Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Giả mạo nhà đầu tư nước ngoài tái diễn chiêu lừa 'đô la đen'

Yến Nhi Thứ ba, 10/12/2024 - 20:50

(PLPT) - Một người đàn ông ở Ninh Bình bị lừa hàng trăm triệu đồng vì tin lời hai đối tượng người nước ngoài giả danh nhà đầu tư nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

Hai đối tượng Armand Willy Asse và Nanga Onguene Xavier. (Ảnh: CAND)

Ngày 10/12, lãnh đạo Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Armand Willy Asse (SN 1972), Nanga Onguene Xavier (SN 1989) cùng mang quốc tịch Cameroon và chỗ ở hiện nay tại ngõ 535 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.[1]

Theo Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, ngày 30/11, Cơ quan CSĐT Công an quận đã tiếp nhận tố giác của anh N.Q.V (SN 1985, trú tại TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) về việc bị 2 đối tượng người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt số tiền 548 triệu đồng dưới hình thức hợp tác đầu tư phân phối ngọc trai do anh V sản xuất.

Tại cơ quan công an, 2 đối tượng Armand Willy Asse và Nanga Onguene Xavier khai nhận dùng thủ đoạn giả làm nhà đầu tư từ nước Pháp sang Việt Nam tìm đối tác làm ăn, nên mang theo số lượng lớn tiền USD.

Để nạn nhân tin tưởng, các đối tượng nói dối phải ngụy trang bằng cách sơn đen tiền USD bằng hóa chất thì mới mang qua được cơ quan kiểm soát ở sân bay. Ngoài ra, mỗi lần bàn bạc việc "làm ăn", Armand Willy Asse và Nanga Onguene Xavier thuê phòng xịn ở Khách sạn Hà Nội Daewoo để hẹn nạn nhân đến. Sau đó, các đối tượng thuê xe về tận trang trại của anh V ở Ninh Bình để khảo sát, đầu tư tiền cho nạn nhân.

Thấy "con mồi" đã cắn câu, hai đối tượng hướng dẫn nạn nhân chuẩn bị các văn bản, thủ tục hợp tác. Tiếp đó, ngày 30/11, Armand Willy Asse và Nanga Onguene hẹn anh V ra để làm thủ tục nhận tiền tại khách sạn trên địa bàn quận Tây Hồ. Tại đây, đối tượng chỉ vào hộp giấy nói rằng "đô la Mỹ" cất giấu trong đó và tiền USD đã được nhuộm đen mới vận chuyển qua cửa khẩu sân bay.

Hai đối tượng người nước ngoài còn giải thích anh V, để tẩy được chất đen bám trên tiền USD cần có tiền Việt Nam đồng mệnh giá 500.000 đồng với số lượng tương ứng (1 tờ USD/1 tờ tiền Việt Nam) vì trong tiền Việt Nam có chứa thủy ngân đỏ. Các đối tượng sẽ dùng bột đặc dụng để ủ vào tờ tiền Việt Nam hút thủy ngân đỏ ra, sau đó rắc vào tờ USD bị bôi đen thì sẽ tẩy được chất đen đi.

Để anh V tin tưởng, các đối tượng còn cho biết, có mang theo máy ủ tiền đô la Mỹ và tiến hành làm thực nghiệm cho anh V xem. Ngoài ra, các đối tượng hứa hẹn, nếu nạn nhân cho mượn tiền Việt Nam đồng để tẩy đen tờ đô la Mỹ, sẽ cho nạn nhân 15% số tiền USD được hồi phục nguyên trạng.

Bị đánh vào lòng tham, do hám lợi nhuận cao, anh V đã chuẩn bị số tiền 550 triệu đồng mang đến đưa cho các đối tượng sử dụng để ủ bột màu trắng. Lợi dụng lúc ủ bột, 2 đối tượng đã đánh tráo tiền của anh V và chiếm đoạt 548 triệu đồng. Sau khi chiếm đoạt được tiền của nạn nhân các đối tượng đã sử dụng mua USD.

Tiến hành khám xét tại nơi ở của đối tượng, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ thu giữ được 6.400 đô la Mỹ và 43 triệu đồng tiền Việt Nam. Số tiền còn lại 2 đối tượng khai đã gửi về cho người thân ở Cameroon.

Lãnh đạo Công an quận Tây Hồ cũng thông tin, khi cho tiền VND vào máy để ủ, thực chất chỉ bật máy sấy tóc để phát tiếng ồn tạo lòng tin, đồng thời bấm thời gian dài để nạn nhân mất tập trung và tráo hết tiền thật.

Khi thành công, cả hai nói nạn nhân ủ số đô la Mỹ lớn nên phải mất ít nhất 2 giờ đồng hồ, cứ ngồi trong phòng trông tài sản để các đối tượng ra ngoài mua đồ ăn rồi… mất hút.

Do nghi ngờ thời gian quá 2 giờ mà không thấy hai "đối tác" quay trở lại, anh V đã kiểm tra và chỉ thấy máy sấy tóc hoạt động trong máy đánh giày với mấy bọc bột mì.

