Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới
Thứ sáu, 01/11/2024 - 22:16
Nghe audio
0:00
Thực hiện Kế hoạch của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, sáng nay, 1/11, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm "Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới". TS Nguyễn Thanh Tịnh - Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Toạ đàm.
Đồng chủ trì Toạ đàm là TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; Ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.
Toạ đàm có sự tham gia của GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển; GS.TS Phan Trung Lý - nguyên chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội; GS. TS Hoàng Thị Kim Quế - Trường Đại học luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên vụ trưởng vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ…; cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, Luật sư, doanh nghiệp.
Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" nêu rõ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện, tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên công tác xây dựng pháp luật cũng còn một số tồn tại, hạn chế.
Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu: Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cách làm mới trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Đại hội Đảng, mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu Bộ, ngành, doanh nghiệp đã quan tâm, dự và phát biểu tại Tọa đàm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có các bài viết, bài phát biểu quan trọng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và công tác xây dựng pháp luật, trong đó có những thông điệp, tư duy, tư tưởng mới cần nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn như: Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10, Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV của Tổng Bí thư Tô Lâm; các bài viết của Tổng Bí thư: "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới", và đặc biệt là bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam".
Để kịp thời tổ chức triển khai quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã giao Báo Pháp luật Việt Nam xây dựng Chuyên mục "Thể chế trong Kỷ nguyên mới" và tổ chức Tọa đàm hôm nay với Chủ đề: "Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới". Tọa đàm có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng nội dung cho Chuyên mục quan trọng này.
Đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới nhằm tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Các ý kiến đại biểu chia sẻ tại Toạ đàm sẽ góp phần nhận diện những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật; đặc biệt vai trò của đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Các ý kiến tham luận tại Tọa đàm sẽ là nguồn cứ liệu quý báu để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để triển khai ý kiến chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tại Toạ đàm, TS. Nhị Lê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới là chủ đề mới trong bối cảnh mới. Sau 40 năm đổi mới, cùng với những kết quả đạt được thì đất nước ta cũng phát hiện điểm nghẽn trong thể chế pháp luật. "Để đạt được mục tiêu 21 năm tới trở thành nước phát triển, vấn đề thể chế là then chốt", TS. Nhị Lê khẳng định.
Theo nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, thể chế được xây dựng từ hai nhân tố Pháp trị và Đức trị. Nghĩa là, thể chế được xây dựng từ luật pháp thống nhất với truyền thống xã hội, dư luận xã hội, pháp lý quốc tế và thông lệ quốc tế, nhằm định hướng và bảo đảm mọi sự phát triển kinh tế xã hội một cách thống nhất và cân bằng.
Hơn lúc nào hết, Đảng ta phải tiếp tục chủ động, chủ động hơn và kiên định "nắm chắc" luật pháp để cầm quyền, bảo đảm thống nhất vai trò lãnh đạo, trách nhiệm lịch sử; Bảo đảm thượng tôn pháp luật nhằm nâng cao vị thế, vai trò và sức mạnh lãnh đạo của Đảng đối với đất nước thông qua Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
TS.Nhị Lê cũng mong muốn hệ thống pháp luật nước ta ngày càng đồng bộ, thống nhất hơn. Ông đồng thời gợi mở một số giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Liên quan đến chủ đề hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam), nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nêu những ý kiến tâm huyết về vấn đề chủ quyền của Nhân dân. Theo GS.TS. Trần Ngọc Cường, đây là giá trị cốt lõi của Nhà nước Pháp quyền nói chung và Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam nói riêng.
Trong Hiến pháp 2023 và từ Đại hội Đảng 13 đến nay, chủ quyền Nhân dân được đề cao. Nhân dân là chủ thể, quyền chủ quyền của nhân dân…, những khái niệm này cho thấy chủ quyền của nhân dân cao hơn quyền lực nhà nước. Nhân dân thực hiện quyền, giao quyền lập pháp cho Quốc hội… Quyền lực nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ, Nhân dân góp phần tích cực kiểm soát quyền lực Nhà nước.
"Trong điều kiện mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền trong kỷ nguyên mới, tôi nghĩ một mặt phải đảm bảo quyền lập pháp của Quốc hội, và Quốc hội xem xét ủy quyền cho Chính phủ, Quốc hội có thể ủy quyền nhiều hơn cho Chính phủ. Nhưng sự ủy quyền này phải rất chặt chẽ. Quốc hội chỉ uỷ quyền cho Chính phủ, không uỷ quyền cho Bộ và chính quyền địa phương", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói. "Hoạt động lập pháp phải đổi mới, phải đảm bảo quyền của Nhân dân, phải đảm bảo giá trị cốt lõi, không thể ban hành luật một cách tùy tiện, cần liên tục đề cao chủ quyền của Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền".
