Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Triệt phá đường dây cá độ bóng đá hơn 500 tỷ đồng: Tổ chức đánh bạc qua mạng bị xử lý thế nào?

Yến Nhi Thứ năm, 31/10/2024 - 13:10
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Thông qua các website trên internet, các đối tượng sử dụng tài khoản siêu tổng đại lý (super master) để tổ chức đánh bạc cho nhiều người tham gia cá độ bóng đá với hình thức cấp tài khoản cho người chơi. Pháp luật hiện hành quy định ra sao về xử lý hành vi đánh bạc qua mạng?

Đường dây cá độ bóng đá, cho vay nặng lãi với số tiền 500 tỷ đồng - 1
Các đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá, cho vay lãi hơn 500 tỷ đồng. (Ảnh: CAND)

Đường dây cá độ bóng đá, cho vay nặng lãi hơn 500 tỷ đồng

Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Hưng Yên đã triệt phá đường dây sử dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá và cho vay lãi nặng do đối tượng Nguyễn Ngọc Thành Tài, sinh năm 1983, trú tại số 2A đường Chu Văn An, phường Xương Huân, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cầm đầu.

Ngoài đối tượng Tài, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hưng Yên đã làm rõ thêm 13 đối tượng có địa chỉ thường trú tại TP Hải Phòng và các tỉnh Hưng Yên, Khánh Hòa giữ nhiều vai trò khác nhau trong đường dây.

Trong đó, Nguyễn Thế Th., SN 1982, trú tại xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên (hiện đang ở phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang) được Tài tin cậy, là đối tượng có vai trò giúp sức đắc lực cho Tài.

Thông qua các website trên internet, Tài sử dụng tài khoản siêu tổng đại lý (super master) để tổ chức đánh bạc cho nhiều đối tượng tham gia cá độ bóng đá với hình thức cấp tài khoản cho người chơi.

Đặc biệt, vào thời điểm diễn ra giải EURO 2024, Copa America, các đối tượng đã cá độ nhiều trận bóng đá, có trận lên đến hàng trăm triệu đồng.

Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, từ khi mùa giải EURO 2024 diễn ra đến nay, đối tượng T. đã di chuyển vào TP Nha Trang mua chung cư cao cấp để tổ chức đánh bạc qua mạng.

Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hưng Yên bước đầu xác định: Tổng số tiền các đối tượng giao dịch để tổ chức đánh bạc và đánh bạc từ đầu năm 2024 đến nay lên đến hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, từ thời điểm diễn ra giải EURO 2024 đến nay, tổng số tiền các đối tượng giao dịch lên đến hơn 300 tỷ đồng.

Ngoài cá độ bóng đá, các đối tượng trong đường dây còn cho các "con bạc" và người dân vay lãi nặng với lãi suất từ 3.000 đồng/1 triệu đồng/1ngày đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tương đương với mức lãi suất từ 108%/năm đến 180%/năm.

Khi người vay không trả đúng hẹn, các đối tượng sẽ dùng hung khí đe dọa hoặc tiến hành khủng bố tinh thần, buộc người vay phải trả tiền nợ.

Quá trình bắt giữ và khám xét khẩn cấp chỗ ở của 14 đối tượng, lực lượng công an đã thu giữ 2 ô tô, 3 bộ máy vi tính và các thiết bị kết nối mạng internet, nhiều điện thoại di động, hơn 8.000 trang tài liệu liên quan đến hoạt động cá độ bóng đá, cho vay lãi nặng và trên 1 tỷ đồng tiền mặt.

Đồng thời, công an đã tiến hành phong tỏa 18 tài khoản ngân hàng và tiền trong các tài khoản ngân hàng của các đối tượng trên.

Sau khi thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về các tội Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Cơ quan Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đang tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án và truy bắt các đối tượng có liên quan trong đường dây.

Trước đó, vào cuối tháng 9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã kết luận điều tra chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 34 đối tượng trong vụ án sử dụng công nghệ cao để Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Mua bán tài khoản ngân hàng và Đánh bạc.

