Cảnh giác với chiêu trò giả nhân viên điện lực để lừa đảo
Phương Thúy
Thứ sáu, 10/01/2025 - 15:24
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Bên cạnh chiêu trò gọi điện trực tiếp, các đối tượng lừa đảo còn gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện.
Giả danh nhân viên điện lực với nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Gần đây, nạn giả danh nhân viên điện lực gọi điện thoại lừa đảo người dân lại tiếp tục rộ lên khắp cả nước. Không ít người đã “dính bẫy” thậm chí mất tiền vì chiêu thức dẫn dụ tinh vi của các đối tượng lừa đảo.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là giả danh nhân viên điện lực gọi điện đến khách hàng, thông báo rằng có vấn đề về hóa đơn tiền điện như: quá hạn, số tiền nợ lớn, hoặc lỗi kỹ thuật trong hệ thống.
Các đối tượng lừa đảo có thể giả mạo số điện thoại của nhân viên công ty điện lực, sử dụng công nghệ làm giả số điện thoại (caller ID spoofing) để số điện thoại của chúng hiện lên như là số điện thoại chính thức của công ty điện lực, nhằm làm tăng độ tin cậy của cuộc gọi và khiến nạn nhân dễ dàng tin tưởng.
Tiếp đó, chúng yêu cầu thanh toán ngay lập tức qua các kênh không chính thức như Zalo hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Để gây thêm áp lực, chúng có thể đe dọa sẽ cắt điện ngay nếu không thanh toán nhanh chóng, khiến người dân hoang mang và dễ dàng thực hiện theo yêu cầu.
Bên cạnh chiêu trò gọi điện trực tiếp, đối tượng lừa đảo còn gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện, đồng thời cung cấp các thông tin như số tài khoản ngân hàng hoặc đường link giả để người dân truy cập vào và thực hiện thanh toán.
Tin nhắn hoặc cuộc gọi thường có nội dung như: "Thông báo tiền điện của bạn tháng này chưa thanh toán. Vui lòng thanh toán qua tài khoản ngân hàng dưới đây để tránh bị cắt điện" hoặc "Hệ thống ghi nhận hóa đơn điện của bạn chưa thanh toán. Để tránh cắt điện, vui lòng thanh toán ngay".
Sau khi gửi tin nhắn hoặc gọi điện, kẻ lừa đảo có thể gửi đường dẫn đến website thanh toán giả mạo (hoặc ứng dụng giả mạo của công ty điện lực) để khách hàng truy cập vào.
Khi người dân nhập thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, hoặc các thông tin cá nhân vào, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt được tiền và thông tin của họ. Để làm tăng độ tin cậy, đối tượng lừa đảo còn điều tra tên, địa chỉ, hóa đơn điện... của khách hàng được đánh cắp từ các nguồn khác.
Tinh vi hơn, chúng còn gửi mã QR thanh toán được thiết kế tinh vi với logo của Tổng Công ty điện lực EVN, khiến nạn nhân không chút nghi ngờ, thực hiện quét mã với số tiền được đối tượng nhập sẵn.
Trước tình trạng trên, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) và Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) cũng đã khẳng định không thu tiền qua Zalo và tin nhắn SMS, cảnh báo người dân không thanh toán tiền điện qua các kênh này.
Một số trường hợp nhận cuộc gọi lừa đảo yêu cầu thanh toán hóa đơn tiền điện
Thông tin từ Báo An ninh Thủ đô, chị Nguyễn Thanh Hương (Nam Từ Liêm- Hà Nội) cho biết, ngày 8/1/2025, lúc 17h 28 phút, chị Hương nhận được cuộc gọi từ số máy 0335107502 với nội dung: “Đây có phải là số máy của chị Hương không ạ? Trên hệ thống đang báo thanh toán tiền điện nhà chị bị lỗi nên nhà chị còn nợ tiền. Chị cần thanh toán ngay để không bị cắt điện”.
Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo nhưng chị Thanh Hương vẫn bình tĩnh hỏi lại: “Tiền điện nào vậy?”. Lập tức đối tượng có vẻ lúng túng hỏi lại chị Hương: “Chị thanh toán tiền điện tháng này chưa”? Chị Hương trả lời không rõ vì chị không phải người trả tiền điện.
Không bỏ cuộc, các đối tượng tiếp tục hỏi ai là người trả tiền điện nhà chị, cho xin số điện thoại để liên hệ “nhắc nhở” nhưng chị Hương tắt máy và chặn số.
Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh cũng thông tin, Chị Nguyên (Gò Vấp, TP.HCM) nhận được một cuộc gọi tự xưng là Hà, nhân viên điện lực gọi đến để yêu cầu chị cập nhật hóa đơn tiền điện trên hệ thống thanh toán của công ty điện lực. “Nhân viên” này cho biết, kể từ ngày 1/11/2024, điện lực TP.HCM dừng tất cả thanh toán qua các kênh Zalo, Momo, các ngân hàng…
Người có tên là Hà tiếp tục thông tin, kể từ tháng sau, người dân sẽ không thanh toán qua ngân hàng nữa mà phải thanh toán qua App của điện lực và yêu cầu chị Nguyên phải cài App. Khi chị Nguyên không hợp tác thì nhân viên giả mạo nói giọng khó chịu và dọa cắt điện.
Tương tự, anh Tiến (huyện Hóc Môn) cũng nhận được cuộc gọi tự xưng nhân viên của Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Người này cho biết đã nhận được tiền điện tháng 10 anh Tiến nhưng cần cập nhật thông tin hóa đơn của anh vì công ty điện lực đang nâng cấp ứng dụng thanh toán trực tuyến. Thực hiện đến bước cài đặt theo hướng dẫn của “nhân viên” điện lực. Thấy các đường link lạ, anh Tiến mới giật mình nhận ra bị lừa nên đã kịp thời dừng lại.
Cảnh giác để không "mất tiền oan"
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo, người dân cần lưu ý các cuộc gọi, tin nhắn từ các đối tượng không rõ danh tính, đặc biệt thận trọng khi làm theo hướng dẫn và chuyển tiền cho các đối tượng này.
Cần nêu cao tinh thần cảnh giác: Không cung cấp thông tin cá nhân; không truy cập đường link lạ và liên kết tài khoản ngân hàng của khách hàng với ứng dụng lạ.
Đặc biệt, tuyệt đối không thanh toán tiền điện vào tài khoản cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng khi chưa được xác minh.
Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
(PLPT) - Nam thanh niên ở Đà Nẵng sử dụng dữ liệu hình ảnh, video clip "nóng" từ camera bị hack của nhiều gia đình, sau đó lập tài khoản ảo đe dọa nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để giữ bí mật, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
(PLPT) - Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vừa triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.
(PLPT) - Công an tỉnh Cao Bằng vừa phát hiện và thu giữ 606,2 kg pháo nổ nhập lậu đang được các đối tượng vận chuyển đến điểm tập kết. Hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Từ ngày 01/01/2025, người điều khiển xe máy có hành vi dừng đèn đỏ quá vạch sơn gây ra tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
(PLPT) - Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
(PLPT) - Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định 14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe. Phạt đến 1 triệu đồng khi dừng, đỗ xe ô tô quá gần xe đỗ ngược chiều.