Tại Toạ đàm, GS.TS Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề đang đặt ra là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới thế nào để tránh bị lạc hậu và có thể theo kịp phát triển chung.
Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cần bước đột phá trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nói chung và trong từng bộ phận hợp thành công tác xây dựng pháp luật.
"Cần xác định tư duy lập pháp, lập quy, tư duy pháp luật nói chung. Trước hết phải tư duy về hệ thống pháp luật hiện nay ra sao, mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam với quốc tế như thế nào, cách làm luật như hiện nay đã giải quyết được vấn đề thực tiễn chưa, điểm nghẽn trong thể chế là gì, quan hệ giữa hệ thống pháp luật với các quy phạm khác ra sao…", GS.TS Phan Trung Lý nêu. "Lập pháp phải thể hiện quyền và ý chí của Nhân dân, nguyên tắc không ủy quyền, đề nghị không tiếp tục ủy quyền trong lập pháp đồng thời làm rõ phạm vi, thẩm quyền lập pháp. Pháp luật phải thống nhất nhưng cần làm rõ hơn vấn đề phân quyền, phân cấp".
Bày tỏ tán thành đề dẫn của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và và các ý kiến các đại biểu đã phát biểu, PGS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương đồng thời cho rằng, có lẽ cần phải nghiên cứu thêm các vấn đề toạ đàm gợi mở.
Cho rằng cần làm rõ "kỷ nguyên mới" là gì, nội hàm thế nào, điều kiện thực hiện ra sao..., PGS Vũ Văn Phúc cho rằng cần chú ý 8 vấn đề: Đảng lãnh đạo thể chế, chủ trương thành Hiến pháp, pháp luật. Theo ý kiến của Tổng Bí thư, cần phân tích rõ vai trò lãnh đạo và quản lý của Đảng, không bao biện làm thay và không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; Đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc; Đảm bảo Nhân dân là gốc, Nhân dân là chủ, là mục tiêu, đảm bảo lợi ích hợp pháp của Nhân dân;
Đảm bảo nguyên tắc xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ. Luật phải tiếp tục khơi thông sự phát triển, thu hút nguồn lực phát triển, bảo vệ được cán bộ, linh hoạt phản ứng chính sách…; Luật phải là luật khung; Phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền...
Ông Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ tâm đắc với những tư tưởng, định hướng được chỉ ra tại bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thể chế.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đồng thời nêu lên khó khăn trong công tác xây dựng luật, văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là một số luật gần đây như Luật Phòng, chống tham nhũng liên quan tới quy định kiểm soát tài sản. Theo ông, còn quy định khác nhau giữa quy định pháp luật với quy định của Đảng về vấn đề này.
Tuy nhiên, ông vui mừng khi hiện nay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được nghiên cứu sửa đổi. Chỉ ra thực tế hiện nay quy trình làm luật gần như 100% do Chính phủ trình và một số vấn đề trong việc quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, ông Đinh Văn Minh nhấn mạnh, xây dựng Luật chỉ mang tính nguyên tắc, phải phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát. Trong đó cần nêu cao vai trò của cơ quan tư pháp trong công tác này.
Ông Phạm Tuấn Khải - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ chia sẻ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tài liệu, ông thấy Tổng Bí thư nói rất nhiều đến "điểm nghẽn" là thể chế.
Theo vị nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là một quá trình. Trước những năm 1990, Luật rất ít, chủ yếu là Nghị định. Quá trình hội nhập cho thấy sự phát triển mạnh của chức năng lập pháp.
Ông Phạm Tuấn Khải cho rằng, việc xây dựng luật phải có ý kiến của đối tượng tác động và phải đề cao quyền lợi của người dân. Trong đổi mới duy xây dựng pháp luật, cần "gỡ vướng" quan hệ giữa chính sách và pháp luật để tránh luật và chính sách có sự vênh nhau.
"Tôi đồng ý quan điểm luật chỉ mang tính nguyên tắc, nhưng sau đó Quốc hội vẫn phải giám sát việc triển khai luật. Phải tăng cường chất lượng của đại biểu Quốc hội. Tôi đề nghị Bộ Tư pháp cũng tăng cường vai trò trong vấn đề này", vị nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến. "Bộ máy Chính phủ cũng phải hoàn thiện trong vấn đề phân cấp, phân quyền. Thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng cần khác nhau trong hệ thống hành chính hiện nay".
