Luật Điện lực - ‘Chìa khoá’ tháo gỡ khó khăn để đáp ứng năng lượng cho phát triển
Ninh Gia
Chủ nhật, 10/11/2024 - 20:40
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Luật Điện lực sửa đổi được xem là “chìa khoá” tháo gỡ khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng; nhiều luật mới có liên quan cũng đã được sửa đổi, bổ sung.
Thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Hiện nay, hồ sơ Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội từ cuối tháng 9 vừa qua. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế chủ đạo, tác động lớn đến sự phát triển của ngành điện nước ta.
Về chính sách của nhà nước về phát triển điện lực, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng và các cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 trong thời kỳ mới; thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng, chính sách của nhà nước liên quan đến chính sách giá điện, áp dụng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ điện cao và phát thải cao; chính sách phát triển điện phục vụ vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bổ sung một số giải thích từ ngữ liên quan đến hoạt động điện lực như các loại giá điện, các nhà máy điện…; quy định nguyên tắc chung trong phát triển điện hạt nhân nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện, an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu trung hoà các bon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững lĩnh vực điện lực; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây cản trở cũng như bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới, hướng tới mục tiêu tăng gấp hai lần công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Cụ thể, hiện tại các nguồn thủy điện lớn của nước ta đã khai thác gần hết; các nhà máy nhiệt điện than mới khó thu xếp, huy động vốn đầu tư; nhà máy điện khí hóa lỏng nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào giá dầu thế giới và giá bán điện còn khá cao… Trong khi đó, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn duy trì ở mức khoảng 8-9%/năm tới năm 2030, là một thách thức lớn đối với ngành điện. Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp như xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.
Thực hiện chủ trương nêu trên, dự thảo luật mới đã đưa vào các quy định khung, bao gồm: Chính phủ sẽ ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển hệ thống lưu trữ của dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với phát triển điện gió ngoài khơi như bên mua điện và bên bán điện được quyền thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu hằng năm, miễn tiền sử dụng đất trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng dự án hoặc các chính sách ưu đãi cho điện năng lượng mới;…
Quan tâm đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực tại Điều 5 của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cho biết, Điều 5 của dự thảo luật gồm 15 khoản, với rất nhiều chính sách phát triển điện lực cho từng lĩnh vực. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là dàn trải, sẽ không đảm bảo nguồn lực của Nhà nước để thực hiện hết tất cả các chính sách đã được quy định tại dự thảo luật; đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát quy định khái quát các chính sách chung, cần tính toán đảm bảo tính khả thi để quy định của pháp luật đi vào cuộc sống và phải được thực hiện nghiêm minh.
Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) thống nhất cao với các chính sách phát triển điện lực vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn như dự thảo luật, trong đó Nhà nước ưu tiên bố trí đầu tư vốn và các chính sách ưu đãi về đầu tư, về tài chính. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc phát triển điện ở các đảo, vùng biển đảo rất đặc thù, do đó Nhà nước cũng cần ưu tiên bố trí đầu tư vốn và có chính sách ưu đãi đặc thù.
Đại biểu nêu rõ, các đảo của nước ta phần lớn cách xa đất liền vài chục tới vài trăm kilomet và để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho người dân, cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, Nhà nước đầu tư nhiều chi phí để làm các nhà máy điện diesel, điện gió, điện mặt trời, hoặc kéo điện ra đảo.
Để thúc đẩy hơn nữa việc triển khai và hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, nhất là cấp độ bán lẻ điện cạnh tranh, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đã bổ sung nhiều nội dung theo hướng tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thị trường điện thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các cơ chế mua bán điện mới, xu hướng tiêu thụ điện “sạch” của khách hàng.
Dự thảo luật mới đã bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ chế giá điện để thúc đẩy hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; bổ sung quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc, hoạt động, trình tự tham gia của cơ chế này, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng sử dụng điện lớn có mong muốn mua điện xanh, sạch.
Một vấn đề đáng chú ý khác trong dự thảo luật mới là điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo cơ chế thị trường. Theo đó, dự thảo đề xuất Chính phủ sẽ đảm nhận vai trò quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, tạo điều kiện cho giá điện phản ánh kịp thời biến động thị trường, chi phí đầu vào và lợi nhuận hợp lý. Điều này giúp bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp điện lực, đồng thời bảo đảm giá điện bình quân được điều chỉnh ít nhất ba tháng một lần.
Việc thay đổi thẩm quyền quyết định giá điện cũng nhằm nâng cao tính linh hoạt trong việc phản ánh chi phí, tăng cường tính minh bạch, bảo đảm nguyên tắc chung là Chính phủ đóng vai trò ban hành thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách về điều chỉnh giá điện phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, phù hợp với thực tiễn điều chỉnh giá điện thời gian qua.
Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này không chỉ là công cụ pháp lý để điều tiết thị trường điện, mà còn là bước tiến quan trọng trong việc phát triển năng lượng bền vững. Việc hoàn thiện chính sách giá điện giúp tạo ra thị trường điện minh bạch, công bằng và cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về năng lượng của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Thái Doãn Hoàng Cầu, chuyên gia về lĩnh vực năng lượng, điểm nổi bật của dự thảo lần này là phân quyền nhiều hơn cho Chính phủ, các cấp có thẩm quyền trong việc ban hành các quyết định, quy trình, quy định liên quan đặc thù của ngành điện. Nhờ vậy, các văn bản pháp lý có tính bổ trợ cho Luật Điện lực mới sẽ được cập nhật, thay đổi linh hoạt, thường xuyên hơn nhằm đáp ứng các thay đổi nhanh về công nghệ, nhu cầu điện năng, phát triển kinh tế cũng như thiết kế, vận hành các cơ chế thị trường điện; từ đó, tăng tính khả thi và ổn định của dự luật trước những thay đổi của thực tiễn. Các chuyên gia năng lượng cũng kỳ vọng dự luật sớm được Quốc hội thông qua và ban hành để thúc đẩy phát triển ngành điện lực Việt Nam.
(PLPT) - Tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, phiên chất vấn diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/11 sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Ngân hàng, Y tế, Thông tin và Truyền thông.
(PLPT) - Thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư khẳng định giáo dục giữ vị trí chiến lược trong công tác cán bộ; thầy cô giáo chính là nhân tố cốt lõi của quá trình giáo dục.
(PLPT) - Dự án Luật Dữ liệu được đặt ra trong bối cảnh vi phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng và cần có các quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
(PLPT) - Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp và có phát biểu quan trọng. Tạp Chí Pháp luật và Phát triển trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư.
(PLPT) - Liên quan đến dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng việc phân cấp, phân quyền mạnh là rất cần thiết, qua đó giúp cho việc đầu tư công “thuận buồm xuôi gió”.
(PLPT) - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, sau 13 năm áp dụng, các quy định về “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng đã phát huy tác dụng hạn chế tình trạng đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng hay sàng lọc nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính.
(PLPT) - Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu cho rằng điều kiện kéo dài tuổi phục vụ thêm 5 năm vẫn còn chung chung và chưa rõ ràng.
(PLPT) - Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, đầu tư công đã tạo ra sự đột phá cho phát triển. Tuy nhiên, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa được quan tâm đúng mực.