công trình giam giữ theo các quy chuẩn kỹ thuật riêng, bảo đảm tính đặc thù và an toàn tuyệt đối của các cơ sở giam giữ; về bố trí cán bộ, nhân lực và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ chiến sĩ làm công tác tạm giữ, tạm giam đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác; (3) Chưa có quy định về thẩm quyền của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh trong điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam từ các buồng tạm giữ của đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân…
Ngoài những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quá trình triển khai thi hành Luật nêu trên, qua thực tiễn thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung các chế định mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác tạm giữ, tạm giam, cụ thể là đáp ứng xu hướng của thế giới về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội; thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại gắn với công tác chuyển đổi số, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân trong điều kiện cách mạng 4.0, cần bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), trong đó, có nghĩa vụ chịu sự quản lý, theo dõi của chính quyền cấp xã hoặc đơn vị quân đội. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú còn phát sinh một số bất cập như: Chưa có trình tự, thủ tục thi hành biện pháp này kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền ban hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; do chưa áp dụng các ứng dụng khoa học, công nghệ nên các cơ quan cũng không biết đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đi đâu, làm gì để áp dụng các biện pháp theo dõi, quản lý; thực tiễn đã xảy ra các đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định truy nã. Chính vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu để bổ sung các quy định về thiết bị giám sát điện tử (vòng đeo tay hoặc đeo chân) để quản lý, theo dõi đối tượng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, quản lý chặt chẽ đối tượng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, phòng ngừa đối tượng bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Đồng thời, sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (trong đó bổ sung các quy định về cơ quan có trách nhiệm thi hành, cơ chế giám sát, quản lý và các điều kiện bảo đảm để thi hành biện pháp ngăn chặn); theo đó, dự kiến sẽ đổi tên Luật thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Những tồn tại, khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tạm giữ, tạm giam và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật, do đó việc lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là cần thiết với những lý do cụ thể như sau:
Một là, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam để bổ sung quy định về thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hai là, để nâng cao hiệu quả sử dụng và vận hành cơ sở giam giữ.
Ba là, để giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Với những lý do nêu trên thì việc nghiên cứu để sửa đổi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam là yêu cầu cấp thiết, khách quan và bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác tạm giữ, tạm giam trong thời gian tới. Đồng thời đề xuất sửa đổi tên Luật thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú tập trung vào 3 chính sách
Chính sách 1: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, bổ sung quy định về thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú
Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả sử dụng và vận hành mô hình cơ sở giam giữ
Chính sách 3: Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?
(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?