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật không phải là vấn đề mới nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có căn cứ để thực hiện việc đổi mới tư duy, khi đang chứng kiến sự phát triển không lường trước của nền kinh tế số, thương mại hoá toàn cầu. Tuy nhiên, thực sự bứt phá và đổi mới được, chúng ta phải xác định những vấn đề còn "vướng".
"Tư duy đầu tiên phải nói là tư duy về chính sách và tư duy về lập pháp. Tư duy này đòi hỏi chúng ta phải "biến" chủ trương, chính sách của Đảng thành những quy định pháp luật, nêu rõ quyền và nghĩa vụ đến đâu. Bên cạnh đó, chúng ta cần thay đổi tư duy cơ quan quản lý lĩnh vực nào thì xây dựng luật cho lĩnh vực đó bởi nếu vẫn theo tư duy này thì không tránh được tư duy ngành, tư duy cục bộ", GS.TS Hạnh nêu ý kiến.
Về tư duy hành pháp, Chính phủ là cơ quan thực thi pháp luật, được quyền ban hành các quy định. Tuy nhiên, GS Hạnh nhận thấy, Chính phủ "đang phải làm công tác xây dựng pháp luật quá nhiều", nên đưa Chính phủ về đúng vị trị là cơ quan hành pháp, ban hành quy định "nhắm" vào thực hiện các luật của Quốc hội.
Về tư duy đạo đức, GS Hạnh nhấn mạnh, đạo đức là dân chủ, phát huy các giá trị tự điều chỉnh trong xã hội. Với tư duy về cán bộ, thời gian tới, chúng ta cần phát huy hơn nữa yếu tố dân chủ trong nguyên tắc dân chủ tập trung.
GS. TS Hoàng Thị Kim Quế - Trường Đại học luật, Đại học Quốc gia Hà Nội vui khi các nhà khoa học đã gặp nhau trong việc đưa các ý kiến trong Tọa đàm. Bà cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những việc cần làm trong bài phát biểu vừa tổng quan, vừa quán triệt ý nghĩa lớn lao về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới. Thời gian tới, chúng ta, trong đó có Bộ Tư Pháp, Báo Pháp luật Việt Nam nên có những cuộc nghiên cứu, thảo luận, đặc biệt là các sản phẩm liên quan.
Theo bà Kim Quế, thông điệp từ Tổng Bí thư là "nên bỏ tư duy cái gì khó thì cấm, làm luật là quản" rất được lòng dân. Pháp luật phải ứng phó, không phải "hộ đê" làm luật không được quá cảm xúc. Luật phải chuẩn mực, phải khả thi.
GS. TS Hoàng Thị Kim Quế nhấn mạnh: "Nguyên tắc vàng của Nhà nước pháp quyền, dân chủ là dân được làm những gì luật không cấm. Chúng ta đã, đang và sẽ phải chuyển từ cách làm luật liệt kê, sang phương pháp mới là loại trừ - loại trừ có danh mục cấm tường minh, và đưa ra khoảng tự do. Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu phải ngồi lại với nhau. Cũng chuyển dần từ tư duy luật để quản lý sang tư duy đổi mới sáng tạo. Trong lĩnh vực Tư pháp chúng ta khá yên tâm. Tuy nhiên hiện "tắc" chủ yếu ở lĩnh vực quản lý hành chính".
Theo bà GS. TS Hoàng Thị Kim Quế, có 2 văn bản luật càng xây dựng, ban hành nhanh càng tốt, đó là Luật của luật - Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hiện có khoảng 15 nước có luật này) và Luật tổ chức thi hành pháp luật – Luật này nên khuôn định lại để phù hợp với Việt Nam.
TS. Phạm Ngọc Huyền - Giảng viên Học viện hành chính quốc gia cho rằng, câu chuyện tư duy xây dựng pháp luật từ trước đến nay nên gắn nhiều hơn với tư duy quản lý nhà nước, bởi pháp luật là công cụ quan trọng để chủ thể quản lý tác động lên đối tượng quản lý, từ đó thay đổi ý chí, nhận thức, điều chỉnh hành vi của các đối tượng quản lý khác nhau. Vì vậy, hiệu quả của hệ thống pháp luật phải gắn với hiệu quả quản lý nhà nước.