Vụ án trên xảy ra tại tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh thành phố khác do Phạm Đăng Mong cầm đầu, với số tiền giao dịch hơn 6.000 tỷ đồng.

Triệt phá ổ nhóm tổ chức đánh bạc qua livestream trên Youtube

Vào hồi giữa tháng 10, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) triệt phá ổ nhóm tổ chức đánh bạc thông qua livestream (quay - phát trực tiếp) trò chơi điện tử trên Youtube.

Trước đó, vào ngày 25/9, cơ quan công an tổ chức đấu tranh, triệt phá, tiến hành triệu tập, khám xét đối với đối tượng Đặng Mạnh Cường (SN 1997, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cùng 11 đối tượng (7 đối tượng ở Hà Nội, 3 ở Đồng Nai, 1 ở Bình Phước); tạm giữ 5 máy tính, 11 điện thoại và các tài liệu khác có liên quan.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, vào cuối tháng 11/2018, Cường lập kênh Youtube có nội dung chia sẻ các video chơi game để kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo và donate (người chơi ủng hộ).

Quá trình vận hành kênh trên, có nhiều người xem đề nghị Cường tổ chức cá cược trong các phiên live và đối tượng đồng ý.

Khoảng giữa tháng 5/2024, Cường bàn bạc với Trần Đức Toàn và Nguyễn Duy Thiện (cùng SN 1996, ở huyện Hoài Đức) để tổ chức cá cược trên kênh Youtube của mình.

Cường phát trực tiếp video, bình luận về các game thủ nổi tiếng trên thế giới đang chơi trò chơi "League Of Legends" (chế độ chơi Teamfight Tactics - TFT) và kêu gọi người xem tham gia đặt cược cho thứ hạng chung cuộc của các game thủ này (theo thứ tự từ 1 đến 8).

Tại phần bình luận, Cường đăng tải đường link hướng dẫn người chơi đặt cược. Để tham gia đặt cược, con bạc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với nội dung chuyển khoản được quy ước.

Sau khi trận đấu kết thúc, căn cứ kết quả thứ hạng thi đấu của game thủ, nếu con bạc thắng thì nhận về 1,85 lần số tiền đặt cược, nếu thua sẽ mất toàn bộ tiền cược.

Thông thường mỗi ngày Cường livestream 2 lần. Thiện được giao làm thư ký, có nhiệm vụ cập nhật thông tin, thống kê các con bạc tham gia đặt cược.

Kết thúc mỗi trận đấu, Thiện tính toán số tiền các con bạc thắng cược và cùng đồng bọn sử dụng tài khoản ngân hàng để chuyển tiền trả thưởng cho con bạc thắng cược. Thiện giữ lại 15% tổng số tiền con bạc thắng cược để ăn chia.

Từ 14/5 đến nay, qua xác minh sơ bộ, xác định tổng số tiền các đối tượng chuyển vào, rút ra để tham gia đánh bạc là khoảng 70 tỷ đồng, với khoảng 65.000 giao dịch đặt cược, cá độ (của khoảng 1.000 người tham gia), số tiền các đối tượng được hưởng lợi qua việc tổ chức đánh bạc lên đến hàng tỷ đồng.

Nhằm che giấu dòng tiền hưởng lợi từ hành vi tổ chức đánh bạc, nhóm Cường, Thiện, Toàn cấu kết với các đối tượng Nguyễn Trọng Tụng (SN 1996, trú tại Hoài Đức), Hoàng Mạnh Hải (SN 2000, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội), T.T.N. (SN 2000, trú tại tỉnh Đồng Nai), L.H.T. (SN 2003, trú tại Đồng Nai), L.N.A.T. (SN 2003, trú tại Đồng Nai) để sử dụng các tài khoản ngân hàng nhận và chuyển tiền thắng bạc cho các con bạc.

Quá trình đấu tranh, cơ quan công an đã tạm giữ tổng số 5 máy tính, 11 điện thoại smartphone và các tài liệu khác có liên quan của các đối tượng tham gia đánh bạc.

