Triệt phá đường dây mua bán thận qua mạng xã hội ở Hà Nội
Yến Nhi
Thứ hai, 20/01/2025 - 13:27
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Một nhóm đối tượng ở Hà Nội đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi để môi giới hiến, ghép thận trái phép qua mạng xã hội, thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Công an TP Hà Nội vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá thành công đường dây mua bán thận qua mạng xã hội.[1]
Ba bị can bị khởi tố gồm: Nguyễn Văn Tân (41 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thị Dung (40 tuổi, quê Thái Bình) và Võ Thị Cưng (33 tuổi, quê Bình Thuận).
Theo điều tra, bị can Nguyễn Văn Tân là người đã ghép thận, Nguyễn Thị Dung là đối tượng đã từng đăng ký hiến thận nhưng không được nên các đối tượng quen biết nhau và hiểu được quy trình hiến, ghép thận. Biết việc môi giới hiến, ghép thận sẽ được hưởng lợi nhiều tiền nên các đối tượng đã bàn bạc, môi giới thành công 2 ca ghép thận. Các đối tượng đã được Võ Thị Cưng giúp sức tìm kiếm người có nhu cầu bán thận. Các đối tượng đã hưởng lợi số tiền hàng trăm triệu đồng.
Tháng 5/2021, chị N.T.T. (33 tuổi, ở huyện Kim Thành, Hải Dương) do khó khăn về kinh tế đã truy cập vào nhóm Facebook "mua bán thận" và được Cưng (với tài khoản "An Nhiên") liên hệ.
Hai bên thỏa thuận giá bán thận là 370 triệu đồng. Cưng báo cho Tân và yêu cầu phí môi giới 20 triệu đồng. Tân đồng ý. Chị T. nhận được số điện thoại của Tân từ Cưng để tiếp tục làm việc.
Giữa tháng 5/2021, Tân dẫn chị T. về nhà trọ ở ngõ 12, đường Phùng Hưng, quận Hà Đông, để ở cùng Cưng và Võ Thị Kiều (31 tuổi, em gái Cưng, cũng là người bán thận).
Tân lo liệu chi phí khám, xét nghiệm cho chị T. tại Bệnh viện Quân y 103. Dung phụ trách việc ăn ở, sinh hoạt hàng ngày cho chị T.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, Tân gửi cho anh Đ.X.K. (47 tuổi, bị suy thận, cần ghép thận) và hai bên thỏa thuận giá mua 553 triệu đồng, kèm theo chi phí phẫu thuật do anh K. chi trả. Trong thời gian chờ ghép thận, anh K. chuyển trước cho chị T. 50 triệu đồng.
Ngày 28/7/2021, ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103. Theo thỏa thuận, khi anh K. vào phòng mổ, người nhà anh K. chuyển 300 triệu đồng cho chị T. và 153 triệu đồng cho Tân. Tân đưa 40 triệu đồng cho Dung. Sau khi trừ chi phí, Tân thu lợi 45 triệu đồng.
Bằng thủ đoạn tương tự, nhóm Tân, Dung và Cưng đã thực hiện trót lọt một vụ mua bán thận khác vào tháng 10/2021. Tân hưởng lợi 90 triệu đồng, Dung hưởng lợi 78 triệu đồng.
Hiện Công an TP Hà Nội đang điều tra mở rộng vụ án.
Triệt phá đường dây tội phạm mua bán thận liên tỉnh
Vào hồi đầu tháng 2/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã bóc gỡ đường dây mua bán thận liên tỉnh, khởi tố bị can và bắt 4 người về tội "Mua bán bộ phận cơ thể người".[2]
Cơ quan điều tra khởi tố và bắt giữ các bị can gồm: Từ Công Nguyên (SN 1985), cầm đầu đường dây mua, bán thận; Đặng Hoàng Bích Ân (SN 1982); Nguyễn Trường Sơn (SN 1987); Nguyễn Ngọc Diễm (SN 1990) về tội "Mua bán bộ phận cơ thể người" theo điều 154 Bộ luật Hình sự.
Qua điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, các đối tượng trong đường dây tội phạm này đều là những người từng bán thận của mình nên biết các thủ tục và nhu cầu tìm người bán, người mua thận ở các bệnh viện.
Các đối tượng có thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, sử dụng mạng xã hội để liên hệ trao đổi, che giấu hành vi phạm tội, địa bàn hoạt động rộng, liên quan đến nhiều địa phương và đã thực hiện trót lọt nhiều vụ môi giới mua, bán thận với số tiền hưởng lợi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/người bán cũng như người mua.
Ngay sau đó, căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh khám xét khẩn cấp, quyết định tạm giữ, lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyên, Ân, Sơn và Diễm.
Mua bán thận, bộ phận cơ thể người sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo Điều 154 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác tùy vào mức độ phạm tội mà bị phạt tù từ ba năm đến chung thân, trừ trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội được quy định tại Khoản 1 Điều này. Cụ thể như sau:
"Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."[3]
Như vậy, hành vi mua bán thận người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Hình phạt đối với tội này có thể là phạt tù từ 03 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Tự nguyện mua bán thận của bản thân có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Nguyên tắc mua bán nội tạng được quy định tại Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 như sau:
"Điều 4. Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
1. Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.
2. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
3. Không nhằm mục đích thương mại.
4. Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."[4]
Bên cạnh đó, Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định:
"Điều 11. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác.
2. Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến.
3. Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.
4. Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
5. Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi.
6. Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
7. Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời.
8. Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
9. Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật.
10. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não."[5]
Như vậy, một người tự nguyện bán thận của mình nhưng bán là vì mục đích thương mại thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
[1] Hoàng Phong, Phá ổ nhóm môi giới mua bán thận trên địa bàn Hà Nội, Công an nhân dân, (ngày 19/01/2025), https://cand.com.vn/Ban-tin-113/pha-o-nhom-moi-gioi-mua-ban-than-tren-dia-ban-ha-noi-i757044/
[2] N.T, Khởi tố 4 bị can trong đường dây mua bán thận hoạt động chuyên nghiệp, Công an thành phố Hồ Chí Minh, (ngày 6/2/2024), https://congan.com.vn/vu-an/tphcm-khoi-to-4-bi-can-trong-duong-day-mua-ban-than_158762.html#google_vignette
[3] Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
[4] Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác số: 75/2006/QH 11 ngày 29/11/2006 quy định về Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
[5] Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 số: 75/2006/QH 11 ngày 29/11/2006 quy định về Các hành vi bị nghiêm cấm.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Công an tỉnh Hưng Yên vừa triệt phá thành công đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức mua bán số lô, số đề với số tiền giao dịch lên tới hơn 300 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc sẽ bị pháp luật xử lý ra sao?
(PLPT) - Hành vi chửi bới, lăng mạ người khác có được xem là vi phạm pháp luật không? Theo quy định pháp luật Việt Nam, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hay hình sự? Các mức phạt cụ thể cho hành vi chửi bới, lăng mạ là gì?
(PLPT) - Nam thanh niên ở Đà Nẵng sử dụng dữ liệu hình ảnh, video clip "nóng" từ camera bị hack của nhiều gia đình, sau đó lập tài khoản ảo đe dọa nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để giữ bí mật, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
(PLPT) - Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vừa triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.
(PLPT) - Công an tỉnh Cao Bằng vừa phát hiện và thu giữ 606,2 kg pháo nổ nhập lậu đang được các đối tượng vận chuyển đến điểm tập kết. Hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?