Từ tài liệu, chứng cứ và lời khai của các đối tượng, Công an quận Tây Hồ đã ra quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh giữ người, lệnh bắt người bị giữ và quyết định tạm giữ đối với hai đối tượng Armand Willy Asse và Nanga Onguene Xavier về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; đồng thời củng cố hồ sơ khởi tố các đối tượng về hành vi nêu trên.

Thế nào là lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.[2]

Các yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Khách thể của tội phạm

Là quyền sở hữu tài sản, cụ thể là các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản đối với tài sản bị chiếm đoạt. Đối tượng tác động là tài sản bao gồm tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền về tài sản.

Mặt khách quan của tội phạm

Là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà ngay lúc đó người bị chiếm đoạt không nhận ra hành vi gian dối. Dùng thủ đoạn gian dối là việc đưa thông tin giả nhưng người khác tin đó là thật. Thủ đoạn gian dối này phải có biểu hiện ra thực tế và phải có trước hành vi chiếm đoạt, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin tưởng mà giao tài sản cho người phạm tội.

Hậu quả của tội phạm là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Giữa hành vi lừa đảo và hậu quả về vật chất bắt buộc phải có mối quan hệ nhân quả.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" phải thỏa mãn cả hai điều kiện là đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, khi thực hiện hành vi họ ý thức được hậu quả của mình và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Mục đích và động cơ phạm tội không được xem là dấu hiệu định tội của tội này.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

Các khung hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể như sau:

Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với một trong các trường hợp:

- Tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng

- Tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Khung 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp:

-Có tổ chức;

-Có tính chất chuyên nghiệp;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Khung 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.[3]

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đủ các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.[4]

Ngoài ra, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải chịu hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể như sau:

- Hình phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

+ Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.[5]

[1] Minh Hiền, Hai người đàn ông nước ngoài tái diễn chiêu lừa "đô la đen", Báo Công an nhân dân, (19h22 ngày 09/12/2024), https://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/hai-nguoi-dan-ong-nuoc-ngoai-tai-dien-chieu-lua-do-la-den-i752802/

[2] Điều 174 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[3] Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[4] Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về "Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác".

[5] Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình.

Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.

Cùng chuyên mục

Chuẩn bị diễn ra Hội thảo Quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư”

Chuẩn bị diễn ra Hội thảo Quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư”

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư” sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 5/4/2025.

3 nhóm vấn đề trong Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi)

3 nhóm vấn đề trong Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi)

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

Tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi) đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Nội vụ đề xuất tập trung sửa đổi, bổ sung 3 nhóm vấn đề.

Vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân: Thực trạng và một số khuyến nghị

Vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân: Thực trạng và một số khuyến nghị

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm thiểu phổ biến vũ khí hạt nhân và quản lý nguy cơ xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này đang có dấu hiệu đảo ngược. Giới quan sát cho rằng, môi trường an ninh quốc tế ngày càng bất ổn với việc các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược và sự nổi lên của những thách thức an ninh toàn cầu khiến xu thế chính trị cường quyền và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế gia tăng

Vụ Baby Three bị nghi in hình 'đường lưỡi bò': Mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' bị xử phạt như thế nào?

Vụ Baby Three bị nghi in hình 'đường lưỡi bò': Mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' bị xử phạt như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Đồ chơi Baby Three đang đối mặt với làn sóng tẩy chay tại Việt Nam do nghi vấn in hình “đường lưỡi bò”. Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, nhà sản xuất Baby Three đã hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Vậy việc mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' có bị xử phạt?

Từ vụ 'rửa tiền' 2.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng: Trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền ra sao?

Từ vụ 'rửa tiền' 2.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng: Trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Trong vụ án 'rửa tiền' gần 2.000 tỷ đồng tại Lâm Đồng, các đối tượng sử dụng hàng chục tài khoản ngân hàng để luân chuyển tiền bất hợp pháp, hợp thức hóa qua nhiều lớp giao dịch trước khi chuyển ra nước ngoài. Vậy, trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền được quy định ra sao?

Chiêu lừa 'cộng tác viên online' tiếp tục khiến nhiều người mắc bẫy

Chiêu lừa 'cộng tác viên online' tiếp tục khiến nhiều người mắc bẫy

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Chiêu trò lừa đảo "cộng tác viên online" tiếp tục nở rộ, khiến nhiều người mất tiền oan vì những lời mời gọi hấp dẫn. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, kiểm tra kỹ nguồn thông tin chính thống để tránh sập bẫy.

Chế tài xử lý đối với tội bắt cóc trẻ em

Chế tài xử lý đối với tội bắt cóc trẻ em

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Gần đây, nhiều thông tin sai sự thật về các vụ "bắt cóc trẻ em" lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng trước những tin đồn thất thiệt.

Hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Hàng loạt các cá nhân, đội nhóm bị xử phạt vì đăng tải thông tin 'báo chốt' cảnh sát giao thông lên mạng xã hội. Vậy chế tài xử lý hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội ra sao?