Triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi qua Lào để bóc lột tình dục
Yến Nhi
Thứ năm, 12/12/2024 - 14:53
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Cặp vợ chồng tuyển mộ nhiều thiếu nữ chưa đủ 16 tuổi, dụ dỗ sang Lào bàn giao cho một người phụ nữ khác để tổ chức bán dâm cho người Trung Quốc. Hành vi mua bán người để bóc lột tình dục có phải là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm hay không?
Triệt phá đường dây mua bán người qua biên giới để bóc lột tình dục
Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) vừa phối hợp Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng) cùng Công an tỉnh Hưng Yên và Cảnh sát Lào triệt phá đường dây mua, bán người dưới 16 tuổi ở Hà Nội và một số địa phương đưa sang Lào bóc lột tình dục.[1]
Cảnh sát đã khởi tố, tạm giam Phan Thị Nguyệt Mai (33 tuổi, trú Vĩnh Phúc) và Lương Văn Dũng (35 tuổi, trú Hưng Yên) cùng về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi".
Theo điều tra, khoảng cuối năm 2021, Phan Thị Nguyệt Mai quen biết Lương Văn Dũng và thuê nhà chung sống với nhau như vợ chồng tại Hưng Yên. Thời gian này Dũng quản lý 5-6 nhân viên phục vụ các quán karaoke. Mai hỗ trợ Dũng bằng cách tuyển mộ các nhân viên về làm.
Đến đầu năm 2023, Mai nói với Dũng sang Lào tìm đường đưa phụ nữ Việt Nam sang bán dâm để kiếm được nhiều tiền hơn.
Sau khi sang Lào một thời gian, Mai quay về Việt Nam đăng tin tuyển mộ phụ nữ về làm nhân viên cho Dũng và cũng là nơi tập kết để sau đó lựa chọn đưa sang Lào làm gái mại dâm.
Đầu tháng 3, Mai và Dũng tuyển một thiếu nữ Đ.T.T. (15 tuổi ở Phú Yên) về sắp xếp cho làm tại quán karaoke ở Hưng Yên. Vài ngày sau, Mai rủ T. sang Lào làm tiếp viên karaoke.
Ngày 25/3, Mai đưa T. và một cô gái 18 tuổi đón xe khách đi Điện Biên rồi xuất cảnh sang Lào qua đường cửa khẩu Tây Trang.
Tại khu kinh tế Boten, tỉnh Luangnamtha (giáp ranh giữa Lào và Trung Quốc), Mai giao hai thiếu nữ cho người phụ nữ tên là Trang "tầu".
Hàng ngày, hai thiếu nữ bị ép bán dâm cho khách Trung Quốc từ 18h đến sáng hôm sau. Sau khoảng hai tuần bị bóc lột tình dục, thiếu nữ T. bỏ trốn về Việt Nam trình báo.
Sau thời gian thu thập tài liệu chứng cứ, ngày 11/9/2024, ban chuyên án đã huy động lực lượng, triển khai phá án.
Lực lượng chức năng đồng loạt khám xét, triệu tập các đối tượng, giải cứu thành công năm nạn nhân là nữ đang bị khai thác, bóc lột tại quán karaoke.
Mở rộng chuyên án, công an xác định Mai và Dũng còn tuyển mộ nhiều phụ nữ khác, dụ dỗ đưa họ sang Lào bàn giao cho Trang "tầu" để tổ chức bán dâm cho người Trung Quốc.
Ngay lập tức, Cục Cảnh sát hình sự đã cử tổ công tác sang làm việc, phối hợp với Cảnh sát Lào điều tra xác minh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân.
Ngày 10/11, Công an Lào đã trục xuất, bàn giao cho Cục Cảnh sát hình sự nghi phạm Trang "tầu" và 13 nạn nhân để phục vụ công tác điều tra.
Bắt nhóm đối tượng trong đường dây mua bán người dưới 16 tuổi
Vào hồi đầu tháng 11, Công an huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi.[2]
Qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Thọ Xuân đã phát hiện và bắt quả tang tại nhà nghỉ, karaoke Hoàng Long (ở khu phố 3, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân) do Nguyễn Thị Thuỷ (sinh năm 1987) làm chủ, có một đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm.
Thời điểm kiểm tra, tại quán karaoke còn các "gái hát" khác do Nguyễn Thị Thủy gọi đến để phục vụ, trong đó có 2 cô gái chưa đủ 16 tuổi.