"Hiện nay chúng ta vẫn đi theo hướng khi vấn đề phát sinh thì hệ thống pháp luật mới phát huy tính pháp lý, quản lý nhà nước mới "vào cuộc". Chúng ta cần lường trước để định hướng hành vi chứ không để phát sinh vấn đề mới tác động", TS. Phạm Ngọc Huyền nói.
Cũng theo nữ giảng viên của Học viện hành chính quốc gia, mức độ và phạm vi tác động của văn bản hành chính rất rộng, không thua kém văn bản quy phạm pháp luật mặc dù tính chất khác văn bản quy phạm pháp luật. Đổi mới tư duy liên quan đến lập pháp, lập quy nên không hề dễ dàng.
Ví von "pháp luật cũng như đường đi", ôngNguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư pháp) nhận định, "Đường đi bị nghẽn thì không có lối đi". Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự phân tích, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật có 2 vấn đề cần quan tâm: nội dung và phương thức.
"Chúng ta cần cân nhắc, nội dung thì ta đổi mới cái gì? Cách tiếp cận cũng phải suy nghĩ lại. Còn về phương thức, chúng ta cần lưu ý, đã ví pháp luật như một con đường, thì làm người làm luật cần đi “đường cao tốc”, chứ không nên đi “đường ven”. Vận dụng Đức trị, Pháp trị cũng là vấn đề cần phải đặt ra trong quá trình làm luật", Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự nêu vấn đề.
TS Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay đã cơ bản đồng bộ và điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống. Với đất nước phát triển năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng và trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cùng các quan hệ xã hội điển hình, pháp luật nước ta cũng luôn phải điều chỉnh để phục vụ nhu cầu quản lý, chủ động ứng phó với các biến đổi của thời đại. Vì vậy, theo bà Liên, để đổi mới tư duy cần tập trung nghiên cứu thêm một số vấn đề để bảo đảm pháp luật đồng bộ, chi tiết, có thể áp dụng được ngay.
Cũng theo TS Liên, chúng ta còn cần đổi mới tư duy trong quy trình xây dựng pháp luật. "Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV chỉ còn chương trình xây dựng luật hàng năm nhưng đầu nhiệm kỳ lại có định hướng xây dựng toàn khoá. Mặc dù đã có những mốc thời gian thực hiện song thực tế đã có tình trạng “dồn” chương trình, như Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra sẽ xem xét tới 18 đạo luật", bà Liên phản ánh. "Cần cân đối tổng thể để chỉ những luật có chất lượng mới đưa vào chương trình. Cần đổi mới công nghệ làm luật, bắt đầu từ khâu chính sách, phải thống nhất cao về chính sách mới trình Quốc hội".
Theo ông Lê Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Thuế, về vấn đề nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật, cùng với tài chính thì phải coi nguồn lực về con người là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.
Ông Lê Văn Hải cũng cho biết, trong lĩnh vực thuế, Việt Nam có nhiều luật như Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hôn nhân và gia đình… đều liên quan đến Luật thuế. Đến nay, hệ thống pháp luật thuế dần được hoàn chỉnh với việc sửa đổi 1 Luật sửa 7 Luật trong lĩnh vực thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng.
"Có thể khẳng định pháp luật về thuế liên quan mật thiết tới nhà nước và công dân, vì vậy trong quá trình thực thi pháp luật Bộ Tài chính luôn chú trọng lắng nghe ý kiến để sửa đổi các quy định vướng mắc trong thực tiễn", ông Lê Văn Hải nói.
Tọa đàm thành công tốt đẹp sau khi 16 đại biểu nêu ý kiến tâm huyết. TS Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, Luật sư, doanh nghiệp.
"Do thời gian có hạn nên còn nhiều đại biểu chưa trực tiếp phát biểu, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải các ý kiến trên Báo Pháp luật Việt Nam. Các ý kiến tham luận tại Tọa đàm sẽ là nguồn cứ liệu quý báu để những nhà làm luật tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để triển khai ý kiến chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước", TS Vũ Hoài Nam khẳng định.
(PLPT) - Nhiều doanh nghiệp liên tục bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vì hành vi ‘Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật’. Quy định của pháp luật cụ thể ra sao? Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì để tránh bị kiểm tra, xử phạt?
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo đã đưa ra phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
(PLPT) - Hai nam thanh niên ở Thanh Hóa vừa bị khởi tố vì có hành vi xúc phạm Quốc kỳ và phá hoại tài sản người dân. Pháp luật hiện hành quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ như thế nào?
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?