Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
Thứ ba, 29/10/2024 - 10:51
Nghe audio
0:00
Toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.
1. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1993, Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã xây dựng mối quan hệ thực chất, được vun đắp và củng cố trên cơ sở tình hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước. Quan hệ hợp tác hai bên đã đạt được những thành tựu quan trọng và những bước tiến cụ thể trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế và thương mại. Hai bên cùng chia sẻ lợi ích và nhu cầu hợp tác trong các lĩnh vực mới nhiều triển vọng.
2. Nhận thức tiềm năng to lớn và nhằm tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia, Việt Nam và UAE đã tiến hành tham vấn hữu nghị để thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương trên một loạt các lĩnh vực rộng lớn.
3. Nhân chuyến thăm chính thức của Ngài Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới UAE, Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28 tháng 10 năm 2024.
4. Khuôn khổ quan hệ mới phản ánh tầm vóc mối quan hệ hai nước trong kỷ nguyên mới với tin cậy chính trị cao hơn ở tất cả các cấp; mở rộng quy mô và phạm vi hợp tác theo hướng toàn diện, thực chất và sâu sắc hơn trên tất cả các lĩnh vực; phát huy và tăng cường các cơ chế hợp tác song phương hiện có, hoàn thiện hơn và bổ sung thêm các cơ chế hợp tác mới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
5. Để thực hiện tầm nhìn của quan hệ Đối tác Toàn diện, hai nước nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chủ chốt sau:
I. HỢP TÁC CHÍNH TRỊ, NGOẠI GIAO, AN NINH, QUỐC PHÒNG, PHÁP LUẬT VÀ TƯ PHÁP
6. Hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc và trao đổi song phương ở tất cả các cấp, bao gồm các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, và các nhóm làm việc kỹ thuật.
7. Hai bên nhất trí phát huy vai trò các cơ chế Ủy ban liên Chính phủ và Tham vấn chính trị ở cấp Thứ trưởng giữa hai nước, thúc đẩy các cơ chế hợp tác mới như hợp tác chuyên ngành và hợp tác trong các sáng kiến khu vực và toàn cầu.
8. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp và pháp luật phù hợp với luật pháp, nhu cầu và năng lực của mỗi nước, bao gồm hợp tác công nghiệp quốc phòng, phòng chống tội phạm, phối hợp đào tạo, tập huấn và huấn luyện chung và nghiên cứu hợp tác trong các lĩnh vực khác.
9. Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của duy trì ổn định, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và thế giới, bao gồm an ninh hàng hải, an ninh và an toàn của các tuyến đường biển và chuỗi cung ứng và lưu thông quốc tế. Hai bên cũng sẽ tiếp tục hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).
II. HỢP TÁC KINH TẾ, THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ, NÔNG NGHIỆP
10. Hai bên cam kết phối hợp triển khai tích cực Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) nhằm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD và mang lại lợi ích kinh tế thương mại cho cả hai bên.
11. Hai bên nhất trí tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai các hoạt động hợp tác, bao gồm hợp tác kho vận để làm sâu sắc hơn kết nối giữa doanh nghiệp hai bên và tăng cường thương mại song phương cũng như thị trường ASEAN và GCC.
12. Hai bên cam kết nỗ lực tối đa để mở rộng thực chất hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như dầu khí, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kho vận, sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm của UAE, UAE sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm xây dựng Trung tâm tài chính Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và đầu tư vào dự án này.
13. Ghi nhận tiềm năng hợp tác song phương trong ngành công nghiệp Halal, trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm của mình, UAE sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật và quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng các trung tâm kiểm định tiêu chuẩn và cung cấp chứng chỉ Halal tại Việt Nam, góp phần phát triển hệ sinh thái Halal tại Việt Nam, phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có UAE.
14. Hai bên cam kết triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về thành lập Nhóm công tác chung về hợp tác kinh tế - thương mại và nghiên cứu thiết lập các cơ chế hợp tác kinh tế mới như thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - UAE, Nhóm Đặc trách về hợp tác đầu tư, và Quỹ Đầu tư chung Việt Nam - UAE.
III. HỢP TÁC NĂNG LƯỢNG, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
15. Hai bênxác định chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi xanh là ưu tiên trong quan hệ song phương và cam kết tăng cường hợp tác trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mỗi bên và nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi khu vực tư nhân hai nước tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng tự nhiên, sản xuất dầu khí, lọc dầu và hóa dầu. UAE tái khẳng định sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận nguồn cung các sản phẩm dầu khí đảm bảo và khuyến khích Việt Nam cung cấp các dịch vụ dầu khí chất lượng cao tại UAE như cơ khí, vận hành, bảo dưỡng...
16. UAE cảm ơn các nỗ lực của Việt Nam tại Hội nghị COP28, góp phần vào thành công của Đồng thuận UAE cũng như tham gia các Tuyên bố về lương thực, sức khỏe và giới cũng như Cam kết làm mát toàn cầu. Hai bên nhận thức tầm quan trọng toàn cầu của chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, theo đó hoan nghênh tăng cường hợp tác trong xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp kỹ thuật và tài chính hướng tới chuyển đổi năng lượng công bằng và giảm phát thải khí nhà kính. UAE trông đợi Việt Nam có bước tiến đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng nhằm tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào than đá, theo chương trình "Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng" (JET-P) vừa được công bố tại COP28 ở Dubai, góp phần thực hiện các mục tiêu của Đồng thuận UAE. Hai bên nhất trí nghiên cứu tiềm năng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, như năng lượng gió và mặt trời, và thúc đẩy nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên thiên nhiên, đối phó biến đổi khí hậu và các mô hình thích ứng bền vững nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai.
17. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ thông qua chia sẻ kinh nghiệm, hiện đại hóa và nâng cao năng lực Chính phủ, phát triển Chính phủ số và kinh tế số, và kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo hai nước.
IV. HỢP TÁC VĂN HÓA - XÃ HỘI, LAO ĐỘNG, GIÁO DỤC, GIAO LƯU NHÂN DÂN
18. Hai bên ghi nhận vai trò quan trọng của giao lưu nhân dân nhằm tăng cường quan hệ song phương, nhất trí đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch, giao lưu văn hóa, thể thao. Hai bên sẽ cùng thúc đẩy các sáng kiến liên kết văn hóa và thể thao. UAE sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua đầu tư huấn luyện thể thao.
19. Hai bên sẽ tăng cường nỗ lực triển khai hiệu quả các Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa và du lịch, thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa các địa phương hai nước cũng như mở rộng, hoàn thiện và thiết lập các cơ chế và bản ghi nhớ hợp tác mới giữa các địa phương hai nước. Hai bên nhất trí đàm phán ký kết hiệp định song phương về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông của hai nước.
20. Hai bên cam kết triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nguồn nhân lực, đẩy mạnh nỗ lực tuyển dụng, đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, phổ biến pháp luật, văn hóa của UAE cho người lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động chất lượng cao đến làm việc tại UAE hoặc tại các quốc gia/vùng lãnh thổ doanh nghiệp UAE có dự án đầu tư hoặc nhận thầu công trình.
21. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác giáo dục đào tạo và giáo dục đại học và kết nối các cơ sở đào tạo và nghiên cứu hai nước, cũng như trao đổi chuyên môn trên các lĩnh vực giáo dục, giảng dạy và học thuật
22. Hai bên sẽ tiến hành nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực vaccine và trao đổi chuyên gia y tế.
Văn bản này được công bố vào ngày 28 tháng 10 năm 2024, bằng ba bản gốc tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Ả-rập có giá trị như nhau.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.