Qua điều tra, Công an huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Công an huyện Triệu Sơn và Công an thị xã Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên) bắt khẩn cấp 4 đối tượng: Đặng Thị Giang, Nguyễn Trung Đạo, Nguyễn Văn Thái và Trần Văn Nam về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi.
Theo kết quả điều tra, để thu lợi nhuận cao trong việc kinh doanh karaoke, Đặng Thị Giang đã câu kết với Nguyễn Trung Đạo, Nguyễn Văn Thái và Trần Văn Nam đi "thu gom" và mua lại các cô gái trẻ, trong đó có nhiều người chưa đủ 16 tuổi làm nhân viên các quán karaoke ở Thái Bình, Hưng Yên, sau đó đưa về Thanh Hóa làm việc tại quán King Dragon do Đặng Thị Giang làm chủ.
Những hành vi nào được xem là hành vi mua bán người dưới 16 tuổi?
Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP quy định mua bán người dưới 16 tuổi là thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
- Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
- Chuyển giao người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo và để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.[3]
Hành vi mua bán người để bóc lột tình dục có phải là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm hay không?
Căn cứ theo Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2011, các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
1. Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự.
2. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
3. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
6. Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều này.
7. Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.
8. Cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi quy định tại Điều này.
9. Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
10. Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.
11. Giả mạo là nạn nhân.
12. Hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này.[4]
Theo quy định trên, pháp luật nghiêm cấm hành vi mua bán người, chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Do đó, hành vi mua bán người để bóc lột tình dục là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi mua bán người dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý như thế nào?
Tội mua bán người là tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp trong đó người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, quyền con người của nạn nhân,… coi con người như một món hàng để thực hiện việc trao đổi, mua bán với mục đích là kiếm lợi nhuận.
Căn cứ vào hậu quả của hành vi thì sẽ xem xét xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội mua bán người với các khung hình phạt khác nhau.
Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015(sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về Tội mua bán người dưới 16 tuổi như sau:[5]
"Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."[6]
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người mua bán người dưới 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất là phạt tù chung thân.
[1] Phi Hùng, Bộ Công an phối hợp triệt phá đường dây bán người sang Lào, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, (ngày 12/12/2024), https://plo.vn/bo-cong-an-phoi-hop-triet-pha-duong-day-ban-nguoi-sang-lao-post824468.html
[2] Nguyễn Nam, Thanh Hóa: Bắt các đối tượng trong đường dây mua bán người dưới 16 tuổi, Báo VietNamplus, (06h54 ngày 06/11/2024), https://www.vietnamplus.vn/thanh-hoa-bat-cac-doi-tuong-trong-duong-day-mua-ban-nguoi-duoi-16-tuoi-post989506.vnp
[3] Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng Điều
150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật
hình sự.
[4] Luật Phòng, chống mua bán người số: 66/2011/QH12 ngày 29/3/2011.
[5] Điều 151 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội mua bán người dưới 16 tuổi.
[6] Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình số 503 của Chính phủ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sửa đổi bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) với các cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng.
Những rủi ro, tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và đã có một số nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam. Việc Bộ Tư pháp được giao thực hiện nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện này là kịp thời nhưng để đi được đường dài, chúng ta cần tính đến việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế luật sư công, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại quốc tế.
(PLPT) - Cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam người đàn ông xâm hại tình dục bé gái 12 tuổi ở Bình Dương. Đáng chú ý, người mẹ của cháu bé cũng bị khởi tố về tội danh ‘Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’.
(PLPT) - Cử tri kiến nghị có biện pháp xử lý nghiêm việc lợi dụng hình xăm để trốn nghĩa vụ quân sự. Bộ Quốc phòng thông tin chi tiết về quy định liên quan đến hình xăm.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được bắt đầu lại khi phát sinh một trong ba căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015. Tuy nhiên, pháp luật dân sự không quy định thời điểm phát sinh các căn cứ này. Qua phân tích quy định pháp luật và thực tiễn xét xử, tác giả cho rằng khi áp dụng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu cần không phân biệt thời điểm phát sinh: (i) còn hay hết thời hiệu khởi kiện và (ii) trước hay trong quá trình tố tụng dân sự.
(PLPT) - Đăng tải thông tin sai sự thật về việc sáp nhập tỉnh, thành, 2 người đàn ông ở Nghệ An bị xử phạt 5 triệu đồng/người. Mức xử phạt hành vi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội ra sao?
(PLPT) - Các đối tượng sử dụng tài khoản PayPal hợp lệ để tạo ra những hóa đơn giả mạo, sau đó gửi cho nhiều người với mục đích đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.