Quốc hội sẽ kiện toàn chức danh Chủ tịch nước vào tháng 10
Ninh Gia
Thứ ba, 27/08/2024 - 06:18
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo nghị quyết của Trung ương Đảng, việc bầu chức danh Chủ tịch nước sẽ được tiến hành tại kỳ họp tháng 10 của Quốc hội.
Chiều 26/8, ngay sau khi bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp.
Phát biểu tại họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV, đã thành công tốt đẹp, công tác nhân sự được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao
Ông Bùi Văn Cường cũng cho biết, về công tác nhân sự, theo Nghị quyết của trung ương, tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 tới, Quốc hội sẽ kiện toàn chức danh Chủ tịch nước.
Đối với chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Bùi Văn Cường cho biết, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn sẽ tiếp tục kiêm nhiệm cho đến khi Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm của Chính phủ.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thông tin thêm, theo dự kiến của Ban Chấp hành trung ương, từ nay đến hết năm 2024 sẽ tập trung kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao và cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, việc kiện toàn nhân sự bảo đảm cho hệ thống chính trị hoàn thiện hơn, đoàn kết hơn, nhịp nhàng hơn, mạnh hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; tăng cường gắn bó với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Nhắc lại câu nói của Bác Hồ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, công tác cán bộ hiện nay được bố trí “có lên, có xuống, có vào, có ra” theo yêu cầu nhiệm vụ, nhu cầu công tác và năng lực hoàn thành nhiệm vụ của từng cá nhân cụ thể.
"Việc Quốc hội phê chuẩn 3 Phó thủ tướng và 2 Bộ trưởng nhằm đạt được mục đích nêu trên và đã đạt được sự đồng thuận nhất trí cao khi có số phiếu của đại biểu Quốc hội - những người đại diện của nhân dân, thông qua với tỷ lệ hơn 90%; thể hiện ý Đảng, lòng dân", Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói.
Trước đó, trong phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 8 của Quốc hội khoá XV Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp.
Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội, Ban tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cơ quan, tổ chức hữu quan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, quyết nghị công tác nhân sự đạt sự đồng thuận, thống nhất rất cao.
Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, quyết nghị công tác nhân sự đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.
“Chúng ta tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào ta ở nước ngoài, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại và phòng chống tham nhũng, tiêu cực của năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chủ động, khẩn trương chuẩn bị các nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.