Căn cứ kết quả đấu tranh, cơ quan Công an đã có đủ căn cứ xác định hành vi của các đối tượng có dấu hiệu tội Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội khuyến cáo mỗi người dân hãy nhận thức đầy đủ các giá trị của trò chơi điện tử, tham gia trò chơi điện tử với tâm lý giải trí lành mạnh; không tham gia cá độ, tổ chức cá độ thông qua trò chơi điện tử dưới mọi hình thức.

Quan tâm quản lý, giáo dục, vận động người thân (đặc biệt là thanh, thiếu niên) và những người xung quanh nâng cao cảnh giác, tránh xa cá độ thông qua trò chơi điện tử.

Trường hợp phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến cá độ, cần kịp thời báo tin tố giác với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội (địa chỉ: Số 55 phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để được tiếp nhận, giải quyết.

Đề nghị các doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử tiến hành rà soát, quản lý, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi vấn tổ chức cá cược thông qua trò chơi điện tử và phối hợp với cơ quan chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn.

Quy định của pháp luật về tội 'Tổ chức đánh bạc'

"Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc" là hành vi tổ chức cho người khác đánh bạc hoặc cho thuê, mượn địa điểm, phương tiện thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình (có thể là nhà ở, phòng làm việc, cơ sở kinh doanh, tàu, thuyền, xe ô tô…) để người khác sử dụng làm nơi đánh bạc trái phép, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm trật tự công cộng.

Khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, có năm trường hợp bị coi là phạm tội "Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc" sau dây:

- Trường hợp thứ nhất, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc do tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên.

- Trường hợp thứ hai, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc do sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

- Trường hợp thứ ba, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc do tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;

- Trường hợp thứ tư, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc do có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

- Trường hợp thứ năm, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc do đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tổ chức đánh bạc qua mạng bị xử lý thế nào?

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đánh bạc

Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi đánh bạc trái phép như sau:

"Hành vi đánh bạc trái phép

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;

b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;

b) Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng;

c) Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép;

d) Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép;

đ) Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:

a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;

b) Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc;

c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;

d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây:

a) Làm chủ lô, đề;

b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;

c) Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;

d) Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b, khoản 3; các điểm b, c và d, khoản 4 và khoản 5, Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều này;

c) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5, Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b, khoản 3; các điểm b, c và d, khoản 4 và khoản 5, Điều này."

Dựa vào căn cứ nêu trên, thì người đánh bạc qua mạng có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;

- Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép.

Đánh bạc qua mạng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Người có hành vi đánh bạc qua mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

"Tội đánh bạc:

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng."

Như vậy, hành vi đánh bạc qua mạng có thể bị phạt tù đến 7 năm. Đồng thời có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền đến 50.000.000 đồng.

Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.

Cùng chuyên mục

Quy định pháp luật về việc góp vốn sau khi thành lập công ty cổ phần

Quy định pháp luật về việc góp vốn sau khi thành lập công ty cổ phần

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  7 giờ trước

(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.

Từ vụ 8 người trong gia đình dùng bom xăng tấn công lực lượng chức năng: Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Từ vụ 8 người trong gia đình dùng bom xăng tấn công lực lượng chức năng: Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  8 giờ trước

(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  8 giờ trước

(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Người đàn ông bị khởi tố vì đăng tải thông tin xuyên tạc: Quy định của pháp luật về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội

Người đàn ông bị khởi tố vì đăng tải thông tin xuyên tạc: Quy định của pháp luật về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?

Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc bán trên Tiktok Shop: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử lý ra sao?

Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc bán trên Tiktok Shop: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử lý ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?

Giả mạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá: Buôn lậu thuốc lá bị xử lý như thế nào?

Giả mạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá: Buôn lậu thuốc lá bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?

Triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh 2.000 tỷ đồng: Quy định của pháp luật với hành vi đánh bạc qua không gian mạng

Triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh 2.000 tỷ đồng: Quy định của pháp luật với hành vi đánh bạc qua không gian mạng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Giả danh cán bộ lừa đảo 'chạy án' bằng tiền điện tử USDT: Hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý như thế nào?

Giả danh cán bộ lừa đảo 'chạy án' bằng tiền điện tử USDT: Hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?

Đọc nhiều